Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Cuộc sống > Thể thao > Choji Suzuki (1919-1995)

1356 Người mang karate đến Việt Nam:

Choji Suzuki (1919-1995)

Thứ Năm 29, Tháng Mười Một 2007, bởi CTV

Tôi biết về tổ sư Choji Suzuki thông qua người học trò của ông - võ sư Nguyễn Văn Dũng, cán bộ phụ trách văn-thể-mỹ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, nguyên Trưởng tràng hệ phái Suzucho Karatedo Việt Nam.

Bằng giọng Huế nhỏ nhẹ, ông Dũng nói về “cái đạo” trong võ học: “Lúc đầu tôi học võ là để đi trả thù. Tôi nhớ mãi hình ảnh một đám côn đồ vây đánh thầy giáo dạy văn của tôi trước sự bất lực vì yếu ớt của mình. Tôi tìm đến võ thuật với ý đồ như vậy. Nhưng càng học karate với thầy Suzuki thì những ý niệm đó trong tôi biến mất. Karate không còn là một thứ võ công thông thường, nó đã nâng lên thành đạo. Đạo của một người quân tử. Đạo lý của karate dựa trên lẽ sống cao thượng, tu dưỡng thân tâm, tôn trọng đối phương như tôn trọng chính mình, hoàn toàn phủ nhận bạo lực, không hiếu chiến và thù hận. Vì vậy, một võ sĩ karate chân chính không bao giờ tấn công trước (karate no go sen) mà chủ yếu là hóa giải để tự vệ. Do tính chất đặc trưng của môn võ, phản công cũng là tấn công nên thường dễ xảy ra thương vong. Do đó, các thế hệ học trò trong hệ phái đều được giáo huấn bằng những luật lệ rất khắt khe để hạn chế điều này”.

Đi tập kết không thành

Cuộc đời võ nghiệp của võ sư Choji Suzuki gắn với nhiều huyền thoại. Trong thế chiến thứ II, một tàu chiến của Nhật bị chìm trên biển Thái Bình Dương. Một người lính sau nhiều ngày lênh đênh trên biển với tấm ván nhỏ được một tàu cá cứu sống. Sau đó, ông lưu lạc sang Trung Quốc, đến Malaysia rồi tới Việt Nam. Tài sản mang theo là môn karatedo từ xứ hoa anh đào truyền bá vào Việt Nam.

Theo tài liệu của hệ phái Suzucho Karatedo Việt Nam ghi lại thì võ sư Choji Suzuki sinh ngày 10-6-1919 tại Kasagami, thành phố Tatajo, tỉnh Miyagi thuộc phía bắc Nhật Bản. Ông là anh cả của gia đình có bốn người con thuộc dòng họ Suzuki.

Ông đến với võ thuật từ lúc tám tuổi và được một thiền sư trong vùng chỉ giáo. Ông học cả judo và karatedo. Năm 19 tuổi, cũng như bao chàng trai trẻ khác, ông tìm đến thủ đô Tokyo tráng lệ để mưu sinh và lập nghiệp. Năm 21 tuổi, ông bị động viên và gia nhập quân đội Thiên Hoàng. Sau khi Nhật đầu hàng đồng minh vào năm 1945, với tinh thần của một võ sĩ đạo và yêu lẽ phải, ông đã ở lại Việt Nam và tham gia mặt trận Việt Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, Suzuki mang tên Việt là Phan Văn Phúc. Cùng với nhiều người Nhật tham gia kháng chiến, ông lấy tên chung cho mọi người là “Người Việt Nam mới”.

Theo võ sư Nguyễn Văn Dũng, vào khoảng năm 1949, từ mặt trận liên khu IV, thầy Suzuki được thuyên chuyển vào công tác tại mặt trận Liên khu V với nhiệm vụ sản xuất dụng cụ y tế. Cơ sở đặt tại chợ Chùa (Quảng Ngãi). Mỗi tháng đều đặn đúng ba lần thầy dẫn đoàn nhân công vận chuyển dụng cụ y tế vào vùng giải phóng. Ngoài ra, thầy còn dạy võ cho các du kích quân.

Sau hiệp định Giơnevơ, ông cũng ở trong đoàn quân tập kết ra Bắc. Nhưng do đi trễ và đi bằng ghe bầu nên ra đến Huế thì bị chặn lại. Trên ghe là hai bao gạo và ba bao tời sọc xanh tín phiếu bạc của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thế là ông bị bắt vào Ty cảnh sát. Từ đó, ông bị buộc phải dạy võ cho cảnh sát ở đây. Sau năm 1975, cũng vì chuyện này mà ông phải đi tập trung học tập chín tháng ở Thủ Đức.

Võ đường đầu tiên

Trước đó, vào những năm 1954, nhận lời mời của một người bạn, thầy Suzuki đã dọn về Huế để sinh sống. Võ đường đầu tiên cũng là nhà của ông tại 8 Võ Tánh (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Huế. Gọi là võ đường nhưng đó chỉ là căn nhà ống có chiều ngang hơn sáu mét, dài hơn ba chục mét. Đây là võ đường đầu tiên của karate Việt Nam.

Do bận công việc nên những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ ông mới về võ đường. Đó là những ngày võ đường rộn ràng như ngày hội. Gặp ông, bọn đệ tử choai choai sợ xanh mặt. Trước lúc ra sân, bao giờ ông cũng liếc qua một vòng xem có đệ tử nào tóc dài, móng tay nhọn, võ phục nhàu nát, dơ dáy... Thế là bài lễ được thầy đem ra giảng trước, sau đó mới chỉ thế phân đòn cho các môn sinh.

