Trang nhà > Văn chương > Cổ điển > Thơ nôm Lê Thánh Tông
Thơ nôm Lê Thánh Tông
Thứ Ba 19, Tháng Hai 2008
Không chỉ giỏi chữ Hán, Lê Thánh Tông còn để lại hàng trăm bài thơ Nôm đưa văn học lên đến đỉnh cao của sự trong sáng tiếng Việt và tầm tư tưởng chính trị của thế kỷ XV.
"Nhà vua đã nâng việc sáng tác thơ Nôm từ chỗ tự phát đến qui mô quốc gia. Một phong trào sáng tác thơ Nôm nở rộ khắp nơi, và năm 1495, hội Tao Đàn ra đời do chính Lê Thánh Tông làm nguyên súy, gồm 28 "ngôi sao thơ" (nhị thập bát tú) như: Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Ngô Luân, Ngô Hoán, Nguyễn Xung Xác v.v..." [1]
Buổi sáng ngắm sông chài
Sông lồng lộng, nước mênh mênh,
Lườn lượn chèo qua nép nép mình.
Gió hiu hiu, thuyền bé bé,
Mưa phun phún, nón kềnh kềnh.
Chuông chiền mỗi mỗi coong coong gióng,
Mõ xã lâu lâu cốc cốc lềnh.
Bến liễu đâu đâu tìm mộng mộng,
Đường về than thán, nguyệt chênh chênh.
Động Bạch Nha [2]
Một chốn càn khôn một chốn xuân,
Đã dành phong cảnh thú thanh tân.
Quanh co nước biếc doành muôn khảm,
Chồng chập non xanh đá mấy lần.
Quét bụi trần không một sở,
Xui lòng khách hứng mười phân.
Nhàn nào đấng thánh xem ngày trước,
Biết được hư không máy có thần.
Chùa Trấn Quốc
Trung lập càn khôn vững Đế đô,
Mảnh danh Trấn Quốc ở Tây Hồ.
Xuân Thu thêm có mười phần lạ,
Hoa cỏ đành hay một thức phô.
Hây hẩy hương trời thơm nữa xạ,
Làu làu đèn bụt rạng như tô,
Kìa ai đủng đỉnh làm chi đấy ?
Một tiếng kinh khua một chữ mô.
Thánh Gióng
Tinh anh dấu được khí càn khôn,
Thiên tướng vang lừng tám cõi đồn.
Nghe tiếng Hùng vương bẻn nảy việc,
Mảng (nghe) danh, nghịch tặc đã kinh hồn.
Vợt (kiếm) vàng ngựa sắt hằng di để,
Làng Gióng non Trâu [3] miếu hãy còn.
Tự điển trời Nam ngôi đệ nhất,
Âm phò quốc thế vững bằng non.
Trưng Vương
Trợ dân dẹp loạn trả thù mình,
Chị nhủ cùng em cất nghĩa binh.
Tô Định bay hồn vang một trận,
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành,
Mới rày bảo vị [4] ra ơn rộng,
Đã đội hoa quan xuống phúc lành [5]
Còn nước, còn non, còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.
Triệu Ẩu
Cao một trượng, cả mười vầng,
Bỏ tóc ngang lưng, vú chấm sừng.
Họp chúng rừng xanh oai náo nức,
Cưỡi đầu voi trắng tiếng vang lừng.
Mác dài trỏ vẫy tan đàn giặc,
Ngôi cả lăm le học họ Trưng.
Ví có anh hùng duyên định mấy,
Thì chi Đông Hán dám hung hăng ?
Thành cổ
Hoa cỏ đành xưa, gốc gốc già,
Biết bao thu trải mấy hè qua,
Cáo kêu eo éo ban trời tối,
Quỉ khóc đìu hiu trận nguyệt tà,
Công nghiệp ngày xưa hòn đá dựng,
Bá vương nền cũ hạt mưa sa.
Khen ai gây đặng thành đô ấy,
Ấy của tiên vương, của quốc gia.
Chùa Non Nước
Nơi gọi Bồng, nơi gọi Nhược,
Hai bên góp làm Non Nước,
Đá chồng hòn thấp hòn cao,
Sóng trục lớp sau lớp trước.
Phật hư vô cảnh thiếu thừa,
Khách danh lợi buồm xuôi ngược.
