Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Trận “Điện Biên Phủ trên không”*

Trận “Điện Biên Phủ trên không”*

*kèm ảnh panorama

Thứ Hai 31, Tháng Mười Hai 2007

Từ đêm 18.12 đến ngày 29.12.1972, cả thế giới chứng kiến cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại khi Mỹ sử dụng pháo đài bay chiến lược B52 ném bom hòng hủy diệt thủ đô Hà Nội.
Mãi sau, qua 3 thập kỷ, có những sự thật về chiến dịch này mới được công bố.


Khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng LS Quân sự VN ©2010 Thang Bui


Việc Mỹ mở chiến dịch Linebacker II tấn công miền Bắc hoàn toàn không có sự bất ngờ nào với ta. Năm 1964, ngay từ khi Mỹ bắt đầu sử dụng pháo đài bay B52 trên chiến trường miền Nam, ta đã bắt đầu nghiên cứu, đánh giá tình hình và kết luận rằng Mỹ sẽ sử dụng loại vũ khí chiến lược này để tấn công miền Bắc trong những thời điểm lịch sử.

Năm 1965, Bác Hồ đã nhận định rằng không sớm thì muộn Mỹ cũng sẽ tấn công Hà Nội bằng B52 và đây sẽ là trận đánh cuối cùng quyết định sự thua trận của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Pháo đài bay B52 là loại máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1952, B52 có thể sử dụng trong 4 dạng chiến tranh như: chiến tranh hạt nhân chiến lược, hạt nhân chiến trường, chiến tranh thông thường và chiến tranh cục bộ. Đây là loại máy bay ưu việt, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay và ném bom thẳng đứng từ độ cao mắt thường không thể nhìn thấy được (9.000m - 15.000m), có thể mang được 30 tấn bom (B52D), được bảo vệ tối đa bằng nhiều tốp máy bay chiến thuật F4, F111 trong mỗi chuyến oanh tạc.
18 giờ 30 phút ngày 18.12.1972, 67 chiếc B52 Mỹ xuất kích từ đảo Guam với khoảng 100 máy bay chiến thuật hộ tống đã bay theo thế trận “hành khúc chân voi” trên một vùng trời dài khoảng 100 km, rầm rập nhằm Việt Nam thẳng tiến. Đại đội ra-đa 16 (Trung đoàn 291) tại Nghệ An đã kịp thời phát hiện khi tốp máy bay này chuyển hướng bay dọc sông Mê Kông lên phía Bắc để quay về Hà Nội. Đến 19 giờ 15 phút đã có lệnh báo động trên toàn miền Bắc.

Một B52 bị bắn rơi ngay xuống hồ Hữu Tiệp ở làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội
19 giờ 40 phút, B52 Mỹ đã bắt đầu trút hàng tấn bom xuống Hà Nội. Trong đêm 18.12, cả Hà Nội rung chuyển, rực cháy bởi bom Mỹ và pháo phòng không, tên lửa của ta. Theo tài liệu của quân chủng Phòng không - Không quân, trong đêm đầu tiên này, Mỹ đã huy động 90 lượt máy bay B52 và 135 lượt máy bay chiến thuật đánh liên tiếp vào các sân bay xung quanh Hà Nội, một số khu vực trọng yếu khác. Đồng thời, Mỹ đã huy động 28 lượt máy bay hải quân đánh phá Hải Phòng.
Chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, ta đã tổ chức đánh B52 với lực lượng không quân chặn vòng ngoài, lực lượng pháo cao xạ và lưới lửa tự vệ đánh dạt các lớp máy bay chiến thuật tạo điều kiện để bộ đội ra-đa, tên lửa tìm diệt B52. Vào hồi 20 giờ 13 phút, chiếc máy bay B52 đầu tiên đã bị bắn rơi tại cánh đồng xã Phù Lỗ (huyện Đông Anh, Hà Nội) bởi Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261).
Rạng sáng ngày 19.12, vào lúc 4 giờ 39 phút, Tiểu đoàn 77 (Trung đoàn 257) tại Thanh Oai (Hà Tây) đã bắn rơi chiếc B52 thứ hai. Cùng ngày, Tiểu đoàn 52 (Trung đoàn 267) cũng bắn rơi thêm một B52 đang trên đường về căn cứ Utapao. Sau hai ngày đầu đánh trả cuộc không kích của Mỹ, ta đã gấp rút tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Theo số liệu được tập hợp từ báo cáo của các đơn vị chiến đấu thì ta đã bắn rơi được 5 máy bay B52.

