Trang nhà > Cuộc sống > Bốn phương > Tinh thần cách mạng trong “đường lối giáo dục quốc dân” của Đông Kinh Nghĩa (...)
Tinh thần cách mạng trong “đường lối giáo dục quốc dân” của Đông Kinh Nghĩa Thục
Thứ Bảy 20, Tháng Mười Hai 2008
Dân khí ươn hèn chỉ có thể "văn minh" về hình thức
Tinh thần cách mạng trong “đường lối giáo dục quốc dân” của Đông Kinh Nghĩa Thục thể hiện ở chỗ triệt để thay hẳn hệ thống giáo dục với triết lý tĩnh - từ mục tiêu, nội dung cho đến phương pháp đều tĩnh, nhằm đào tạo các thần dân - “bù nhìn” (chữ của chính các cụ!) câm lặng, nhất cử nhất động đều làm theo lệnh trên, bằng một “đường lối giáo dục quốc dân” (lại chữ của chính các cụ!) với triết lý động nhằm đào tạo ra những “quốc dân” dám nghĩ và “có thể động” trên cơ sở nhận thức “rõ cái lý tương quan giữa nước và dân, làm sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội ở chỗ nào, chức phận ra sao và làm thế nào để gây ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị tự lập” (1).
Để giải quyết nhiệm vụ đó một cách triệt để, các lãnh tụ Duy tân - Nghĩa thục đã đặt một cơ sở triết học, dẫu “còn sơ lược” như GS Trần Văn Giầu nhận xét, đó là sự đối lập giữa “văn minh tĩnh” và “văn minh động”. Tác giả (2) Văn minh tân học sách (VMTHS), tài liệu được coi là “cương lĩnh” của phong trào Duy tân - Nghĩa thục 1903 – 1908, viết:
“... văn minh nước ta có cái đặc tính luôn luôn tĩnh ...; văn minh Âu châu thì có tính luôn luôn động ...” và đã minh họa luận điểm của mình bằng cách chỉ ra sự “tương phản” giữa “người” và “ta” trong “5 giới” (lĩnh vực) mà chúng tôi xin thâu tóm như sau:
a) Giới tư tưởng: “người” thì tự do sáng tạo, cạnh tranh; “ta” – bị cấm nghĩ, cấm bàn;
b) Giới giáo dục: “người” – giáo dục cơ bản chung (tức kiến thức phổ thông), tiếp đó mới đào tạo thực nghiệp, mỗi người được lựa chọn theo năng lực cá nhân; “ta” – một đường mòn luyện tập từ chương kinh viện cho tất cả;
c) Giới chính trị (tác giả dùng từ “kinh tế”, theo nghĩa kinh bang tế thế): “người” – dân chủ cộng hoà, bầu cử, nghị luận; “ta” – “hành chính cấm thay đổi”, “dùng người thì quý im lìm lặng lẽ”, “luật có ban bố đấy nhưng dân gian không được đọc”
d) Giới “tính tình” (ở đây là nói về bản chất của hai loại người dân): “người” – là công dân, thống nhất với nước về lợi và quyền qua các thể chế nhà nước và dân sự; “ta” – là thần dân bị cai trị, áp chế, không được biết đến luật, chỉ được phục tùng;
e) Giới “phong tục” (ý nói về bản tính con người do hai thể chế trái ngược): “người” – cởi mở, giao lưu; “ta” – khép kín, trì trệ.
Tĩnh tất nhiên thua động. Cả 5 “giới” đều “tĩnh” như vậy nên dân trí bế tắc, đất nước lạc hậu, thua người. Bạn đọc có thể tự rút ra kết luận theo tác giả: muốn “khai dân trí” làm đột phá khẩu cho “chấn dân khí” và “hậu dân sinh” phải “búa to đao lớn để phá luỹ xưa, xí đỏ cờ hồng để lên đài mới”, mới hòng mong chuyển tất cả “giới” tĩnh thành động. Đó phải là cả một cuộc cách mạng thực sự, nhưng không phải bằng bạo lực vũ trang, bởi nó không thể khai dân trí, nên cho dù có thành công thì với dân trí dốt nát, bế tắc, dân khí ươn hèn, “bù nhìn”, dân sinh nghèo khó khốn cùng thì chỉ lại thiết lập được một chế độ chuyên chính khác, có thể “văn minh” hơn về hình thức, nhưng về thực chất không thể thành một quốc gia dân chủ văn minh được - nhận thức tư tưởng này quả là một phát hiện vĩ đại, vượt thời gian, của các trí thức Nho học vốn sẵn lòng ưu dân ái quốc lại tiếp cận được “tân văn”, “tân thư” của thời đại.
“Luỹ xưa” các cụ nói đây, là cái luỹ cố thủ của hệ thống tư tưởng Nho giáo (nói chính xác là Tống Nho) đã từ lâu hết vai trò giáo hoá, cùng cái nền khoa cử Hán tự đã trở nên hủ lậu. Công phá cái luỹ tư tưởng kiên cố ấy chỉ có cách làm một cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng.
