Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Chèm - ngôi làng cổ Hà Nội
Chèm - ngôi làng cổ Hà Nội
Đông Tỉnh
Thứ Hai 19, Tháng Hai 2007
"Chèm" là một trong những làng cổ của đất Việt ta. Ngôn ngữ bây giờ lai tạp nhiều, tiếng nôm cổ nguyên gốc chẳng còn là bao, nên mấy tên làng của Hà Nội dọc theo bờ sông Cái như Chèm, Vẽ, Cáo, Đăm, Noi, Xù, Gạ, Nhổn, Trôi... đọc nghe cộc, nhưng thực độc đáo.
Chẳng thế mà có một ông nho sinh đã vận tên mấy tên làng đó thành câu đối nôm, đến bây giờ cũng chưa có ai đối lại được: "Bút làng Vẽ làng Vẽ vẽ. Giầy làng Dầy làng Dầy đi. Việc gì đến làng Noi mà làng Noi Cáo".
Chữ Chèm được theo lối chữ Việt cổ mà sau này sách từ điển Tây chép lại là Tờ Lèm và khi đọc theo lối Hán hoá thì thành Từ Liêm. Tên ấy được lấy làm tên huyện. Nhưng làng Chèm còn có một tên nữa là Thuỵ Phương, được nêu trong bài vè khuyết danh kể về trận lụt ở đầu thế kỷ 20: "Thuỵ Phương đích thực chính danh là làng". Trước đây, làng Chèm ăn vào phủ Hoài Đức của tỉnh Hà Đông, mãi đến thời tiếp quản Thủ đô 1954 mới thuộc về quận 5 Hà Nội. Nhưng dù thuộc địa phận nào, tên "Chèm" vẫn được nức tiếng gần xa, không rõ có phải do địa danh này gắn liền với cảnh vật hữu tình, trên bến dưới thuyền và có món ẩm thực "giò Chèm" nổi tiếng?
Làng Chèm còn có những nhân vật nổi danh đất Việt như Lý Ông Trọng - người từng chặn tát dòng sông Cái, bắt kỳ được con giải để tế mẹ. Khi Ông Trọng được chọn cùng các quý vật đem cống Tần Thuỷ Hoàng, ông đã giúp Tần Vương dẹp tan giặc Hung nô nên được gả công chúa. Bà công chúa ấy theo chồng về ở làng Chèm cho tới khi mất. Lý Ông Trọng trở thành Thành hoàng của làng. Theo dân làng, Lý Ông Trọng đứng hàng thứ ba sau Thánh Tản Viên và Thánh Gióng.
Đình làng Chèm được xây cách đây hơn một nghìn năm và có lẽ là cái đình duy nhất ở đất Việt quay hướng về phương bắc. Hình như đó là cái cách dân Chèm chiều bà công chúa sống xa xứ nhưng rất mực yêu chồng được luôn hướng về nơi quê cha đất tổ. Đình nằm trên diện tích gần 2 mẫu, dáng uy nghi theo thế chữ đinh với những cây cột trụ to. Trong hậu cung có hai tượng Đức Ông, Đức Bà tạc bằng gỗ quý, cao hơn chục mét. Chiêm ngưỡng tượng, lớp hậu sinh càng thêm cảm phục tài hoa sáng tạo của thế hệ tiền nhân làng. Bây giờ, chả rõ ông "thần đèn" hiện đại dời các công trình xây dựng như thế nào, nhưng cách đây hơn 10 thế kỷ, dân Chèm đã từng di dời cả toà đình đồ sộ có những cây cột hai người ôm không xuể lên cách nơi xây dựng đầu tiên hơn 300m để tránh cho đình khỏi bị ngập trong mỗi mùa nước.
(HNN)