Trang nhà > Quan niệm > Đối thoại > Đừng công thức hóa Tư duy tổng thể!
Đừng công thức hóa Tư duy tổng thể!
Chủ Nhật 9, Tháng Mười Hai 2007
Tham gia chuyên đề " Công dân toàn cầu" của Vietimes, ô. Nguyễn Huy Hoàng (NHH) đã bộc lộ nhiều suy nghĩ lạ qua bài Tư duy tổng thể: Vấn nạn lớn của giáo dục Việt Nam
Đầu tiên cần khẳng định rằng, do sự cố gắng hết mình của toàn xã hội và đội ngũ thày cô giáo cùng các nhà quản lý, nền giáo dục Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, được bạn bè quốc tế công nhận. So với các nước cùng mức thu nhập trên đầu người, các chỉ tiêu giáo dục, xã hội và văn hóa của chúng ta cao gấp mấy lần. Tuy nhiên so với yêu cầu hội nhập trong thời đại toàn cầu hóa, nền giáo dục của chúng ta cũng bộc lộ nhiều điểm yếu, từ triết lý cho tới hành động.
Quan điểm xuyên suốt bài phỏng vấn là giáo dục VN thiếu tư duy tổng thể. Vậy thế nào là tư duy tổng thể? Theo ông NHH thì có ba khái niệm về tổng thể. Thứ nhất là “phát huy tất cả các vùng của bộ não”. Thứ hai là triển khai được “8 năng lực tư duy”. Thứ ba thì gồm “các version” thể lực, trí lực, tình cảm và tâm linh. Ấy là tôi luận vậy thôi, chứ ông NHH không viết rõ ràng như thế.
Tiếp theo, ông NHH cho biết tổng thể cũng chính là triết lý mà tập đoàn Tâm Việt đang trăn trở xây dựng. Đó là triết lý 5 phiên bản: thể lực; trí lực; tinh thần, tình cảm; tâm linh; và tổng thể, gồm tất cả các phiên bản trước. Thiếu chỉ một phiên bản thì không thể trở thành “công dân xứng tầm toàn cầu”, mà chỉ là “cá nhân khu trú trong một không gian giới hạn”.
Ngoài ra ông NHH cũng bàn về sự khác biệt trong tư duy giữa Đông và Tây, và nguyên nhân của sự khác biệt đó; về các phương pháp rèn luyện tư duy; về một tính cách đang cản trở người Việt trở thành công dân toàn cầu…
Có thể thấy, đó là những vấn đề hết sức hệ trọng đối với cả đất nước và toàn dân tộc, chứ không chỉ gói gọn trong phạm vi giáo dục. Tôi cho rằng không một học giả Việt Nam và quốc tế nào có thể giải quyết được tất cả các vấn đề đó. Vì thế nếu luận thuyết và giải pháp của ông NHH có bất cập thì cũng rất dễ hiểu. Và khi đã bàn tới những vấn đề căn cốt như vậy thì phải có nền tảng triết lý và kiến thức sâu rộng, nếu không sẽ bị ngợp trước đại dương các thách thức không thể vượt qua. Tuy bản thân có nhận thức rất hạn hẹp và kiến thức rất sơ sài, tôi cũng xin mạnh dạn trao đổi với ông NHH về những điểm dưới đây.
