Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Tư duy > Tưởng tượng > Nobel cho văn học Việt Nam ?

Nguyễn Quang Thiều

Nobel cho văn học Việt Nam ?

Thứ Sáu 22, Tháng Hai 2008

Nhiều tờ báo cũng đã đặt câu hỏi này cho các nhà văn, các nhà nghiên cứu văn học và cả bạn đọc trong nhiều năm qua. Nhưng chưa ai có thể trả lời một cách cụ thể được.

Tôi cũng nằm trong số những người không thể trả lời cụ thể được rằng đến năm nào thì nhà văn Việt Nam sẽ nhận được giải Nobel Văn học.

Tôi không phải là một nhà tiên tri. Nhưng tôi cũng sẽ trả lời. Trước khi trả lời tôi muốn lướt nhanh qua danh sách “ứng cử viên” là các nhà văn, nhà thơ Việt Nam.

Tế Hanh: "Còn sống, Nam Cao có hy vọng nhất"

Cách đây lâu lắm rồi, khi nhà thơ Tế Hanh còn khỏe và lúc đó tôi đang làm việc ở Báo Văn Nghệ. Thi thoảng ông lại đến báo Văn Nghệ và hay ghé vào phòng tôi ngồi chơi.

Một lần, tôi hỏi nhà thơ Tế Hanh: nếu đề cử một nhà văn Việt Nam cho giải Nobel thì ông chọn ai. Ông ghé tai tôi nói nhỏ: không có ai xứng đáng được đề cử. Nhưng ông nói thêm: nếu Nam Cao còn sống và tiếp tục sáng tác thì đó là người có hy vọng nhất.

Thế còn Nguyễn Tuân? Không được. Nguyễn Tuân là nhà văn có vẻ “tài tử”, tinh quái và điêu luyện trong chữ nghĩa. Đọc văn của Nguyễn Tuân thích thú như xem bonsai vậy nhưng không phải những cánh rừng đại ngàn. Vậy Trần Dần? Lê Đạt? Đó là những nhà thơ thực sự dấn thân vào con đường sáng tạo.

Nhưng đối với các tác giả thế giới cùng thời với họ thì họ lại phải thường xuyên ngồi ở vị trí bạn đọc. Bây giờ, năm 2007, nếu chúng ta được Viện Hàn lâm Thụy Điển gợi ý đề cử một nhà văn của mình thì chúng ta không biết đề cử ai.

Nguyễn Chí Thiện có đại diện cho nền thơ Việt Nam?

Nhiều năm trước đây, không ít người được biết có một vài tổ chức người Việt ở nước ngoài đã đề cử ông Nguyễn Chí Thiện cho ứng cử viên giải Nobel văn học cho những sáng tác thơ của ông. Khi nghe tin này, tôi thực sự buồn. Tôi không hiểu họ đã đề cử ông Thiện vì lý do gì?

Thơ ông Thiện tôi đã đọc được một số bài in rải rác đâu đó trên mạng và tạp chí tiếng Việt ở nước ngoài. Và tôi thấy nghệ thuật thơ ông cũng như thơ của hàng trăm người làm thơ Việt Nam khác, không có gì đáng nói.

Việc đề cử này nếu đúng là có thật thì chắc sẽ làm các thành viên Viện Hàn lâm sửng sốt. Họ sẽ nhìn nhau ngơ ngác và tự hỏi: những người đề cử ông Nguyễn Chí Thiện để làm gì nhỉ? Đây là đại diện cho nền thơ của người Việt Nam à?

Nếu thông qua thơ ông Thiện để cho người nước ngoài hình dung nền thơ hiện đại Việt Nam thì đó là một thất bại lớn cho thơ Việt Nam. Người Việt chúng ta nhiều lúc thật hài hước và ngây thơ.

Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hàn Mặc Tử?

Nhà thơ Việt Nam nào sẽ là ứng cử viên cho giải Nobel văn học? Lớp nhà thơ tiền chiến chăng? Không. Hầu hết họ đã về cõi thiên thu. Nhưng dù họ có còn sống thì chúng ta cũng không chọn lựa được ai mặc dù họ đã để lại một dấu ấn trong đời sống thơ ca Việt.

