Các nền văn hóa cổ và đồ cổ

Xem thêm: Triển lãm Cổ vật Việt ở TP HCM, Sơ lược về trống đồng, Cổ vật Hoàng thành Thăng Long, Con Nghê - linh vật thuần Việt, Xem trưng bày Cổ vật văn hóa Óc Eo, Hình tượng hoa sen trên gốm sứ Thăng Long, Gốm Chu Đậu, Hình ảnh con Nghê Việt Nam

Trong quá trình hình thành và phát triển của mình, đã có nhiều nền văn hóa của các dân tộc phát triển trên đất Việt. Riêng thời đại kim khí ở Việt Nam đã có 3 nền văn hóa: văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung, văn hóa Đồng Nai ở phía Nam. Trong giai đoạn đầu Công nguyên lại có 3 nền văn hóa kế tục phát triển trên 3 miền đất nước. Đó là văn hóa chống xâm lược phương Bắc ở lưu vực sông Hồng, sông Mã, văn hóa Champa ở Trung bộ và văn hóa Óc Eo, hậu Óc Eo ở các tỉnh phía Nam. Giai đoạn quân chủ phong kiến độc lập từ thế kỷ 10 đến TK20 lại có nền văn hóa Đại Việt với các Vương triều: Ngô - Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn và văn hóa Đại Nam của triều Nguyễn.

Trống đồng Ngọc Lũ

Các nền văn hóa Việt

Văn hóa Đông Sơn

Văn hóa Đông Sơn (4000-2000 năm cách nay) là văn hóa thời kim khí của người Việt phát triển ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ VN hiện nay. Tuy nhiên sự phân bố văn hóa này có thể bao trùm cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc. Đây là nền văn hóa cùng thời nhưng khác biệt với văn hóa Thương Chu ở Trung Quốc cũng như văn hóa Vêđa ở Ấn Độ. Cổ vật văn hóa Đông Sơn thường được biết đến là đồ đồng và đồ gốm, trong đó nổi tiếng là những chiếc trống đồng loại I và các loại dao găm đồng.

Văn hóa Sa Huỳnh

Phát triển sau Văn hóa Đông Sơn ở khu vực miền Trung VN hiện nay, Văn hóa Sa Huỳnh (2500-2000 năm cách nay) được coi là tiền thân của văn hóa Champa. Văn hóa Sa Huỳnh được khắc họa bằng các loại đồ sắt, đồ đá quý và đồ gốm, đặc biệt là chum gốm thường được dùng làm quan tài tống táng.

Văn hóa Đồng Nai

Là nền văn hóa thời kim khí phát triển ở khu vực Đông Nam bộ VN hiện nay, Văn hóa Đồng Nai nổi tiếng với các loại công cụ đồ đá, vũ khí bằng đồng. Những cổ vật đá khai quật được cũng như tìm thấy dưới lòng sông Đồng Nai như rìu, cuốc, mai, dao… có dạng hình khá đặc biệt so với cổ vật cùng thời ở phía Bắc.

Di vật Óc Eo, sưu tập tư nhân

Văn hóa Óc Eo - Hậu Óc Eo

Văn hóa Óc Eo - Hậu Óc Eo (TK1-TK13) chủ yếu phát triển ở các tỉnhTây Nam bộ và Đông Nam bộ VN ngày nay. Đây là sự kết hợp ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ với các yếu tố nội sinh và có sự giao lưu văn hóa, kinh tế với các trung tâm văn hóa lớn đầu Công nguyên như Ấn Độ, Trung Quốc, La Mã. Văn hóa Óc Eo nổi tiếng với các cổ vật vàng, gỗ, đồng, đá… Trên các cổ vật, ngoài các hoa văn kiểu dáng đặc trưng thường thể hiện các đề tài Bà la môn giáo, Phật giáo…

Nền văn hóa Champa (TK2-TK17)

Phát triển chủ yếu ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Thuận ngày nay, Văn hóa Champa hình thành trên cơ sở phối hợp các yếu tố nội sinh với các ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ. Văn hóa Champa nổi tiếng với các cổ vật điêu khắc bằng đá, đồ kim loại và đồ gốm...

Văn hóa chống xâm lược phương Bắc

Tiếp nối văn hóa Đông Sơn, cư dân Việt trong quá trình ngàn năm đấu tranh giành độc lập ở châu thổ Bắc bộ (179TCN-938) đã tiếp nhận những nét tích cực của văn hóa Hán để sáng tạo ra yếu tố văn hóa chum, chõ bằng gốm…

Văn hóa Đại Việt

Thời đại phong kiến độc lập được mở đầu với triều đại Ngô và chấm dứt với triều đại Nguyễn. Dưới các triều đại này, Văn hóa Việt tùy theo từng triều đại, có khi phát triển tột bực như thời Lý Trần, thời Lê sơ với những cổ vật như đồ đất nung, đồ gốm men ngọc, đồ đồng, đồ sắt… Ngay cả thời Tây Sơn tuy ngắn ngủi nhưng cũng để lại nhiều cổ vật quý như chiếc thăng đong thóc, dụng cụ đo lường lúa gạo đầu tiên của VN. Thời Nguyễn để lại các cổ vật liên quan đến hoàng tộc và triều đình như chiếc hoàng bào cuối TK 19 tương truyền của vua Đồng Khánh, chiếc ấn ngà ”Hoàng đế tôn thân chi bảo” chuyên đóng trên các văn kiện tôn vinh hoàng tộc. Đây là chiếc ấn được vua Đồng Khánh cho chế tạo lại để thay thế chiếc ấn cũ bằng vàng sản xuất thời Minh Mạng nhưng đã bị thất lạc sau cuộc biến loạn năm 1885 tại kinh thành Huế…

Bất chấp sự đào thải khắc nghiệt của thời gian, bất chấp sự tàn khốc của những cuộc chiến tranh giữ nước và cứu nước; các nền văn hóa VN vẫn được lưu giữ lại qua kho tàng cổ vật như những chứng tích của quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy nét thẩm mỹ đặc thù của các dân tộc Việt Nam.