Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Hà Nội > Địa linh > Làng Kiêu Kỵ

Làng Kiêu Kỵ

Thứ Tư 21, Tháng Hai 2007

Làng Kiêu Kỵ (tên Nôm: Cầu Cậy) vào đầu thế kỷ XIX là một xã thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An. Phủ này năm Tự Đức thứ 15 (1862) đổi thành phủ Thuận Thành, năm Duy Tân thứ sáu (1912) lại chuyển sang phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc. Trấn này năm Minh Mạng thứ ba (1822) gọi là trấn Bắc Ninh, năm thứ 12 (1831) đổi thành tỉnh Bắc Ninh.

Trong kháng chiến chống Pháp, Kiêu Kỵ nhập với nhiều làng xã bên cạnh thành một xã lớn mang tên xã Tân Hưng, thuộc tỉnh Hưng Yên (năm 1949 lại chuyển về tỉnh Bắc Ninh). Sau Cải cách ruộng đất (năm 1957), tách các làng : Kiêu Kỵ, Hạ Tốn, Gia Cốc và Xuân Thụy thành một xã mang tên Kiêu Kỵ. Năm 1961, xã được chuyển về TP Hà Nội, cùng với các xã khác trong huyện Gia Lâm.

Kiêu Kỵ có nhiều dòng họ, trong đó có các họ lớn và là họ gốc như Nguyễn Danh, Phạm Đình, Nguyễn Danh và Đinh. Năm 1928, theo thống kê của Ngô Vi Liễn, làng có đến 7205 nhân khẩu.

Kiêu Kỵ có nền kinh tế khá phát triển, ngoài trồng lúa, còn có hai nghề thủ công có tiếng trong vùng là dát vàng quỳ và làm mực nho. Để làm được mực, phải có chất keo nấu bằng da trâu. Mỗi ngày thường có một con trâu bị giết để phục vụ việc này. Thủ trâu được đưa lên làm lễ thành hoàng, nên có câu:

Sống làm trai Bát Tràng, chết làm thành hoàng Kiêu Kỵ....

Làng Kiêu Kỵ có đủ cả 3 nơi sinh hoạt văn hóa là đình, đền và chùa (Sùng Phúc tự). Đình và đền thờ hai vị thành hoàng sau đây:

  • Nguyễn Chế Nghĩa quê ở Hội Xuyên (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) - một danh tướng thời Trần, lập được nhiều chiến công trong lần chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (năm Mậu Tý-1288). Tên của ông nay được đặt cho một đường phố nối phố Trần Hưng Đạo với phố Hàm Long.
  • Nguyễn Quý Trị - người làng, đỗ Hương cống, làm quan Tả Thị lang bộ Binh thời Lê Hiển Tông (1740-1786), từng đi sứ sang Trung Quốc và học được nghề giát vàng quỳ rồi truyền nghề cho dân làng, được tôn làm tổ nghề, hàng năm giỗ vào ngày 17 tháng Tám âm lịch.

Hiện trong đền còn lưu 32 đạo sắc của các triều vua phong cho các vị thành hoàng. Đạo sớm nhất ban hành vào năm đầu niên hiệu Đức Long (1629).

Hội làng diễn ra từ ngày 17 đến 20 tháng Tám (là ngày mất của Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa). Mở đầu hội là lễ rước nước, sau đó là các chầu tế và các trò chơi dân gian.

Làng Kiêu Kỵ cũng là quê hương của tướng Nguyễn Sơn (1908-1956). Ông tên thật là Vũ Nguyên Bác, tham gia cách mạng từ năm 1926, vào học trường Quân sự Hoàng Phố và hoạt động trong phong trào Cộng sản ở Trung Quốc, từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh ròng rã suốt năm 1935. Năm 1945, ông về nước, giữ các chức vụ chỉ huy quân sự ở Liên khu 5 rồi Liên khu 4. Năm 1949, được phong quân hàm thiếu tướng, năm 1951, trở lại Trung Quốc, công tác tại Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc, được phong quân hàm thiếu tướng, nên gọi là “Lưỡng quốc Thiếu tướng”. Năm 1999, tên của ông được đặt cho một con đường từ phố Ngọc Lâm (nơi có Công viên phường Ngọc Lâm, tức thị trấn Gia Lâm cũ) đến sân bay Gia Lâm, dài 1,5km.

Làng Kiêu Kỵ còn là quê hương của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định.

(Theo TS Bùi Xuân Đính)