Vậy các nhà thơ của phong trào Thơ mới? Cũng không có ai cả. Bởi Thơ mới, theo tôi, lúc đó giống như một chàng trai mới lớn trong nền thi ca hiện đại thế giới. Nhưng chàng trai ấy chưa phát triển đầy đủ thì đã già nua.

Vậy thì ai? Có người đã từng nghĩ đến Chế Lan Viên. Sự khởi đầu của Chế Lan Viên thật ấn tượng cũng như Huy Cận hay một vài người khác cùng thế hệ. Nhưng trên con đường gian nan và nghiệt ngã của sáng tạo thơ ca, Chế Lan Viên đã có lúc phải rẽ sang một lối khác. Một lối đi an toàn với những câu thơ an toàn.

Có lẽ bởi thế mà sau này di cảo của ông như một sự quay trở lại với con đường chông gai của sáng tạo mà có lúc ông đã khe khẽ đi vòng. Nhưng sự quay trở lại vội vã này chỉ là một sự “nuối tiếc” chứ không con là sự bừng nở của thơ ca ông.

Lại có người tiếc cho sự ra đi quá sớm của Hàn Mặc Tử. Ông là một thi sĩ của nhiều câu thơ tài hoa và có lúc mê sảng. Nhưng ông là nhà thơ đắm chìm trong cảm xúc. Chính thế mà ông thường lãng quên cái thế giới của sự khám phá và những tư tưởng.

Thế còn Xuân Diệu, ông quên Xuân Diệu ư? Xin thưa tôi không quên. Xuân Diệu là nhà thơ tình tên tuổi ở Việt Nam. Theo tôi biết, người ta đã trao giải Nobel cho một nhà thơ sáng tác rất nhiều thơ tình. Đó là Pablo Neruda.

Tôi đã đọc thơ tình của Pablo Neruda trong một cảm xúc lớn lao và cô độc. Những bài thơ tình của ông vang lên và xòe rộng đôi cánh của Cái đẹp và Tự do trong tâm hồn người đọc. Những bài thơ tình của ông dù viết cho một người đàn bà đâu đó trong bóng tối của cuộc đời này thì vẫn mang đến cho người đọc nước mắt, nụ cười và một giấc mơ lớn lao.

Tôi cũng đọc rất nhiều thơ tình của Xuân Diệu và tôi cũng có chép một, hai bài thơ của ông để gửi cho một cô gái tôi yêu. Việc tôi đọc thơ tình của hai nhà thơ này như thế nào đã bày tỏ quan điểm của tôi về Xuân Diệu.

Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp: Đã hết hy vọng!

Đến thời đại của các nhà văn, nhà thơ trong cuộc chiến tranh chống Mỹ thì chúng ta không phải dừng lại lâu hay băn khoăn gì. Họ là những nhà văn, nhà thơ “đuối hơn” nhiều so với các tác giả ở các thế hệ trước đó. Và chủ nghĩa đề tài đã cướp đi phần lớn thời gian cuộc đời cầm bút của các nhà văn nhà thơ thời đại này.

Có lẽ thế hệ nhà thơ đó sinh ra để thực hiện một nghĩa vụ công dân lớn lao là tham gia cuộc kháng chiến. Và họ đã thực hiện xong sứ mệnh của một người lính.

Thế thì ứng cử viên cho giải Nobel Văn học là các nhà văn Việt Nam cầm bút sau năm 1975 chăng? Bảo Ninh chăng? Nguyễn Huy Thiệp chăng? Đó là hai tác giả văn xuôi từng làm xôn xao văn đàn.

Nhưng cả hai nhà văn đó cho đến lúc này đã hết hy vọng làm được điều gì đó bất ngờ. Một người ra mắt một cuốn tiểu thuyết xong là “rong chơi” như chẳng định viết gì nữa. Người khác thì viết những truyện ngắn rất sắc xảo nhưng cũng chỉ nằm trong “đấu trường” khu vực mà thôi. Và khi ông bắt tay vào tiểu thuyết thì ngay lập tức ông thất bại.

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã làm choáng váng nhiều bạn đọc Việt Nam bởi những vấn đề nhạy cảm mang nhiều tính thời cuộc. Nhưng những truyện ngắn đó lại đi một cách nặng nhọc để đến với bạn đọc thế giới. Hơn nữa, ông đã bắt đầu thấy mệt mỏi và muốn nghỉ ngơi. Ở tuổi ông, sự thăng hoa chỉ là 1/10.000 tia hy vọng.