Vẳng nghe trên gác boong boong,
Lẩn thẩn dưới chùa lần bước.
Voi
Trước có đầu, sau có đuôi,
Lớn hơn mọi vật, gọi là voi.
Bốn chân thoắt thoắt khi đi gấp,
Hai mắt trừng trừng thuở đứng coi.
Bành thắng trên lưng ngôi thánh đế,
Chuông buông dưới cổ đạo hiền tôi.
Đến đâu thì lấy rơm đầy đóng,
Ban nãy, ờ quên! Lại có vòi.
Núi góa [6]
Hòn đá ai đem đặt giữa đồng,
Mĩ miều thiếu nữ lựa [7] người trông.
Da dồi phấn tuyết nhuần nhan sắc,
Đầu gội mưa xuân sạch bụi hồng.
Ngày ngắm gương Ô [8] đáy nước,
Đêm cài lược Thỏ [9] trên không.
Tới nay tuổi đã bao nhiêu tá ?
Chành chạnh [10] bền gan chửa lấy chồng.
Vịnh con cóc
Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Nghiến răng ba cái nghiêng trời động
Tắc lưỡi vài hồi chúng kiến lui
Đại hạn gặp mưa
Đã dư mấy tháng ngày khô khao,
Mừng thấy trời cho một trận rào.
Hoa đượm màu tươi cười hớn hở,
Cá mừng nước ngọt nhảy lao xao.
Trong triều mọi sĩ đều ca vịnh,
Ngoài nội tam nông kẻo ước ao,
Nhuần khắp bốn phương tạo hóa,
Mây tuôn năm thức chín trùng cao.
Chó đá
Lần kể xuân thu biết mấy mươi,
Cửa kia vẫn thấy đứng mà chơi.
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt,
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi.
Cắn kẻ tiểu nhân, nào đoái miệng ?
Chào người quân tử, chẳng phe đuôi.
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng,
Dầu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.
Vịnh thằng mõ
Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi!
Mộc đạc [11] vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh [12] chuyển động khắp đôi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
Thứ bậc dưới trên quyền cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
Vịnh người ăn mày
Góp giang sơn, xách một quai [13],
Lượng bằng sông biển, chẳng từ ai [14]
Vườn đào ngõ mận từng len lỏi [15],
Gác tía lầu son, mặc nghỉ ngơi...
No biết thế tình, mùi mặn nhạt [16],
Quản bao nhật nguyệt, bữa đầy vơi!
Vương tôn thuở trước làm sao tá ?
Bái tướng phong hầu, ấy những ai ?
Người ăn mày
Chẳng phải ăn đong, chẳng phải vay,
Khắp hoà thiên hạ đến ăn mày.
Hạt châu, chúa cất trao ngang mặt,
Bệ ngọc, tôi từng đứng lượm tay.
Nam bắc đông tây đều tới cửa,
Trẻ già lớn bé cũng xưng thầy.
Đến đâu dẹp hết loài muông cẩu,
Thu cả càn khôn một túi đầy.
Kẻ chăn trâu
Đầu ngàn, êu ểu [17] cỏ xanh om,
Thả thả, chăn chăn, ít lại nom.
Mũi nghé lui chân đứng nhảy,
U trâu vịn cật ngồi khom.
Vang địch trúc [18]ao xao hỏi,
Mảng ca sừng [19] ngấp nghé nhòm.
...(Có) thuở về hoà khi hái củi,
Chẳng ngờ ác [20] đã mái kia mom.
Vịnh cái nón
Mưa nào lệ, nắng nào âu ?
Các cứ làm nên nón đội đầu.
Vành vạnh dường bằng vầng nhật nguyệt,
Vần vần mấy tựa tán công hầu.
Trùm mặt ngọc, mùi hương đượm,
Dạo đường hoa, bóng ác thâu.
Cả mọn thế gian nhờ phủ rợp,
Nào ai là chẳng đội lên đầu ?
Cây cau
Ơn chúa vun trồng những thuở nao,
Một năm là một nhẫn lên cao.
Buồng đống cháu con bao xiết kể,
Nhà đầy khách khứa hỏi han chào.
Lưng hằng đai thắt mưa nhuần gội,
Đầu đã tàn che nắng chẳng vào.
Giữa trời chăm chắm nên rường cột,
Gió cả dầu rung chẳng trút bao!
