P/v nguyên BT Tư pháp Nguyễn Đình Lộc

Tinh thần Hiến pháp

Phần I: Hiến pháp cũng đổi thay theo thời cuộc

Hiến pháp 1946 ban hành, những “thần dân” Việt Nam, lần đầu tiên, có cơ hội để trở thành “công dân” của một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, không phải cứ có Hiến pháp là có “pháp quyền”, nếu như những nguyên tắc định ra trong đó không được tôn trọng. Tiến sỹ Nguyễn Đình Lộc, Nguyên Bộ trưởng Tư Pháp, Nguyên Trưởng Tiểu Ban Biên tập Hiến pháp 1992, Nguyên thành viên của Ban Thư ký soạn thảo Hiến pháp 1980, đã chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị những trăn trở về một truyền thống Hiến pháp chưa được kiến tạo ở Việt Nam.

Thưa ông, là người trực tiếp tham gia soạn thảo nhiều bản Hiến pháp, ông có nhận xét gì về những lần sửa đổi đó?

Việt Nam không có truyền thống hiến pháp, và có thể đó là lý do khiến cho, Hiến pháp của ta rất hay thay đổi theo hoàn cảnh lịch sử. Mỗi lần thay đổi, “lịch sử” để lại rất nhiều dấu ấn trong Hiến pháp.

Xin được bắt đầu với “hoàn cảnh lịch sử” khi Hiến pháp 46 ra đời. Thưa ông, vì sao mô hình nhà nước Xô viết đã không được chọn trong bản Hiến pháp đầu tiên này của nước ta?

Mô hình nhà nước Xô Viết theo Hiến pháp 1936 của Liên Xô là nhà nước dựa trên nền tảng (đấu tranh) giai cấp. Trong khi, yêu cầu của cách mạng Việt Nam ở thời điểm năm 1946 là phải đoàn kết dân tộc thật sự. Nhưng, có thể đây cũng là một lý do, những người tham gia soạn thảo Hiến pháp 46 không có ai từng nghiên cứu Hiến pháp Liên Xô. Những người trực tiếp chấp bút đều là trí thức được đào tạo trong các nhà trường của Pháp, nơi tư tưởng dân chủ, dân quyền có một sức ảnh hưởng to lớn.

Thưa ông, Hiến pháp 46 vẫn thường được gọi là Hiến pháp Hồ Chí Minh và Hồ Chí Minh thì đã ở Nga từ năm 1924?

Không chỉ trong Hiến pháp, đã có người đặt câu hỏi, vì sao trong Tuyên Ngôn Độc Lập, Hồ Chủ Tịch cũng không trích dẫn bản “Tuyên Ngôn” Lenin đọc sau Cách Mạng tháng 10 mà chỉ trích dẫn Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ. Tôi nghĩ, “Tuyên ngôn” của Lenin là một tuyên ngôn về giai cấp. Trong khi, mối quan tâm xuyên suốt của Hồ Chí Minh là dân tộc. Năm 1927 khi viết “Đường Cách Mệnh”, Hồ Chí Minh đã không giấu diếm điều này. Nhiều người chỉ thấy Hồ Chủ Tịch trích dẫn câu “mọi người sinh ra đều bình đẳng” trong Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ, ít ai chú ý, ông trích câu đó để nhấn mạnh: “Suy rộng ra, các dân tộc đều có quyền bình đẳng”.

Nhưng thưa ông, như vậy, yếu tố “thời điểm lịch sử” đã đóng một vai trò thế nào trong bản Hiến pháp này?

Cũng cần nhắc lại, những năm tháng hoạt động của Hồ Chí Minh tại Liên Xô là không hề suôn sẻ. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, không có nhiều mô hình kiểu Xô Viết để các tác giả của bản Hiến pháp 46 tham khảo. Sau Thế Chiến thứ II, ở Pháp, Đảng Cánh Tả, khi nắm quyền, cũng đã thử đưa vào dự thảo hiến pháp mô hình nhà nước cộng sản, nhưng nó đã không được nhân dân Pháp ủng hộ.

Thưa ông, “dân tộc” được coi là mối quan tâm lớn nhất của Hồ Chí Minh, nhưng tại sao ngay trong thời đại Hồ Chí Minh, bản Hiến pháp thể hiện đường lối dân tộc 1946 đã được thay bằng bản Hiến pháp 1959, mang tính giai cấp?

