Cổ học tinh hoa:

Nguỵ biện

Nước Tề có kẻ thờ vua, thân được vinh hiển, nhà được sung sướng. Khi vua có hoạn nạn, anh ta không chịu liều chết để cứu giúp vua.

Một hôm anh gặp cố nhân ở đường. Người cố nhân lấy làm ngạc nhiên hỏi:

- Tôi cứ tưởng bác chết rồi, mà ra bác vẫn còn sống kia đấy ư?

Anh ta thưa:

- Phải tôi còn sống chứ. Phàm đi làm tôi tớ cho người ta chỉ cốt có lợi, mà chết cho người ta thì có lợi gì, cho nên tôi chả chết theo.
- Bác ăn ở như thế thì còn mặt mũi nào mà trông thấy người ta dưới chín suối nữa?
- À, thế cứ như ông nói thì ra ông cho khi chết, mắt đã nhắm rồi mà vẫn còn trông thấy người ta được ư?

Ôi! những người đời chịu ơn vua, mà chẳng chịu tuẫn nạn vua đều là kẻ đại bất nghĩa. Thế mà khi có ai nói đến, lại còn biện bác cãi nhẽ, tự cho mình là phải.

Thói thường ở một nước loạn, ý nghĩ với câu nói thường hay trái nhau.

(Lã Thị Xuân Thu)

Lời bàn

Bài này tác giả đã kết luận rõ ràng ở dưới rồi. Người ta còn có thể nhân đó bàn rộng ra mà nói được rằng: cái trò ở đời, người chỉ vụ lợi thì không còn biết nghĩa là gì nữa. Hoặc khi có ai giảng giải cho, thì lại tìm câu khéo nói, viện lý sự cùn để tế toái đi cho xong, vẫn tự cho mình là phải, là có nhẽ.

(Theo Cổ học tinh hoa của Nguyễn Văn Ngọc và Trần Lê Nhân. Nxb Trẻ, 1992)