Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Tiếng cu gù dọc đường Nguyễn Tri Phương

Tiếng cu gù dọc đường Nguyễn Tri Phương

Thứ Ba 27, Tháng Mười Một 2007

Cây đa cổ thụ trước Hội trường Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hồng Vĩnh

...Tiếng cu cườm gù đâu đây lại theo những sải chân đưa tôi quày quả lại ba gốc đa lớn trong khuôn viên của hội trường Bộ Quốc phòng. Câu chuyện về người xưa dường như có thêm một khoảng ngậm ngùi...

Đang phải chờ xây nhà Quốc hội mới nên kỳ họp QH khóa XII này họp tạm ở Hội trường Bộ Quốc phòng chỗ số 5-7 đường Nguyễn Tri Phương. Một bữa nhằm giờ giải lao, tôi may mắn được gặp tướng Trà là khách mời của Quốc hội.

Tướng Phạm Văn Trà bữa ấy trong bộ âu phục màu sẫm ngó lành và gần hơn những đận ông vận quân phục mà tôi đụng đây đó tại một số hội nghị.

Ngó cung cách mặn chuyện lẫn cởi mở khi ông bật mí cho tôi (tất nhiên chả phải là những điều cấm kỵ lẫn bí mật) trong quá trình xây dựng khu hội trường Bộ Quốc phòng, cái nhà họp to nhất toàn quân chợt thấy ông hao hao phong thái của một Tổng công trình sư am tường công việc nào đó!

Hóa ra chả phải chỉ lực lượng công binh đảm trách công trình này như có lần tôi nghe phong thanh mà nhiều đơn vị xây dựng thiện chiến của QĐND Việt Nam tham góp.

Chuyện họ đã cố gắng giữ lại cảnh quan của thành cổ những gì có thể giữ lại cho lịch sử lẫn cảm tình cho hậu thế... Tỷ như ba cây đa cổ thụ ngay trước hội trường như hiện nay, những gốc thụ mộc mà cái thời các vua Lý bàn việc ở điện Kính Thiên thì không dám chắc nhưng dứt khoát các cụ đa đề kia hẳn là chứng nhân của giấy phút Nguyễn Tri Phương lẫn Tổng đốc Hoàng Diệu bỏ mình khi giữ thành Hà Nội?

Mới đây một trưa qua giờ giải lao, với cái thẻ được phép ra vô nhà 5/7 đường Nguyễn Tri Phương, những sải chân dần rời khỏi ba gốc thụ mộc rất gợi lẫn hùng kia, tôi lang thang dọc đường mang tên người con đất Thừa Thiên nhưng suốt 134 năm nay trở nên thân thiết với người tứ xứ, đặc biệt là dân Hà thành.


North Gate Of Hanoi Old Castle

Cảm ơn thời đổi mới, mấy năm nay đã phát lộ ra con đường Nguyễn Tri Phương (có từ non 60 năm trước) xuyên từ Tây Nam ra Đông Bắc thành cổ. Không dám coi đây là con đường tĩnh nhất trong cái thành phố luôn ầm ào nhung nhúc những người, chợt có chút cảm khái trong cái trưa hoe hoe non nắng này được sải những bước mà bên mình cứ mướt mát sắc xanh, thi thoảng rất gần mà lại xa vắng âm thanh của tiếng cu cườm gù cùng tiếng lích chích của bầy sẻ đâu đây. Trưa của tháng mười một này lại thoát nhớ về cái ngày 20/11 năm 1873 định mệnh.

Như ta đã biết và sử đã chép, sau 2 tối hậu thư cho Tổng đốc Đông Kinh tức Nguyễn Tri Phương yêu cầu không được dùng vũ lực đối với đội quân của F. Garnier, thấy không có trả lời lẫn động tĩnh gì, vào lúc 5 giờ sáng ngày 20/11, F. Garnier hạ lệnh tấn công thành Hà Nội.

Các tài liệu chính sử dường như chỉ thể hiện qua loa là chả mấy chốc thành Hà Nội thất thủ, Nguyễn Tri Phương bị thương, sau đó ông đã mất vì vết thương quá nặng.

