Trang nhà > Văn chương > Nước ngoài > Ba Kim (1904-2005)
Ba Kim (1904-2005)
Chủ Nhật 18, Tháng Năm 2008
Xem thêm: Ba Kim - chỉ biết nói thật
Nhà văn Ba Kim tên thật là Lý Nghiêu Đường, sinh ngày 25.11.1904 tại TP Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, trong một gia đình quan lại phong kiến. Thời trẻ ông từng du học tại Pháp và bắt đầu sáng tác năm 1928.
Ngoài Ba Kim, ông còn dùng các bút danh Bội Can, Dư Nhất, Vương Văn Tuệ. Đến giữa thế kỷ 20, Ba Kim đã trở thành "đại thụ" của rừng văn học Trung Quốc, một trong bốn nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất thời cận đại cùng với Lỗ Tấn, Lão Xá, Mao Thuẫn.
Ba Kim nổi tiếng nhanh chóng ngay từ những năm 1930 với loạt tiểu thuyết xã hội và bán tự truyện phê bình hệ thống thang bậc trong gia đình phong kiến Trung Quốc, thời mà "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", con cái không có tự do cá nhân và không được định đoạt tương lai cho chính mình. Ba Kim còn được độc giả kính trọng vì tinh thần dấn thân và bằng ngòi bút của mình đã viết các tác phẩm chống phát xít Nhật. Các tác phẩm của ông được xem là những cuốn sách kinh điển được nhiều người dân trong nước và thế giới đọc.
Ông từng đảm nhiệm các chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá V, Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc…
Cách mạng văn hoá những năm 1960 đã bẻ quặt số phận thành đạt của Ba Kim và dẫn đến sự thay đổi sâu sắc về nhận thức, thể hiện rất rõ trong Tuỳ Tưởng lục (Ghi chép tản mạn). Cuối đời Ba Kim mới được nhận danh hiệu "Nhà văn Nhân dân" do nhà nước Trung Quốc trao tặng năm 2003.
Ông mất ngày 17.10.2005, thọ 102 tuổi.
Tác phẩm:
Diệt vong (1929)
Giấc mơ của biển (A Dream of Sea)
The Trilogy of Love
Autumn in Spring
Phục cừu tập
Kích Lưu
Dòng thác (3 tập: Gia - Xuân - Thu) (1933-1940)
Tình Yêu (3 tập: Sương, Mưa, Chớp) (1931-1935)
Đêm lạnh
Phòng bệnh thứ tư
Tuyển tập Ba Kim (14 tập)
Manh nha (1933)
Thần - Quỷ - Người (1935)
Phòng bệnh số 4 (1946)
Tuỳ Tưởng lục (1986)
Xin giới thiệu một bài của Ba Kim trích trong Tùy Tưởng lục:
Con Phốc con
Một tháng trước đây, tôi còn đang ở Bắc Kinh, nghe người ta kể chuyện về một nhà nghệ thuật. Tôi còn nhớ một trong những mẩu chuyện đó là nhà nghệ thuật ấy và một con chó. Nghe nói, ông ta ở một thành phố không lớn lắm, nhà hàng xóm có nuôi một con chó con, nó với nhà nghệ thuật nọ sống với nhau rất tốt. Ông ta thường đãi nó bằng thức ăn của mình. Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, trong thành phố đã xảy ra cuộc “võ đấu” chưa từng thấy. Nhà nghệ thuật bỗng lo sợ, đành phải trốn đi nơi khác một thời gian. Sau đó ông lại trở về, mà hình như là bị người ta lôi về, nói rằng ông “cấu kết với nước ngoài” là “phản cách mạng”, rồi phê bình ông, đấu ông. Ông không thừa nhận, nên bị đánh đập, thượng cẳng chân hạ cẳng tay, rồi roi vọt gậy gộc, chẳng những sứt đầu mẻ trán, mà còn bị gẫy một bên chân. Ðấu đá xong, ông không đi nổi. Ðội chuyên chính bèn kéo ông đi bêu phố, quần áo rách bươm, khắp mình là máu và bùn đất, miệng không ngừng rên rỉ. Những người quen