Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Tương tác giữa thuốc và thực phẩm
Tương tác giữa thuốc và thực phẩm
Thứ Bảy 26, Tháng Tư 2008
Sự tương tác giữa thuốc và thực phẩm (TP) là một hiện tượng rất phổ biến. Điều mà người dùng thuốc cần lưu ý không chỉ là uống thuốc lúc đói hay lúc no mà là nên tránh dùng thuốc chung với món ăn, thức uống nào. Vấn đề đặt ra là: những TP nào thường hay ảnh hưởng nhiều đến tác dụng của thuốc ?
Sữa và calcium
Việc dùng các sản phẩm và các TP làm giàu calcium có thể gây nên một sự tương tác hóa học (khác với tương tác chuyển hóa). Ion calcium nối kết với thuốc và làm giảm hấp thụ thuốc. Các kháng sinh fluoroquinolon (như ciprofloxacin và levofloxacin) có thể mất hiệu lực khi dùng cùng lúc với các TP này. Có thể làm giảm thiểu sự tương tác này bằng việc uống thuốc ít nhất hai giờ trước hay sáu giờ sau khi dùng TP giàu calcium. Các tetracyclin cũng tương tác với calcium dùng chung. Nồng độ cefuroxim bị giảm khi sử dụng chung với các sản phẩm sữa, song các cephalosporin khác có lẽ không bị ảnh hưởng.
Các chất bisphosphonat như alendronat, risedronat và ibandronat (dùng trong điều trị loãng xương) đều có độ khả dung sinh học thấp và ít được hấp thụ khi dùng chung với bất kỳ TP hay nước giải khát nào ngoài nước thường, đặc biệt là với sữa và các sản phẩm sữa. Nồng độ methotrexat (thường dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp) cũng giảm khi dùng chung với sữa.
Chất xơ
Cũng như calcium, chất xơ dễ kết nối với thuốc và làm giảm độ hấp thụ của thuốc. Chẳng hạn, các bệnh nhân tiểu đường muốn giảm nồng độ cholesterol của họ bằng việc ăn bột yến mạch (giàu chất xơ) sau khi uống thuốc metformin có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát đường huyết. Những thuốc khác tương tác với chất xơ bao gồm levothyroxin (điều trị bệnh tuyến giáp), digoxin (điều trị bệnh tim) và penicillin - song các kháng sinh khác trong họ penicillin (như ampicillin) xem ra lại không chịu sự chi phối của chất xơ.
Các thực phẩm giàu protein
Các TP giàu protein có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ một số thuốc. Việc ăn một bữa giàu protein và dùng chung propanolol có thể làm tăng khoảng 50% độ khả dung sinh học của chất chẹn beta này, qua đó làm tăng nguy cơ phản ứng phụ như giảm nhịp tim, giảm huyết áp và co thắt phế quản.
Các chế độ ăn giàu protein có thể làm giảm nồng độ và hiệu lực của levodopa hay carbidopa (thuốc trị bệnh Parkinson) và theophyllin (trị suyễn, COPD).
Các bữa ăn nhiều mỡ
Các TP nhiều chất béo có thể làm thay đổi dược động học của nhiều loại thuốc. Chẳng hạn, độ hấp thụ griseofulvin tăng lên đáng kể khi dùng chung với bữa ăn, đặc biệt với các TP giàu mỡ, vì vậy các thầy thuốc khuyên nên dùng chất kháng nấm này chung với một bữa ăn nhiều mỡ nhằm làm tăng hiệu lực của thuốc.
Nước ép bưởi
Gần đây người ta đề cập nhiều đến việc nước ép bưởi với lượng lớn làm tăng nồng độ trong máu của một số thuốc. Gây chú ý nhất là trường hợp sử dụng các statin (thuốc giảm cholesterol) mà nồng độ cao có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như đau cơ, viêm cơ, tiêu cơ. Song điều này không áp dụng cho việc ăn bưởi trái. Và không phải mọi chất statin đều bị tương tác: chỉ có simvastatin (Zocor), lovastatin (Mevacor) và atorvastatin (Lipitor) bị liên lụy mà thôi. Như vậy, những người thường xuyên uống nhiều nước ép bưởi có thể sử dụng các statin khác như rosuvastatin (Crestor), pravastatin (Pravachol) và fluvastatin (Lescol).
