Người nước ngoài trước thời nhà Thanh gọi Trung Quốc là gì?
Trung HoaTrước thời nhà Thanh những người nước ngoài gọi láng giềng phương Bắc của Việt Nam bằng nhiều từ khác nhau nhưng không phải là Trung Hoa, Trung Quốc, China. Nói cách khác trước thế kỷ XVII chưa có từ thống nhất để chỉ nước Trung Quốc. Ngay trong sách vở của người Hoa và Việt trước đó cũng không có từ này, thay vào đó là những từ như Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, lấy theo tên triều đại.
- Periplous of the Erythraean Sea
Tên “China” được dùng từ bao giờ?
Từ “China” được viết ra lần đầu bằng tiếng Bồ vào năm 1516 trong nhật kí của nhà thám hiểm Duarte Barbosa người Bồ Đào Nha. Sau đó tên "China" xuất hiện lần đầu tiên bằng tiếng Anh khi Richard Eden dịch nhật kí của Duarte Barbosa vào năm 1555, tức 111 năm trước khi nhà Thanh chiếm Trung Quốc vào năm 1644. Có lẽ vì người Mãn Châu không phải là người Hán nên sau đó vua Thanh dễ dàng chấp nhận từ "China".
Nguồn gốc của từ "China" vẫn còn bị tranh cãi, nhưng giải thích sau đây đã được chấp nhận rộng rãi. Tên gọi "China" bắt nguồn từ tên người cầm quyền của "Triều nhà Tần" (Qin Dynasty) vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, sáng lập bởi Tần Thủy Hoàng, người đã thống nhất Trung Quốc bằng cách chinh phục tất cả các nước còn lại của "Thất Chiến quốc". Người đầu tiên đề xuất giải thích này vào thế kỷ XVII là Martin Martini, một tu sĩ Dòng Tên người Ý và được các học giả sau này như Paul Pelliot và Berthold Laufer ủng hộ.
Các từ cổ khác
Có thể tìm thấy các từ cổ được dùng trước khi có từ “China” trong nhiều ngôn ngữ hệ Ấn-Âu, vd.:
- Tiếng miền Trung Ba Tư: “Chīnī”, tên tiếng Anh “China” bắt nguồn từ đó.
- Tiếng Phạn: “Cīna” hoặc “Cīnāh”, xuất hiện trong các văn bản Ấn Độ giáo như Quyển 2 của Arthashastra, Mahābhārata và Luật Manu. Nó cũng xuất hiện trong văn bản Phật giáo như Mudrarakshasa.
- Tiếng Hy Lạp cổ đại: "Thina" hoặc "Thinae". Thuật ngữ này được sử dụng trong một tài liệu cổ được gọi là The Periplus of the Erythraean Sea.
- Tiếng Latinh: “Sinae” hoặc “Sin”, ban đầu dùng để chỉ những người sống ở thành phố vùng Tây Bắc TQ có tên Latinh là Serica (Tràng An), và nghĩa đen là “vùng đất xuất phát tơ lụa”. Tiền tố “Sino” mà tiếng Anh thường sử dụng để chỉ một số chủ đề về Trung Quốc như “Sino-Japanese War” (Chiến tranh Trung-Nhật) hoặc “Sinology” (Trung Quốc học) có nguồn gốc từ “Sinae”.
Tương tự có các từ cổ khác trong nhiều ngôn ngữ thuộc hệ Slavơ và hệ khảc ở Trung Á, vd.:
- Tiếng Nga và Bulgari: "Китай", bắt nguồn từ “Khitan” 契丹 (Khiết Đan: Qìdān) là một nhóm dân tộc ở Mãn Châu đã chinh phục các vùng phía Bắc Trung Quốc vào đầu thế kỷ X, hình thành nên vương triều Liêu và vào thế kỷ XII từng thống trị Trung Á với tên gọi Khanate Kara Khitan.
- Tiếng Kyrgyz: Кытай (Kıtay).