Hiến pháp 1959 ra đời là một ví dụ về điều tôi đã nói, chúng ta không có truyền thống Hiến pháp, nên “hoàn cảnh lịch sử” đóng một vai trò hết sức to lớn trong việc thay đổi nó. Tác động của “hoàn cảnh lịch sử” lên Hiến pháp không phải từ năm 1959, nó bắt đầu xuất hiện từ năm 1953.

Năm Quốc hội thông qua Luật Cải cách Ruộng đất?

Vâng. Hiến pháp 1946 được Quốc hội thông qua, chưa kịp công bố, thì đất nước rơi vào tình trạng chiến tranh. Nếu Hiến pháp 1946 đi vào cuộc sống, Quốc hội lập hiến sẽ phải thay thế bằng Nghị viện Nhân dân. Tuy nhiên, một cuộc tổng tuyển cử sau Hiến pháp đã không thể thực hiện và năm 1953, khi các đại biểu được triệu tập ra Việt Bắc để thông qua Luật Cải cách Ruộng đất, Quốc hội lập hiến, tự nó trở thành Quốc hội lập pháp.

Như vậy là truyền thống tuân thủ Hiến pháp đã có một “tiền lệ” khi Quốc hội lập hiến thông qua đạo luật này?

Sau này, khi nhìn lại Luật Cải cách Ruộng đất, có hai ý kiến khác nhau: Một số người nói, nó trái với điều 12 của Hiến pháp; Một số ý kiến cho rằng không thể gọi là “trái”, vì trên thực tế, Hiến pháp 1946 chưa đựơc thi hành. Điều 12, Hiến pháp 1946 nói rằng: “Quyền tư hữu tài sản của công dân được bảo đảm”. Trong bản Dự thảo Hiến pháp đưa ra lấy ý kiến nhân dân, không có điều khoản ấy. Có lẽ, về phương diện sở hữu, Hồ Chủ Tịch có phần nào chịu ảnh hưởng của Hiến pháp Xô Viết. “Quyền tư hữu” được bổ sung sau khi lấy ý kiến nhân dân. Nhưng, hoàn cảnh lịch sử mới là yếu tố chính, ảnh hưởng tới việc ra đời của Luật Cải cách Ruộng đất.

Ông muốn nói về cuộc kháng chiến chống Pháp?

Như chúng ta biết, Chiến dịch Biên giới đã đưa Cuộc Kháng chiến chống Pháp chuyển sang một giai đoạn mới. Trung Quốc và Liên Xô bắt đầu có những giúp đỡ thiết thực hơn, đồng thời, “bạn” thúc giục chúng ta làm cải cách ruộng đất. Ở bên trong, việc tước đoạt đất đai của địa chủ chia cho dân nghèo cũng có một ý nghĩa nhất định đối với cuộc Kháng chiến. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian mà “người cày” thực sự “có ruộng” là không dài.

Vì sau đó, Hiến pháp 1980 xác định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”?

Ruộng đất bắt đầu được đưa vào các hợp tác xã ở Miền Bắc kể từ khi Hiến pháp 1959 xác định tiến trình “cải tạo xã hội chủ nghĩa” và tới Hiến pháp 1980 thì chính thức thuộc về “sở hữu toàn dân”. Theo Bản Dự thảo mà Chủ tịch Uỷ ban Soạn thảo Hiến pháp Trường Chinh chuẩn bị, đất đai, dự định, vẫn thuộc sở hữu của 5 thành phần kinh tế. Uỷ Ban Nông Nghiệp Trung ương Đảng cũng đồng ý với đề nghị này. Tuy nhiên, phát biểu trước Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn cho rằng “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là một vấn đề “mang tính đạo lý”. Bài phát biểu của đồng chí Lê Duẩn rất ấn tượng. Ở thời điểm ấy, có thể nói, uy tín của đồng chí Lê Duẩn là bao trùm nên ý kiến của ông rất dễ được Trung ương tán thành. Khi Uỷ Ban Soạn Thảo Hiến pháp trình bày ý kiến của đồng chí Lê Duẩn trước Quốc hội, các đại biểu cũng chưa ý thức được bản chất của tiến trình này là quốc hữu hóa. Bản thân bà luật gia Ngô Bá Thành cũng nghĩ rằng, “đất đai sở hữu toàn dân” tức là “mỗi người dân có một mảnh đất”.