Nhưng trong cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888 (viết vào khoảng những năm 20 của thế kỷ XX) nhà sử học André Masson đã cho công bố báo cáo của F. Garnier gửi cho Thống đốc Nam Kỳ chi tiết về cuộc tấn công thành Hà Nội do đích thân mình chỉ huy. Đoạn trích sau đây mãi giờ mới được công bố qua bản dịch của dịch giả Lưu Đình Tuân.

Năm giờ rưỡi sáng toán thứ nhất gồm 30 thủy binh và một khẩu pháo 4 do trung úy hải quân Bain de Coquerier chỉ huy rời trại để vào vị trí trước cửa Tây nam thành. 5 giờ 45 phút, toán thứ hai gồm 30 pháo thủ hải quân do ông Trentinian chỉ huy lên đường đến Cửa Đông Nam. Rồi ông Esmez khi đó cũng dẫn 30 thủy binh và 3 khẩu pháo 4 cũng tiến về hội quân. Theo sau ông ta có một đội dự bị gồm 20 thủy binh. Ngoài sông Hồng, các pháo hạm Scorpion và Espignole chuẩn bị bắn phá...

Đúng 6 giờ sáng, tôi dẫn đầu đơn vị đặt chân lên cầu lũy bán nguyệt Đông Nam. Tiếng súng trường (mousqueton) của ông Bain nổ bên trái tôi cùng những quả đạn đầu tiên của pháo thuyền ngoài sông Hồng bắn thẳng vào thành.

Quân địch hoàn toàn bất ngờ. Bị nhiều đợt tấn công dồn dập, họ không biết điểm nào là điểm thực sự bị tấn công. Chúng tôi giải tỏa cầu khỏi những tấm chông bừa bãi khắp nơi mà không sợ đạn bắn. Khi các pháo thủ An Nam trên thành lũy vào được vị trí thì chúng tôi đã ẩn được ở sát tường công sự. Những người phòng thủ chỉ còn cách ném đá xuống.

Chúng tôi dùng rìu búa nhưng không phá được cửa thành. Tôi bèn cho đặt khẩu đại bác trên cầu và ba phát đạn liên tiếp đã mở đường cho chúng tôi. Ngay lập tức ông Trentinitan và toán bộ binh của hải quân lao vào bên trong công sự góc. Tại đây quân phòng thủ không ẩn được phải chạy lên thềm đất ở chân thành. Làn hỏa lực mãnh liệt của chúng tôi hướng vào những người trên mặt lũy và làm thất bại ý định của các pháo thủ địch nhiều lần định chĩa pháo về phía chúng tôi.

... Trong thời gian trên, ông Esmez cho pháo chiếm vị trí trên cầu và bắn thủng cánh cổng trong tiếng rào rào của đá từ trên lũy ném xuống. Chiếc cửa vững chắc này chống đỡ khá lâu. Khi mở được lối vào, tôi lao vào vòm cổng cùng với mấy người lính theo sau và ngay tức khắc nhận ra trước mặt mình mấy người đang cầm lọng che cho một vị quan đang chỉ huy phòng thủ. Tôi cũng bất ngờ khi nhận ra vị quan này chính là tướng Nguyễn Tri Phương. Sự ngẫu nhiên khiến vị trí chỉ huy của ông ta lại chính cửa tôi phải tấn công! Một cuộc đụng độ ngắn bằng súng lục đã giải quyết hoàn toàn khu vực phía cổng. Lính An Nam chạy tứ tán. Một lúc sau ông Esmez cho tung bay trên đỉnh cột cờ lá cờ ba màu của Pháp đồng thời cũng là tín hiệu quy ước để các pháo hạm ngoài sông ngừng bắn phá. Lúc đó là 6 giờ 55 phút. Vài phút sau cờ Pháp bay trên năm cửa thành. Chúng tôi không có nguời nào bị thương.

