Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng rèn Đa Sĩ
Làng rèn Đa Sĩ
Thứ Năm 15, Tháng Hai 2007
- Dùng chuột hoặc mũi tên để xê dịch bản đồ.
- Click chữ Vệ tinh hoặc Sat để xem ảnh chụp từ trên cao.
- Click dấu + hoặc - ở bên trái để phóng to hoặc thu nhỏ.
Ven dòng sông Nhuệ, cách thị xã Hà Đông chừng hơn một cây số về phía Đông, có một ngôi làng cổ xinh đẹp – làng Đa Sĩ. Theo truyền thuyết của nhân dân trong vùng, đất Đa Sĩ là đất tứ linh, có hình dáng một con rồng ngậm ngọc nên quanh năm mưa thuận gió hoà, dân làng làm ăn thịnh đạt và đúng như tên gọi của làng, đây là quê hương của nhiều danh y, danh tướng, tiến sĩ, trạng nguyên lừng lẫy một thời.
Thành hoàng Đa Sĩ là danh y Hoàng Đôn Hoà, dưới thời Lê đã được tôn vinh là “Lương y dược đại vương”. Chuyện kể rằng: Hoàng Đôn Hoà với tài năng xem mạch bốc thuốc phi thường, có nhiều công lao giúp dân cứu nước, từng cứu được Phương Dung Công chúa, được nhà vua thương yêu gả công chúa làm vợ. Dù rất được sủng ái , Hoàng Đôn Hoà đã sớm từ quan cùng Phương Dung Công chúa rời bỏ mũ áo cung đình về sống tại làng Đa Sĩ để làm nghề thuốc. Hai vợ chồng dồn tâm sức trồng và chế biến Nam dược, mở “Lâm Dương quán” dưới gốc đa làng để chữa bệnh cho muôn dân. “Lâm Dương quán” đã biến Đa Sĩ thành một làng thuốc nổi tiếng một thời, trên bến dưới thuyền tấp nập đông vui, người bốn phương về kê đơn bốc thuốc. Khi qua đời, vợ chồng danh y Hoàng Đôn Hoà và Phương Dung Công chúa còn để lại cho hậu thế một thiên sách quý “Hoạt nhân toát yếu” gồm 201 phương thuốc có giá trị trị bệnh cứu người.
Đa Sĩ là ngôi làng có truyền thống hiếu học đặc biệt. Có lẽ đây là nơi duy nhất trong nước có các khái niệm “nhà học”, “vườn học” ở làng. “Nhà học” là nơi đào tạo rèn luyện những nhân tài nho học. “Vườn học” được lập tại một mảnh đất cao ráo, sạch sẽ nhất làng, có cây cao bóng mát do các bậc danh sĩ trong làng phụ trách, đó là “lò luyện thi” chuẩn bị kiến thức cho sĩ tử trong làng tham gia các kỳ thi Cống, thi Hương, thi Hội, thi Đình. Chính vì vậy mà ngôi làng nhỏ chưa tới 3.000 dân này đã có tới 11 tiến sĩ, 1 trạng nguyên lưỡng quốc bao phong, được lưu danh trên văn bia sử sách. Cánh cửa Quốc Tử Giám , nơi tuyển chọn nhân tài của quốc gia với luật lệ hết sức nghiêm ngặt, chặt chẽ, tưởng chỉ dành riêng cho con cháu Công hầu, Khanh tướng đã phải mở rộng chào đón các sĩ tử nghèo Đa Sĩ. Tên tuổi của tiến sĩ Hoàng Trinh Thạnh, đại phu suốt 4 triều vua, nổi tiếng với Sớ 7 điều dâng vua Lê Thánh Tông lợi dân ích nước, của Trạng nguyên lưỡng quốc bao phong Hoàng Nghĩa Phú, danh y Trịnh Đôn Phác, các danh tướng Nguyễn Đăng Vĩnh, Nguyễn Đức Dũng (Chánh tướng và phó tướng đời Trần)- mãi mãi là niềm tự hào của quê hương Đa Sĩ.
Đa Sĩ ngày nay được biết đến như ngôi làng truyền thống nổi tiếng của nghề rèn. Theo lưu truyền, nghề rèn Đa Sĩ có từ thời Hùng Vương dựng nước và tồn tại mãi đến ngày nay. Thăng Long – Hà Nội từng có cả một dãy phố chuyên bán các sản phẩm rèn của Đa Sĩ - phố Sinh Từ (nay là Nguyễn Khuyến). Từ rất lâu, dao kéo Đa Sĩ đã có mặt trong các gia đình, liềm Đa Sĩ có mặt ở các vụ gặt, đục, chàng Đa Sĩ là tài sản quý của các phó mộc từ Bắc đến Nam. Điều kỳ lạ là giữa thời công nghiệp hoá, hiện đại hoá hôm nay, nghề rèn thủ công Đa Sĩ tưởng đã hết thời lại đang phát triểm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ vài chục lò rèn trước kia nay Đa Sĩ đã có tới ngót 700 lò rèn đỏ lửa, đầu xóm cuối thôn ngày đêm chan chát tiếng đe búa. Hàng trăm tấn sản phẩm rèn Đa Sĩ vẫn được xuất đi tham gia thị trường cả nước mỗi tháng. Sự tinh diệu nghề nghiệp cùng trí thông minh, lòng hiếu học truyền thống của người Đa Sĩ đã giúp cho nghề rèn Đa Sĩ đứng vững và phát triển với thời gian. Cùng các tiến bộ kỹ thuật được nhanh chóng áp dụng để bớt hao tổn sức người, năng suất cao và vào cuộc cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mẫu mã với hàng Thái, hàng Trung Quốc. Anh Huynh, một thợ cả trong làng, chủ một lò rèn chuyên sản xuất các mặt hàng cao cấp, hàng “độc” nói: “Tất nhiên, đây là cuộc cạnh tranh hết sức khó khăn. Dao, kéo Thái Lan, Trung Quốc đẹp và rẻ, còn hàng Đa Sĩ mẫu mã còn nghèo nàn xấu xí nhưng được cái hơn là sắc và bền. Chúng tôi cần đầu tư máy móc để sản phẩm đẹp hơn và giá rẻ hơn. Nhưng máy móc dù hiện đại đến đâu vẫn không thể thay thế hết được bàn tay khối óc của con người. Hiện nay vẫn có những mặt hàng đặc chủng mà máy móc không làm được nhưng thợ rèn Đa Sĩ chúng tôi làm được. Tôi tin nghề rèn Đa Sĩ vẫn còn tương lai...”
