Trang nhà > Gia đình > Lưu ý > Khi nam giới mắc bệnh... khó nói
Khi nam giới mắc bệnh... khó nói
Chủ Nhật 2, Tháng Ba 2008
- Lisa Yuskavage, Tương hỗ, 2006.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh nam học là loại bệnh mang tính đặc thù, vừa là nội khoa cũng vừa là ngoại khoa. Do đó, để điều trị được căn bệnh này đòi hỏi người bác sĩ phải là một nhà tâm lý học thực thụ...
Phần lớn người dân thiếu hiểu biết về bệnh nam học
Các chuyên gia nam học Việt Nam cho rằng, do ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến, nhất là ở vùng nông thôn nên hiện nay nhiều người dân vẫn có lối suy nghĩ rất lệch lạc về các bệnh giới tính. Nhiều người cho rằng bệnh nam học thực chất không phải là bệnh mà chỉ là những biểu hiện trụy lạc, đồi trụy, là một yếu tố liên quan đến đạo đức trong sinh dục của một bộ phận nam giới.
Phần lớn người dân không hiểu rằng, những triệu chứng khó nói liên quan đến vấn đề tình dục hoặc đường sinh dục của nam giới thực chất thuộc về một căn bệnh rất nguy hiểm trong xã hội. Trên thế giới, người ta gọi đó là bệnh Sexual Medecine – bệnh y học tình dục.
Còn ở Việt Nam, khi trung tâm đầu tiên điều trị căn bệnh này được ra đời vào tháng 1-2006 tại BV Việt Đức, những người sáng lập ra trung tâm đó đã gọi tránh thành bệnh nam học.
Theo GS.TS-Nhà giáo nhân dân Trần Quán Anh, Trung tâm Nam học BV Việt Đức, sự lệch lạc trong nhận thức của người dân về căn bệnh... khó nói ở nam giới là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc điều trị căn bệnh này kém hiệu quả.
Khác với nước ngoài, ở nước ta phần lớn người dân khi có các triệu chứng hoặc khi đã mắc bệnh nam học, họ thường giấu giếm, e ngại người khác biết về căn bệnh của mình.
Họ không chịu thổ lộ tình trạng bệnh tật của mình với cả những người thân thiết nhất trong gia đình, thậm chí là vợ. Người đàn ông sợ vợ buồn, thất vọng và sợ cả vai trò, quyền uy của mình bị giảm đi trong mắt người vợ.
Điều đó khiến cho những bệnh nhân mắc các bệnh về nam học thường có quá trình ủ bệnh lâu, đi khám chữa muộn và bệnh đã ở giai đoạn khó chữa.
Tâm lý chung này không chỉ xảy ra ở nông thôn mà ngay cả ở thành phố, cả những tầng lớp trí thức có trình độ nhận thức cao, tư tưởng tân tiến. Các bác sĩ ở Trung tâm Nam học BV Việt Đức cho biết, trong số các bệnh nhân đến khám nam học có cả những quan chức cao cấp như một ông Phó chủ tịch tỉnh ở một tỉnh lớn thuộc khu vực miền núi phía Bắc, một giám đốc Sở ở Hà Nội..., những người này đều mong muốn được điều trị riêng tại nhà bác sĩ để tránh bị người quen, vợ con phát hiện.
Bệnh nam học hoàn toàn có thể chữa trị được
Các chuyên gia Nam học Việt Nam đã nghiên cứu và tổng kết được, bệnh nam học gồm 11 căn bệnh chính, trong đó có 4 bệnh nam học thường gặp nhất ở Việt Nam là rối loạn cương, rối loạn xuất tinh, vô sinh nam giới và mãn dục nam giới (ở đàn ông 50 tuổi trở lên).
Theo GS.TS Trần Quán Anh, nhiều người mắc bệnh nam học thường tự ti, e ngại không đi điều trị, họ không biết rằng căn bệnh này hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
GS.TS Trần Quán Anh kể lại: Có một trường hợp người chồng bị rối loạn cương dương “không làm ăn gì được”, sau khi điều trị nam học ở Trung tâm Nam học đã trở lại bình thường. Thực chất nguyên nhân bệnh ở người đàn ông này rất đơn giản.
Do đi công tác lâu ngày mới về nên vợ chồng rất háo hức, người vợ tắm xong dự định sẽ không mặc gì trong buổi tối ấy nên xịt đầy thuốc diệt muỗi để... phòng muỗi đồng thời cũng xức nước hoa trên cơ thể. Điều này khiến người chồng bị ức chế mạnh, dẫn đến “vừa vào cuộc đã ỉu xìu”. Những lần sau, cứ ngửi thấy mùi nước hoa của vợ là tình trạng trên lại tái diễn.
Với trường hợp này, các bác sĩ chỉ cần tư vấn tâm lý giúp bệnh nhân thoát khỏi sự ức chế là bệnh nhân đã trở về trạng thái bình thường. Ngoài ra, một trường hợp người chồng có quốc tịch Úc, lấy vợ Việt Nam, sau khi được phẫu thuật dương vật cũng đã có con...
Cũng theo GS.TS Trần Quán Anh, việc chữa trị bệnh nam học là rất phức tạp vì: “Không có một trường hợp nào giống trường hợp nào, cũng không có một toa thuốc nào chữa trị được tất cả các bệnh nam học”.
Lấy ví dụ trong bệnh vô sinh nam giới, có trường hợp uống thuốc khỏi, có trường hợp dùng thủ thuật chữa khỏi (như thắt ống dẫn tinh), cũng có trường hợp phải phẫu thuật và thậm chí có trường hợp phải phối hợp tất cả các biện pháp trên.
Điều đáng mừng là hiện nay, dư luận xã hội ngày càng bớt khắt khe hơn về căn bệnh này, Nhà nước, Bộ Y tế cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc cho phép nhập thuốc ngoại để điều trị nên hiệu quả điều trị bệnh nam học đã được nâng cao đáng kể.
Hiện cả nước mới chỉ có 8 trung tâm, phòng khám thực hiện khám nam học (5 ở Hà Nội và 3 ở TP Hồ Chí Minh). Các bác sĩ, chuyên gia nam học vẫn được đào tạo chủ yếu dưới hình thức truyền nghề chứ chưa có khóa đào tạo căn bản nào ở trường đại học.
Mặt khác, việc điều trị bệnh nam học cũng rất tốn kém, thuốc đắt... nên chưa phổ biến rộng được. Các chuyên gia nam học hàng đầu Việt Nam đã khuyến nghị lên Bộ Y tế về việc mở lớp đào tạo chuyên gia nam học và nhất là cho phép mở rộng hệ thống phòng khám nam học, kể cả phòng khám tư nhân để phục vụ nhu cầu bệnh nhân.
Đó là một tín hiệu đáng mừng cho những nam bệnh nhân mắc phải các bệnh vẫn được xem là bệnh... khó nói.
Theo Tiến Hưng (ANTĐ)