Một đại gia trong nghề chơi

Trong cái thị trấn nhỏ của chúng tôi chẳng ai không biết ông Kim, một vị đại gia trong nghề chơi.

Tôi quen ông Kim đã lâu, từ hồi cả hai còn ở truồng. Chúng tôi đều sinh ra trong cùng một xóm nhỏ ở phía Bắc sông Hoàng Hà. Ông Kim không thuộc loại người đần độn, có điều là ông không chịu học, mới đến lớp 5 đã bỏ học.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công về làm việc trong Hội Nhà văn của thị trấn quê nhà. Một thời gian dài tôi cũng chưa hề gặp lại ông Kim.

Một buổi sớm nọ, tôi ra phố đổ rác, thấy bên đống rác có một người đang dùng chiếc móc sắt để bới rác. Tôi biết đó là một người nhặt rác, hiện nay khá nhiều người ở nhà quê lên phố nhặt rác kiếm sống.

Đổ xong rác, tôi đi về nhà, cảm thấy người này trông có vẻ quen quen. Đi được vài bước bỗng nhớ ra đây là ông Kim.

Vốn là kẻ trọng lễ nghĩa, tôi không có thói gặp người quen cùng quê ngay trước nhà mình mà lờ đi, cho dù người đó là ăn mày đi nữa. Lúc ấy tôi không chút do dự quay lại, thân mật gọi tên ông Kim. Ông cũng nhận ra tôi và mỉm cười có chút ngượng. Ông giải thích: lấy vợ rồi nhưng bà xã số không may, đẻ 3 đứa liền chẳng được mụn con trai nào, thế là gia đình đang sống yên ổn thì vì phạm Luật sinh đẻ có kế hoạch mà bị phạt cho sạt nghiệp. Chẳng có cách nào khác, đành phải dẫn vợ con lên thị trấn đi nhặt rác, cũng kiếm được hôm ba chục hôm dăm chục đồng.

Tôi gật gật đầu tỏ ý hết sức thông cảm, mời ông vào nhà ngồi chơi, nhưng ông khăng khăng không chịu vào mà cắp cái sọt rác bỏ đi.

Mấy năm sau đó tôi đều không gặp lại ông Kim lần nào cả.

Một hôm, tôi ngồi tán róc với mấy ông bạn đồng nghiệp trong cơ quan, nói đủ thứ chuyện từ chuyện lớn trên thế giới và trong nước cho tới chuyện ăn chơi. Cậu Mã, một tay hay hóng chuyện vỉa hè kể: “Các ông có biết không, một đại gia trong làng chơi thị trấn này là Kim tiên sinh vừa đến Hàng Châu bỏ ra bạc vạn mua được một con cá Rồng Đỏ nhập khẩu từ Đức sang đấy !”

Chúng tôi đều kinh ngạc há hốc miệng. Tôi hỏi ông Kim nào thế ? Cậu Mã bảo chính là ông Kim chủ cửa hiệu “Kỳ Bảo Trai” ấy, chẳng lẽ anh còn chưa biết gì về ông ấy ư ?

Nghe nói thế tôi càng ngạc nhiên hơn. Tôi thật khó mà tin được rằng vị đại gia nghề chơi ấy lại chính là ông Kim nhặt rác kia.

Một hôm tôi đang ngồi nhà viết tiểu thuyết thì có tiếng gõ cửa. Ra mở cửa, thật không tin được người đến tìm mình lại là Kim tiên sinh. Ông mặc một chiếc áo dài lụa trắng có hàng cúc ở giữa, quần lụa đen ống rộng, đầu húi cua, mặt hồng hào béo tốt, tay cầm một cái lồng chim sang trọng, rõ rành rành là hình ảnh của một phú ông thủa xưa !

Ông Kim đặt cái lồng chim lên bàn và bảo tôi: “Quà biếu ông đấy, một chú vẹt mầu phỉ thuý thượng đẳng, biết nói cả ngoại ngữ nữa kia.” Ông giơ tay ra hiệu, con vẹt trong lồng há mỏ liền mấy lần, phát ra tiếng “Yes, yes”.

“Tôi mất 8 tháng để dạy nó nói câu ấy đấy, như thế có lẽ hợp với gu chơi của giới văn nghệ sĩ các ông.” ông Kim nói với giọng có phần tự đắc.
Tôi khăng khăng chối từ món quà quý giá ấy.

Kim tiên sinh bèn bảo: “Ông anh ơi, đừng khách sáo nữa. Có người trả giá cao mà tôi không bán đâu. Còn nhớ cái đận mấy năm trước khi ta gặp nhau, ông đã chẳng chê tôi là thằng nhặt rác mà lờ tôi đi, lại còn mời tôi vào nhà trò chuyện nữa. Con chim này biếu ông là đáng lắm. Hồi ấy có ai coi tôi ra cái quái gì đâu ? Ông anh có địa vị mà chẳng lên mặt làm cao, tôi nay có tiền rồi cũng biết người biết của. Món quà này dứt khoát là đem biếu ông anh đó.”

Khách đã nói đến như thế thì tôi chỉ còn cách nhận món quà quý giá ấy. Hai chúng tôi ngồi khề khà nhắm rượu ôn chuyện cũ.