Vịnh ấm đất
Giống nảy đà nên rộng miệng thay,
Tiệc hoa bạn ngọc dự ngồi bày.
Danh thơm lừng lẫy hương còn nức,
Lượng cả thung dung thế ít tày.
Họp mặt nhiều người khi chép miệng,
Đẹp lòng, nào kẻ chẳng nâng tay ?
Hôm mai ninh nước vì nhà chúa,
Một bữa cơm ăn chẳng dám khuây.
Con kiến
Phô loài cả, vóc nghênh ngang [21],
Mòn mọn song mầu [22], kiến mấy càng.
Đạo, biết quân thần tôn nhượng [23],
Cơ, hay thiên địa nhu cương [24].
Báo ơn nghĩa cả, danh còn để [25]
Xuyên ngọc, tài cao tiếng hãy vang [26].
Có thuở trận ra binh phụ tử [27],
Kì kì chính chính [28] sắp đôi hàng.
Vịnh cối xay
Tạo hóa gây nên khéo léo thay!
Đặt làm một cối để mà xay.
Ngoài lưng cũng có ba mươi nén,
Trong dạ hằng thìn một tiết ngay.
Có thuở ù ù cơn sấm động,
Đòi phen lã chã hạt mưa bay.
Lưng bền, cốt vững, muôn đời thịnh,
Vần chuyển, lương dân đủ tháng ngày.
Khoai sọ
Nảy nảy khoai, chỉn (thực) giống lành,
Vun trồng đã cậy có xanh xanh.
Cha con đã chổng đoàn dù tán [29]
Cháu chắt càng nhiều nhựa vuốt nanh [30]
Khảm (thửa) kể ruộng nương, danh trưởng giả,
Bữa ăn chuông vạc lộc công khanh.
Nẻo ra thì phá lấy ngôi trước,
Một đám nhà ta ai dám tranh ?
Đạo làm vua
Đạo lớn đế vương nghĩ đã tinh
Thương yêu dân chúng kính trời xanh
Tìm tòi kế sách xây đời thịnh
Bỏ hẳn chơi bời giữ nếp thanh
Cân nhắc anh tài phô đức đẹp
Chăm lo võ bị trọng quyền binh
Điều hoà muôn việc theo mùa tiết
Khắp chốn hân hoan hưởng thái bình
Chuông Phả Lại, nguyệt Bình Than [31]
Chuông kia, nguyệt nọ, ấy tiền thân [32],
Huống lại thêm là gác phượng lân [33].
Mấy tiếng đấm tràn miền Trúc quốc [34],
Một vầng in lọt bóng giao nhân [35].
Đêm thanh cảnh vắng, người chăng tục,
Rượu uống thơ ngâm tiệc có xuân.
Khi hứng mến vui lòng bịn rịn,
Quân thân gánh nặng đủ ngàn cân.
Canh hai
Vắng gần xa, khách vãng lai,
Khúc rồng canh đã chuyển sang hai.
Lầu treo cung nguyệt, người êm giấc,
Đường quạnh nhà thôn, cửa chặt cài.
Cảnh vật chòm chòm bay lửa đóm,
Cỏ hoa gốc gốc đượm hương trời.
Có người đắc thú trong khi ấy,
Đoản địch còn xong thốt mái ngoài.
Canh bốn
Kế lậu canh mấy khắc dư
Đêm dài đằng đẵng mới sang tư.
Gió lay chồi ải khua chim thức,
Nước chảy trăng tà giục sóng đưa.
Vạc thẩn thơ tìm nội quạnh,
Trời lác đác vẻ sao thưa.
Một bầu thế giới hây hây lạ,
Mấy kẻ chung tình đã thức chưa ?
Canh năm
I
Canh chầy đèn hạnh lâm dâm,
Xao xác lậu canh trống điểm năm.
Nguyệt đầu non treo chếch chếch,
Sương mặt đất ướt đầm đầm.
Rừng khuya bố cốc còn khua gióng,
Làng nọ nông phu đã thức nằm.
Bóng ác rạng đông, trời đã sáng,
Tiếng gà sôi nổi, tiếng hàn châm.
II
Đến năm canh ban trống năm.
Buồng lan đèn hạnh đã lâm dâm.
Mơ màng bóng nguyệt kề song xế,
Thánh thót chày thu cách nước đâm.