Nước ép bưởi cũng có thể tương tác với các chất chẹn kênh calcium (dùng trong điều trị bệnh tim mạch) như felodipin (Plendil), amlodipin (Norvasc), nicardipin (Cardene) và nifedipin (Procardia, Adalate) - với tác dụng phụ như tụt huyết áp tư thế.
Nước ép bưởi cũng có thể làm tăng nhẹ nguy cơ tác dụng phụ của các thuốc trị rối loạn cương thuộc nhóm ức chế phosphodiesterase - sildenafil (Viagra), vardenafil (Levitra) và tadalafil (Cialis) - như cương đau, giảm huyết áp và rối loạn thị giác.
Các thuốc khác có khả năng tương tác với nước ép bưởi bao gồm: thuốc uống ngừa thai, chất chống trầm cảm ba vòng (clomipramin), benzodiazepin (diazepam, temazepam, midazolam), budesonid, carbamazepin, buspiron, ziprasidon, amiodaron và tacrolimus.
Vitamin C và trái cây chua
Sự hấp thụ các thuốc có chứa amphetamin (như Adderall, dùng trong điều trị ADHD) có thể giảm khi dùng chung với vitamin C hay các TP, nước ép chua, vì độ hấp thụ tối ưu amphetamin xảy ra trong môi trường kiềm của đường ruột. Mặt khác, các TP làm toan hóa nước tiểu có thể khiến cho tốc độ thải amphetamin qua đường tiểu tăng lên. Nồng độ các chất kháng histamin thế hệ mới như cetirizin, loratadin và đặc biệt fexofenadin cũng giảm khi dùng chung với nước ép quả.
Cafein
Không chỉ TP ảnh hưởng lên sự chuyển hóa của thuốc mà ngược lại, đôi khi thuốc cũng tác động lên các thành phần TP như cafein. Việc dùng một số thuốc chung với cà phê, trà, nước coca và một số TP hay nước uống “tăng lực” vào buổi tối có thể làm tăng nồng độ cafein trong máu và gây mất ngủ (và lợi tiểu). Đó là trường hợp các thuốc ciprofloxacin, cimetidin (chất kháng H2, dùng trị đau dạ dày), prednison và thuốc uống ngừa thai. Sự chuyển hóa cafein hình như không chịu ảnh hưởng từ các fluoroquinolon khác (có thể dùng thay cho ciprofloxacin) và chất đối kháng histamin H2 khác (ranitidin, famotidin...). Ngược lại, cafein có thể làm tăng nồng độ theophyllin, dẫn tới các tác dụng phụ như bồn chồn, mất ngủ và loạn nhịp tim.
Rượu cồn
Có sự tương tác quan trọng giữa rượu cồn và rất nhiều loại thuốc, bao gồm các chất benzodiazepin, chống trầm cảm, barbiturat, kháng histamin, opiat, giãn cơ, chống rối loạn tâm thần và chống co giật. Khi dùng chung các thuốc này với rượu bia, các bệnh nhân bị tăng nguy cơ buồn ngủ, mất điều hòa, suy giảm hô hấp và rối loạn vận động, có thể dẫn đến té ngã, tai nạn và chấn thương.
Sự lạm dụng cùng lúc rượu cồn và paracetamol làm tăng nguy cơ gây ngộ độc cho gan. Các nhà y học khuyến cáo những người uống từ ba ly rượu bia trở lên không được dùng quá 4 g paracetamol mỗi ngày và phải thăm khám bác sĩ định kỳ.
Việc uống rượu trong lúc sử dụng một số thuốc như metronidazol (kháng sinh), isoniazid (trị lao) hay các sulfonylurea (trị tiểu đường) có thể gây phản ứng đỏ bừng mặt, nôn mửa và tăng nhịp tim.
Rất nhiều thứ thuốc có thể tương tác với các thực phẩm thường dùng, bao gồm cả các chất bổ sung dinh dưỡng, thảo dược và bia rượu. Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh phải nhìn lại chế độ ăn uống của mình, đọc kỹ các bản hướng dẫn sử dụng thuốc và tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ và nhà tư vấn dinh dưỡng. v
BS PHẠM QUỐC VỸ (Khoa Học Phổ Thông)