Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Hôm qua > Thành cổ Hà Nội qua lịch sử nghìn năm*

Thành cổ Hà Nội qua lịch sử nghìn năm*

Đông Tỉnh

Thứ Hai 19, Tháng Hai 2007

Cửa Đoan Môn Hà Nội. Photo ©NCCong 2012

Thành cổ Hà Nội hiện nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình, với tổng diện tích 49.135m2. Gồm 4 khu: Bắc Môn (1.113m2), Hậu Lâu (2.475m2), Điện chính (4.186m2), Sở Chỉ huy Quốc phòng (...) và Đoan Môn (3.661m2).

Mấy năm gần đây nhờ công tác khai quật khảo cổ học nên đã trả lời được nhiều vấn đề từng nêu ra tranh luận. Thành Thăng Long đời Lý vẫn giữ nguyên vẹn vị trí cũ cho đến đời Nguyễn. Núi Nùng (tức núi Long Ðỗ) vẫn là trung tâm của Hoàng thành qua bao thế kỷ...

Vị trí núi Nùng trên bản đồ Hà Nội ngày nay
Bản đồ thành Đông Đô thời Hồng Đức

Năm 1010, sau khi lên ngôi vua, Lý Công Uẩn quyết định dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, đổi tên là Thăng Long. Hoàng Thành từ thời Lý được nhiều lần tôn tạo nguy nga, tráng lệ và cũng đã nhiều lần bị tàn phá…

Vào thời Trần, cuối thế kỷ 13, quân Nguyên-Mông nhiều lần cướp phá Thăng Long.

Sang thế kỷ XIV (năm 1371 đến 1378), quân Chiêm Thành đã bốn lần đem quân tấn công đốt phá kinh thành. Và hoang tàn nhất là sau khi nhà Minh sang diệt nhà Hồ, xâm chiếm Việt Nam vào năm 1407, trong 20 năm liền họ đã phá nát nhiều cung điện, đền chùa, bảo tháp… [1]

Nhà Lê xây lại thành với quy mô lớn hơn. Điện Kính Thiên nhà Lê được xây dựng năm 1428 trên vị trí của điện Càn Nguyên, Thiên An thời Lý-Trần (thế kỷ 11-14). Trải qua loạn lạc từ nhà Mạc đến thời Chúa Trịnh, sau này dấu tích hầu như cũng chẳng còn gì ngoài nền cũ và hai thềm rồng đá.

Thềm rồng phía trước điện được xây năm 1467, có 9 bậc bằng đá. Thềm chia thành 3 lối lên xuống đều nhau bằng đôi lan can đá chạm rồng. Lối chính giữa dành cho vua đi, hai bên dành cho quần thần. Thềm rồng phía sau nền điện được tạo tác khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18 với quy mô nhỏ hơn so với thềm rồng phía trước, chỉ có một lối lên xuống với 7 bậc.

Điện Kính Thiên nhà Lê chỉ còn lại bậc thềm với đôi rồng đá. Ảnh ©NCCong 2012

Sang thế kỷ XVIII, thành bị sụt lở nhiều sau khi nhà Tây Sơn ra Thăng Long. Các cửa thành đã đổ gần hết chỉ còn lại hai cửa Đại Hưng ở phía nam và Đông Hoa ở phía đông… [2]

Nhà Nguyễn lên ngôi đã bắt Thăng Long từ vị trí kinh đô của quốc gia trở thành trấn thành rồi tỉnh thành Hà Nội. Mất vai trò trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế… các công trình trong hoàng thành phải thay đổi quy mô.

Bản đồ đầu TK 19 vẽ rõ thành Hà Nội xây kiểu Vauban

Năm 1803, vua Gia Long lệnh phá bỏ thành cũ nhà Lê đã bị hư hại nhiều, xây lại theo kiến trúc kiểu Vauban bằng đá tảng và gạch nung rất kiên cố, nhưng có tầm vóc nhỏ hơn hoàng thành của những vương triều trước. Các công trình trong thành được bố trí kế thừa những di tích xưa. Điện chính ở cạnh nền điện Kính Thiên cũ [3]. Điện mới là nơi làm việc của tổng trấn Bắc thành. Vị trí của nó hơi chệch về phía đông điện Kính Thiên cũ [4].

Từ điện chính đi ra là cổng Đoan môn, có chiều cao 6m. Cổng có 5 cửa vòm, cửa chính giữa có gắn một phiến đá khắc chữ Đoan Môn dành cho nhà vua, các cửa nhỏ dành cho quan lại, lính hầu. Đàn Xã Tắc để tế trời đặt bên trái ngoài Đoan Môn cùng một Đình bia ghi công trạng của vua Gia Long.

Cửa Đoan Môn được trùng tu nhân dịp lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

Đoan Môn là cửa chính ra vào khu vực Cấm thành thời Lê (thế kỷ XV-XVIII) và khu Hành cung thời Nguyễn (XIX), nơi vua ngự mỗi khi kinh lý Bắc thành. Đoan Môn dù đã trải qua mấy trăm năm mưa nắng nhưng vẫn tồn tại sừng sững đến tận ngày nay. Vật liệu chủ yếu để xây dựng là gạch vồ và đá.