Người thức lầu hồng còn bịn rịn,
Ngựa quen đường tía đã lăm chăm.
Chín trùng khi ấy ban chầu đã,
Vô sự dầu ta mặc sức nằm.
Vịnh Mị Ê [36]
Thờ chúa, thờ chồng hết tấc thương,
Một mình trọn đạo việc cương thường.
Non thiêng dễ hóa hồn tinh vệ [37],
Nước biếc khôn nhìn mặt Phạm Vương [38]
Dòng bạc thề cùng thu có nguyệt,
Sử xanh chép để bút còn hương.
Rầy mừng thấy tin rồng đến [39],
Phủ cơn (bóng) râm khắp bốn phương.
Điếu trạng nguyên Lương Thế Vinh
Chiếu thư thượng đế xuống đêm qua,
Gióng khánh tiên đài kịp tới nhà.
Cẩm tú mấy hàng về động ngọc,
Thánh hiền ba chén ướt hồn hoa,
Khí thiêng đã lại thu sơn nhạc.
Danh lạ còn truyền để quốc gia.
Khuất ngón tay than tài cái thế,
Lấy ai làm trạng nước Nam ta!
Tự thuật
Lòng vì thiên hạ những sơ âu,
Thay việc trời, dám trễ đâu ?
Trống dời canh, còn đọc sách,
Chiêng xế bóng, chửa thôi chầu.
Nhân khi cơ biến, xem người biết,
Chứa thuở kinh quyền, xét nhẽ mầu.
Mựa (chớ) bảo áo vàng chăng (không) có việc!
Đã muôn sự nhiệm trước vào tâu [40].
Cái quạt
Thác ở trong tay tạo hoá quyền,
Một mình thờ chúa thuở hè thiên.
Lưng mềm yểu điệu mười lăm tuổi,
Má điểm yên chi bảy tám khuyên.
Dặm liễu đã từng che mặt ngọc,
Đường hoa có thuở vẫy người tiên.
Tới thu lại thấy yêu đương nữa,
Mựa chớ đàn chi thiếp bạc duyên.
Nắng hè
Cũng thì đất chở, cũng trời che,
Nóng nảy làm chi bấy hỡi hè?
Khắc khoải đã đau lòng cái quốc,
Băn khoăn thêm tức ngực con ve.
Người nằm trướng vóc, bồ hôi mướt,
Kẻ hái rau tần, nước bọt se.
Nào khúc Nam huân [41] sao chửa gẩy ?
Chẳng thương bồ liễu phận le te.
Nhà dột
Lều tiện ba gian trải nắng sương,
Thấy trời dòm xuống, biết trời thương.
Dồi dào đã được nhờ ơn nước,
Soi tới càng thêm tỏ bóng gương.
Đêm có ả trăng làm bạn cũ,
Ngày thì dì gió quét bên giường.
Lại còn một vẻ thanh quang nữa,
Ngọc lộ đầy mâm để uống thường.
Tượng bà Banh
Chốn long cung cảnh giới này,
Uẩy, ai đứng đấy lõa lồ thay!
Miệng cười hơn hớn hoa in nhuỵ.
Má đỏ hồng hồng tóc vén mây.
Ấy rắp phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay toan bốc gạo thử thung (thách) thầy.
Chẳng lên bảo điện ngồi thong thả,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây ?
Đề Miếu Bà [42]
Nghi ngút đầu ghềnh toả khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho lụy đến nàng
Chứng quả có đôi vừng nhật nguyệt
Giải oan chi mượn đến đàn tràng
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng
Đáp thơ "Chồng bỏ"
Chàng hỡi hai ta nghĩa đã cân,
Thốt thề chẳng hổ với linh thần.
Trước cùng làm bạn, ngờ lâu họp,
Rày bỗng nghe ai, nỡ kíp phân!
Mây nước, dạ chàng dầu bạc nghĩa,
Cỏ hoa, lòng thiếp hãy còn xuân.
Biết đâu đã dễ đâu hơn nữa,
Mà trọng tân nhân, phụ cựu nhân ?
Dệt cửi
Thấy dân rét mướt, nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng giậm đạp máy âm dương.
Chử Đồng Tử
Hiền thảo dòng nhà thấu bích thiên [43],
Đành hay phúc thiện máy từ (tự) nhiên.