Thưa ông, ở thời điểm ấy, chúng ta chưa hiểu hết nội hàm của khái niệm đất đai thuộc sở hữu toàn dân hay vì chúng ta chưa nhận thấy những giá trị lâu dài mà một bản Hiến pháp cần phải nhắm tới?

“Đất đai thuộc sở hữu toàn dân” là một khái niệm tiếp thu từ Hiến pháp Liên Xô. Nhưng nếu như sau Cách mạng Tháng 10, việc quốc hữu hoá đất đai của Liên Xô là để nhắm vào giai cấp quý tộc vì khi đó ruộng đất đang ở trong tay giai cấp này. Thì, ở thời điểm 1980, đất đai của ta chủ yếu đã về tay nông dân. Không phải quý tộc hay địa chủ, chính nông dân nhận lãnh hậu quả của các chính sách đó. Tôi sẽ nói kỹ hơn ở phần sau về bài học cân nhắc hoàn cảnh của nước ta khi tiếp thu Hiến pháp Liên xô. Phải thừa nhận, những khủng hoảng xuất hiện sau Hiến pháp 80 là rất to lớn và cho đến nay vẫn chưa thể nào khắc phục hết được.

Phần II: Vì sao chưa có Toà án Hiến pháp ?

Thưa ông, Hiến pháp năm 1959 rõ ràng đã đưa nước ta đi theo một hướng mới so với Hiến pháp 1946, như ông nói, đây chính là thời kỳ mà tinh thần của các bản Hiến pháp Xô viết bắt đầu được tiếp thu?

Tiếp thu kinh nghiệm xây dựng Nhà nước của nước khác là điều bình thường. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là việc tiếp thu của chúng ta cũng có phần vội vã. Tôi ví dụ: Từ năm 1960, ta giải thể Bộ Tư pháp, trước đó Liên Xô cũng giải thể Bộ Tư pháp. Nhưng ta đã không nghiên cứu kỹ vì sao Liên xô giải thể. Nhà nước Liên Xô là Liên Bang, ở cấp Liên Bang, họ không có Bộ Tư pháp, nhưng các nước cộng hòa lại có. Hoàn cảnh ra đời của Hiến pháp 1936 của Liên Xô cũng khác. Năm 1936, Chủ tịch Uỷ ban Soạn thảo Hiến pháp Liên xô, Stalin, tuyên bố: “Liên xô đã hoàn thành xây dựng Chủ nghĩa Xã hội”, trong khi hoàn cảnh nước ta…

Thưa ông, mấu chốt của vấn đề có lẽ nằm ở thái độ đối với Hiến pháp. Hiến pháp 1946 nói rằng, việc “sửa đổi Hiến pháp phải do 2/3 tổng số nghị viên yêu cầu; những điều thay đổi khi đã được nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết”. Thế nhưng, khi thay thế Hiến pháp 46 bằng Hiến pháp 1959, quy trình sửa đổi đã không diễn ra như vậy, về sau, việc sửa đổi Hiến pháp còn dễ dàng hơn?

Hiến pháp 1946, như tôi nói, trên thực tế đã chưa được công bố. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là chúng ta chưa có truyền thống coi Hiến pháp là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm. Trong lịch sử ngắn ngủi của Hiến pháp Việt Nam, khi cần thiết, nó vẫn thường được đặt sang một bên để bước tới. Tôi ví dụ như sau đổi mới, ta mở cửa cho tư bản nước ngoài đầu tư, trong khi Hiến pháp 80 quy định “Nhà nước độc quyền về ngoại thương”. Mở cửa cho đầu tư Nước ngoài là một chính sách đúng, nhưng đúng ra là phải sửa Hiến pháp trước.

Nhưng không phải lúc nào “đặt Hiến pháp qua một bên” cũng đều vì một chính sách đúng như ông vừa ví dụ?

Đúng, Luật Cải cách ruộng đất là một trừơng hợp. Thường thì lợi ích dân tộc vẫn được ưu tiên. Tuy nhiên, không chỉ là quyền lợi dân tộc mà còn là một thói quen chọn cái dễ hơn. Đặt Hiến pháp sang một bên dễ hơn nhiều so với việc tuân thủ nó.