Năm 1805, Gia Long cho xây dựng Kỳ Đài (Cột Cờ) gần Đình bia ở phía Nam. Kỳ Đài cao hơn 40m gồm thân trụ hình bát giác, lầu nóc để dựng cột cờ, xây trên bệ tam cấp đồ sộ.

Di tích Hậu Lâu trong Hoàng thành. Ảnh ©NCCong 2012

Hậu Lâu hay Tĩnh Bắc Lâu là công trình được xây dựng muộn hơn (1821). Ban đầu được sử dụng vào mục đích tôn giáo (thờ Phật). Cuối thế kỷ 19 Hậu Lâu bị hư hỏng nặng, người Pháp đã cải tạo xây dựng lại như hiện nay.

Để đưa xuống tầm “tỉnh thành”, năm 1831 Minh Mạng ra lệnh hạ thấp tường thành và đổi tên là thành Hà Nội.

Năm 1848, Tự Đức lại cho phá dỡ các cung điện còn lại trong thành, những đồ chạm khắc mỹ thuật bằng gỗ, đá đều đưa về Huế, chỉ còn sót lại những thứ quá nặng. Thành cũ dần trở nên hoang phế… [5]

Điện chính. Photo: dr.Hocquart 1884

Bắc Môn (Cửa Bắc) là cổng thành ở phía Bắc được xây dựng năm 1805 bằng gạch với vòm bằng đá, giữa cửa có tấm biển đá ghi 3 chữ Hán “Chính Bắc Môn”, diềm biển trang trí hoa dây. Trên cổng thành hiện nay thờ hai vị Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Năm 1999 cũng tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện các phần còn lại của một bức tường xây bằng đá và gạch vồ, nền móng dày 1,2m và dấu tích của một kiến trúc khác thời Lê tại độ sâu từ 1,6-2,2m.

Sau khi quân Pháp tấn công Hà Nội vào năm 1882, họ chiếm đóng điện chính, phá điện để xây nhà chỉ huy pháo binh, Kỳ Đài làm nơi liên lạc thông tin, Đoan Môn và Hậu Lâu bị sửa thành trại lính… Cuối cùng, năm 1893, thực dân Pháp lại quyết định phá bỏ toàn bộ tường thành, lấp các con hào làm đường phố. Cửa Bắc Môn được giữ lại để khoe chiến tích.

Trong 62 năm đóng quân (từ 1892 đến 1954), người Pháp đã biến Thành cổ Hà Nội thành một khu quân sự. Hầu như tất cả các công trình cổ còn lại đã bị biến thành nhà ở hoặc phá bỏ để lấy đất đá, gạch ngói xây các công trình quân sự, kho tàng, nhà ở cho các sĩ quan, trại lính… Trong Thành cổ còn để lại 8 cổng to nhỏ và các cổng này đã được nhà nước bảo hộ Pháp liệt hạng năm 1925.

Cửa Bắc Môn. ©2010 Thang Bui

Hiện nay chỉ còn Kỳ Đài, Đoan Môn, Hậu Lâu, nền điện chính và Bắc Môn, cửa duy nhất sót lại của thành Hà Nội thời Nguyễn, vẫn mang hoài dấu vết của đạn pháo Pháp bắn từ tàu chiến trên sông Hồng, khi họ tấn công chiếm thành vào năm 1882, và Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết.


[1Xem thơ Nguyễn Trãi.

[2Xem Hoàng Lê nhất thống chí.

[3Cần gọi như thế cho đúng, vì điện Kính Thiên là nơi làm việc của hoàng đế, Thăng Long không còn là kinh đô không thể có tòa điện nào được gọi là Kính Thiên nữa.

[4Hiện nay đã xác định được trục chính tâm của Hoàng thành Thăng Long, với tiến án là Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở phía chính nam và hậu chẩm là khu đền Quán Thánh (khi xưa rộng đến phố Hàng Bún) ở phía bắc.

Chiều rộng của trục chính tâm là từ phố Chu Văn An ở phía tây sang phố Hoàng Diệu ở phía đông (rộng từ 350 - 450m), mà khu khai quật khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu - 1 Hoàng Văn Thụ đã chứng minh rằng nằm ở trục chính tâm của Hoàng thành cũ.

Như vậy, rõ ràng trục của thành xây năm 1805 là Cột cờ - Đoan Môn - Điện Chính - Hậu Lâu, là đường trục khác, cách phía đông đường trục cũ đến 100m chắc chắn không thể có tòa điện Kính Thiên cũ trên nền tòa điện mới! Chứng cứ 2 bậc đá chạm rồng vốn là của điện Kính Thiên cũ nằm trên hai bậc thềm lên điện mới là thiếu cơ sở, vì các cấu kiện cũ có thể được sử dụng lại ở các kiến trúc mới là thường tình. Nhà Nguyễn đã từng dỡ gỗ ở các tòa điện lớn đưa vào Huế xây dựng công trình mới.

[5Xem thơ Cao Bá Quát.