Mấy thu nhem nhuốc rèn gan sắt,
Một phút giàu sang kết bạn tiên.
Triệu Việt nạn xong nên nghiệp cả [44]
Ức Trai mộng tỏ phỉ lời nguyền [45]
Anh linh miếu dõi lừng hương khói,
Còn nước còn non tiếng hãy truyền
Qua Đèo Ngang
Bãi thẳm ngàn xa cảnh vắng teo
Đèo Ngang lợi bể nước trong veo.
Thà là cúi xuống cây đòi sụt,
Xô xác trông lên, sóng muốn trèo.
Lảnh chảnh đầu mầm chim vững tổ,
Lanh chanh cuối vũng cá ngong triều.
Cuộc cờ kim cổ chừng bao nả,
Non nước trông qua vẫn bấy nhiêu.
Chợ cạnh núi lúc tạnh mù
Non mở bình phong tám bức vây,
Chợ quê ngày tạnh, lục in cây.
Cá tươi xâu liễu người về gấp,
Rượu chín nồng hoa khách ở chầy.
Điếm nọ cờ còn quấn gió,
Lều kia rèm đã cuốn mây.
Ông nào thổi địch thanh thơi tá ?
Cưỡi hạc bay về ngàn núi Tây.
Cây mai
Trội cành nam chiếm một chồi,
Tin xuân mãi mãi điểm cây mai.
Tinh thần sáng, thuở trăng tĩnh,
Cốt cách đông khi gió thôi.
Tiết cứng trượng phu thông ấy bạn,
Nết trong quân tử, trúc là đôi,
Nhà truyền thanh bạch dăng từng khối,
Phỉ xứng danh thơm đệ nhất khôi!
Cây đánh đu
Bốn cột lang, nha cắm để chồng [46],
Ả thì đánh cái, ả còn ngong.
Tế hậu thổ, khom khom cật,
Vái hoàng thiên, ngửa ngửa lòng.
Tám bức quần hồng bay phới phới,
Hai hàng chân ngọc đứng song song.
Chơi xuân hết tấc xuân dường ấy,
Nhổ cột đem về để lỗ không [47].
[1] trích Lời giới thiệu của Kiều Văn
[2] Ở xã Trị Nội, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), phía tả núi Thần Phù. Trong động, ngoài chùa và một tòa tượng Phật, còn có một bia đá dài 1 trượng 6 thước khắc một chữ "Phật" to. Lê Quí Đôn nói là chữ của vua Lý Thánh Tông (1054 - 1071). Động Bạch Nha có rất nhiều dơi, nên tục gọi là Hang Dơi (Đại Nam nhất thống chí). Cũng có bản ghi là "Bạch ác động", (ác hay nha đều có nghĩa là con quạ).
[3] Vũ Ninh
[4] Lên ngôi
[5] Thời Lý Anh Tông một năm bị đại hạn, nhà vua sai đến đền Hai Bà cầu đảo được mưa.
[6] Quả Sơn: ở làng Phúc Quả, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có hòn núi đứng trơ trọi một mình, gọi là Núi góa.
[7] Xui khiến.
[8] Mặt trời.
[9] Liềm trăng.
[10] Khư khư.
[11] Tiếng mõ gỗ
[12] Giọng lanh lảnh
[13] Gom cả giang sơn đất nước mà xách nhẹ bằng một quai.
[14] Bao dung hết mọi người.
[15] Đã ra vào mọi chốn quyền quý.
[16] Biết hết tình đời đối xử.
[17] Mơn mởn
[18] Sáo trúc
[19] Gõ sừng trâu hát
[20] Mặt trời
[21] Phô ra trước các loài to lớn với dáng nghênh ngang.
[22] Bé nhỏ nhưng kỳ diệu
[23] Mọi loại kiến đều tôn trọng thứ bậc trên dưới trong tổ của mình
[24] Kiến biết trước việc mưa nắng lụt lội
[25] Cổ tích: Kiến được một con chim cứu khỏi chết đuối, sau con chim bị người thợ săn rình bắn, kiến bèn đốt vào chân khiến hắn bị đau gây tiếng động, chim biết nên bay thoát.
[26] Mẹo của Khổng Tử sai buộc chỉ vào lưng kiến, cho kiến bò vào đường xoắn ốc trong viên ngọc, do đó xỏ được dây đeo ngọc.