Thưa ông, Hiến pháp không chỉ bị vi phạm như vậy, đã từng có nhiều luật, nhiều quy định “dưới luật” trái hoặc triệt tiêu những quyền mà Hiến pháp đã trao cho người dân; các quy định về hộ khẩu là một ví dụ. Ông đã từng nói khi còn là một đại biểu Quốc hội, những quy định về hộ khẩu trước đây trái với quyền tự do cư trú được quy định trong Hiến pháp?

Trong một thời gian dài có thể nói “chuyên chính vô sản” đã chi phối mọi hoạt động của xã hội. Khuynh hướng người cầm quyền, lạm dụng quyền trở nên phổ biến. “An ninh Quốc gia” thường được sử dụng để biện minh cho sự lạm quyền và xã hội lại dường như có khuynh hướng chấp nhận nó. Luật Cư trú đúng là một ví dụ. Khi trình ra Quốc hội, dự luật này vẫn được gọi là Luật quản lý cư trú. Một dự luật, khi đưa tới Quốc hội, phải trải qua sự xem xét của rất nhiều cơ quan. Và “Lợi ích dân tộc” đã được nhân danh để lấn lướt. Tôi nghĩ là chúng ta vẫn rất cần phải nhận thức lại về các quyền tự do mà Hiến pháp đã trao cho người dân.

Có lẽ không phải dân chúng có khuynh hương chấp nhận nó mà dân chúng không thể làm gì với thực tế đó. Thưa ông, Hiến pháp khó có thể được tôn trọng, nếu không có một cơ quan độc lập, một toà án đưa ra những phán quyết khi Hiến pháp bị vi phạm?

Tôi nhớ là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng đã rất tha thiết với việc hình thành toà án Hiến pháp. Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội cũng đã từng đề cập tới điều này. Như vậy, đưa vấn đề toà án hiến pháp ra bàn giờ đây là không có gì đột ngột nữa. Nhưng, tôi vẫn cho là chưa chín muồi. Muốn có tòa án hiến pháp, phải sửa Hiến pháp.

Thưa ông, sửa Hiến pháp đâu phải là một việc khó, Quốc hội ta vẫn thường sửa Hiến pháp mà?

Đúng là không khó, nhưng cũng không đơn giản. Không phải là vấn đề tòa án hiến pháp chưa được bàn ở các cấp lãnh đạo cao nhất. Tuy nhiên, tôi nói không đơn giản là bởi để có toà án hiến pháp, chúng ta không chỉ sửa Hiến pháp mà trước hết, phải sửa phương thức lãnh đạo của Đảng. Nói thì nghe to tát, nhưng chỉ đơn giản là Đảng phải tuyệt đối tuân thủ điều 4 Hiến pháp, tức là, không để tổ chức nào đứng trên Hiến pháp và pháp luật. Muốn như vậy, phải nhận thức lại từ đầu.

Từ đâu, thưa ông?

Chúng ta nói xây dựng nhà nước pháp quyền, nhưng một nhà nước pháp quyền Việt Nam như thế nào thì chưa rõ. Năm 1992, để đưa được khái niệm “nhà nước pháp quyền” vào Hiến pháp, chúng ta đã phải tranh luận rất gay gắt.

Thưa ông nhiều người cho rằng, “pháp quyền”, nếu làm thật sẽ không khó, làm nửa vời mới khó, điều cần “nhận thức lại” mà ông đề cập là gì?

Pháp quyền chưa trở thành một nguyên tắc điều chỉnh mỗi hành vi, mỗi ngày. Chúng ta đã trải qua một thời kỳ dài bao cấp, không chỉ bao cấp kinh tế mà cả chính trị. Người lãnh đạo, người thủ trưởng, vẫn thường muốn cái gì cũng phải đến tay mình, cái gì cũng do mình quyết định thay vì phải để từng cơ quan hoạt động theo đúng chức năng Hiến định của nó. Ví dụ, về nguyên lý, sự lãnh đạo của Đảng là một mối quan hệ bên trong giữa Đảng và Nhà nước. Nhà nước mới là đại diện chính thức, là chủ quyền của nhân dân. Đảng lãnh đạo nhưng khi luật ban hành bởi nhà nước rồi thì Đảng cũng phải tuân thủ.

Thưa ông, chính vì thế mới đòi hỏi phải có toà án hiến pháp để đảm bảo ai, điều gì đứng trên Hiến pháp và pháp luật đều bị vô hiệu?

