Trang nhà > Cuộc sống > Du lịch > Vọng Nguyệt, làng cổ ven sông Như Nguyệt
Vọng Nguyệt, làng cổ ven sông Như Nguyệt
Thứ Ba 25, Tháng Ba 2008
Theo văn bia tại làng do Hàn lâm học sĩ Trương Hán Siêu soạn thì làng Vọng Nguyệt thời Trần có tên là xã Thứ Nhị, giáp Như Ngột, thuộc lộ Bắc Giang và là một trong 10 tụ điểm dân cư cổ của huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
Sông Cầu (còn gọi là sông Như Nguyệt, sông Thị Cầu hay sông Nhật Đức) là con sông quan trọng nhất trong hệ thống sông Thái Bình. Làng Vọng Nguyệt nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, gần cách đều thị xã và sân bay Nội Bài (xem bản đồ). Làng như một dải lụa mềm mại trải dài bên dòng sông Cầu “nước chảy lơ thơ”, với Ngã Ba Xà gần nghìn năm qua vẫn âm vang tuyên ngôn bất hủ “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư”. Vâng, làng chỉ cách Bến Bà (bến đò sông Như Nguyệt) chừng 1km và ngay tại đây ít nhất đã có hai trận đánh lớn diễn ra”, ghi dấu chiến công oanh liệt chống Tống do Lý Thường Kiệt chỉ huy.
Vọng Nguyệt là một làng Việt cổ có những di sản văn hoá đánh dấu các thăng trầm của một cộng đồng gốc canh nông trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Dọc sông Cầu đã phát hiện được nhiều ngôi mộ cổ và hiện vật gốm từ thời Đông Hán. Sông Như Nguyệt xưa kia không có đê, con đê đắp sau này chạy qua khu di tích chia làm hai phần, phần trong đê có đền Vọng Nguyệt, phần ngoài đê có Bến Bà và ruộng đất. Trải qua gần nghìn năm, ruộng ngoài đê chỉ còn lại những gò cao chạy theo mép sông, không có cây cối, ngày nay là nơi dân làng lấy đất làm gạch. Bến Bà có thay đổi ít nhiều. Tại đây hàng năm, để tưởng nhớ võ công oanh liệt thủa ấy, dân Vọng Nguyệt tổ chức bơi chải vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch.
- Hội đình làng Vọng Nguyệt
Đền Vọng Nguyệt nằm ở cuối làng, hiện còn hai tấm bia đá Bản thần bi ký (bia ghi sự tích của thần làng) dựng năm Dương Hoà thứ 8 (1642) và 36 đạo sắc phong ở đền, từ năm Dương Đức thứ 2 (1673) đến năm Khải Định thứ 9 (1924). Đền thờ hai vị tướng thời Lý có công lãnh đạo đội dân binh làng Vọng Nguyệt chống giặc Tống là công chúa Lý Nguyệt Sinh (con gái vua Lý Thái Tông) và chồng là Phò mã Đô úy Chu Đình Dự, xuất thân thợ rèn. Đền Vọng Nguyệt xây ngay trên nền nhà của người thợ rèn thủa ấy, nay chỉ còn một tòa thượng điện gồm ba gian hai chái và hậu cung, nhưng các di vật trong đó được bảo quản khá nguyên vẹn. Qua khảo sát có thể biết ngôi đền cũ làm theo kiểu chữ tam, mỗi nếp nhà đều có ba gian, hai chái.
Chùa Vọng Nguyệt tên chữ là Khai Nghiêm tự, do chính công chúa Lý Nguyệt Sinh cho xây. Đến các thời Lê và Nguyễn, chùa Khai Nghiêm được tu sửa lớn, dựng thạch trụ thiên đài vào năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705), đúc chuông đồng vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tạc nhiều pho tượng Phật. Trước đó năm Khai Hựu thứ 5 đời Trần Hiến Tông (1333) chùa cũng từng được sửa sang lại và vào đời Trần Dụ Tông (1341-1369), văn thần Trương Hán Siêu đã đến đây soạn một văn bia, khắc trên đá lớn kích thước 114x79x27cm. Đọc văn bia có thể hiểu rõ hơn về cái nhìn của bậc đại nho này đối với đạo Phật lúc đang suy.
- Lăng công chúa Nguyệt Sinh, thôn Vọng Giang, Bắc Giang
Mặc dù vậy, sự hưng thịnh của Phật giáo trước và sau thời ấy đã để lại cho hậu thế những di sản đầy giá trị. Cả đền và chùa mới đây lại được tu sửa, tôn tạo khang trang. Các hiện vật lưu ở đây là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và một số văn bản Hán Nôm quý hiếm có giá trị cao. Bia Khai Nghiêm và chùa Vọng Nguyệt đã được Bộ Văn hóa—Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa quốc gia theo quyết định số 35/2005/QĐ-BVHTT ngày 22-8-2005.
Con đường liên xã nối thị trấn Chờ với khu di tích lịch sử, nay đã được trải nhựa, ô tô, xe máy bon bon vào tận đường làng. Điều ấn tượng nhất đối với mỗi người đi làm ăn xa nay trở về quê là sự giàu có. Làng có hơn 800 hộ, vài chục năm trước chỉ có một căn nhà hai tầng lợp ngói mũi của người khá giả nhất làng, nay nhà to cao hơn thế đã mọc lên hàng trăm.
Ngày mồng 1, mồng 2 Tết, các cụ già khăn áo chỉnh tề lên chùa lễ Phật, nhà nào cũng thịt con gà trống đẹp nhất, sửa lễ đền, tưởng nhớ công lao của tiền nhân đã có công dẹp giặc, giữ nước và cầu cho một năm mới mưa thuận, gió hoà, làng xóm yên vui, thịnh vượng. Chuẩn bị cho ngày lễ đền đầu năm, từ 2-3 tháng trước dân làng đã chọn những con gà trống thiến to, khoẻ, đẹp mã, nuôi nhốt trong chuồng, trước mỗi bữa ăn đều xới bát cơm nóng, trộn với cám, viên thành từng viên bằng quả trám, bón từng miếng cho gà. Nhà nào nuôi được con gà trống thiến to, mỡ màng đem lễ đền thì mãn nguyện lắm vì hy vọng ở một năm mới gặp nhiều may mắn. Đây là nét đẹp văn hoá không biết có từ đời nào và đã thành tiềm thức trong ký ức mỗi người làng Vọng Nguyệt.