Xác máy bay Mỹ chất đống trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự VN
Tuy nhiên, ta đánh giá hiệu quả chiến đấu chưa cao, các đơn vị chiến đấu chưa có kinh nghiệm trong việc đối phó với những cuộc không kích khủng khiếp về cường độ lẫn quy mô như vậy. Đồng thời, đạn dược đã bị hao hụt nhiều, đặc biệt là tên lửa. Trước đó, binh chủng này đã được chuẩn bị đến mức tối đa với 2 cơ số đạn cho 1 tiểu đoàn tên lửa) và hệ số kỹ thuật đảm bảo 100%.
Chỉ qua đêm 18.12, đã có những báo cáo về nguy cơ thiếu tên lửa nếu Mỹ vẫn không kích Hà Nội với quy mô vừa qua và nếu ta tiếp tục sử dụng tên lửa như thế.
Do vậy, các đơn vị đã được lệnh “Giữ đạn đánh B52”, thế nhưng tình trạng khan hiếm đạn vẫn xảy ra ở nhiều nơi, có đơn vị đã phải bắn đến quả tên lửa cuối cùng. Các phân xưởng lắp ráp tên lửa đã được vận hành tối đa, các loại tên lửa hư hỏng đã được lệnh phải tìm cách sửa chữa, phục hồi để có thể vươn lên bầu trời Hà Nội đáp trả B52. Đồng thời, ta đã gấp rút chuyển phần lớn số tên lửa đang dự trữ tại Thanh Hóa, điều thêm 2 tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng và 3 tiểu đoàn thuộc trung đoàn tên lửa 274 từ Quảng Trị về chi viện cho Hà Nội. Đến ngày 26.12, vấn đề thiếu tên lửa đã được giải quyết cơ bản.
Đêm 20.12, không quân ta đã xuất kích đánh vào đội hình máy bay chiến thuật của Mỹ, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa tiêu diệt B52. Đêm thứ ba này đã trở thành một đêm kinh hoàng với các phi công Mỹ khi có tới 5 chiếc B52 bị hạ tại chỗ. Đến rạng sáng ngày 21.12, ta còn hạ được thêm một máy bay B52, đưa tổng số B52 bị bắn rơi trong đêm lên tới 6 chiếc bằng 35 tên lửa, bắt sống 12 phi công Mỹ.
Như vậy, trong 4 ngày đầu, ta đã tiêu diệt 12 máy bay B52 của Mỹ, điều này khiến cho chiến dịch Linebacker II phải kéo dài thêm so với kế hoạch của Mỹ. Từ đêm 22.12, sau khi kế hoạch không kích Hà Nội, Hải Phòng được điều chỉnh, tần suất và cường độ tấn công của máy bay B52 và máy bay chiến thuật Mỹ có dấu hiệu giảm sút. Sau này ta mới biết rằng Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ (SAC) vẫn ra lệnh cho các phi công tiếp tục oanh kích Hà Nội như trước, nhưng các phi công B52 đã tìm mọi cách lảng tránh Hà Nội sau khi nếm trải sức kháng cự mãnh liệt.

