Trang nhà > Hà Nội > Nhân vật > Lương Văn Can (1854-1927)
Lương Văn Can (1854-1927)
Thứ Bảy 10, Tháng Hai 2007, bởi
Hiệu Ôn Như, người làng Nhị Khê, nay thuộc Hà Nội. Thời niên thiếu theo học trường của cụ Cử làng Vũ Thạch, nay là nhà số 7 phố Tràng Thi, Hà Nội. Năm 1865 đỗ cử nhân. Năm 1879 mở trường dạy học tại Hàng Đào. Vợ là Lê Thị Lễ, con gái tú tài Lê Anh Sơn ở làng Bình Vọng, có cửa hàng Quảng Bình An ở phố Hàng Ngang. Lương Văn Can đã đọc Montesquieu, Voltaire, Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu… và từng làm thơ ca ngợi Cách mạng Pháp 14-7-1789.
Năm 1907, Lương Văn Can là người cùng sáng lập Đông Kinh nghĩa thục (xem mục dưới). Đông Kinh nghĩa thục hoạt động chưa được một năm thì đã bị đóng cửa. Nguyễn Quyền, Lê Đại… bị bắt đi đầy. Lương Văn Can bị gọi ra tòa, nhưng ông dùng lý lẽ cứng cỏi bác lại, nên chúng không thể khép tội được. Vợ ông đã bán cửa hàng Quảng Bình An, trang trải hết các khoản nợ nần khoảng 7.000 đồng bạc Đông Dương của Đông Kinh nghĩa thục, "để ông theo trọn con đường phụng sự Tổ quốc…" (Lương gia thế phả).
Một năm sau, con trai cả của ông bà là Lương Trúc Đàm bị bệnh chết; hai con thứ là Lương Nghị Khanh và Lương Ngọc Quyến trốn sang Nhật theo phong trào Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu. Khi xảy ra vụ đầu độc quân Pháp ở Hà Nội, Lương Văn Can liên tục bị gọi lên Sở Liêm Phóng xét hỏi.
Đến năm 1913, lại có vụ ném lựu đạn vào khách sạn Hà Nội, thực dân Pháp bắt bớ mấy trăm người, trong đó có Lương Văn Can. Chúng đày ông biệt xứ 10 năm tại Phnômpênh, Campuchia. Bà Lễ bình tĩnh tiễn chồng lên tàu, sau đó thu xếp việc nhà và đưa 2 con là Lương Thị Bảy và Lương Ngọc Bôn sang Phnômpênh chăm sóc cha. Ở lại nhà với bà chỉ còn người con trai thứ sáu là Lương Ngọc Bân
Nhưng năm 1914 Bân đã qua đời vì bệnh lao. Lương Nghị Khanh từ Hương Cảng sang Campuchia thăm cha thì bị ốm nặng rồi mất, còn con trai thứ hai là Lương Ngọc Quyến bị giặc Pháp bắt và đưa về Hà Nội xử án để thị uy. Bà Lễ bị gọi ra tòa, trước đông đảo mọi người bà đã nói: "Từ thuở còn trong bào thai, chúng tôi đã dạy con về tình thương yêu nòi giống. Bởi vậy, các con tôi theo đuổi mục đích cứu nước là hợp đạo lý gia đình và đạo lý đất nước chúng tôi, sao lại gọi là phản loạn". Và bà quay sang nói với con: "Mẹ chỉ mong con xứng đáng là con dân nước Việt đến hơi thở cuối cùng". Sau này, Lương Ngọc Quyến bị chính quyền thực dân đày lên Thái Nguyên. Rồi Lương Ngọc Quyến cùng Đội Cấn trở thành lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, và đã hi sinh như một người anh hùng.
Do phong trào đấu tranh trong nước và được sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ Pháp, bọn thực dân đành phải giảm án lưu đày cho Lương Văn Can. Ông trở về Hà Nội ngày 25-11-1921. Cả thời kỳ bị lưu đày và quay về Hà Nội, Lương Văn Can đã soạn được những bộ sách: Quốc sư phạm lịch sử, Hán học tiệp kính, Hán tự quốc âm, Gia huấn… Bà Lễ lại dốc tài sản xây dựng trường Nhị Khê học đường (ngày nay trường này mang tên Lương Văn Can), để chồng tiếp tục sự nghiệp. Trường bước vào hoạt động được 3 năm thì bà Lễ qua đời ngày 24-3-1927.