Mùa xuân này, 12 tháng Giêng mời bạn về dự hội làng Đa Sĩ, thăm những di tích đình, miếu, cây đa, giếng nước, đường làng cổ kính, tham gia lễ rước kiệu Ông kiệu Bà (Thành hoàng làng Danh y Hoàng Đôn Hoà và Công chúa Phương Dung), tục Giỗ tổ nghề rèn, hội ca trù và hát trống quân, đến với “vườn học” và “nhà học” Đa Sĩ... để được thực sự sống trong không khí của một làng quê xứ Đoài.
Làng rèn Đa Sĩ xưa gọi là Kẻ Sẽ (xã Kiến Hưng, thị xã Hà Đông) có khoảng 1.200 hộ với 5.400 nhân khẩu, trong đó có gần 1.000 hộ làm nghề rèn. Từ xưa, nơi đây đã nổi tiếng về nghề rèn dao, kéo, sản phẩm có mặt ở nhiều vùng trên cả nước. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trong chương trình giới thiệu làng nghề, có một nội dung về làng rèn Đa Sĩ.
Tương truyền, thời Hùng vương thứ 18, hai vị tướng Hoàng Thống và Đô Hồ Thống đã dạy dân làng nghề rèn và canh tác lúa nước. Đến thời Trần, hai cụ Nguyễn Thuật và Nguyễn Thuần từ Thanh Hóa đến dạy thêm cho dân bí quyết nghề rèn để tạo ra những sản phẩm tinh xảo hơn. Trong kháng chiến, người làng đã rèn giáo, mác, kiếm, dao găm... cung cấp cho bộ đội và du kích đánh giặc.
Năm 1960, Đa Sĩ thành lập HTX Tiền Phong, chủ yếu sản xuất đồ gia dụng và quân dụng. Nhiều sản phẩm của Đa Sĩ được giới thiệu tại các hội chợ trong và ngoài nước. Theo ông Hoàng Văn Huynh - trưởng ban Kỹ thuật của Hiệp hội Làng nghề Hà Đông thì từ năm 1975, sản phẩm Đa Sĩ đã được bán sang Lào, Cam-pu-chia với số lượng tương đối lớn. Người Đa Sĩ đại bộ phận theo nghề thủ công, nhưng cũng biết trồng lúa nước.
Ở Đa Sĩ, người đàn ông chủ gia đình là trưởng lò rèn, những thành viên khác đều tham gia công việc tùy theo sức lực và lứa tuổi. Do nghề rèn cần có sức khỏe nên nam giới thường đảm nhiệm việc nặng như quai búa, chặt sắt, còn phụ nữ thì lo thu mua nguyên vật liệu, bán sản phẩm và làm một số việc nhẹ như đánh vẩy, tra cán dao...
Ngoài người làng, nghề rèn Đa Sĩ còn thu hút khoảng 200 lao động từ các địa phương khác tới làm thuê.
Sản phẩm rèn Đa Sĩ phong phú về chủng loại, kiểu dáng, kích thước. “Để phục vụ nghề mộc thì có các sản phẩm tràng, đục. Phục vụ lâm nghiệp có dao quắm, các loại búa kiểm lâm. Dụng cụ nông nghiệp có cuốc, xẻng, thuổng. Hàng gia dụng thì có dao, kéo các loại. Có thời kỳ, HTX phục vụ quân đội từ dao quân nhu đến các loại búa, cuốc chim và cuốc bàn” - ông Hoàng Văn Lâu, 68 tuổi, nói một cách tự hào.
Ngoài những sản phẩm truyền thống, thợ rèn Đa Sĩ còn tìm cách sản xuất các loại cuốc chuyên dùng trong khảo cổ, dao xén giấy. Sản phẩm rèn Đa Sĩ có chất lượng tốt, giá cả phù hợp nên được cả nước biết đến. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay của làng nghề là phát triển sản xuất bền vững. Người làng Đa Sĩ dự định hướng đi trong những năm tới là cải tiến sản phẩm cho phù hợp thị trường, sao cho vẫn giữ được nét truyền thống, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp. Ngoài ra, cần phải đăng ký bản quyền cho sản phẩm Đa Sĩ.
(DLVN&HNM)
Xem online : Tham khảo