Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Ẩm thực > Rau quả > Sầu riêng và dược tính

Sầu riêng và dược tính

Thứ Bảy 12, Tháng Giêng 2008

Sầu riêng là loại cây ăn quả đặc sản được trồng tại nhiều nơi thuộc Đông Nam Á và ở miền Nam nước ta. Không những trái sầu riêng mà những bộ phận khác của nó cũng có thể hữu ích cho sức khỏe con người.

Tên gọi

Tên chi Durio (chi sầu riêng) có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á: người Việt gọi là sầu riêng, người Khmer gọi là turen và người Mã Lai - Nam Dương gọi là Djoerian (về sau viết là Doerian). Ngày nay hầu hết các quốc gia trên thế giới gọi loài cây/trái này là Durian hoặc có ký ngữ khác nhưng phát âm tương tự như chữ Durian.

Tuy nhiên, trong chi Durio chỉ có một loài là Durio zibethinus là phổ biến nhất. Trong thế kỷ 20 ở Việt Nam được biết tới 2 giống "sầu riêng mỡ" có lớp cơm màu trắng xám như mỡ và "sầu riêng đường" có lớp cơm màu vàng như đường mía. Theo thời gian, hoặc nhờ khám phá, hoặc nhờ gây giống, hiện nay sầu riêng (Durio zibethinus) có độ 70 giống (cultivar), trong đó giống "sầu riêng đường không hạt" có triển vọng và được giới tiêu thụ ưa chuộng hơn hết, phân loài này được gây giống đặc biệt ở Thái Lan và Việt Nam: cơm (thịt) ngọt, không có hạt hoặc hạt bị teo nhỏ.

Nhận dạng

Cây sầu riêng có thể cao tới 40 mét. Lá luôn xanh, đối xứng hình trái xoan đến hình thuôn dài từ 10-18 cm. Hoa nở từng chùm từ 3-30 trên cành lớn và thân, mỗi hoa có đài hoa và 5 (ít khi 4 hay 6) cánh hoa.

Quả, múi cơm và vỏ sầu riêng.

Trái sầu riêng chín sau 3 tháng sau khi thụ phấn. Trái có thể dài tới 40 cm và đường kính 30 cm, nặng từ 1 đến 5 kg. Trái có thể mọc trên thân cây cành. Sầu riêng có thể có trái sau khi trồng 4 tới 5 năm. Màu của trái có thể từ xanh sang nâu, hình dạng thuôn đến tròn. Bên ngoài có lớp vỏ cứng bao với gai nhọn, và mùi nồng đặc trưng tỏa từ thịt bên trong. Nhiều người xem đó là thơm, nhưng có người cho đó là thối. Cả hai kết quả phẩm bình, tuy mâu thuẫn nhưng đều có lý. Trong trái sầu riêng chín, theo các chuyên gia hóa học, có hơn 100 chất, trong đó có một số thuộc ête (ether) thơm, và một số ête thối, có thành phần lưu huỳnh. Thơm hay thối là kết quả của khứu giác cá nhân: tiếp nhận ête thơm trước tiên, hay tiếp nhận ête thối trước tiên mà thôi.

Một đặc điểm nữa của trái sầu riêng là trái chín chỉ rơi (rụng) vào một thời điểm nhất định trong ngày: trái rơi (rụng) nhiều nhất vào lúc giữa đêm (từ 0 tới 1 giờ) và một số ít vào giữa trưa (12 tới 13 giờ), những giờ khác không có trái rơi (rụng). Nhờ đó con người có thể tránh được tai nạn.

Trái sầu riêng có nhiều "múi", mỗi múi có 1 đến 3 hạt. Phần ăn được là phần thịt (cơm) bao quanh hạt cứng. Hạt có kích cỡ như hạt mít, có thể ăn được nếu được nướng, chiên hay luộc.

Phân bổ

Sầu riêng phân bố chủ yếu ở Indonesia (Nam Dương), Malaysia (Mã Lai) và Brunei, tuy nhiên có thể mọc ở mọi nơi có điều kiện khí hậu tương tự. Các vùng khác mà sầu riêng có thể mọc là Minđanao, Thái Lan, Philipin, Queensland ở Úc, Campuchia, Việt Nam, Lào, Ấn Độ, Sri lanka và một phần của Hawaii. Hiện nay Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất.

Công dụng chữa bệnh

Theo giáo sư Đỗ Tất Lợi, về thành phần hóa học, trong 100 g cơm sầu riêng có 37,14% nước, 6,38% chất đạm, 2,7% chất béo, 16,2% chất đường và nhiều chất khác.

Người ta dùng rễ, lá làm thuốc, có thể dùng tươi hay phơi khô. Quả sầu riêng ngon, lại có tác dụng kích thích sinh dục, rễ và lá còn được dùng làm thuốc chữa sốt và chữa bệnh về gan và da vàng. Mỗi ngày có thể dùng khoảng 10 – 16 g dưới dạng thuốc sắc. Ngoài ra, lá còn dùng dưới dạng nấu nước tắm cho những người vàng da do bệnh gan. Hạt sầu riêng rang lên hay nấu chín ăn được, có thể làm thành kẹo, mứt.

Phân loại khoa học

Giới (Kingdom): Plantae

Ngành (Division): Magnoliophyta

Lớp (Class): Magnoliopsida

Bộ (Ordo): Malvales

Họ (Familia): Malvaceae (Bombacaceae)

Chi (Genus): Durio

Loài (Species): D. zibethinus

Danh pháp khoa học: Durio zibethinus

Theo Wikipedia và K.Lan (NLĐ)