Trong những lá thư gửi Thống đốc Nam Kỳ được trích trong cuốn sách, không thấy F. Garnier đề cập tới việc Nguyễn Tri Phương bị thương rồi bị bắt và quân Pháp đã chăm sóc vết thương cho ông rồi bị cự tuyệt ra sao...

(Chúng ta cũng nên nhớ trong trận chống lại cuộc tấn công thành Hà Nội lần thứ nhất này, người con trai của Nguyễn Tri Phương là Nguyễn Lâm đã anh dũng hy sinh. Và 12 năm trước, trong trận quyết tử bảo vệ đồn Kỳ Hòa - Chí Hòa bây giờ, Nguyễn Tri Phương đã chỉ huy việc giữ thành và bị thương nặng ở bụng. Không biết vết thương ở bụng do mảnh pháo Pháp gây nên ngày 20/11/1873 có trùng với vết thương cũ hay không?)

Cũng không thấy F. Garnier đả động gì đến việc Nguyễn Tri Phương được quân Pháp (chắc chắn có sự đồng ý lẫn bảo trợ của F. Garnier) để trong thành và cố gắng cho thầy thuốc điều trị vết thương ngõ hầu nhằm khuất phục lẫn lợi dụng. Song Nguyễn Tri Phương đã cương quyết cự tuyệt hất bỏ thuốc men lẫn cơm cháo khiến quân Pháp rất khâm phục.

Ngày 20/12/1873 tức ngày Mồng Một tháng 11 năm Quý Dậu, Hiệp Biện đại học sĩ lãnh lại Bộ Thượng thư, sung khâm mạng Tuyên sát Đổng sức đại thần Nguyễn Tri Phương đã trút hơi thở cuối cùng!

Có một chi tiết khá thú vị là trước khi tấn công thành Hà Nội, cũng trong thư gửi Thống đốc Nam Kỳ, F. Garnier đã ghi lại cuộc gặp gỡ Nguyễn Tri Phương để thương thuyết qua sức ép và sự nhu nhược của Triều đình Huế.

... Ông Dupuis [1] đã cho tôi biết sự có mặt ở Hà Nội của Tổng trấn Bắc Kỳ, tướng Nguyễn Tri Phương địch thủ cũ của chúng ta ở Kỳ Hòa cũ [2] mà ngài đã yêu cầu triệu hồi.

Qua viên cố đạo người An Nam phái gấp đến chỗ tôi để yêu cầu tôi chờ nhà cầm quyền chuẩn bị việc đón tiếp, tôi biết tướng Nguyễn Tri Phương vẫn còn trong thành Hà Nội. Ngay lập tức tôi tới chỗ ông ta, đồng thời truyền lệnh cho ông Trentinitan mang 20 người chờ tôi ở cổng thành.

Tôi qua cổng không gặp một trở ngại nào. Người ta bắt tôi hai lần phải dừng lại để chờ tướng Phương sau đó đi vào phòng tiếp kiến. Viên tướng xuất hiện trong y phục dùng trong nhà. Ông ta tỏ ra nhanh trí vừa bắt tay vừa nói với tôi mấy câu tiếng Pháp cho mang ra đồ giải khát, giới thiệu với tôi viên khâm sai của Triều đình và Tuần phủ Hà Nội có mặt.

Tròn một tháng sau trận tấn công thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương trút hơi thở cuối, thọ 73 tuổi.

Ngày 22/12/1873 Francis Garnier bị quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc mai phục giết gần Ô Cầu Giấy. Cái xác mất đầu của Garnier được trung sĩ Champion mang về thành cùng xác hai lính thủy bị giết. Lái buôn kiêm gián điệp Jean Dupuis đã tả lại qua trích dẫn của André Masson.

...Không có gì kinh khủng hơn những cái xác không đầu đó. Cái xác trải dài trên rơm y nguyên như lúc mang về chiều hôm trước. F. Garnier cánh tay phải bị đứt, tay trái để xuôi theo thân. Chân phải đi giày chân trái chỉ có tất ngắn. Quần áo tả tơi, khắp người đầy vết gươm và giáo. Ngực bị mổ. Tim bị lấy mất. Da bụng bị lột hai tay co quắp. Các thi thể được đóng trong áo quan bằng gỗ rất dày và được chôn gần Hoàng Cung chỗ hai gốc đa lớn....