Đó chính là thực chất của tư duy giáo dục, cái triết lý giáo dục quán xuyến tất cả “sáu đường”, tức sáu biện pháp VMTHS đã đề ra như một “chủ nghĩa” (chữ của các cụ), tức đường lối giáo dục của Đông Kinh Nghĩa Thục:
1) dạy chữ Quốc ngữ;
2) dịch sang Quốc ngữ và truyền bá “tân thư” với tư tưởng dân quyền, dân chủ; dùng sách vở văn, sử, địa dân tộc và soạn lại sách vở Trung Hoa cho phù hợp;
3) sửa đổi phép thi, bước đầu là bỏ thi văn bát cổ, chỉ thi sách luận;
4) khuyến khích người tài năng trong trí thức Nho học cũ, đặc biệt về các môn thực học, người giỏi về các khoa thực học phải được đánh giá cao hơn tiến sĩ Nho học;
5) chấn hưng công nghiệp, khuyến khích sáng chế và phát minh, thưởng và công nhận tác quyền cho người phát minh;
6) mở mang báo chí, “về đường tư tưởng không có luật pháp ngăn cấm” (Huỳnh Thúc Kháng).
"Vì ta thua kẻ thù cả trăm năm phát triển"
Đề xuất việc phổ biến chữ Quốc ngữ không phải các nhà Nho Duy tân mà chính lại là thực dân Pháp. Từ khi chưa chiếm xong Lục tỉnh (Nam Kỳ), năm 1861 thực dân Pháp đã ra nghị định mở trường Thông ngôn Bá Đá Lộc, dạy tiếng Pháp và chữ Quốc ngữ.
Điều lý thú là lúc bấy giờ sĩ phu Nam Kỳ lại tẩy chay chủ trương đó bằng cách bỏ về các làng quê, mở trường dạy chữ Nho, bởi vì lúc ấy cuộc xâm lăng của thực dân Pháp mới chỉ bắt đầu và bất chấp chủ trương “hòa” của triều đình, công cuộc kháng chiến của nhân dân do sĩ phu yêu nước lãnh đạo đang bùng phát quyết liệt, vì vậy “để đối chọi với chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (chúng tôi nhấn - VTK) đang là công cụ được thực dân Pháp và tay sai sử dụng để chống lại chúng ta, không có cách nào khác, các sĩ phu và nhân dân còn phải bảo vệ và duy trì chữ Nho - một công cụ đã sẵn có trong tay từ trước” (3). Đó là bối cảnh xuất hiện của lời giễu chữ Quốc ngữ “ngoằn nghèo như giun bò”.
Tình thế ngót năm chục năm sau, vào đầu thế kỷ XX, đã khác hẳn: Giặc ngoại bang đã thiết lập xong ách thống trị của chúng trên toàn cõi Việt Nam, công cuộc chiến đấu vũ trang đã thất bại, cuộc Khởi nghĩa Yên Thế rồi cũng tất sẽ thất bại, Phan Chu Trinh đã thấy điều đó trước 7 năm, sau khi năm 1906 vào tận đồn Phồn Xương gặp cụ Đề Thám: “Lúc trở về ông nói rằng: Ông Thám là một võ tướng mà thôi”.
Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của công cuộc cứu nước, như các trí thức Nho học Duy Tân yêu nước đã giác ngộ, là ta thua kẻ thù cả trăm năm phát triển, con đường cứu nước bây giờ là phải cấp tốc đưa đất nước lên ngang tầm văn minh với kẻ thù, trước hết là cái đầu, cái tầm tư duy, tức trong lĩnh vực tư tưởng phải được cất lên ngang tầm với kẻ thù. Khẩu súng không làm được điều này. Chỉ có cái chữ mới làm được.
Nhưng cái chữ Nho hàng ngàn năm gắn liền với một tư duy bây giờ đã trở nên lạc hậu, bảo thủ một cách nguy hiểm cho vận nước. Chữ Pháp, gắn liền với nền văn minh Thái Tây, chính là cái ta đang cần, nhưng nếu không phải là học chỉ để làm “bồi”, làm tay sai, thì Pháp ngữ, cũng như bất kỳ ngoại ngữ nào khác, đòi hỏi phải mất ít nhất dăm-ba năm để đọc hiểu được cái văn minh kia.
Sứ mệnh giải phóng tư tưởng thuộc về chữ Quốc ngữ
Chữ Quốc ngữ, quảng đại quần chúng chỉ cần ba tháng học là có thể cảm nhận được toàn bộ tư tưởng tình cảm yêu nước do khối óc và con tim của kẻ đồng bào, cùng máu đỏ da vàng, truyền ra, lại cho phép nhanh chóng tiếp thu được kiến thức văn minh Thái Tây, đương nhiên thông qua sách dịch mà việc này đã có Ban tu thư lo cho. Đó là lý do chính tại sao các cụ nhà Nho Duy tân kiên quyết dùng chữ Quốc ngữ.
