Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Chăm sóc da trong những ngày rét lạnh

Chăm sóc da trong những ngày rét lạnh

Thứ Bảy 2, Tháng Hai 2008

Vào mùa đông, với tiết trời lạnh và khô hanh khiến ta rất dễ mắc một số bệnh ngoài da và niêm mạc, đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để một số bệnh da liễu tiến triển nặng hơn. Sau đây là một số bệnh lý thường gặp.

Khô da

Da khô do bị mất nước, dễ bị kích thích gây ngứa. Khi gãi, trên da xuất hiện những vệt trắng. Nếu không can thiệp kịp thời hoặc người bệnh sử dụng thuốc bôi và xà phòng không thích hợp, da có thể bị chàm hóa, chảy nước, có mụn nước. Nặng hơn, da sẽ bị bong tróc giống như vẩy cá.

Da khô tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây khó chịu và mất thẩm mỹ. Bạn nên dùng tay hay khăn mềm để lau mặt thay cho khăn tắm. Sau khi tắm xong, vỗ nhẹ lên da cho đến khi đủ khô rồi làm ẩm ngay bằng sữa dưỡng ẩm. Hạn chế tắm nước nóng, chỉ tắm bằng nước ấm trong thời gian ngắn. Nên tắm bằng sữa tắm hơn là xà phòng bánh, các chất làm ẩm da sẽ có tác dụng tạm thời giúp các tế bào bị tổn thương có đủ thời gian hồi phục và sửa chữa.

Nứt môi

Nứt môi cũng do tình trạng mất nước gây ra. Môi khô, bong vẩy, lâu dần sẽ nứt nẻ chảy máu gây đau đớn. Để phòng bệnh, hãy dùng thường xuyên dầu bôi dưỡng môi, không liếm môi, tránh ánh nắng mặt trời.

Dùng son môi có chất lượng tốt thì ngoài việc làm đẹp nó còn có tác dụng chống khô môi do tác hại của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra một số loại sản phẩn vệ sinh răng miệng có thể gây dị ứng cho môi như gây đỏ, rộp da môi, vì vậy bạn cần lưu ý khi dùng kem đánh răng hay nước súc miệng là những sản phẩm ta dùng hàng ngày.

Chàm tăng sừng nứt nẻ

Bệnh thường tập trung ở đầu ngón tay ngón chân, với biểu hiện da dày lên, có những sọc nứt nẻ. Khi lớp da này bong đi, lớp da ở dưới sẽ lộ ra, màu đỏ hoặc trắng hồng, không ngứa. Vào mùa lạnh, hiện tượng tăng sừng nứt nẻ sẽ tăng lên rất nhiều khiến bệnh nhân đau đớn, hạn chế cử động.

Mề đay do lạnh

Một số người khi gặp thời tiết lạnh đặc biệt là khi đi ngoài trời, gặp cơn gió lạnh thì bắt đầu nổi lên những sẩn phù đỏ hoặc thành những mảng đỏ sưng phù ở một hoặc nhiều vùng trên cơ thể, thường gặp nhất là ở những vùng da hở như mặt, tay, chân, nặng hơn thì phát khắp toàn thân.

Mề đay sẽ nặng hơn khi từ môi trường lạnh vào trong phòng ấm áp hơn, lúc này sẽ ngứa ngáy nhiều hơn. Thường thì mề đay kéo dài vài phút đến vài giờ khi ngừng tiếp xúc với thời tiết lạnh và có thể tái phát nhiều cơn trong ngày. Một số bệnh nhân còn kèm theo triệu chứng nhức đầu, hạ huyết áp, phù thanh quản, khó thở...

Để phòng bệnh mề đay do lạnh, nên tránh ra ngoài lúc trời lạnh và mặc quần áo ấm, chú ý các vùng da hở. Khi nổi mề đay thì các loại thuốc kháng Histamin không có tác dụng làm mất mề đay mà chỉ có tác dụng ngăn chặn cơn mề đay mới, do đó nên uống thuốc càng sớm càng tốt. Một số loại thuốc kháng Histamin thường dùng bao gồm Clarityne, Telfast, Lorantadine, Cezil...

