Một số từ nên sửa sai trong nói và viết

Xã hội ngày càng phát triển thì ngôn ngữ cũng ngày càng phát triển theo, phong phú lên. Người ta đặt ra các từ mới tùy theo đặc điểm, tính chất của sự vật, công việc bằng nhiều cách của ngôn ngữ vay mượn từ nước ngoài. Ví dụ: Xe máy, bơm đẩy, tay đua, vùng trời, truyền hình, cáp quang, a xít, ga la, em xi (M.C: người dẫn chương trình), G.D.P v.v... để đáp ứng nhu cầu thông tin, giao tiếp thuận lợi.

Trong quá trình sáng tạo ấy, nhiều từ mau chóng được chấp nhận vì nó dễ hiểu và phản ứng đúng, khéo tư duy cộng đồng và nhận thức của quần chúng. Đương nhiên sẽ có những từ bị loại bỏ, rơi vào lãng quên và mất đi hoặc phải mang theo một nghĩa mới. Trong việc này (chấp nhận hoặc loại bỏ), các phương tiện thông tin đại chúng đóng vai trò vô cùng quan trọng và có công rất lớn trong việc làm giàu tiếng Việt của ta nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Nhưng gần đây, có một số từ ngữ thường xuyên bị sử dụng sai. Người ta cứ dùng một cách tự nhiên như nó vốn đã chuẩn như thế, khiến những người hiểu biết không khỏi băn khoăn.

Trong bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vài ví dụ phổ biến.

1. Kiểm tra miệng (K.T.M): Đây là thuật ngữ phổ biến trong nhà trường. Sổ sách cũng ghi (M) để chỉ việc giáo viên kiểm tra trực tiếp bằng hỏi - đáp từng học sinh. Đã có những nụ cười châm biếm: Chú trò nhỏ đòi mẹ mua bàn chải và kem đánh răng vì cô giáo dặn ngày mai K.T.M! Miệng là công cụ để nói. Dùng phép hoán dụ tạo từ, lấy phương tiện để chỉ sự việc, hoàn toàn có thể dùng cụm từ “K.T.M”, “Kiểm tra giấy”. Tuy nhiên, bên cạnh K.T.M, chương trình lại ghi kiểm tra viết 15 phút hoặc viết một, hai tiết, ký hiệu là (V). Thế là sinh ra cọc cạch trong dùng từ. Kiểm tra viết là chính xác, vì vậy nên đổi K.T.M thành "kiểm tra nói". Nói và viết rõ ràng là hai cách để thể hiện tư duy và kiến thức. Kiểm tra nói, chữ gọn và nghĩa càng rõ. Sao ngành Giáo dục vẫn không sửa? Đã thế, còn phát triển loại hình Tập làm văn (TLV) miệng(!) mà không dùng TLV nói! Vì thế, có giáo viên đã gọi đùa bài TLV viết là TLV tay! (để đối xứng mà).

2.Vấn nạn: Theo Đại từ điển Việt Nam thì vấn nạn là nạn bị hỏi vặn vẹo quá nhiều! Nhưng ngày nay, người ta lại dùng như một nạn vấn vít, rối bòng bong, khó gỡ, khó giải quyết (!). Ví dụ: Tham nhũng đang là một vấn nạn! Dạy thêm, học thêm đang là một vấn nạn trong giáo dục! Vấn nạn ly hôn đang phổ biến ở giới trẻ...

3.Cứu cánh: Theo từ điển tiếng Việt 1992 của Viện Ngôn ngữ thì: Cứu cánh là một danh từ chỉ mục đích cuối cùng; ví dụ: nghệ thuật là phương tiện, không phải là cứu cánh. Nhưng ngày nay đài, báo hay dùng như nghĩa của “cứu giúp”. “Đi làm thêm là cứu cánh của sinh viên”- “Trong khi xuất khẩu còn đang gặp trục trặc thì phải coi tiêu thụ trong nước là cứu cánh” v.v... Có lẽ do chữ “cánh” dễ gợi người ta đến sự nâng đỡ? “Trên đường dài hai cánh đỡ ta đi” (Tố Hữu-Sáng tháng Năm).

Việc dùng sai ngày càng nhiều, đặt chúng ta giữa hai con đường: Chấp nhận nghĩa nào? Chả lẽ lại công nhận cả hai để rồi sẽ gây không ít hiểu lầm, nhất là cho người nước ngoài? Một khi nó trở thành văn bản hội nhập, giao dịch thì tác hại sẽ không thể coi là nhỏ.

Trong lịch sử không phải không có những trường hợp từ Hán bị chuyển nghĩa hoàn toàn khi thành từ Hán Việt. Chẳng hạn “tử tế” trong tiếng Hán có nghĩa là tỉ mỉ, sang tiếng Việt đã thành cách đối xử đầy đặn, chu đáo. Trải qua hàng ngàn năm, không còn người Việt nào hiểu tử tế là tỉ mỉ nữa. Còn “vấn nạn", "cứu cánh” vẫn song song hai khái niệm, một đúng, một sai. Theo tôi nên chọn lấy một.

4.Người đương thời: Cũng theo định nghĩa của Từ điển tiếng Việt thì “Đương thời: Thời bấy giờ”. Vậy người đương thời có nghĩa là người thời ấy, người thuở ấy. “Những bạn đương thời của Nguyễn Du” (Huy Cận). Đó là những con người trong quá khứ. Nhưng VTV lại dùng với nghĩa là người bây giờ (!). Tại sao không dùng là "Người ngày nay" cho thuần Việt và cũng rất ấn tượng chứ sao? Phải chăng vì bệnh sính chữ nước ngoài mà dùng sai? Xin đừng để cho người ngày nay phải chấp nhận sai mãi thành đúng! Vâng, nếu vẫn thích dùng “chữ” thì xin dùng: “Người đương đại" cho phải phép!

5.Trò chơi khán giả: Tôi nghe cụm từ này thấy vướng quá. Nhưng nó cứ tồn tại từ hai năm nay trong chương trình trò chơi âm nhạc trên VTV3. Vậy là người ta lấy khán giả (người xem) ra làm trò chơi (!?) như chơi cù, chơi đu, chơi bài, chơi ô ăn quan v.v...? Thật bất nhã quá! “Phần chơi của khán giả” hoặc “Khán giả cùng chơi” văn minh, khiêm tốn, đúng nghĩa biết bao! Về mặt chữ nghĩa có gì dài hơn đâu?

Trên đây chỉ là vài ví dụ. Nó như những hạt sạn trong bát cơm thơm ngôn ngữ hiện đại của chúng ta. Chúng tôi rất mong có sự uốn nắn để tiếng Việt yêu quý ngày càng giàu đẹp và trong sáng! Sai thì sửa, có chi mà ngần ngại?

PHƯƠNG THỦY
(Đại học HUFLIT - TPHCM)