Chúng ta thường nghe thấy những nhận định kiểu: cần rèn luyện cả hai bán cầu não cho học sinh; hoặc con người chưa khai thác hết các vùng của bộ não… Nghe qua thì có vẻ có lý, nhưng thật ra đó chỉ là nhận định của những người chưa có kiến thức cần thiết về thần kinh học. Thuyết toàn bộ (holistic theory) của thần kinh học cho rằng, các hoạt động tinh thần của con người là kết quả hoạt động của toàn bộ não, trong đó có những vùng có vai trò then chốt hơn các vùng khác, tùy thuộc vào các hoạt động tâm thần cụ thể. Về sự phân công chức năng của hai bán cầu não cũng vậy, tuy hai bán cầu có ưu thế với các hoạt động tinh thần khác nhau (với người thuận tay phải, bán cầu trái thiên về tư duy logic, bán cầu phải thiên về tư duy hình tượng; trong khi với người thuận tay trái thì ngược lại…), nhưng chúng luôn hành xử đồng bộ với nhau qua thể chai, là cầu nối giữa hai bán cầu. Mất thể chai sẽ thành người tâm thần, tuy một chức năng nào đó có thể trở nên siêu việt. Đó là hội chứng bác học, mà Kim Peek là trường hợp điển hình. Ông nhớ mã bưu điện của mọi thành phố Mỹ, chơi thành thạo hàng trăm bản nhạc cổ điển khi chỉ nghe qua một lần, nhớ chi tiết thời gian, địa điểm và số người tham dự buổi biểu diễn bản nhạc đó lần đầu tiên… Tuy nhiên ông không thể tự mặc áo và
Ông NHH cho rằng, “mỗi bộ não có vùng cảm giác, thị giác, thính giác, vùng vị giác và vận động”. Vậy là ông không biết thị giác, thính giác, vị giác chính là ba trong năm cảm giác. Chính xác thì bộ não có các vùng cảm giác, bao gồm xúc giác, vị giác, khứu giác, thính giác và thị giác (để nhận biết môi trường) và các vùng vận động (để tác động môi trường). Ngoài ra còn rất nhiều các trung khu khác để thực hiện các chức năng tự động (nhịp tim, nhịp hô hấp…) và cao cấp (trí nhớ, tư duy, cảm xúc…) khác nhau. Ông NHH cũng cho rằng, có người vận động thì ra vấn đề, có người ngồi tĩnh tâm mới ra vấn đề. Ý của ông NHH là có các kiểu tư duy vận động hay tư duy không vận động (ngồi tĩnh tâm)… Đây là quan điểm quá lạc hậu theo thuyết toàn bộ viết ở trên. Xem học sinh của ta khi học chỉ dùng vùng thính giác cũng là quan điểm phi tổng thể nên rất lạc hậu.
Xin nhấn mạnh rằng, khi học sinh chỉ ngồi nghe, ngoài vùng thính giác, một loạt các trung khu thần kinh khác cũng được hoạt hóa, vì bất cứ hoạt động tâm thần nào cũng là kết quả tổng thể của toàn bộ não, với mức hoạt hóa khác nhau ở từng vùng não cụ thể. Ông NHH thích quan niệm tổng thể, vậy xin lưu ý ông rằng, các hoạt động tinh thần đều là các hoạt động mang tính tổng thể. Rồi “bản chất của não là tư duy bằng hình ảnh” cũng sai. Thế ông xếp tư duy logic vào đâu? Giới nhận thức học cho rằng, bộ não có hai chiến lược tư duy cơ bản là thuật toán và trực giác. Tất cả các hình thức tư duy cao cấp đều thực hiện qua hai phương thức này.
Có thể thấy là ông NHH dùng quan niệm đa trí khôn (multiple intelligences) của nhà tâm lý Gardner để lập thuyết. Đáng tiếc là ông NHH hiểu chưa đúng Gardner.
Lý thuyết đa trí khôn của Gardner bao gồm 8 phạm trù chính (ban đầu chỉ có 7): logic - toán, ngôn ngữ, không gian, âm nhạc, vận động cơ thể, liên cá nhân, nội cá nhân và thiên nhiên (phạm trù mới). Ngoài ra là một số kiểu trí khôn khác như tâm linh (theo nghĩa thần học - tôn giáo, chứ không theo nghĩa chuyện lạ như ngoại cảm chẳng hạn), hiện sinh và đạo đức.
Các năng lực tư duy nói trên phù hợp với các ngành nghề khác nhau. Logic - toán phù hợp với nhà khoa học, tin học, kĩ sư, bác sĩ hay nhà kinh tế học. Ngôn ngữ là sở trường của nhà văn, luật sư, triết gia, nhà chính trị, giáo viên. Không gian hợp với nghệ sĩ, kĩ sư, kiến trúc sư. Âm nhạc phù hợp với nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ. Vận động cơ thể liên quan với vận động viên, vũ công, diễn viên, nghề xây dựng. Liên cá nhân thích hợp với chính trị gia, nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội hay ngoại giao. Nội cá thể là ưu thế của triết gia, tâm lý gia, nhà thần học hay nhà văn. Thiên nhiên là khả năng vượt trội của nhà khoa học, nhà tự nhiên học, người bảo vệ thiên nhiên, làm vườn, nông dân…
Vì hiểu chưa đầy đủ Gardner nên ông NHH luận giải sai khá nhiều. Chẳng hạn Einstein có tư duy logic - toán và nội cá nhân kì diệu, chứ không phải “có tư duy nhạc điệu và nội tâm rất tốt”. Việc cho rằng chỉ số IQ chỉ đo hai năng lực logic và ngôn ngữ cũng chưa chính xác. Chẳng hạn Thang trí tuệ trẻ em Wechsler bao gồm 10 nhóm, cho phép trắc nghiệm không chỉ logic và ngôn ngữ, mà còn khả năng không gian (như hoàn thành bức tranh) và một số khả năng mang tính tổng hợp khác.