- Tiếng Karachay-Balkar (sắc dân thiểu số miền núi Thổ Nhĩ Kỳ): Къытай (Qïtay).
- Tiếng Uzbek: Xitoy.
- Tiếng Turkmen: Hytaý.
- v.v.
Tên Trung Quốc trước thời nhà Thanh
Người nước ngoài gọi Trung Quốc trước thời nhà Thanh bằng nhiều cái tên khác nhau như: Cathay, Tabgach, Nikan, Morokoshi, Mangi v.v..
- Cathay: "Cathay" là một thuật ngữ do các Nhà sử học Hồi giáo thời Trung cổ đặt ra và bắt đầu được sử dụng ở châu Âu vào thời đó khi cuốn sách "Các cuộc phiêu lưu của Marco Polo" được dịch ra nhiều ngôn ngữ phương Tây. Sau đó vào thời Trung Cổ khi Trung Quốc bị phân chia thành Bắc Tấn và Nam Tống thì các triều đại cai trị của miền Bắc được hầu hết mọi người bao gồm cả du khách Marco Polo và Ibn Battuta gọi là "Cathay". Từ thế kỷ XVII tên này dần dần bắt đầu dùng để chỉ toàn bộ Trung Quốc cho đến thế kỷ XX. Tên gọi này cũng như tiếng Nga và Bulgari "Китай" đều bắt nguồn từ tên bộ tộc “Khitan” (Khiết Đan) mà nhà Tống coi là "mọi rợ" trước khi bị Mông Cổ xâm lược và cai trị bằng triều đình nhà Nguyên.
- Tabgach: "Tabgach" là một từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ cổ và nó có nguồn gốc từ "Tuobo" — một bộ tộc thống trị ở vùng Tây An Bắc — và họ của Vương triều Bắc Ngụy vào thế kỷ thứ V trước khi bị Hán hoá. Nó ám chỉ miền Bắc Trung Quốc, nơi bị thống trị bởi những người có gốc gác nửa Tây An Bắc, nửa Hán tộc.
- Nikan: "Nikan" là từ tiếng Mãn Châu dùng để chỉ người Hán, nhóm dân tộc thống trị của Trung Quốc, nhưng nó dùng để chỉ Hán tộc thay vì sau đó dùng để chỉ nhà nước hoặc quốc gia Hán. Thuật ngữ chính xác trong tiếng Mãn Châu dùng để chỉ nhà nước Trung Quốc phải là "Nikan gurun", có nghĩa là "Đất nước của người Hán".
- Morokoshi: "Morokoshi" là một từ tiếng Nhật lỗi thời dùng để chỉ Trung Quốc và được cho là bắt nguồn từ một chữ Nhật kiểu Kanji ghép từ 2 chữ Hán 諸 越 (Zhūyuè) hoặc 百越 (Bǎiyuè) nghĩa là "Chư Việt" hoặc "Bách Việt", một tên cổ dùng để chỉ các bộ tộc sống tại khu vực miền nam sông Trường Giang.
- Mangi: "Mangi" là một từ bắt nguồn từ tiếng Trung Quốc "Manzi" có nghĩa là Rợ miền Nam. Nó sử dụng để chỉ miền Nam Trung Quốc được thống trị bởi những người không phải Hán tộc trong thời Trung cổ khi Trung Quốc bị chia cắt thành Bắc Tấn và Nam Tống. Như đã đề cập trước đó, trong thời gian này miền Bắc được gọi là “Cathay”, còn miền Nam được gọi là "Mangi". Người Mông Cổ có tên viết tắt của họ cho vùng Hoa Nam là "Nangkiyas" hoặc "Nangkiyad". Nhờ sự khám phá của Marco Polo, từ "Manzi" đã đến được châu Âu với cái tên "Mangi". Nó cũng xuất hiện trong tiếng Ả Rập là "Machin" ماچين và trong tiếng Ba Tư là "Māṣīn" ماصين.