Tiếng nói nào (cả sinh ngữ và tử ngữ) là khó nhất?
SpeechXem video trên tôi có cảm giác hình như không có thứ tiếng nào là quá khó nói, kể cả những thứ đã chết (tử ngữ). Điều đó không có nghĩa là học nói hay học viết ngoại ngữ là dễ dàng. Sinh ngữ thì phải tiếp xúc dân sở tại hoặc thường xuyên cập nhật qua nguồn tin cậy, còn tử ngữ thì phải đọc nhiều sách cổ hoặc tiếp xúc học giả mới hiểu đúng.
Sai lầm mà nhiều người mắc phải là họ cố ép thứ tiếng lạ phải tuân theo những hiểu biết quen thuộc của bản thân họ về tiếng mẹ đẻ hoặc của một ngoại ngữ mà họ biết. Nói hay đọc đều là thứ cần gắng sức để học, nhưng có thể làm đơn giản hơn là theo sách ngữ pháp dạy. Hãy nhớ rằng hồi đầu thế kỷ 17 cố đạo Alexandre de Rhodes chỉ cần vài tháng để nói được tiếng Việt nhờ học ở một chú bé Việt và chú cũng học được tiếng Bồ từ ông ta.
Việc phải đưa số từ vào trước danh từ có thể là "lạ" nếu bạn đã quen với dạng số nhiều. Ngược lại, tuy "hầu hết" các danh từ số nhiều tuân theo một ngữ pháp nhất định nhưng luôn có những ngoại lệ khác nhau. Ví dụ: Đàn ông - lũ (cánh) đàn ông, đàn bà - đám (lũ) đàn bà, trâu - đàn (bày) trâu, ngựa - bày ngựa, chiếc lá - chùm lá, con thuyền - đoàn thuyền, thẻ (nén) hương - bó hương, con rận - ổ rận, cây - vườn cây, v.v..
Danh từ và tính từ tiếng Việt không có giới tính, còn trong nhiều thứ tiếng khác lại có giống đực, giống cái, thậm chí cả giống trung. Trong các ngôn ngữ thuộc hệ Latin hoặc hệ Slave thường có biến cách, tiếng Việt thì không... Tiếng Việt cũng không có các động từ bất quy tắc hoặc nhiều dạng thức thời quá khứ, hiện tại và tương lai như trong các ngôn ngữ châu Âu nói chung.
Ở nhiều nước, việc học tiếng Trung có thể là một thách thức lớn. Bản thân Trung văn lại có nhiều dạng khác nhau, dễ nhất là tiếng phổ thông (bạch thoại) giọng Bắc Kinh với lối viết giản thể, ngược lại khó nhất có lẽ là Hán văn cổ và ví dụ này không phải là duy nhất. Tuy nhiên khi bạn tìm hiểu các thành phần của câu thì việc viết trở nên dễ dàng hơn (lại càng dễ dàng hơn nếu chỉ để học nói và hiểu chúng trong ngữ cảnh). Điều đó không khác nhiều so với việc nhìn vào các từ ghép và đoán nghĩa dựa trên các thành phần của nó.
Thực tế là nếu học được khoảng một nghìn từ, bạn sẽ có thể đọc hoặc nói tương đối tốt bằng tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Quan Thoại. Hầu hết các từ ngữ được lấy làm ví dụ để minh họa cho độ khó của tiếng Trung (hoặc ngôn ngữ khác) đều là những từ tối nghĩa mà ít ai sử dụng. Ví dụ chữ "Huang" gồm 172 nét (hình bên) có lẽ là ký tự khó viết nhất của Hoa ngữ. Tuy được phát âm là "Hoang" nhưng ít ai thực sự biết ý nghĩa của nó bởi vì rất hiếm khi thấy ở đâu có sử dụng nó. Đối với người biết tiếng Đức thì nó tương đương với "das Rindfleischetikettierungsüberwachungsaufgabenübertragungsgesetz".
Trong cuộc sống có mấy ai lại sử dụng những từ hiếm. Hầu hết những người bình dân không nói những câu khó hiểu, ngược lại họ thường sử dụng thứ ngôn ngữ khá đơn giản và thực tế. Vậy nên ngôn ngữ khó học nhất thực ra là ngôn ngữ bạn không muốn học hoặc thực tế bạn không có nhu cầu tìm hiểu. Tất nhiên ở đây không bàn đến những nhân tài hoặc những người thiểu năng trí tuệ.