C.F.Weizsäcker (1912-2006)

C. F. von Weizsäcker năm 1993 (Nguồn: Ian Howard)

Nhà vật lí học và triết gia Carl Friedrich von Weizsäcker, một trong những thành viên cuối cùng của đội nghiên cứu tuy cố gắng nhưng thất bại trong vỉệc chế tạo bom hạt nhân cho Đức trong thời gian Thế chiến thứ hai, đã qua đời ở tuổi 94 vào ngày 28/4/2006.

Sau chiến tranh, von Weizsäcker có một phát biểu khiến nhiều người tranh luận, rằng ông và những nhà vật lí Đức khác đã thận trọng cân nhắc không chế tạo bom bởi vì họ không muốn trang bị cho chế độ phát xít thứ vũ khí nguy hiểm đó. Von Weizsäcker từng đi cùng Werner Heisenberg tới thăm Niels Bohr đang tị nạn ở Đan Mạch vào tháng 9 năm 1941 – một cuộc gặp nổi tiếng đã được Micheal Frayn dựng thành vở kịch Copenhagen.

Carl Friedrich von Weizsäcker sinh ngày 28/6/1912, tại thành phố cảng Kiel ở miền bắc nước Đức. Từ 1929 đến 1933, ông nghiên cứu vật lí, thiên văn và toán học ở Berlin, Gottingen và Leipzig, ở đó ông làm việc chung với một số nhà vật lí hàng đầu vào thời của ông như Heisenberg, Bohr và Erwin Schrödinger. Là một nhà vật lí trẻ, von Weizsäcker bị lôi cuốn vào nghiên cứu năng lượng liên kết của hạt nhân nguyên tử và vào năm 1937 đã xác định cái sau này được gọi là “công thức Bethe-Weizsäcker”, công thức dự đoán năng lượng hạt nhân dưới dạng số lượng proton và neutron hợp thành.

Năm 1939, von Weizsäcker trở thành một phần của “dự án uranium” của Đức – một mạng lưới lỏng lẻo gồm các nhà khoa học trong toàn nước bắt đầu tiến hành nghiên cứu về lò phản ứng hạt nhân, tách đồng vị và các vụ nổ hạt nhân. Mặc dù các nhà khoa học này chưa bao giờ thành công trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân thực sự, nhưng các nhà sử học lâu nay vẫn còn nghi ngờ về điều này. Một số người thì cãi rằng các nhà vật lí như Heisenberg và von Weizsäcker đơn giản là còn thiếu kiến thức kĩ thuật để chế tạo bom. Một số người khác thì cho rằng những nhà vật lí này không thèm phiền toái xác định những đại lượng thiết yếu như khối lượng tới hạn của bom, bởi vì họ biết chính quyền Đức không hề có nguồn tài nguyên để chế tạo một thiết bị như thế, cho nên việc tính toán như vậy chỉ là vô nghĩa mà thôi.

Sau chiến tranh, von Weizsäcker cho biết nguyên nhân thực sự khiến ông và những nhà khoa học Đức khác không chế tạo bom là vì họ đã thận trọng lựa chọn như vậy, họ lo sợ những hậu quả khôn lường của nó nếu rơi vào tay chế độ phát xít Đức. Von Weizsäcker lần đầu tiên trình bày vấn đề này trong cuộc trả lời phỏng vẫn của nhà sử học Robert Jungk, tác giả quyển sách “Sáng hơn một ngàn Mặt Trời” xuất bản năm 1957, theo đó thì Heisenberg và von Weizsäcker đã xử sự thật đáng kính trọng.

Toàn bộ câu chuyện chỉ được phơi bày mãi nhiều năm sau này khi bản ghi âm các cuộc nói chuyện giữa von Weizsäcker, Heisenberg và tám nhà vật lí Đức khác, được bí mật ghi lại khi họ bị quân đội Anh bắt giữ tại Farm Hall, gần Cambridge, cuối cùng công bố vào năm 1993. Hóa ra von Weizsäcker đã thận trọng khuyến cáo những người bạn vật lí của mình tranh luận rằng họ chưa bao giờ muốn chế tạo bom, mặc dù họ thừa biết điều này không hẳn là đúng.

Sau chiến tranh, von Weizsäcker trở lại với nghiên cứu, được bổ nhiệm làm trưởng khoa vật lí lí thuyết tại Viện Max Planck ở Gottingen, trước khi được phong giáo sư tại trường đại học Hamburg vào năm 1957. Đó cũng là năm mà ông là một trong 18 nhà khoa học lỗi lạc kí bản “tuyên ngôn Gottingen” kêu gọi Tây Đức không phát triển vũ khí hạt nhân.

Là một tín đồ Cơ đốc ngoan đạo, von Weizsäcker cũng quan tâm đến triết học, phát triển những ý tưởng sâu sắc về đạo đức và trách nhiệm. Các sách của ông gồm The World View of Physics, The Unity of Nature và The Politics of Peril. Richard von Weizsäcker, người em trai của von Weizsäcker, là tổng thống Đức giai đoạn 1984 – 1994.

Von Weizsäcker chủ yếu trở lại thu hút sự chú ý vào năm 2002 khi ông bình luận vể việc công bố những lá thư mà Bohr đã viết – nhưng chưa bao giờ gởi đi – đề cập đến chuyến thăm của Heisenberg và von Weizsäcker tới Copenhagen vào tháng 9/1941. Những bức thư này cho thấy Heisenberg và các đồng sự thật ra đã làm việc cật lực trong dự án bom A trong các năm từ 1939 đến 1941.

(theo Physics Web, 1/5/2007)