SỐ PHẬN PHỤ NỮ BÊN CẠNH NGHỆ SĨ THIÊN TÀI

Tiểu thuyết “Ánh trăng và 6 đồng xu” của nhà văn Somerset Maugham được sáng tác dựa trên nguyên mẫu là cuộc đời của danh hoạ phái ấn tượng Pháp Paul Gauguin. Trong truyện (tác giả dùng ngôi thứ nhất “tôi” để kể chuyện) có một chi tiết rất thú vị như sau:

Strickland (tên của Gauguin trong tiểu thuyết nói trên) trước 40 tuổi là một nhà môi giới chứng khoán đàng hoàng ở London, một người chồng và người cha tận tuỵ nghiêm chỉnh và một công dân gương mẫu đáng kính. Năm 40 tuổi, ông bỗng dưng quyết chí vứt bỏ tất cả những cái nói trên, từ bỏ cuộc đời an nhàn của tầng lớp trung lưu, một mình sang Paris để vẽ tranh.

Không ai tin là ông ra đi một mình, ra đi chỉ vì để “vẽ một ít tranh”. Mọi người phỏng đoán nếu không mang theo một cô tiếp viên nhà hàng thì ông cũng bỏ trốn cùng một mệnh phụ danh giá nào đó. Nếu không thì sao có thể giải thích được chuyện một người đàn ông trung niên bất chợt bỏ vợ ra đi – hành vi ấy vừa tàn nhẫn lại vừa không có chút lương tri nào. Đúng thế, trừ phi có dính dáng đến một người đàn bà thì mới có thể hiểu được nguồn cơn chuyện ấy.

Bà vợ Strickland cũng tin chắc như vậy. Bà vô cùng đau khổ, nhưng sẵn sàng tha thứ cho chồng, mong sao ông ta có thể vì nhớ tới cuộc sống tươi đẹp bao năm qua, vì nhớ đến hai đứa con của mình mà quay trở lại London. Bà bèn đề nghị “tôi” sang Paris tìm hộ ông chồng, hy vọng “tôi” có thể gợi được tình thương con xót vợ của ông.

“Tôi” đến Paris, tìm được Strickland và phát hiện … chẳng có một người đàn bà nào sất. Chẳng có mỹ nhân nào lôi kéo ông từ bỏ danh dự và chức trách nghĩa vụ của mình, ông chỉ muốn được vẽ mà thôi. “Tôi bảo cho anh biết, tôi cần được vẽ tranh. Tôi không thể tự kiềm chế được ham muốn này !” Strickland nói với tôi.

“Tôi” trở về London. Bà Strickland và những người thân của bà đang nóng ruột chờ tin “tôi” mang về.

“Con mụ ấy thế nào ?” họ vội hỏi.

“Tôi” không trả lời ngay, vì biết rằng mình sắp sửa cho nổ một quả bom.

“Chẳng có cô nào bà nào sất !”

Vợ chồng đại tá Mac Andrew ngạc nhiên rú lên. Bà Strickland bật dậy khỏi chiếc ghế.

“Anh bảo là anh không gặp con mẹ ấy hả ?”

“Có ai đâu mà bảo tôi đi tìm cơ chứ ? Chỉ có một mình ông ấy thôi.”

“Chuyện ấy không thể có trên thế giới này !” bà Mac Andrew hét lên.

Cuối cùng bà an ủi: “Thế thì câu chuyện chưa có gì hỏng bét như tôi tưởng.”

Rốt cuộc bà Strickland là người đầu tiên hiểu rõ tất cả. Bà đờ người ra, mắt trắng dã như người mất hồn. “Ông ấy sẽ mãi mãi không về nữa đâu !” – bà nói, “Nếu ông ấy bỏ đi với một mụ đàn bà thì trước sau nhất định sẽ có ngày ông ấy trở về nhà. Vì chỉ ba tháng sau là ông ấy sẽ chán ngấy con giặc cái ấy. Nhưng nếu ông ấy bỏ đi không phải vì chuyện yêu đương vớ vẩn thì tất cả hỏng hết rồi !”

Bà Strickland cảm thấy mất hết hy vọng. Nếu ông bỏ đi chỉ vì một người phụ nữ, thì bà sẵn sàng tha thứ ông, vì bà hiểu chuyện ấy cũng thường tình thôi. Vả lại mình cũng là đàn bà thì sợ gì một mụ đàn bà khác. Nhưng bây giờ đối thủ của bà không phải là con người, mà là một ước mơ thầm kín bị kìm hãm bao năm qua, một ham muốn khao khát sáng tạo nay mới cháy bùng lên. Sức mạnh ấy bà không thể nào thắng nổi. Bà hiểu nỗi vô vọng của mình. Dùng từ “vô vọng” để khái quát trạng thái tinh thần của những người phụ nữ sống bên cạnh nhà nghệ sĩ thiên tài là rất đúng.

Có thể là số phận đưa đẩy sai khiến, có thể đàn bà bẩm sinh đều cần sùng bái một tài năng nào đó, có thể là một tâm hồn mạnh mẽ độc đáo thì có sức cuốn hút lớn như thỏi nam châm, cho nên phụ nữ đều bị hút tới người đàn ông tài năng, như con thiêu thân lao vào lửa. Cuộc sống của người phụ nữ bên cạnh người đàn ông tài năng siêu phàm chẳng khác gì một cuộc chiến đấu phí phạm thời gian, tựa như lết trong vũng lầy, bất cứ lúc nào cũng có thể xảy ra tai hoạ.

