Trang nhà > Lịch sử > Di sản > Di chỉ cổ đại Thành Dền (Mê Linh)
Di chỉ cổ đại Thành Dền (Mê Linh)
Thứ Hai 14, Tháng Mười Hai 2009, bởi
Di chỉ Thành Dền thuộc xã Tự Lập, huyện Mê Linh ở phía Đông Nam di chỉ Đồng Đậu, cách 9 km trên một đường thẳng chim bay từ Lũng Hoà qua Đồng Đậu xuống.
Thành Dền còn gọi là thành Cự Triền, hay thành Trại, thành Cờ cách thành Hạ Lôi 8 km và tương truyền là doanh trại của bà Trưng Nhị. Đây là một quả gò nằm giữa cánh đồng khá bằng phẳng. Tổng diện tích có tầng văn hoá lên tới 24.227 m2.
Một lưỡi rìu bằng đồng
Kể từ khi được phát hiện vào năm 1970, khu di tích có niên đại cách đây hơn 3000 năm này đã nhiều lần được khai quật. Các nhà khảo cổ đã tìm được hàng nghìn hiện vật với đủ loại chất liệu (đồ đá, đồng, gốm, xương), chứng minh sự tồn tại của một trung tâm văn hóa-kinh tế-xã hội của người Việt thời kỳ tiền sử.
Năm 1972, khi nhân dân đào mương thủy lợi qua di chỉ Thành Dền đã phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ bằng đá, đồng và đồ gốm. Tháng 8/1972, Viện Khảo cổ học đã cử một đoàn cán bộ tiến hành điều tra và đào thám sát địa điểm Thành Dền; hiện vật thu được gồm có bàn mài, mảnh vòng đá, chạc gốm và nhiều mảnh gốm.
Tháng 10/1982, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng đến thám sát, và khẳng định: Thành Dền là một di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Đồng Đậu... Năm 1983, Trường lại đào thám sát 2m2 và khai quật 50m2. Nhiều công cụ, đồ trang sức bằng đá, nhiều đồ đồng, dụng cụ đúc đồng được phát hiện ở đây cùng với những đồ gốm, đồ đan bằng tre nứa… đã nói lên tính chất phong phú của di chỉ Thành Dền.
Năm 1984, di tích Thành Dền được khai quật lần nữa với diện tích 62m2. Kết quả khai quật lần này cũng đã phát hiện được nhiều đồ đá, đồ đồng cùng với những dụng cụ đúc đồng. Đặc biệt, phát hiện một ngôi mộ táng nằm trong tầng văn hoá được xác định là chủ nhân cư dân văn hoá Đồng Đậu.
Đợt khai quật thứ 6 là tháng 12/2009; với những kết quả khai quật trong gần 40 năm qua, có thể khẳng định Di chỉ Thành Dền là trung tâm đúc đồng lớn nhất ở Bắc Bộ (thời kì đồng thau) được phát hiện cho đến nay. Trong hố khai quật rộng 40m2, độ sâu 1,3m, có địa tầng khá ổn định. Lớp dưới cùng là văn hóa Phùng Nguyên muộn (3.500 năm), tiếp đến là lớp chủ yếu thuộc thời kì văn hóa Đồng Đậu (3.500-3.000 năm) và lớp trên cùng là văn hóa Gò Mun.
Tại lớp văn hóa Đồng Đậu, thu được nhiều hiện vật quý bằng đá, đồng và đồ gốm. Trong đó, nổi bật là 1 ống đồng hình cáctút còn nguyên vẹn (rỗng bên trong, có đục lỗ hai đầu, dài 8cm, rộng từ 1,5 đến 1,2cm). Một nồi gốm (đường kính 14cm, miệng cao 5cm) và một chiếc bôn nhỏ (giống như chiếc rìu hình chữ V lệch) bằng đá ngọc nephrit được mài rũa rất tinh xảo, lưỡi rất sắc có thể dùng để gọt, khắc trên tre, gỗ...
Đáng chú ý, trong số các hiện vật thu được có một chiếc vòng tay khá lớn, cũng bằng chất liệu đá ngọc nephrit, còn nguyên vẹn và được chế tác cầu kì. Ngoài ra, cũng thu được nhiều sỉ đồng, sợi dây đồng, mảnh khuôn đúc bằng đá (có thể dùng để đúc rìu đồng)... Chứng tỏ đây là nơi đúc, chế tác các vật dụng bằng đồng và các hiện vật bằng đồng thu được là sản phẩm của cư dân bản địa.
Di chỉ Thành Dền có tầng văn hóa dày khoảng trên 1m, đôi chỗ có hố đất đen ăn sâu xuống sinh thổ tới 2,5m. Tầng văn hóa là đất sét pha cát mầu xám đen. Các nhà khoa học đã tìm thấy các hiện vật ở giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên (trước văn hóa Đồng Đậu, cuối kỳ đá mới, sơ kỳ đồng thau, cách đây gần 4.000 năm), cho thấy cư dân thời đó đã đạt đến đỉnh cao của nghề chế tác đá nguyên thủy.
Đồ gốm Thành Dền cũng đã được chế tạo bằng bàn xoay và phương pháp dải cuộn, gồm hai loại mịn và thô, có nhiều màu, kiểu dáng thanh thoát, cân đối, được làm chủ yếu làm bằng đất sét pha cát, pha bã thực vật. Đến giai đoạn Đồng Đậu-Gò Mun, gốm Thành Dền đã phát triển đến mức cao hơn, có độ nung cao, chắc, dày, kích thước lớn, hoa văn đa dạng, trang trí cả trên thân và thành miệng. Một lượng lớn các hiện vật dọi se chỉ bằng gốm chứng tỏ người Thành Dền xưa đã biết dệt vải tự may vá quần áo.
Hiện vật này có thể thuộc về một chuỗi hạt trang sức của người Việt cổ, thể hiện một trình độ chế tác tinh xảo
Đặc biệt, kết quả khai quật đã khẳng định Thành Dền là công xưởng chế tác đồ đồng có quy mô lớn tại Đông Nam Á lục địa thời bấy giờ. Tại đây tỷ lệ khuôn đúc đồng và công cụ đồng định hình tìm thấy trên đơn vị diện tích khai quật lớn nhất so với những địa điểm tiền, sơ sử khác ở Việt Nam, chứng tỏ không những nghề luyện kim đã xuất hiện mà còn phát triển ở trình độ khá cao.
Những hiện vật được chế tác với kỹ thuật ngày càng tiến bộ cho thấy các nghề thủ công như làm đồ đá, làm gốm, làm đồ xương, luyện đúc đồng, dệt vải, đan lát phát triển và đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người Thành Dền.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học nhận định cư dân Thành Dền đã biết khai thác một cách hợp lý phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa nước. Trong đợt khai quật thứ 3, các nhà khảo cổ đã tìm thấy rất nhiều loại hạt như trám, na, bầu và bí, vết tích cho thấy người Thành Dền đã biết trồng các loại rau màu, cây lấy hạt, cây ăn quả.
Qua các hiện vật tượng động vật như gà, chó, lợn, trâu và bò, cùng nhiều xương, răng cá, vỏ nhuyễn thể, có thể kết luận rằng người Thành Dền đã biết thuần dưỡng động vật để chăn nuôi và biết khai thác nguồn lợi thủy sản. Cư dân Thành Dền có đời sống kinh tế khá và đã biết đến việc trao đổi hàng hóa giữa vùng này với vùng kia. Di tích Thành Dền cùng với một số di tích khác ở Vĩnh Phúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định khâu chuyển tiếp giữa các văn hóa Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng.
(theo TTXVN)