Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Tổng Tam Kim (Hà Nội)

Tổng Tam Kim (Hà Nội)

Đông Tỉnh

Thứ Ba 13, Tháng Hai 2007

Từ trung tâm thành phố đi Ngã Tư Sở, dọc theo đường 70B xuôi dòng chảy sông Tô, qua làng Hạ Đình là đến Tam Kim. Đây chính là vùng đất cổ đã sinh ra nhiều danh nhân như Nguyễn Công Thể, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Trọng Hợp, Tản Đà, Hoàng Đạo Thúy. Tổng Tam Kim được hợp nhất bởi ba làng Kim Giang, Kim Lủ, Kim Văn. Từ xa xưa, làng Kim Lủ (hay Kim Lũ) được cả vùng coi là trung tâm mà điểm nhấn chính là Chùa Lủ.

Những năm kháng chiến chống Pháp, Tam Kim thuộc huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, sau thuộc đại lý Hoàn Long, tỉnh Hà Nội. Hòa bình lập lại, Tam Kim thuộc quận 7 ngoại thành, ngày nay thuộc địa giới hành chính quận mới Hoàng Mai, Hà Nội.

Có thể coi người đầu tiên khai khoa cho đất Tam Kim là Hình bộ hữu thị lang Hồng Hạo (1677 - 1749), 34 tuổi ông đỗ Đệ tam Giáp đồng Tiến sĩ - khoa Canh Dần niên hiệu Vĩnh Thịnh 6 (1710) đời vua Lê Dụ Tông. Ông là tác giả cuốn sách nổi tiếng: “Hoàng Lê chính yếu toàn thư”.

Kế đến là ông Nguyễn Công Thể (1684 - 1758), 18 tuổi đã đỗ giải Nguyên (1702), 31 tuổi đỗ Hội nguyên Tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715), bốn lần giữ chức Tham tụng (đồng Tể tướng), được vua phong chức Đông các học sĩ Tri lại phiên, Tế tửu Quốc Tử Giám, Tư thị Lang Bộ Lại Kiêm Bồi tụng (một trong những chức vụ quan trọng nhất trong phủ Chúa đương thời).

Có lẽ phải đến đời Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) đất Tam Kim mới trở nên nổi tiếng hào kiệt, là con cháu dòng dõi cụ Nguyễn Công Thể. Ông là danh sĩ tài hoa thời Tự Đức lấy bút hiệu Phương Đình, lại là bạn văn chương nổi tiếng cùng thời Cao Bá Quát. Đỗ Phó bảng khoa thi 1828, làm quan ở tòa Hàn lâm Bộ lễ triều Nguyễn, học rộng, tài cao, được người đương thời ca tụng “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”.

39 năm sau thời Nguyễn Văn Siêu, làng Lủ được cả kinh thành Thăng Long biết đến sau khi Nguyễn Trọng Hợp đỗ Tiến sĩ năm 1865. Ông là danh thần triều Tự Đức, dòng dõi đại thần thời Hậu Lê. Suốt 5 đời vua Nguyễn, ông giữ nhiều chức vụ như: Thượng thư Bộ Lại, Đại thần Cơ mật viện, Văn minh điện Đại học sĩ, Bắc kỳ Kinh lược sứ…

Đầu thế kỷ XX, hậu duệ của Nguyễn Trọng Hợp lại làm rạng danh tiên tổ và một lần nữa khẳng định mảnh đất địa linh tứ khí, đó là thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1885 - 1939) và sau đó là Nhà giáo nhân dân Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1994). Nối nghiệp cha là cử nhân văn chương Hoàng Đạo Thành, ông Thúy được giác ngộ cách mạng từ rất sớm, khi còn là học sinh trường Bưởi. Ông gia nhập quân đội và giữ nhiều chức vụ, được Nhà nước phong hàm đại tá, ông là đại biểu Quốc hội khóa 1 (năm 1946), ngoài lĩnh vực quân sự còn là nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử của Hà Nội.

Mảnh đất địa linh tứ khí đã sản sinh ra nhiều nho sĩ và anh hùng hào kiệt tạo nên bản chất truyền thống yêu nước được thể hiện ở sự hình thành ý thức dòng họ, cộng đồng, nó được gắn liền với quê hương, đất và người Tam Kim. “Đất lành chim đậu”, nhiều cư dân, dòng họ di cư về đây sinh sống, đều được chấp nhận lập tộc, tạo xóm nhập làng, theo năm tháng, đời nọ tiếp đời kia, các dòng họ đông lên và phát triển thêm những chi mới, họ mới.

Ngày nay, nhà văn Nguyễn Quang Thân viết: vùng này nổi tiếng vì có Chùa Lủ (chùa Đại Kim) với sư sãi đông đúc. Khách lễ chùa tăng lên gấp bội vì làng đã dung nạp thêm rất nhiều người từ trung tâm thủ đô về hay ngoại tỉnh đến. Cổng làng vẫn còn nguyên, hàng năm được quét vôi, tô lại đại tự... nhưng nhà thờ Nguyễn Siêu cũng như mộ Đặng Trần Côn, Nguyễn Trọng Hợp đang bị chìm ngập trong những ngôi nhà nhiều tầng với các kiểu kiến trúc lai căng, bên cạnh dòng sông Tô Lịch đen ngòm và hôi thối.

HNM