Không đơn giản như vậy. Lập ra một thiết chế không khó, cái khó là tạo uy tín cho nó vận hành. Tạo uy tín cũng không khó nếu để cho tòa án hiến pháp cứ phép nước thi hành. Nhưng, như tôi đã nói, chúng ta chưa có thói quen ấy. Sẽ có những nhân vật quan trọng chưa quen với việc có những việc quan trọng được quyết định mà… không hỏi ý mình. Nếu tòa án hiến pháp mà cũng phải xin ý kiến thì sẽ trở thành một thiết chế tồn tại lơ lửng, không đủ uy tín cho nó hoạt động.

Nói đến uy tín, thưa ông, về nguyên lý, hệ thống tòa án là nơi duy trì công lý vì vậy nó phải vận hành trên cơ sở lòng tin. Tư pháp có những thiết chế giám sát riêng, chứ không nhất thiết phải giám sát bởi lập pháp. Không ở đâu, Tư pháp lại dễ bị “mất mặt” như ở ta. Theo ông, việc Quốc hội chất vấn Chánh án Tòa án NDTC như ở Việt Nam có phải là hợp lý?

Đó là một bi kịch nhưng lại liên quan đến một vấn đề khác. Trước hết phải xác định vai trò Quốc hội trong bộ máy nhà nước như thế nào. Có những điều, tôi nhắc lại là chúng ta sao chép Liên xô nhưng lại không hiểu họ. Ở Liên xô trước đây, Quốc hội cũng không bao giờ chất vấn tòa án. Khi soạn thảo Hiến pháp 92, tôi đã nhiều lần nói lại cho rõ. Ở thời điểm mà chúng ta tiếp thu Hiến pháp Liên xô (1959), Việt Nam chưa có nhiều người giỏi tiếng Nga. Chúng ta dịch Hiến pháp Liên xô chủ yếu qua tiếng Pháp và Trung Quốc. Mà tiếng Trung quốc thì khác Việt Nam ở chỗ, tính từ đứng trước danh từ. Phần về Quốc hội, nguyên văn tiếng Nga là: “Quốc hội là cơ quan cao nhất của quyền lực Nhà nước”. Ta dịch theo bản tiếng Trung thành: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”. Mọi bí ẩn, tiếc thay, lại chỉ nằm ở một chỗ hết sức đơn giản như vậy. Thế nhưng đã thành nếp rồi, chúng tôi không thuyết phục được nữa.

Và hệ luỵ?

Đó là lý do Quốc hội muốn chất vấn ai thì chất vấn. Cũng phải nói rằng ngay cả ở những nước “tam quyền phân lập”, hành pháp vẫn bổ nhiệm các thẩm phán; lập pháp vẫn phê chuẩn họ, nhưng điều đó không có nghĩa là hành pháp, lập pháp có thể can thiệp vào hoạt động của tư pháp.

Thưa ông, cho dù “nhà nước pháp quyền” được ghi trong Hiến pháp, cho dù Hiến pháp nói tư pháp hoạt động “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”, nhưng nó vẫn không “chỉ tuân theo pháp luật” vì nó không được nhận thức như là một nguyên lý của nhà nước?

Việc hoạt động của hệ thống tòa án chưa thực sự độc lập còn liên quan đến nhiều yếu tố khác. Trong phạm vi cuộc trao đổi này, tôi muốn trở lại vấn đề quốc hội lập hiến. Tại sao quốc hội lập hiến không nên tiếp tục là quốc hội lập pháp? Bởi, lập hiến là tiến trình xác định giới hạn quyền lực của các cơ quan nhà nước. Cho nên, nếu để quốc hội lập hiến tiếp tục tồn tại, nó nghiễm nhiên trở thành một cơ quan tự xác lập quyền lực cho mình, dẫn đến giành hết quyền lực cho mình. Chúng ta không có truyền thống hiến pháp, chúng ta cũng không bắt đầu hiến pháp bằng một chủ thuyết. Chúng ta lại không tiếp thu kinh nghiệm dựa trên một sự nghiên cứu đầy đủ. Đó là lý do, tiến trình đi đến một nhà nước pháp quyền vẫn còn không đơn giản.

Huy Đức thực hiện (Sài Gòn Tiếp Thị)