Trang nhà > Gia đình > Bệnh và thuốc > Ba quy tắc hôn nhân hạnh phúc
Ba quy tắc hôn nhân hạnh phúc
Thứ Ba 6, Tháng Năm 2008
Chuyện đau đầu nhất trong cuộc sống chung là ở chỗ khó mà nói được ai sai ai đúng mỗi khi hai người xảy ra bất đồng ý kiến. Cha mẹ tôi cưới nhau đã được 60 năm. Trong 30 năm gần đây, hai cụ thường xuyên tranh luận với nhau về địa điểm chôn cất hai người khi các cụ trăm tuổi. Cha tôi muốn được chôn tại nghĩa trang của giáo hội, nơi có những quy tắc rất chặt chẽ về mai táng. Cụ cho rằng như thế thì ta sẽ được yên nghỉ đời đời bên cạnh những người cao thượng thanh khiết. Mẹ tôi thì khăng khăng không đồng ý với cha. Mẹ nói: “Như thế thì chẳng khác gì mãi mãi mình bị giam ở một nơi luật lệ hà khắc, chặt chẽ.” Bà muốn được chôn cất ở một nơi tự do, khoan dung, không chia bè phái, tôn giáo gì hết. Thế nhưng cha tôi kiên quyết không nhượng bộ một chút nào, mặc dù xưa nay bao giờ cha cũng yêu quý và nhường nhịn mẹ.
Trước tình hình căng thẳng như vậy, tôi bèn đề nghị thế này: “Ai đi sau thì người ấy có quyền quyết định nơi mai táng hai người.” Nghe tôi nói thế, hai cụ sửng sốt đến thất sắc. Mẹ tôi bảo: “Xưa nay chưa bao giờ mẹ muốn gây sức ép với cha trong bất cứ việc nào cả, con ạ !” Cha tôi thì nói: “Bố chẳng muốn làm mẹ con mất lòng.” Và thế là tuy ý kiến trái ngược nhau, cuối cùng cha mẹ tôi vẫn cứ giải quyết được sự bất đồng của họ.
***
Trong đời sống vợ chồng, những chuyện ý kiến trái nhau như vậy thường xảy ra, nhưng e rằng rất ít người lần nào cũng có thể bình tâm giải quyết êm thấm. Chuyện đau đầu nhất trong cuộc sống chung là ở chỗ khó mà nói được ai sai ai đúng mỗi khi hai người xảy ra bất đồng ý kiến. Mỗi một lần ta nhượng bộ người bạn đời của mình có nghĩa là ta tự làm mất một phần cá tính của ta. Chẳng hạn đối với người có thói quen vung quăng bỏ vãi các đồ dùng, chỉ cần người đó nhận ra mình có lỗi thì tật ấy có thể sửa được ngay. Nhưng trong thực tế thì thường thường lại khác: các thói quen xấu thường là chứng nào tật nấy, rất khó sửa được, chẳng thể một sớm một chiều mà bắt đối phương làm theo ý mình. Điều quan trọng là trong quá trình giải quyết bất đồng, ta cần yêu quý người bạn đời của mình. Như vậy mới tránh xảy ra va chạm không cần thiết.
Vậy thì ta nên giải quyết các cuộc “chiến tranh” gia đình như thế nào ? Sau đây xin nêu ra ba quy tắc của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Cả hai đều đúng cả
Đây là một quy tắc “vàng” để ta có thể hòa giải được với người bạn đời của mình. Khi xảy ra bất đồng, phần lớn mọi người đều nghĩ rằng mình đúng, và do đó ta cố giải thích, thuyết phục, tranh cãi, thậm chí dọa dẫm đối phương. Khi ta vừa ngủ dậy đã liến thoắng giải thích, lải nhà lải nhải, suốt bữa ăn sáng chỉ oán trách đối phương, ta đâu có biết rằng làm như thế chỉ đưa lại kết quả là lời nói của mình chẳng có tác dụng quái gì đối với người nghe, ngược lại chỉ làm đối phương tức giận hơn mà thôi. Tối hôm ấy thể nào đối phương sẽ ôm lấy máy điện thoại mà giãi bầy tâm sự với bạn thân. Khi đó ta có phản đối thế nào cũng vô ích.
Nên hiểu rằng “chúng mình” chính là mình và bạn đời của mình, chứ không phải ai khác. Cứ một mực chỉ trích cái sai của đối phương thì chỉ gây ra tranh cãi. Mà khi đã cãi nhau thì người ta thường “quá giận mất khôn”, khó giữ gìn được mồm miệng, do đó rất dễ làm tổn thương tình cảm giữa hai người vốn thương yêu nhau.