Các tác giả xuất hiện sau 1975: Chưa đủ cách tân tầm cỡ

Còn các nhà thơ xuất hiện sau năm 1975 trạc tuổi tôi thì hầu hết đều kéo theo một “cái đuôi” của thơ chống Mỹ cho dù “cái đuôi” đó ngắn hay dài. Tuy nhiên cũng có một, hai nhà thơ cách tân thực sự nhưng cũng chỉ là cách tân với nền thơ Việt Nam chứ còn với thế giới chẳng có gì mới mẻ. Và đương nhiên, giải Nobel đâu phải dành cho những nhà văn, nhà thơ cách tân hình thức.

Một lần tôi đã nói với nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là thơ ca hiện đại Việt Nam đặt bên cạnh thơ ca thế giới chỉ là cậu bé trước một người lớn. Hoàng Nhuận Cầm đã nổi giận và phản đối tôi dữ dội.

Tôi nói nhỏ với anh như đang thì thầm tâm sự rằng: Chính tôi và anh, hai người đã từng được giải thưởng Hội Nhà văn năm 1993, sẽ phải đi đến một hiện thực là: sau khi chúng ta qua đời sẽ chẳng còn mấy ai đọc những gì chúng ta viết nữa. Mà chẳng phải đợi đến khi chúng ta qua đời mà ngay chính lúc này, thơ của chúng ta quyến rũ được quá ít bạn đọc. Tôi tin sẽ có những nhà thơ hậu sinh sẽ làm tiếng Việt trở lên rạng danh. Và lúc đó, cái còn lại của chúng ta mà bạn đọc trong tương lai đón nhận có lẽ chỉ là những khát vọng chân thành nếu trong tác phẩm chúng ta có được.

Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn, một người từng ôm mộng giành giải Nobel đã thừa nhận rằng ông đã nhận thấy sự thất bại của ông trong thơ. Tất nhiên, như một nhà thơ nước ngoài từng nói, thất bại là con đường của mọi nhà thơ. Đó là một cách nói để tôn vinh sự kỳ vĩ của đời sống mà cho dù chúng ta sáng tạo đến đâu cũng không bao giờ qua được đời sống chúng ta đang sống.

Niềm hy vọng bứt phá và căn bệnh sốt ruột với danh tiếng

Như vậy có phải tôi đang hy vọng vào các nhà văn, nhà thơ thế hệ 7x, 8x hay 9x chăng? Tất nhiên là chúng ta đang trông chờ vào họ với một sự thủng thẳng và chẳng mặn mà cho lắm. Họ còn trẻ. Họ còn có hai, ba chục năm nữa cho những bứt phá. Nhưng có một nguy cơ dễ hủy diệt sự sáng tạo của họ. Đó là sự sốt ruột với danh tiếng.

Hồi trẻ tôi có thích danh tiếng không? Có chứ. Ai mà chẳng thích. Nhưng làm mọi cách để có danh tiếng thì là một vấn đề hoàn toàn khác. Nhưng chúng ta không trông đợi vào họ thì còn trông đợi vào ai nữa. Thế hệ 10x thì chưa xuất hiện.

Quả thực có một nhà văn trẻ tôi rất hy vọng. Không phải tôi hy vọng nhà văn này sẽ giành được giải Nobel mà hy vọng con người này sẽ trở thành một tác giả lớn.

Một nhà văn Mỹ danh tiếng đã từng làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo Giải thưởng Sách Quốc gia Mỹ khi đọc một vài bản thảo của nhà văn này chuyển sang tiếng Anh đã nói: nếu Việt Nam sau này có ứng cử viên cho giải Nobel Văn học thì người này sẽ là người đầu tiên. Có thể nhà văn trẻ này không phải là người đầu tiên được đề cử cho ứng cử viên giải Nobel, nhưng nhà văn Mỹ kia đã nhìn thấy những phẩm chất của một nhà văn chuyên nghiệp, một nhà văn lớn trong những tác phẩm đầu tay của nhà văn trẻ người Việt ấy.