[27] Kiến chiến đấu bênh nhau như cha con
[28] Chỉnh tề
[29] Dọc khoai dù lớn dù nhỏ đều chổng lên trời, lá khoai trông như cái tán.
[30] Củ khoai cái sinh rất nhiều mầm, mầm khoai trông như hình cái vuốt, có nhiều nhựa.
[31] Chùa Phả Lại (Bắc Ninh) nơi trụ trì của sư Dương Không Lộ, có một chiếc chuông lớn. Bến Bình Than (Chí Linh, Hải Dương), xưa có cuộc họp do Trần Nhân Tông chủ tọa, bàn việc chống Nguyên.
[32] Theo thuyết nhân quả đó là kiếp trước của mỗi người.
[33] Hai câu thơ ý nói: chuông và nguyệt gác phượng, lân đều do nhân quả mà có.
[34] Nước Thiên Trúc (nước Phật).
[35] Người Giao Chỉ, xăm mình bơi dưới nước như cá.
[36] Mị Ê: Vợ chúa Chiêm Thành. Năm Thiên cảm thành vũ thứ nhất (1044), Lý Thái Tông đi đánh Chiêm thành, chém được chúa là Sạ Đẩu, tiến vào thành Phật Thể, bắt thê thiếp Sạ Đẩu đem về; khi về đến hành điện Lý Nhân (nay thuộc tỉnh Hà Nam) nhà vua sai triệu Mị Ê đến hầu thuyền ngự, Mị Ê lấy làm đau xót, liền quấn tấm chiên vào mình, nhảy xuống sông tự vẫn, nhà vua khen là trinh tiết, truy phong Hiệp chính hựu thiện phu nhân. Về sau dân sở tại lập đền thờ.
[37] Con gái vua Viêm để chết đuối ở biển, hóa thành chim tinh vệ, thường ngậm đá ở núi phía tây lấp biển đông để hả giận.
[38] Danh hiệu chung của chúa Chiêm thành.
[39] Lê Thánh Tông đi qua đến thăm đền
[40] Đã trù tính mọi việc trước lúc nói ra.
[41] Khúc ca của vua Thuấn, nghĩa là "gió nam".
[42] Sự tích Miếu Bà Trương: Tục truyền chồng bà họ Trương bị nhập ngũ khi vợ mới có thai. Sau bà sinh được một đứa con đặt tên là Đản. Vài năm qua, chồng vẫn biệt tăm ngoài biên giới. Dưới ánh đèn đêm, bà chỉ vào bóng mình trên vách tường để trả lời câu hỏi ngây thơ của Đản "cha con đâu?". Dần dần đứa trẻ tưởng bóng đó là cha nó đêm về ngày đi. Khi người chồng trở về, đứa con không chịu nhận cha. Trương nghi vợ ngoại tình khi mình không có ở nhà nên đã hành hạ bà. Chịu không nổi sự ghen tuông oan ức, bà gieo mình xuống sông tự vẫn. Một đêm kia, Trương ngồi chơi với con dưới ánh đèn thì đứa nhỏ tự nhiên vui mừng chỉ vào bóng đêm mà réo "cha về rồi". Lúc đó Trương mới biết vợ trung thành. Để chuộc tội, Trương lập miếu thờ vợ bên giòng sông Hoàng Giang.
[43] Trời xanh.
[44] Truyền thuyết: Chử Đồng Tử cưỡi rồng bay xuống trút móng cho Triệu Quang Phục và bảo đem cắm lên đầu giáo. Nhờ có móng rồng, Quang Phục đánh thắng quân xâm lược nhà Lương, giết được Dương Sằn, đóng đô ở Long Biên, xưng là Triệu Việt vương.
[45] Tương truyền một đêm Nguyễn Trãi đến cầu mộng ở đền thờ Chử Đồng Tử và đuợc biết Lê Lợi là bậc chân chúa, ông bèn lặn lội vào Lỗi Giang theo giúp Lê Lợi, đánh tan được giặc Minh.
[46] Lang: Cây cau. Nha: Cây dừa, những thứ cây thường dùng làm cột đánh đu.
[47] Khảo dị: sau này Hồ Xuân Hương có bài thơ Đánh đu, rất giống bài này.