Xác chiếc B52 hiện vẫn nằm ở hồ Hữu Tiệp, gần vườn Bách Thảo
Ngay sau chiến thắng đêm 20 rạng ngày 21 của ta, hãng thông tấn AP (Mỹ) đã bình luận: “Nếu cứ theo đà này thì máy bay B52 của Mỹ sẽ bị diệt chủng”, còn các tướng lĩnh Mỹ chỉ huy chiến dịch này ở căn sứ Offut (Nebraska) cũng phải thừa nhận rằng trong 2 tuần lễ nữa Mỹ sẽ không còn một chiếc máy bay B52 nếu tiếp tục đưa B52 vào “nướng” tại miền Bắc theo kiểu này.
Trước trận thắng giòn giã đêm 21.12, ta đã tổ chức đánh giá lại kết quả chiến đấu trong 3 ngày đầu và nhận định về phương thức đánh sắp tới của Mỹ. Theo đó, Bộ Tổng tham mưu đồng ý với nhận định rằng sau khi bị mất nhiều B52, Mỹ sẽ thay đổi cách đánh và mục tiêu sắp tới của các phi công Mỹ sẽ là những trận địa tên lửa của ta. Do vậy, ta đã đưa thêm 2 tiểu đoàn pháo cao xạ từ Thanh Hóa và 2 trung đoàn pháo cao xạ từ Hải Phòng về Hà Nội để tăng cường bảo vệ bộ đội tên lửa.
Đến ngày 21.12, Hà Nội đã có 7 trung đoàn pháo cao xạ. Đồng thời, các phân xưởng sửa chữa vũ khí, khí tài tên lửa đã được bố trí ngay sát trận địa để phục vụ kịp thời mọi tình huống. Tuy nhiên, sau đêm 21.12, số lượt B52 tấn công Hà Nội đã giảm sút nhiều, chúng chỉ đánh mỗi đêm 1 lượt với mỗi đợt từ 24 đến 33 máy bay B52. Tiếp đó, đêm 24.12, bộ đội pháo cao xạ đã bắn rơi 1 máy bay B52, nâng số máy bay B52 bị bắn hạ trong 6 ngày đầu là 17 chiếc, 5 máy bay F111 và 24 máy bay khác.

Đêm 26.12, sau khi điều chỉnh lại chiến thuật tấn công, Mỹ tổ chức một đợt không kích rầm rộ không kém đêm đầu tiên với số lượng máy bay B52 được huy động lên tới 129 chiếc, đánh dồn dập mỗi mục tiêu từ ba hướng khác nhau (khác với đánh từ một hướng như trước kia). Đây là trận quyết chiến quyết định số phận của chiến dịch Linebacker II. Bom Mỹ đã hủy diệt phố Khâm Thiên, khu Tương Mai, Mai Hương, Bệnh viện Bạch Mai...
Tuy nhiên, Mỹ đã phải trả giá đắt cho những tội ác của họ với đồng bào thủ đô khi 18 máy bay bị bắn hạ, trong đó có 8 chiếc B52. Sau đó, hàng đêm Mỹ chỉ tổ chức khoảng 50 lượt B52 không kích Hà Nội. Trong các ngày 27, 28 và 29.12, bộ đội không quân đã bắn rơi 2 máy bay B52 (một chiếc do Anh hùng Phạm Tuân bắn đêm 27.12), đây là những trường hợp đầu tiên trên thế giới máy bay B52 bị bắn hạ bởi lực lượng không quân. Đồng thời, bộ đội tên lửa cũng bắn rơi thêm 5 chiếc B52.
Vào lúc 7 giờ ngày 30.12.1972, Chính phủ Mỹ tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra, đề nghị gặp lại đại diện của chính phủ ta tại Paris để bàn tiếp về việc ký Hiệp định. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch Linebacker II, Mỹ đã đưa 663 lượt B52 tấn công miền Bắc, 3920 lượt máy bay chiến thuật, rải khoảng 10 vạn tấn bom (riêng Hà Nội chịu khoảng 4 vạn tấn). Quân dân ta đã diệt được 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, bắt 43 phi công Mỹ (có 33 phi công B52), kết thúc trận “Điện Biên Phủ trên không” như lời bình của thế giới.
Ngày 27.1.1973, Hiệp định Paris về lập lại hòa bình tại Việt Nam đã được ký kết với những điều khoản như bản dự thảo tháng 10.1972. Sau này, có chuyện rằng trong một chuyến đến thăm Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội vào năm 1973, sau khi được nghe người hướng dẫn dịch sang tiếng Anh bài thơ Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Kissinger đã buông lời nhận xét: “Đây chính là Điều 1 của Hiệp định Paris”.