Trên bàn thờ của thầy Suzuki tại võ đường Nghĩa Dũng, chiếc đèn thờ lúc nào cũng tỏa sáng, hoa trái mới tinh tươm. Việc tôn sư trọng đạo trong võ học được đặt lên hàng đầu. Nó còn là công cụ giáo dục cho các môn đệ tưởng nhớ người thầy dạy dỗ mình.

Ông Dũng nói tiếp, hồi đó vì nghe theo kẻ xấu, trong đám học trò của thầy Suzuki có một người phản thầy và có ý định hại thầy. Biết được chuyện, bọn học trò định tập trung lại xử tên nghịch đồ này nhưng thầy đứng ra ngăn cản. Thầy bảo: “Trị thì dễ, bao dung, tha thứ mới khó. Các con không được vọng động. Hãy để người học trò ấy tự phán xét”.

Hơn 30 năm chung sống tại Việt Nam, với những biến cố thăng trầm của lịch sử, võ sư Choji Suzuki coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Năm 1978, ông hồi hương về Nhật, tiếp tục nghiên cứu võ học và chỉ đạo sự phát triển của hệ phái. Ông có ba người con mang dòng máu Việt - Nhật. Các con ông đều lấy tên theo quê mẹ, đó là: Ngọc Mỹ (Michico), Minh Đức (Tokuo) và Minh Ý (Eiji).

TẤN VŨ (PL)

Tham khảo

Toàn bộ hệ thống võ học của Suzucho Karate Do ẩn sâu trong 9 bài quyền được coi là đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI. Triết lý của nó được hiểu như sau:

“YEN là đồng tiền, biểu tượng của sự giàu có, phong phú. Quá trình luyện tập Karate chính là một quá trình tự thăng hoa mình, un đúc cho mình một cái tâm tràn đầy như nước, một cái thần trong sáng như trăng, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển được, một cái đức nhân ái công bằng và cao thượng; một tri thức thấu đáo mọi lẽ; một cốt cách ung dung trầm tĩnh, đĩnh đạc. Đó là quá trình đạt đến sự hòan mỹ. MAKI là cuộn, quyền, là quyền lực. Quá trình luyện tập Karate là quá trình un đúc cho mình sức mạnh, bản lĩnh, quyền năng để vượt thắng những tác động của thiên nhiên: gió mưa, nóng lạnh, bệnh tật; những cám dỗ của trần thế; sắc đẹp, tiền tài, danh vọng; và nỗi sợ hãi trước lẽ thành bại, được mất, sống chết của kiếp người. Đó là quá trình đạt tới cõi tự tại, tự giác”. (Huyền đai đệ bát đẳng Nguyễn Văn Dũng, Huế)

Đứng đầu hệ phái là Chưởng môn, điều hành hệ phái là một ban chấp hành mà đứng đầu là Trưởng tràng, bên dưới Ban chấp hành là các phân đường của các tỉnh thành. Theo lời kể của các cao đồ như Trương Đình Hùng, Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Thêm v.v… thì lúc bấy giờ việc xin vào thụ giáo ở võ đường 8 Võ Tánh không phải là chuyện dễ, bởi võ sư Choji Zuzuki chỉ chấp nhận truyền thụ cho những môn đồ trước hết phải có đạo đức tốt, không rượu chè, cờ bạc, việc dạy Lễ, Tâm luôn được coi trọng hàng đầu. Từ cái nôi võ đường số 8 Võ Tánh, chỉ sau 45 năm hệ phái đã có gần 40 phân đường ở các tỉnh thành từ Lạng Sơn đến Hà Nội, TPHCM, Côn Đảo v.v…, số môn sinh hiện đã lên con số hàng vạn, trong đó có những môn sinh đã trở thành huấn luyện viên xuất sắc của đội tuyển quốc gia như HLV Đoàn Đình Long, Lê Công, Lê Văn Thạnh; những môn sinh xuất sắc như Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Phạm Hồng Hà, Vũ Kim Anh … đã mang vinh quang về cho quốc gia bằng những huy chương vàng, bạc từ đấu trường Sea Games và Asiad; những trí thức nổi danh như tiến sĩ Lê Hoài Trung, tiến sĩ Lê Đình Khánh, tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp … và cả nhà văn nhà báo tên tuổi như Nguyễn Ngọc Thạo, Lê Thanh Phong v.v… Rất nhiều môn sinh sau này có dịp định cư hoặc học tập ở nước ngoài đã mở được 6 phân đường chi nhánh ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Bỉ, Ý, Áo.

Năm 1978 Choji Zuzuki cùng vợ con quay về định cư ở Nhật Bản nhưng vẫn giữ cương vị chưởng môn của hệ phái Suzucho Karate Do. Ông mất năm 1995 tại quê nhà. Một năm sau đó, con trai trưởng nam của ông là Phan Văn Minh Đức (Tokuo Suzuki) đăng quang chưởng môn đời thứ 2 tại Nhật Bản. Năm 2005 người con gái lớn của võ sư Choji Suzuki đã quay về Huế thay mặt gia đình hiến tặng căn nhà số 8 Võ Tánh cho ngành thể dục thể thao Thừa Thiên – Huế.

Lương Duy Cường (NLĐ)


Xem online : Suzucho Karatedo