Lương Văn Can đã viết về bà như sau: "Là nhà buôn có đức nghiệp nên đã có đủ kinh tài, trên thì phụng dưỡng cha mẹ và dưới thì biết nuôi dạy con cháu nên người. Còn về đức hạnh thì biết giữ cho gia tộc trong khuôn khổ Nho giáo, trên kính dưới nhường, giữ đạo vợ chồng thủy chung trong muôn vàn gian lao hiểm họa…" và cùng tất cả các môn sinh dâng bức trướng với 6 chữ: Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ (Giữ tinh hoa đất nước, rửa nhục cho đất nước).
Chưa đầy hai tháng sau, vào ngày 13 tháng 5 năm Đinh Mão ông không ốm đau gì, bình thản qua đời. Đám tang của nhà chí sĩ Lương Văn Can là một sự kiện chính trị lớn ở Hà Nội khiến thực dân Pháp tốn công sức đối phó. Có một câu đối phúng viếng: Trung hiếu một nhà nghìn thuở trọng - Di ngôn sáu chữ vạn người soi. Sáu chữ đây là: Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ.
Tượng Lương Văn Can đã được dựng trong ngôi trường do chính ông cho xây dựng từ năm 1924 ở quê hương Nhị Khê. Tên của hai cha con chí sĩ Lương Văn Can và Lương Ngọc Quyến sau năm 1945 đã được đặt cho hai con phố của quận Hoàn Kiếm, Tp Hà Nội.
Đông Kinh Nghĩa Thục và Hà thành đầu độc
Tháng 5-1907, một số nhà yêu nước như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Lê Đại, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Văn Vĩnh... chính thức thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) tại Hà Nội để dạy học mở mang dân trí, diễn thuyết truyền bá tư tưởng đấu tranh [1]
ĐKNT lan ngay ra các làng xã với 4 cơ sở lớn gồm: Canh, Tây Mỗ, Chèm (huyện Từ Liêm), Tân Hội (huyện Đan Phượng), do các thành viên của ĐKNT phụ trách và giảng dạy. Trường đặt ở số 10 phố Hàng Đào. Sách giáo khoa biên soạn để dạy ở trường là những cuốn như Nam quốc giai sự, Nam quốc vĩ nhân, Nam quốc địa dư… trong đó có những bài công nhiên ca ngợi những cuộc khởi nghĩa chống Pháp.
Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục phát động rộng rãi nhanh chóng trong cả nước, thực dân Pháp hoảng sợ vội đóng cửa trường, tịch thu tài liệu và đàn áp bắt bớ rất nhiều người.
Ngày 27-6-1908, các nghĩa quân Yên Thế và Việt Nam Quang Phục Hội phối hợp với binh lính Việt đầu độc quân Pháp trong thành Hà Nội. Nhưng công việc không thành vì nội gián, quân Pháp bị đầu độc nhưng không nặng.
Bức ảnh "Bêu đầu", chụp năm 1908
Giặc khủng bố ngay, đem chém cả Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Chi Bình, Nguyễn Cốc, Đặng Nhân, Nguyễn Đức A, Cai Rôn, Đỗ Đảm, Hai Hiền, bà hàng cơm Nguyễn Thị Ba... tại Bãi Gáo, rồi đem bêu đầu ở chợ Mơ, Ô Cầu Rền, Ô Cầu Giấy. Giặc còn chụp hình đầu những người yêu nước in trên bưu thiếp phổ biến khắp nơi nhằm khủng bố tinh thần dân chúng và ngăn chặn phong trào kháng Pháp. Cùng năm 1908, Quang Phục Hội hoạt động mạnh, tổ chức chuyển vũ khí, đạn dược về nước.
Ngày 16-4-1913, nghĩa quân ném bom tại khách sạn Hà Nội giết nhiều sĩ quan Pháp. Quân Pháp lại thẳng tay đàn áp với các án tử hình, giam cầm, đày ải, trời Hà Nội như có đại tang. Các ông Đỗ Chân Thiết, Phạm Văn Tráng, Nguyễn Văn Túy, Nguyễn Khắc Cần, Phạm Đế Quý, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết bị giết tại Hà Nội. Lương Văn Can bị đày đi Nam Vang. Năm 1915, Lương Ngọc Quyến bị tên phản quốc Nguyễn Bá Trác đã chỉ điểm cho quân Pháp bắt tại Hà Nội...
[1] Trường Đông Kinh Nghĩa Thục hoạt động không chính thức từ tháng 3/1907 tại chính nhà của Lương Văn Can (số 4 Hàng Đào). Số học viên tăng nhanh nên trường phải mở rộng thêm sang số 10 Hàng Đào với Nguyễn Quyền là hiệu trưởng.