Những di sản ở Chợ Lớn (kỳ 2)

Nguy cơ mất dần nét kiến trúc phố Hoa

Chợ Lớn đang thay đổi từng ngày. Các toà nhà cao tầng hiện đại mọc lên, “xâm thực” dần những dãy phố rất đặc trưng phong cách Hoa của những năm 1930 thế kỷ trước. Con đường Đông - Tây đã nuốt mất khu phố cổ bến Hàm Tử, đường Trần Văn Kiểu.

Khu vực Bình Tây trước khi xây chợ. Ảnh thời Pháp

Sáng cuối năm, chúng tôi lang thang phố người Hoa. Dọc theo các con đường Thái Phiên, Hàn Hải Nguyên, Nguyễn Chí Thanh, Tạ Uyên, Hải Thượng Lãn Ông, Triệu Quang Phục… thứ gì cũng có bán. Phố người Hoa có đủ hàng hoá đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, chẳng khác gì thành phố thu nhỏ. Mạng lưới ngân hàng Sacombank, ngân hàng cổ phần của người Hoa, phủ đầy.

Đường

Quận 11 có nhiều cửa tiệm người Hoa tồn tại hàng chục năm, như dãy nhà làm bánh mứt ở đường Thái Phiên, các tiệm bán thùng phuy cũ trên đường Hàn Hải Nguyên, hàng loạt tiệm cơ khí trên đường Tạ Uyên. Tại quận 5, dãy tiệm bán ảnh tượng trên đường Nguyễn Chí Thanh có đủ ảnh tượng các vị thần mà người Hoa tôn thờ như Phật Tổ, Phật Di Lặc, Thần Tài, Quan Thế Âm Bồ Tát, Quan Công, Hồng Hài Nhi, Phúc Lộc Thọ và làm kiếng tượng theo yêu cầu. Dọc theo đường Phùng Hưng là dãy nhà bán heo quay, vịt quay, xá xíu, phá lấu. Đường Nguyễn Trãi có sâm 24 vị tác dụng giảm nhiệt đặc sắc và những món bánh đặc trưng như bánh lá liễu, bánh quả đào, màn thầu.

Bảng hiệu với hai màu sắc chủ đạo là đỏ và vàng, được ghi bằng hai thứ tiếng Hoa và Việt, với tên gọi mang ý nghĩa tốt lành như Vĩnh Hưng (mãi mãi hưng thịnh), Phát Đạt... Nhà ở được trưng dụng để buôn bán, kinh doanh. Một số nhà được xây lại, không còn mang kiến trúc cổ nhưng nhìn vào vẫn nhận ra ngay người Hoa do thờ thần cửa ở hai bên cửa.

Không gian đô thị tại phố người Hoa vừa mang dáng dấp cổ kính vừa hiện đại. Phố người Hoa đang thay đổi từng ngày. Các cao ốc mọc lên như Thuận Kiều Plaza, chung cư cao cấp Tản Đà, Hùng Vương Plaza, An Đông Plaza... Sự giao thoa giữa cổ kính và hiện đại tạo nên nét đặc sắc của phố người Hoa. Vấn đề bảo tồn di sản văn hoá được đặt ra là cần thiết.

Gần đây, một số nhà cổ có lịch sử hơn 100 năm trên đường Trần Văn Kiểu bị dỡ bỏ để phục vụ dự án đại lộ Đông – Tây. Chung cư Soái Kình Lâm có lịch sử 70 – 80 năm, nơi nhiều người Hoa đi dạo và ăn uống, giờ đây đã cũ nát nên được dỡ bỏ xây lại. Mong muốn của nhiều người là chung cư này vẫn mang dáng dấp của người Hoa. Chẳng hạn hai dãy nhà trên đường Trần Bình và Lê Tấn Kế, cạnh chợ Bình Tây, dỡ bỏ xây lại vẫn mang dáng dấp cũ. Đành rằng phát triển kinh tế và phát triển đô thị luôn mâu thuẫn với nhau, nhưng không phải không có cách giải quyết, bảo tồn. Phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội vẫn được bảo tồn rất tốt.

Hẻm

Đi vào các con hẻm mới thấy rõ nét đặc trưng của người Hoa, do kiến trúc hẻm ít thay đổi hơn kiến trúc mặt tiền, thường bị dỡ bỏ để làm đường, xây chung cư

Hẻm cạnh chùa Bà Thiên Hậu trên đường Nguyễn Trãi có mặt tiền được xây dựng như mặt tiền của một ngôi nhà với một số nét kiến trúc đặc trưng như mái nghiêng, lợp ngói ống đỏ, tường sơn màu vàng, cửa sắt xanh, hoa văn độc đáo. Những ngôi nhà bên trong cũng có nét kiến trúc tương tự. Con hẻm này có một câu chuyện ít người biết. Năm 1905, lãnh tụ Tôn Trung Sơn, người lật đổ chế độ phong kiến Trung Hoa, từng đến con hẻm này, ở lại nhà một người dân sinh sống bằng nghề làm giá tên Huỳnh Cảnh Nam. Sau này, con hẻm được đặt tên là hẻm Giá. Cách mạng Tân Hợi thành công năm 1911, Tôn Trung Sơn trở thành nguyên thủ quốc gia, con hẻm này được xem như một di sản của người Hoa tại Sài Gòn.

Con hẻm trên đường Nguyễn Thị Nhỏ, góc gần Nguyễn Chí Thanh quận 11, chỉ dài vài trăm mét có đến mấy ngôi chùa như chùa Khánh Vân Nam Viện, Quan Âm Tử Trúc Lâm, trường cấp 3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, công ty, tiệm tạp hoá, quán ăn, tấp nập người ra vào. Trong hẻm hội tụ đủ những vấn đề người Hoa quan tâm như buôn bán, an sinh, tâm linh. Nhà cửa trong hẻm được xây mới, nhưng vẫn còn một số đặc điểm nhận biết như có chữ Hoa trên cửa. Một số hẻm khác đang được xây mới, nếu không cẩn thận, di sản sẽ mất đi.

Chợ

Những ngày cuối năm, chợ Bình Tây quận 6 có nhiều khách nước ngoài viếng thăm. Ngoài chợ Bến Thành, khách nước ngoài vào chợ này khá nhiều. Khi chúng tôi đến chợ, một nhóm du khách châu Âu đang vây quanh chị bán giỏ lát ngắm nghía. Vào chợ, nhiều cặp vợ chồng người phương Tây, Đài Loan, Nhật Bản đang tham quan, độ tuổi nào cũng có.

Người Hoa gọi chợ Bình Tây là Đề Ngạn (nghĩa là đê bao). Trước kia, đây là vùng sông nước. Người Hoa xây chợ gần sông để dễ trung chuyển. Đây cũng là một nét đặc trưng của người Hoa, sinh sống gần sông để dễ bề buôn bán, giao thương. Ngày nay, sông bị san lấp. Cảnh tấp nập trên bến dưới thuyền không còn. Vận tải hàng hoá chuyển sang đường bộ. Tuy nhiên, chợ Bình Tây vẫn là chợ bán sỉ, hàng hoá chất từng thùng, thuốc Bắc cũng giao sỉ về các tỉnh. Các xe kéo ra vào chợ như con thoi, những người kéo xe mồ hôi nhễ nhại. Hầu hết hàng hoá của các cơ sở sản xuất người Hoa đều có tại chợ Bình Tây, kể cả hàng từ các tỉnh như bánh pía Công Lập Thành, Tân Hưng, lạp xưởng Trân Trân (Sóc Trăng)…

Trường Minh (SGTT)