Trong sách của mình, André Masson cũng trích tài liệu của G. Dupuis rằng mãi đến ngày 6/1/1884 tức là 11 năm sau, người ta mới tìm thấy đầu của F. Garnier và chôn sau cùng với thây. Một chi tiết là sau khi mất, Nguyễn Tri Phương được chôn cất ngay trong thành. Francis Garnier cũng được chôn trong thành. Sau này Nguyễn Tri Phương được đưa về an táng ở quê nhà thôn Đường Long, Chánh Lộc, huyện Phong Điền, Thừa Thiên. Còn F. Garnier mấy năm sau được đưa về chôn ở nghĩa trang nằm trong khu Nhượng địa của Pháp.

...Tiếng cu cườm gù đâu đây lại theo những sải chân đưa tôi quày quả lại ba gốc đa lớn trong khuôn viên của hội trường Bộ Quốc phòng. Mấy hôm trước, cũng chỗ gốc đa đây, khi tôi hỏi áng chừng ở vị trí nào trong khu vực thành cổ Nguyễn Tri Phương dính đạn Pháp trong cuộc hãm thành lần thứ nhất ấy, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc nói luôn đại ý đâu cũng trong khoảng mênh mông của khuôn viên này mà thôi. Câu chuyện về người xưa dường như có thêm một khoảng ngậm ngùi khi ông nhắc đến cái gương một nhà mà ba người bỏ mình vì nước... Về một ông quan, một võ tướng mà vua Tự Đức trực tiếp cải tên từ Nguyễn Văn Chương thành Nguyễn Tri Phương dũng thả tri phương (thừa dũng mãnh lắm mưu mẹo). Cũng chính vua Tự Đức gửi áo ấm cho ông khi những ngày lạnh trấn thủ thành Thăng Long áo này là áo ngự dùng trong mùa lạnh. Ta ban cho khanh để tỏ là người có công đức và tăng thêm vẻ quân dung...

...Không biết trong bữa trưa non nắng đường Nguyễn Tri Phương cứ thi thoảng lại dậy lên tiếng cu gù này, tôi tự dưng có một ý nghĩ lẩn thẩn là, có lẽ trong khuôn viên kia của Hội trường Bộ Quốc phòng hoặc ở quãng giữa hay đầu đường Nguyễn Tri Phương nên có một miếu thờ nho nhỏ hay khiêm hơn, một tấm bia đá ghi vắn tắt về việc bỏ mình vì Hà Nội lẫn vì nước của Nguyễn Tri Phương?

Lại kèm đôi câu đối thờ ông ở đền Trung Liệt:

Thử thành quách thử giang sơn bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh vi hà nhạc thập niên tâm sự vọng [3] thanh thiên

Thử thành quách thử giang sơn bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh vi hà nhạc thập niên tâm sự vọng [4] thanh thiên

Hà thành ngày giỗ lần thứ 134 Nguyễn Tri Phương

Xuân Ba (TPCT)


Xem online : Nguyễn Tri Phương (1800-1873)


[1lái buôn kiêm gián điệp - XB

[2Pháp bắt đầu tấn công đại đồn Chí Hòa đêm 23/2/1861. Suốt 2 ngày 2 đêm, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương quân ta đã chiến đấu rất dũng cảm khiến giặc Pháp kinh hoàng. Viên quan năm Palanca cùng 4 sĩ quan cao cấp, 121 hạ sĩ quan và 1.805 liên quân xâm lược bị giết tại trận. Trong trận này, Nguyễn Tri Phương bị thương nặng vào bụng. Người em trai là tướng Nguyễn Duy, trong trận này cũng bỏ mình vì nước- XB

[3XB đọc nhầm chữ "vọng", thực ra là "cộng" (xem bài sau).

[4XB đọc nhầm chữ "vọng", thực ra là "cộng" (xem bài sau).