Chỉ có một lập trường như thế này mới làm cả hai người đều nhất trí: đó là anh (ông) đúng, em (bà) cũng đúng. Nếu vậy thì làm thế nào để tìm được một biện pháp dung hòa tương đối công bằng ? Muốn làm được như thế, ta hãy chịu khó lắng nghe thật thấu đáo ý kiến của đối phương, chứ đừng có vội phủ nhận, bác bỏ.
Phải thông cảm với cái giá phải trả của đối phương
Vì ta luôn cố chấp với quan điểm của ta, cho nên ta thường bỏ qua cái giá đối phương phải trả nhằm đạt được yêu cầu của mình. Chẳng hạn khi đối phương mất cả bữa ăn sáng vào việc tranh cãi với ta, thì ta hãy làm cho đối phương hiểu rằng như thế chỉ tổ lãng phí thời gian và công sức, chi bằng bỏ ra một ít tiền đi mua một món quà nào đó tặng nhau có phải hay hơn không. Khi ấy ta có thể thay đổi ý kiến của mình, tuy rằng ta chẳng muốn thế chút nào. Ta đã thay đổi như thế, thì đối phương cũng sẽ như vậy, đúng không ?
Có điều, nếu sự thay đổi ý kiến của ta có thể làm đối phương cảm kích, thông cảm thì tình hình sẽ có thể khác đi rất nhiều đấy. Chẳng hạn nếu ta thô lỗ vặn vẹo đối phương “Chẳng lẽ anh (em) không biết là ngăn kéo mở ra thì phải đóng lại hay sao, hả ?” hoặc ta khéo léo nhắc nhở đối phương như sau: “Anh (em) biết rằng chẳng nên làm em (anh) khó chịu với một chuyện nhỏ nhặt thế này. Em (anh) luôn sống thoải mái hơn anh (em), ít để ý chuyện vụn vặt. Thế nhưng nếu em (anh) có thể sửa được cái tật quên đóng ngăn kéo thì có phải sẽ tốt hơn không ?” Cách nói nào tốt hơn ? Rõ ràng, cách nói thứ hai chẳng những nhẹ nhàng mềm mỏng mà còn làm cho đối phương mỗi lần tái phạm lỗi cũ sẽ cảm thấy như được ta khuyến khích, nâng đỡ - dĩ nhiên cách nói này sẽ có kết quả thực tế tốt hơn rất nhiều.
Hãy ghi nhớ rằng: mỗi khi ta yêu cầu đối phương vì ta mà thay đổi dù chỉ một tý chút thôi, thì điều đó đều có nghĩa là đối phương phải từ bỏ một phần nhỏ của họ, nghĩa là phải trả một cái giá nào đó. Có thể ta thấy chuyện ấy chẳng có gì ghê gớm cả; thế nhưng đối phương thì lại thấy mình như mất đi một thứ gì đó trong đời.
Nguyên tắc cả hai đều thắng
Khi các bạn không còn tranh cãi ai sai ai đúng nữa và cảm thấy đối phương đã hy sinh vì ta, thì khi ấy các bạn đã mở thông cánh cửa lớn đi tới chỗ giải quyết cuộc tranh chấp của hai người. Anh A muốn mở cửa sổ khi ngủ, chị B vì sợ lạnh mà muốn đóng cửa. Nếu họ không muốn tối nào cũng cãi nhau về chuyện ấy thì họ hãy nhường nhịn nhau một chút: chị B có thể hít thở không khí trong lành một cách vừa phải, anh A cũng nên thông cảm với tính sợ lạnh của vợ. Bao giờ cũng vậy, quá trình và cung cách giải quyết vấn đề thì quan trọng hơn nhiều so với kết quả giải quyết. Nếu bao giờ ta cũng coi trọng đối phương và đứng trên lập trường của đối phương mà xem xét vấn đề thì quá trình hai người giải quyết bất đồng cũng sẽ trở thành hành trình tăng cường tình yêu giữa hai người.
Chỉ cần biết tiếp thu sự bất đồng của hai bên, ngừng các hành vi kém khôn ngoan định bắt đối phương thay đổi ý kiến, thì các cặp vợ chồng có cá tính khác nhau sẽ có thể yêu thương nhau hơn trước.
***
Cuối cùng cha mẹ tôi đã tìm được cách giải quyết vẹn cả đôi đường: mẹ tôi thuyết phục được 10 cặp vợ chồng già khác cùng bỏ tiền ra mua chung một mảnh đất ở một địa phương có những tập tục tự do thoải mái, để dùng làm nghĩa trang chung của họ; và ngay từ bây giờ họ xây dựng nghĩa trang này có màu sắc cùng một giáo phái; như vậy sau này cha mẹ tôi sẽ có thể mãi mãi yên giấc ngàn thu bên cạnh những người bạn và những gia đình cùng tín ngưỡng.
Nguyên Hải dịch (theo Haiwai wenzhai)