Lại do xuất phát từ cái triết lý giáo dục giải phóng tư tưởng, khai dân trí, chấn dân khí nhằm “hoá quốc, cường dân” (chuyển hoá đất nước, làm cho dân mạnh) mà Văn minh tân học sách (VMTHS) đưa nó lên hàng đầu tiên trong “sáu đường”. Mục đích dạy chữ Quốc ngữ trong đường lối giáo dục quốc dân của Đông Kinh Nghĩa Thục rõ ràng khác về căn bản với chủ trương dạy chữ Quốc ngữ của thực dân Pháp, cũng khác cả các chương trình cải lương giáo dục của chính quyền bảo hộ và Nam triều, khi nó chỉ được dạy làm phương tiện giao dịch thông thường, đủ đáp ứng những yêu cầu làm nô bộc cho ngoại bang để vinh thân phì gia.
Các cụ đã vạch trần tim đen của cái thứ chữ Quốc ngữ “thông ngôn” đó: Nó tất dẫn đến cái “vạ chết lòng”, cái xác còn đó nhưng cái tâm hồn dân tộc Việt thì không còn. Chữ Quốc ngữ phục vụ triết lý giáo dục giải phóng, khai dân chí, chấn dân khí phải là “hồn trong nước”:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta,
Sách các nước*, sách Chi-na,
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra tỏ tường.
(* có bản chép: Sách Âu - Mỹ)
Bởi thế mới có bài "Gọi hồn nước" của Giám học là cụ Tú Quyền viết bằng thứ chữ đó, da diết đối với mọi con Lạc cháu Hồng chưa chết lòng:
Than ôi! Hồn nước ta ơi!
Tỉnh nghe ta gọi mấy lời đồng tâm!
Bởi thế các bài ca cổ động: Bài hát yêu nước, Bài hát họp đàn, Bài hát khuyên học chữ Quốc ngữ, Bài hát khuyên đàn bà v.v… đều viết bằng chữ Quốc ngữ, lại dùng các thể thơ sinh ra từ nhạc điệu tiếng mẹ ru nên dễ đi vào lòng mọi con Lạc cháu Hồng.
Có nghĩa là chữ Quốc ngữ phải trở thành linh hồn duy tân thổi vào đám thần dân “bù nhìn”, chỉ biết phục tùng, biến họ thành quốc dân, thành những con người có “tài năng tự trị tự lập”, có thể và sẵn sàng động khi có biến cố.
Rõ ràng không một thứ “chữ” nào khác, dù là Tầu cổ lỗ hay Tây tân thời, có thể hoàn thành sứ mệnh giải phóng tư tưởng đó! Cho nên cũng có thể thông cảm với cụ Nghè Ngô Đức Kế khi cụ buộc phải lên tiếng gay gắt phê phán việc ông Phạm Quỳnh đề cao truyện Kiều cùng tiếng Việt thoát ly sứ mệnh cao cả đó, quy kết quan điểm của học giả họ Phạm là “tà thuyết” và nặng lời với cô Thuý Kiều đáng được cảm thông để rồi phải chịu cái tiếng là “hủ Nho” (4), mặc dù Cụ là người mà chí sĩ họ Huỳnh đã tặng 4 chữ “phách Á, hồn Âu” trong câu đối viếng sau này, còn trước đó thì đã phải ngồi tù Côn Đảo 13 năm chính vì cái tội đi tiên phong trong “phong triều bài xích khoa cử, đề xướng tân học…” (Huỳnh Thúc Kháng).
Cụ Nghè Ngô cũng tự cảm khái như vậy:
Niên lai ái thuyết văn minh học
Doanh đắc Nam quan tác Sở tù.
(Hà Tĩnh ngục trung tác, 1907)
(Mấy năm nay ham thuyết về cái học văn minh / Nên được nhận cái mũ phương Nam của tên tù nước Sở - tức tên tù mất nước – Làm trong nhà lao Hà Tĩnh) (5).
Chú thích:
(1) Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục. – Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, Nxb Văn hoá 1997, tr. 46.
(2) Trong cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 130 năm sinh của chí sĩ Ngô Đức Kế do Sở VH-DL-TT Hà Tĩnh tổ chức ngày 19/7/2008, chúng tôi đã dùng phương pháp phân tích đối chiếu văn bản học để chứng minh rằng tác giả VMTHS chính là Tiến sĩ Ngô Đức Kế. Trong khi chờ ý kiến phản biện của các đồng nghiệp, xin vẫn để khuyết danh như học giả Đặng Thai Mai đã xác định.
(3) ...?
(4) Ngô Đức Kế, cuộc đời và tác phẩm (Ngô Đức Thọ sưu tầm, giới thiệu). – Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch Hà Tĩnh 2008, tr. 101 - 107.
(5) Ngô Đức Kế, cuộc đời …, sđd tr. 30.
NGƯT Vũ Thế Khôi
(Hội thảo khoa học quốc tế “Đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, hai thời khắc đầu thế kỷ”, Đại học Hoa Sen, TP. Hồ Chí Minh 18/12/2008)