Cũng xin lưu ý thêm rằng, giả thuyết đa trí khôn của Gardner cũng chịu nhiều chỉ trích, giống như mọi lý thuyết tâm lý khác. Điều đó thực ra không lạ, vì bộ não con người là bí ẩn lớn nhất của tự nhiên, và tâm lý học là một khoa học còn khá non trẻ.
Tuy nhiên quan trọng hơn là vấn đề như sau. Dường như ông NHH cho rằng cần giáo dục tư duy tổng thể (phát huy mọi vùng não và vận dụng cả 8 năng lực tư duy) cho mọi học sinh và cho mọi người. Nếu không thì không thể trở thành “công dân toàn cầu” được. Đây là một quan điểm phản khoa học và phi giáo dục.
Trong thời buổi toàn cầu hóa, phương châm tổng quát cho mọi người, mọi ngành nghề, mọi hoạt động của con người là gì? Đó là suy nghĩ mang tính toàn cầu (toàn cục) và hành động mang tính địa phương (cục bộ). Mang các hành động phù hợp với điều kiện vật chất và tinh thần tại Mĩ áp dụng vào VN thì cầm chắc thất bại trong tay. Tương tự như vậy, trong giáo dục, cần suy nghĩ một cách tổng thể, nhưng phải hành động một cách cá thể. Tám năng lực tư duy ở trên là tài sản của loài người nói chung, chứ không phải của một cá nhân, dù là cá nhân siêu việt. Vì thế một nền giáo dục phải suy nghĩ một cách tổng thể, tức phải chuẩn bị sẵn sàng để giáo dục được cả 8 kiểu trí khôn. Nhưng khi hành động phải mang tính cá thể, tức phải biết một học sinh cụ thể có năng lực tư duy nào thì tập trung rèn luyện để phát huy tối đa năng lực đó. Theo ý tưởng của ông NHH, nếu bắt Einstein rèn luyện khả năng vận động cơ thể, thì loài người chỉ được một vận động viên xoàng thay cho một nhà khoa học lừng danh; bắt Mozart luyện tư duy logic- toán thì làm gì có các nhạc phẩm sống mãi với thời gian; còn bắt Pele học vẽ thì làm gì có vua bóng đá!
Tất nhiên ban đầu một nền giáo dục toàn diện phải rèn luyện tất cả các kiểu tư duy một cách tổng thể ở mức sơ khởi (người viết xin nhấn mạnh) cho mọi học sinh. Như thế mới biết ai có tố chất gì để sau đó hành động một cách cá thể.
Về các mức độ để trở thành “công dân toàn cầu”
Ông NHH cho biết Tập đoàn Tâm Việt đang rất trăn trở về triết lý tổng thể. Theo Tâm Việt thì triết lý đó gồm 5 mức độ, với cách đặt tên rất “công nghệ thông tin” là các version: “Theo mức version 1.0 trước tiên phải là thể lực; 2.0 là trí lực (IQ); 3.0 là tinh thần, tình cảm (EQ); 4.0 là tâm linh (tôi là ai, tại sao tôi tồn tại, sứ mệnh của tôi là gì?); 5.0 là tổng thể”. Trong đó version 5.0 bao gồm tất cả 4 version khác. Công dân toàn cầu phải có đủ 5 version nói trên.