Chàm khô

Chàm khô (xerotic eczema) là tình trạng ngứa ngoài da do lạnh. Bệnh thường gặp ở người lớn hơn là trẻ nhỏ, do trời lạnh và độ ẩm ở trong phòng gia tăng làm da bị giảm tiết mồ hôi và chất bã.

Chất sừng của da bị mất nước khiến da trở nên khô hơn, đóng ít vảy, da bị nứt, trầy xước kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội. Chữa bệnh chàm khô bằng cách bôi kem làm ẩm da ngay sau khi tắm như kem có chứa Glycerin, Urea 10%, Vitamin E... vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ.

Tránh tắm với xà phòng thơm, nên dùng sữa tắm hoặc xà phòng có chất làm ẩm da (moisturizer) và không có chất làm thơm. Uống thuốc chống dị ứng hàng ngày giống trường hợp bị mề đay do lạnh.

Nứt da chân

Bình thường vào những ngày nóng thì hiện tượng nứt da chân ít gặp, đến những ngày tiết trời lạnh thì hiện tượng nứt da chân càng rõ rệt. Triệu chứng thường hay gặp ở phụ nữ do da ở lòng bàn chân, các ngón chân mỏng manh hơn.

Xử lý tình trạng này bằng cách thường xuyên mang tất, giày để giữ ấm bàn chân. Mỗi ngày nên ngâm chân hoặc tay với nước ấm có pha chút muối. Bôi kem làm giảm nứt da tay chân như Skin-Care, Elgy plus... Nếu bị ngứa có thể uống thuốc chống dị ứng, ngứa nhiều quá thì bôi thuốc có chứa Corticoid hoặc đến khám bác sĩ da liễu.

Da vảy cá

Đây là bệnh ngoài da thường do yếu tố di truyền và triệu chứng thường hay có khuynh hướng giảm đi hoặc biến mất tạm thời. Khi trời trở lạnh thì vẩy cá sẽ lộ ra rõ hơn, da đóng vảy như da cá. Tuy bệnh không gây nhiều cảm giác khó chịu nhưng lại mất thẩm mỹ, nhất là ở những vùng da hở. Khắc phục bệnh này bằng cách mặc quần áo ấm và kín, tắm với nước ấm và sữa tắm có chất làm ẩm da. Có thể bôi kem chứa chất Acid lactic 5%, Urea 10%, dung dịch có chứa chất ammonium lactate.

Trên đây là một số bệnh da liễu thường mắc phải trong mùa lạnh. Để bảo vệ da tránh được những bệnh này hoặc làm bệnh giảm bớt, bạn cần tuân theo nguyên tắc phòng ngừa và xử trí chung như sau:

Giữ cho da luôn có độ ẩm thích hợp, tránh tình trạng mất nước: Tốt nhất là sử dụng thuốc làm ẩm da (chứa urea, acid salicylic...). Nồng độ thuốc phải phù hợp với vùng da bị tổn thương. Ví dụ nếu bị khô ở da mặt thì dùng loại dầu làm ẩm dành cho trẻ em, còn nếu bị nứt gót chân thì phải dùng loại dầu có nồng độ urea từ 20% trở lên, phối hợp với acid lactic.

Uống Vitamin A liều cao: Vitamin A có tác dụng tốt trên sự sừng hóa, nhất là ở những bệnh như chàm tăng sừng nứt nẻ, da vẩy cá.

Bôi thuốc chống ngứa: Các thuốc phổ biến là Chlopheniramin, Promethazine, Loratadin... Thuốc này thường chỉ có tác dụng trong những trường hợp mề đay do lạnh hoặc có hiện tượng chàm hóa.

Uống nhiều nước, mặc quần áo ấm, quấn đủ khăn ấm.

Không dùng những thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng, thuốc truyền miệng, các loại xà phòng và sữa tắm không thích hợp.

B.S Bùi Minh (Mypham)