Sau khi đến Paris ít lâu, bên cạnh Strickland xuất hiện một phụ nữ – bà Blanche Stroeve. Trước khi Strickland đến đây, Stroeve cùng vợ sống những ngày hạnh phúc êm đềm trong một xưởng hoạ ở khu phố Montmartre. Stroeve tốt bụng hiếu khách, Blanche dịu dàng thanh nhã, cần mẫn làm công việc nội trợ. Khi Strickland hết tiền, bắt đầu sống túng thiếu đói khổ, lại ốm nặng, Stroeve mời bạn đến nhà mình để vợ chăm sóc thuốc thang ăn uống.

Vừa mới gặp Strickland, bà Blanche dựa vào trực giác đã linh cảm thấy con người này sẽ là một mối nguy hiểm phá vỡ cuộc sống yên bình của gia đình mình. Thế nhưng bà không thể nào cưỡng nỗi sức hút của tâm hồn nhà nghệ sĩ độc đáo Strickland. Sa vào vũng lầy tình yêu, bà Blanche bỏ chồng, bỏ cuộc sống êm đềm hạnh phúc bấy lâu nay để cam tâm tình nguyện lao vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm bà nhìn thấy rõ mồn một.

Mối tình ấy chỉ kéo dài được vài tháng. Strickland đắm mình trong hội hoạ, lúc nào cũng cố tách thật xa Blanche, trừ khi nào ông cần đến phụ nữ thì ông mới tỏ ra có chút nhiệt tình với bà. Blanche cảm thấy Strickland mãi mãi là một con người xa lạ. Bà đã dùng mọi cách để ràng buộc ông với mình, dùng cuộc sống sung túc để lôi cuốn ông, nhưng ông chẳng bao giờ quan tâm đến bất cứ cái gì ngoài việc vẽ tranh. Bà cất công nấu các món ăn ngon để mời ông ăn, đâu có biết rằng tuy ăn rất khoẻ nhưng Strickland chẳng bao giờ để ý đến mùi vị của món ăn cả. Bà luôn âu yếm chăm chút ông, đâu có biết rằng điều ông duy nhất cần là để ông yên tĩnh một mình say sưa vẽ tranh, đừng có ai quấy rầy ông.

Mấy tháng trời trôi qua, Strickland chán ngấy Blanche. Không thể nào chịu nổi sự lạnh nhạt đó, bà Blanche uống axit oxalic để quyên sinh. Khi người ta đưa bà vào bệnh viện cấp cứu, bà “nằm ngửa trên giường, yên lặng mấy giờ liền không động đậy. Môi và cằm bị axit đốt cháy xém, cổ họng cũng vậy, không thể nói được. Nước mắt tuôn ra như suối, ướt sũng chiếc gối. Người bà không còn hơi sức nữa, cả đến khăn tay cũng không cầm nổi để lau nước mắt”.

“Tôi không cần tình yêu. Tôi không có thời gian để yêu đương. Đây là một nhược điểm của con người. Vì là thằng đàn ông nên có lúc tôi cần đàn bà, nhưng sau khi tình dục đã được thoả mãn, tôi phải làm công việc của mình. Tôi không thể nào kìm hãm được ham muốn tình dục; tôi ghét nó, vì nó giam hãm thế giới tinh thần của tôi … Đàn bà quá coi trọng tình yêu, coi trọng tới mức nực cười. Họ còn muốn thuyết phục chúng ta tin rằng toàn bộ cuộc đời của con người là tình yêu. Thực ra tình yêu chỉ là một phần không quan trọng gì cả trong cuộc đời. Tôi chỉ biết có tình dục, như vậy là bình thường, là lành mạnh. Tình yêu là một loại bệnh tật.” – đoạn tự bạch này của Strickland có thể nói rõ nguyên do của tấn bi kịch cuộc đời ông. Bởi lẽ “Cuộc đời quá ngắn ngủi, không có thời gian để vừa yêu lại vừa làm nghệ thuật”.

Xét về một ý nghĩa nào đó, các nghệ sĩ đều là những siêu nhân. Cuộc đời của họ bị một sức mạnh huyền bí nào đó nắm bắt, buộc họ phải hoàn thành một sứ mệnh. Họ coi cuộc đời là một gánh nặng đáng ghét. Strickland coi thường cái chết (“Mày đã bao giờ nghĩ đến cái chết chưa ?” “Hà tất phải nghĩ đến cái chết ? Chết thì có gì đâu ?”), tựa như ông hiểu cuộc đời theo một nghĩa đặc biệt. Strickland toàn tâm toàn ý theo đuổi mục tiêu của mình, vì nó ông có thể hy sinh bản thân, thậm chí cũng không tiếc hy sinh cả người thân của mình.

Xét theo tiêu chuẩn đạo đức thông thường, rõ ràng Strickland là một kẻ ích kỷ đến tàn nhẫn; nhưng trong thế giới nghệ thuật thì đạo đức có một hệ thống giá trị riêng của nó. Thế giới nghệ thuật là một thế giới mà giá trị của toàn bộ sự vật đều biến đổi. Chính vì nghệ thuật không tuân theo nguyên tắc của người thường, không quan tâm đến sự yêu ghét của người thường, cho nên cái đẹp nó mang lại mới có thể sắc bén như một lưỡi dao sáng loáng. Những phụ nữ làm bạn với nhà nghệ sĩ chẳng khác gì người nhảy múa trên lưỡi dao đó; muốn không bị lưỡi dao ấy cứa cho mình đầy thương tích thì phải có một kỹ xảo như thế nào đây ?

Thật ra là không thể được.

Nguyễn Hải Hoành dịch của Chương Hồng (Trung Quốc)

Nguồn: Duzhe (Jingdian Jingpin)