Tôi không muốn đưa tên nhà văn trẻ này ra bởi hai lý do. Thứ nhất, tôi không muốn nhà văn này bị quấy rầy bởi dư luận. Mà dư luận này, tôi tin, sẽ là thứ dư luận đố kỵ và thiếu thiện chí đối với những người trẻ mà tôi từng thấy. Thứ hai, cứ để người đó sống, trải nghiệm, thất bại, đau đớn, cô độc... và viết.

Bao giờ tác phẩm Việt Nam được săn tìm như Totem Sói?

Từ khi có chính sách đổi mới của Việt Nam thì các tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài nhiều hơn. Đó là một trong những bước quan trọng cho bất cứ nhà văn nào viết bằng tiếng Việt muốn Viện Hàn lâm Thụy Điển để mắt tới.

Theo tôi biết, người có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất là Bảo Ninh. Và người có nhiều tác phẩm nhất được dịch ra tiếng nước ngoài là Hồ Anh Thái. Ngoài ra mỗi năm số tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nước ngoài một nhiều thêm. Nhưng các nhà xuất bản nước ngoài dịch văn học Việt Nam vẫn với mục đích tìm hiểu và nằm trong các các đề án dịch văn học quốc tế của họ. Trong khi đó, các nhà xuất bản Việt Nam dịch tác phẩm của các nhà văn nước ngoài là do tên tuổi của nhà văn và sự nổi tiếng của các tác phẩm qua dư luận quốc tế. Các nhà văn Việt Nam phải phấn đấu làm sao cho các nhà xuất bản nước ngoài săn tìm tác phẩm của mình như họ săn tìm Totem Sói chẳng hạn.

Người ngoài đọc văn thơ Việt Nam vì cái gì?

Tôi có dịp đi nhiều nước trên thế giới. Và trong những lúc trò chuyện hay đàm luận với các nhà văn, nhà xuất bản và bạn đọc nước ngoài, tôi thường hỏi họ về văn học Việt Nam. Hầu hết đều lắc đầu ngượng ngùng vì họ không biết gì lắm về nền văn học của chúng ta. Và nếu có những bạn đọc nước ngoài đã đọc những tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước họ thì đều nói về những cuốn sách với những vấn đề chính trị và xã hội Việt Nam chứ không nói đến nghệ thuật tiểu thuyết hay nghệ thuật thơ ca. Mà chính trị hay xã hội vẫn chỉ thuộc về đề tài. Và sự thật, đề tài không bao giờ có ý nghĩa quyết định đối với một tác phẩm văn học.

Điều đó cho thấy, hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài mới chỉ như là một loại tư liệu đặc biệt để bạn đọc ngoại quốc tìm hiểu những vấn đề chính trị và xã hội Việt Nam. Đó là sự thật. Có thể những năm tới đây tình trạng này sẽ được thay đổi.

Và sự thật cũng cho nhiều người thấy rằng: Thường là những nhà văn Việt Nam có vấn đề và những tác phẩm có vấn đề sẽ được các nhà xuất bản nước ngoài quan tâm. Đó là những tác phẩm có tính phản kháng. Nhưng giá trị đích thực của nghệ thuật không bao giờ là sự tô hồng hay bôi đen. Nghệ thuật đích thực đi giữa hai điều đó.

Niềm tin của sự ảo tưởng

Bây giờ nếu chúng ta hô to một tiếng “nhà văn” như người ta điểm danh thì sẽ nghe ran ran tiếng trả lời: “Có tôi”. Chúng ta có quá nhiều người viết văn. Chưa có một đất nước nào mà hầu hết các báo và tạp chí của nước ấy đều có trang cho văn học. Nhưng cũng chưa có đất nước nào như Việt Nam lại dùng văn chương như một cái danh, như một thứ đồ trang sức và như một sự tiến thân. Khi nhà văn còn coi sự sáng tạo văn chương với những mục đích trên thì nhà văn chúng ta vẫn chỉ là bạn đọc của nền văn học thế giới mà khó có thể trở thành tác giả được. Đây là một cách nói và tôi tin mọi người hiểu đúng ý tôi. Và tôi nghĩ, trước khi trở thành nhà văn của thế giới thì chúng ta hãy làm bạn đọc một cách nghiêm túc.