Kim tiên sinh kể: sau khi nhặt rác kiếm được một số tiền, ông mở cửa hàng thu mua phế phẩm phế liệu, cũng kiếm được kha khá. Sau đấy lại làm vài chuyến buôn hàng lậu, càng ăn nên làm ra hơn bèn đóng cửa hàng thu mua phế liệu mà mở cửa hiệu “Kỳ Bảo Trai” chuyên kinh doanh đồ cổ. Ông bảo, bây giờ nhiều người giầu nên đồ cổ bán tốt tiền lắm.
Thế nhưng bản thân ông Kim lại không chơi đồ cổ , ông chỉ dùng chúng để kinh doanh kiếm tiền thôi. Đã làm nghề kinh doanh như thế thì chẳng thể nói đến chuyện “chơi” được rồi.

Ông bảo: trên thế gian này, riêng một thú “chơi” cũng chia làm dăm bảy hạng, có hạng cao sang có hạng thấp hèn. Có người coi việc chơi bài đánh cờ là sự hưởng lạc; tôi cho rằng đã là “chơi” mà một khi có ăn thua phân thắng bại thì tất phải sát phạt nhau, mà đã sát phạt thì tất phải có kẻ bị tổn thương …. như thế là đã đi ngược lại ý nghĩa ban đầu của cái thú “chơi”. Có người cho rằng chơi đồ cổ, đồ gốm đồ ngọc, tranh vẽ, tranh thư pháp thì tức là “nhã”. Theo tôi thì những thứ đồ cổ lỗ, hàng cũ rích ấy đều là thứ đồ chết, chẳng có hồn, chúng chẳng thể thông cảm với con người, si mê chúng thật là phí phạm tình cảm của mình. Vả lại hàng hoá thì vô thiên lủng rất khó phân biệt thật giả; tốn đầu óc vào những thứ ấy có lúc còn mất hết cả gia tài, thật chẳng đáng. Bởi vậy, Kim tiên sinh nói, tôi thích chơi các con vật cưng hơn là những trò kể trên. Phàm đã là con vật có sinh mệnh, chúng chẳng khác con người là mấy, có thể kết bạn với ta. Cá có thể bơi, chim có thể nói, khỉ có thể làm trò, chó có thể kết bạn, mèo có thể sửa tính nết, hổ có thể dạy được. Cho nên tôi thích chơi các sinh linh sống.

Những lời cao đàm khoát luận ấy của ông Kim thật sự làm tôi tỉnh cả người. Ai ngờ đâu ông này ngày xưa trình độ văn hoá không cao, thế mà bây giờ lại hiểu biết rộng thế, có sự hiểu sâu sắc về thú “chơi”. Xem ra có lẽ do ông ấy về sau đã đọc lắm sách. Thật không hổ là một đại gia trong nghề chơi.

Mấy hôm sau, ông Kim hẹn tôi đến ăn cơm ở một khách sạn sang nhất thị trấn. Khi ngồi bên bàn ăn, tôi thấy ông giơ tay trái lên và hẹ hẹ vài tiếng rồi nhổ một bãi đờm vào tay áo. Đúng lúc ấy, cô tiếp viên bưng thức ăn đến bày lên bàn. Tôi thất sắc vì kinh hãi, bụng nghĩ không hiểu Kim tiên sinh làm sao thế nhỉ, chắc là say xỉn rồi.

Nhìn thấy sắc mặt kinh hãi của tôi, ông Kim hiểu ngay lý do và giơ cánh tay trái cho tôi xem. Liếc vào ống tay áo của ông, tôi thấy trong đó có một con vật nhỏ xíu bằng chú chuột nhắt, thân hình giống như loài chó Haba, cổ đeo một chiếc dây chuyền vàng, một đầu dây chuyền buộc vào cổ tay Kim tiên sinh. Tiếp đó ông lại nhổ một bãi nữa vào tay áo. Tôi thấy con vật nhỏ kia há miệng đớp gọn bãi đờm rồi nuốt chửng. Ông bảo tôi, đây là loài chó tay áo, có thể để nó trong ống tay áo để thay cho cái ống nhổ, hàng Paris đấy, giá khoảng 20 nghìn đồng (khoảng 40 triệu VNĐ). Người Paris nào chơi loài chó này là biểu hiện của sự sành điệu.

Sau đấy mấy hôm, tôi lại nghe nói Kim tiên sinh vừa bỏ ra hơn chục nghìn đồng sắm một con chim ong Ba Lan. Gọi là chim ong vì con vật này thuộc loài chim nhưng lại nhỏ tý chỉ bằng con ong mật thôi.

Giờ đây trong cái thị trấn nhỏ của tôi, mọi người thường nhìn thấy Kim tiên sinh mang theo các con vật cưng của mình, thong dong thả bước một cách nhàn hạ trên hè phố.

Tôi thường hay thầm nghĩ, nếu có một ngày nào đó tất cả chúng ta đều rủng rỉnh tiền bạc, người nào cũng sống nhàn tản suốt ngày như Kim tiên sinh – khi ấy cuộc sống sẽ tốt biết bao !

Vương Hải Xuân (Trung Quốc)

Nguyễn Hải Hoành dịch