Rõ ràng Tâm Việt đặt mục tiêu đào tạo các siêu nhân, chứ người trần mắt thịt như chúng tôi thì mấy ai có đủ các version như thế! Học tập tinh thần Tháp nhu cầu Maslow, Tâm Việt dựng nên triết lý 5 mức độ thì cũng được. Tuy nhiên đi vào chi tiết thì có nhiều điểm gây tranh cãi. Các version 1.0, 2.0 thì ổn, nhưng version 3.0 là tinh thần, tình cảm (EQ) thì không ổn. Đã cho version 2.0 là trí lực (IQ), thì version 3.0 phải là (cảm) xúc lực, vì EQ là chỉ số cảm xúc, đối nghịch và bổ sung cho trí lực (IQ). Version 4.0 không phải là tâm linh, mà là siêu hình học (chẳng hạn thơ Chế Lan Viên: Ta là ai? Như ngọn gió siêu hình - Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt…). Và phải chăng trí tuệ và các suy tư siêu hình học không thuộc phạm trù tinh thần? Rõ ràng người trả lời phỏng vấn chưa phân biệt được những khái niệm căn bản đó. Và theo ông NHH, IQ chỉ xét tới logic và ngôn ngữ, vậy 6 kiểu tư duy khác thì thuộc version nào? Phải chăng triết gia, văn nghệ sĩ, vận động viên… thì không thể trở thành công dân toàn cầu?
Cũng xin được hỏi rằng, theo tiêu chí trên thì ai có thể trở thành công dân toàn cầu? Bill Gates cũng chưa chắc, vì có thể ông cũng không băn khoăn vì sao ông tồn tại (đó là câu hỏi dành cho giới triết học hay thần học). Hawking, nhà vật lý lừng danh, tác giả cuốn "Lược sử thời gian: Từ vụ nổ lớn tới lỗ đen" bán hơn 10 triệu bản khắp thế giới, kể cả ở VN, phát ngôn viên của khoa học hiện đại, cũng không đạt chuẩn, vì ông bị tật nguyền, nên chỉ có thể giao tiếp qua máy tính. Abramovich, ông chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea lại càng không. Có lẽ toàn cầu hóa thất bại đến nơi, vì lấy đâu cho đủ công dân toàn cầu!
Về một số vấn đề khác
Bài phỏng vấn trên còn một số chủ đề cần trao đổi khác. Chẳng hạn sự khác biệt trong tư duy giữa phương Đông và phương Tây hay đặc điểm kém hợp tác của người Việt. Ở đây ông NHH trình bày lập luận của người khác nhưng thiếu tinh thần phản biện. Quan điểm phương Tây gốc du mục nên ưa chinh chiến, tư duy thiên về logic, lý tính và chính xác; còn phương Đông gốc nông nghiệp nên ưa hài hòa với thiên nhiên, tư duy thiên về cảm nhận và cảm xúc là không đúng với sự phát triển của loài người. Chính xác hơn thì cho đến cuộc va chạm đầu tiên giữa Đông và Tây (thế kỉ XIX), phương Đông chỉ mới phát triển tư duy tổng hợp sơ bộ (điều gì cũng được bàn giải, nhưng chỉ ở mức sơ khai, trực quan, cảm tính). Trong khi đó phương Tây đã vươn tới mức phân tích (và phát minh ra khoa học; hoặc do phát minh ra khoa học). Nay thì họ đang vươn tới mức tổng hợp chung kết của một giai đoạn (hay chu trình) nhận thức, khi cố gắng thống nhất các qui luật vận hành của vũ trụ, xã hội và con người. Rồi hệ quan điểm tổng hợp chung kết này lại trở thành các quan niệm tổng hợp sơ bộ của chu trình nhận thức tiếp theo, theo đúng qui luật phát triển đi lên theo đường xoáy ốc của triết học biện chứng. Đó là quan niệm về quá trình tam đoạn của tư duy nhân loại (tổng hợp sơ bộ - phân tích - tổng hợp chung kết), do người viết bài này suy rộng từ một ý tưởng của cố học giả Cao Xuân Huy, giải thưởng Hồ Chí Minh về triết học. Cho rằng phương Đông thiên về tư duy tổng hợp, phương Tây thiên về tư duy phân tích là không đúng.