Có không ít nhà thơ Việt Nam hùng hồn tuyên bố: Thơ Việt Nam không thua kém gì thơ các tác giả Nobel nếu được dịch ra tiếng nước ngoài. Trên báo Thể thao Văn hóa nhiều năm trước tôi đã trả lời phỏng vấn: Có những nhà văn mới dịch một vài cuốn sách ra nước ngoài đã nghĩ mình là nhà văn lớn. Và có những nhà văn chưa có sách dịch thì luôn nghĩ nếu sách mình dịch ra thì thế giới sẽ phải cúi đầu. Sự thật là vậy chứ không phải là một cách nói. Tại sao những nhà văn, nhà thơ như tôi nói ở trên lại tin đến như vậy? Vì họ ảo tưởng. Vì sao họ lại mắc ảo tưởng này? Vì họ chưa thực sự thấu hiểu cái lẽ của nghệ thuật.

Sáng tạo như một hành động sống

Sáng tạo nghệ thuật chính là một hành động sống cao nhất của nhà văn. Nhưng quá nhiều nhà văn trẻ đã không sáng tạo như một hành động sống mà chỉ như là một cuộc chơi với nhiều mục đích của danh lợi. Với điều kiện học hành và tiếp xúc, họ biết cách xử lý thông tin, biết cách thiết lập một hệ thống tư duy và biết cách xử lý ngôn từ. Nhưng sự run rẩy, nỗi sợ hãi mơ hồ, trí tưởng tượng kỳ diệu, vẻ đẹp giản dị mà lộng lẫy của ngôn từ, khát vọng mãnh liệt về tự do của Cái đẹp và những khám phá mới mẻ không hiện ra trong tác phẩm của họ. Họ ít có khả năng nhận biết ranh giới giữa sự tầm thường và điều bình dị. Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của nhà phê bình lý luận Chu Văn Sơn là dù nhà văn viết về cái gì và viết như thế nào thì tác phẩm của họ phải luôn luôn chứa đựng vẻ đẹp lộng lẫy và sự thiêng liêng.

Bao nhiêu nhà văn trẻ đọc kỹ các tác phẩm đoạt Nobel?

Liệu có bao nhiêu nhà văn trẻ đọc những tác phẩm của các nhà văn đoạt giải Nobel Văn học trong vòng 20 năm trở lại đây. Và nếu có đọc thì liệu họ có khả năng tìm thấy sự lộng lẫy và thiêng liêng trong những tác phẩm đó không?

Họ có cảm được điều gì từ Linh Sơn của Cao Hành Kiện, từ Người yêu dấu của Toni Morison, từ Tĩnh vật và những bài thơ khác của Joseph Brodsky, từ Châu thổ năm ngón tay của Octavio Paz...?

Tôi tin rất ít và rất ít những nhà văn trẻ Việt Nam đọc một cách kỹ lưỡng những tác phẩm đó với một sự rung vang của tâm hồn họ. Hay nói một cách đơn giản hơn 1.000 lần là họ có nhận ra những điều huyền diệu ẩn chứa trong cuộc sống ngột ngạt của đô thị mà họ đang sống ở trong đó? Họ có bao giờ nhận thấy một điều gì trước hình ảnh một con chuột chạy qua khoảng sáng đèn đường trong một đêm khuya khoắt và chợt dừng lại như sợ hãi, như bị kích động bởi ngọn đèn đường đó không? Nếu chưa bao giờ họ biết rung động và suy tưởng về những điều ấy thì tôi tin họ không thể nào quyến rũ được ai trong những trang viết của họ.

Sớm nhất là khoảng 35 năm nữa Việt Nam mới có Nobel văn học

Bao giờ Việt Nam có giải Nobel Văn học? Một câu hỏi cần thiết mặc dù mọi giải thưởng cũng chỉ là giải thưởng. Ngay như giải Nobel thì mỗi năm chỉ trao cho một người trong khi thế giới có ít nhất là hai nhà văn viết ra những tác phẩm mà chúng ta cần phải đọc.

Nhưng đã hỏi thì phải trả lời. Và câu trả lời của tôi là sớm nhất là khoảng 35 năm nữa. Đó là ai? Đó chắc chắn là những nhà văn trẻ đang viết trong âm thầm hoặc bắt đầu cầm bút chứ không phải là bất kỳ nhà văn, nhà thơ trẻ nào hiện nay đang ầm ĩ và cố làm cho thiên hạ thấy mình trên nhiều loại diễn đàn như những người mẫu biểu diễn thời trang v.v.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều

(Theo Giadinhnet)