Về tính cách cản trở người Việt thì ông NHH chính xác khi cho rằng, người Việt chỉ có tinh thần đồng đội khi bị dồn tới chân tường. Đúng là người Việt chỉ đoàn kết tốt với nhau trong chiến tranh, còn trong thời bình thì là “khối tự phát khổng lồ”, theo ông Vương Trí Nhàn. Nhưng không ai trong hai ông cho biết căn nguyên. Nên bạn đọc có thể bi quan vì cảm thấy không có lối thoát (đó là căn tính tiên thiên thì sao?). Thói hư tật xấu của người Việt là một chủ đề quá lớn, nên tôi hy vọng sẽ được lạm bàn vào dịp khác.
Một vấn đề cần trao đổi nữa là nền giáo dục VN có thiếu tư duy tổng thể hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Về mặt lý luận, giáo dục VN có đủ, từ mục tiêu tổng quát tới mục tiêu cụ thể, từ chương trình hành động tới giải pháp thực hiện. Chẳng hạn, giáo dục VN đặt ra mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài thì quá đúng còn gì. Nhưng nói thì dễ mà làm thì khó, có tư tưởng là một chuyện, còn thực hiện được tư tưởng đó hay không lại là chuyện khác. Cũng như ông NHH và Tập đoàn Tâm Việt vậy, muốn có tư duy tổng thể là nguyện vọng chính đáng, nhưng thế nào là tư duy tổng thể thì ông cũng chưa rõ. Trong giáo dục cũng như trong các lĩnh vực khác, quan trọng hơn hết là các quyết sách và hành động thích hợp để thực hiện thành công một chủ trương chiến lược đúng đắn.
Vậy điểm yếu lớn nhất của giáo dục VN là gì? Theo tôi đó là sự thiếu toàn diện, thể hiện ở các khía cạnh: 1) Quá coi trọng kiến thức so với các thành tố khác của tư duy và trí tuệ, biểu hiện ở việc chỉ chú trọng nâng cao IQ mà ít quan tâm tới EQ (chỉ số đo trí thông minh cảm xúc, yếu tố quyết định 80% sự thành công của một cá nhân, trong khi IQ chỉ quyết định 20%); 2) Hầu như chỉ quan tâm tới khả năng logic - toán mà bỏ quên các khả năng trí tuệ khác; và 3) Xem thường các hoạt động thể chất (“đầu óc ngu si, tứ chi phát triển”!), trong khi khoa học chỉ ra rằng, các hoạt động thể chất giúp tăng sinh các tế bào thần kinh, do đó giúp chúng ta thông minh hơn (ở người ít tuổi) hay ít bị lão suy hơn (ở người cao tuổi). Nói cách khác, muốn trẻ em thông minh hơn, cần bắt chúng học ít hơn và chơi nhiều hơn!
Vậy chúng ta phải làm gì? Trước mắt cần giảm tải tối đa chương trình, nhất là các môn tự nhiên. Nên đổi mới phương pháp dạy và học các môn xã hội, nhất là văn và sử, vốn có vai trò then chốt trong việc nâng cao EQ, tâm hồn và nhân cách. Trong văn và sử cũng bỏ xu hướng trọng kiến thức (có ai ngờ học sinh phải thuộc cả ngày sinh của Xuân Diệu, trong khi đó chỉ là chuyện của 1 hoặc 2 nhà Xuân Diệu học!). Tăng cường các hoạt động thể chất, các sinh hoạt tập thể và xã hội. Tổ chức thi gọn nhẹ, kiến thức rộng nhưng ít sâu, vận dụng hơn là thuộc kiến thức. Bạn đọc quan tâm có thể xem bài viết Về một số bất cấp trong giáo dục đã nói ở trên.
Kết luận
Như đã trình bày ở trên, nguyện vọng của ông Nguyễn Huy Hoàng và Tập đoàn Tâm Việt thật đáng trân trọng. Tuy nhiên do quan niệm chưa đúng và kiến thức còn nhiều khiếm khuyết, nguyện vọng đó chưa được triển khai thành công. Tuy nhiên như người ta thường nói, thất bại là mẹ thành công, người viết bài này hy vọng là ông Nguyễn Huy Hoàng không nản chí để tiếp tục phấn đấu cho sự thành công của nền giáo dục nước nhà trong tương lai.
Đỗ Kiên Cường
Xem thêm bài VỀ MỘT SỐ BẤT CẬP TRONG GIÁO DỤC của cùng tác giả