thấy ông sống dở chết dở, đều quay mặt đi. Bỗng đâu, một con chó từ trong đám đông chạy sổ ra về phía ông hết sức mừng rỡ. Nó sủa lên sung sướng rồi chồm đến trước mặt ông, ngửi khắp mình ông, lấy lưỡi liếm, lấy chân quờ, vuốt ve lên mình ông. Có người khác đuổi nó đi, lấy chân đá nó, lấy cây vụt cũng chẳng ích gì. Nó nhất định cứ ở lì bên cạnh người bạn của nó. Cuối cùng, đội chuyên chính đã dùng gậy vụt gẫy chân sau con vật. Nó rú lên một hồi kinh hãi, rồi đau khổ lết cái thân tàn ra chỗ khác. Mặt đất in thêm những vết máu, trên tấm áo rách của nhà nghệ thuật để lại vết chân của con chó. Nhà nghệ thuật bị giam mấy năm sau mới được thả ra. Việc đầu tiên của ông là mua mấy cân thịt đi thăm con chó đó. Hàng xóm bảo với ông rằng, hôm ấy sau khi con chó bị đánh què, về đến nhà, nó chẳng ăn uống gì, kêu rên lên ba ngày rồi chết…
Phốc đã sống ở nhà tôi bảy năm, nó rất tốt với mọi người trong nhà tôi. Phốc không cắn ai, thấy người lạ, nó xô ra cửa sủa một hồi. Chúng tôi đe một tiếng, nó liền chạy đi chỗ khác…
Lại có một lần nữ văn sĩ Nhật Bản Do Khởi đến thăm Thượng Hải và đã đến thăm nhà tôi. Bà rất thích con chó giống Nhật. Bà nói ở Tokyo bà cũng nuôi chó trong nhà mình. Hai năm sau, bà đến Bắc Kinh dự hội nghị khẩn cấp các nhà văn Á Phi. Gặp tôi bà hỏi ngay: “Con chó của ngài thế nào?” Nghe tôi nói Phốc rất khỏe, bà cười!
Vợ tôi là Tiểu San cũng rất quý con Phốc. Trong thời gian ba năm khó khăn, mỗi lần chúng tôi đến ăn cơm ở câu lạc bộ Văn Hóa, Tiêu San thế nào cũng xin những người phục vụ một vài mẩu xương mang về cho con Phốc. Năm 1962 vợ chồng chúng tôi mang con đi Quảng Châu ăn Tết. Về tới Thượng Hải, nghe mấy cô em gái tôi bảo, khi chúng tôi ở Quảng Châu, phòng ngủ đóng chặt cửa, sáng nào con Phốc cũng đến đấy từ sớm để đón chờ chúng tôi bước ra…
Hạ tuần tháng 8 năm 1966, khi Hồng Vệ Binh bắt đầu ra phố càn quét “loại đồ cũ”, con Phốc bỗng trở thành “gánh nặng” cho gia đình tôi. Buổi tối, trẻ con ở các nhà xung quanh thường đập cửa hò hét ầm ỉ, nói là sẽ giết con chó con.
Lúc đó tôi đã ở dạng bị “nửa liên quan”. Xẩm tối, chúng tôi ngồi hóng mát trong sân, các con tôi đều khuyên hãy đưa con Phốc đi. Tôi đã nhờ cô em gái lớn của tôi nghĩ cách. Nhưng vào thời buổi ấy, ai mà dám nhận thứ quà tặng này? Nghe nói chỉ có thể đưa đến bệnh viện để các cán bộ khoa học dùng làm thực nghiệm...
Ðưa con Phốc đi rồi, tôi đi làm về, không nghe thấy tiếng chó sủa, không nhìn thấy con Phốc vái tôi, theo chân vào nhà, sao tôi cũng thấy nhẹ cả người… Thế nhưng khi tôi đã uống hai viên thuốc ngủ, lên giường một lúc lâu không sao ngủ được, bất giác lại nghĩ đến con Phốc. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi lại cảm thấy không những không phải trút được cái gì, mà ngược lại còn khoác thêm một gánh nặng lớn hơn. Xuất hiện ở trước mắt tôi không phải là con Phốc lắc đầu ngoáy đuôi, vái liên tục mà là con Phốc trên bàn mổ. Tôi nghĩ liên tiếp, chẳng những chỉ thấy mình con Phốc, mà tôi cũng bị mang ra mổ. Không thể giữ nổi một con chó, tôi đã cảm thấy xấu hổ và nhục nhã. Ðưa con Phốc lên bàn mổ là vì tôi muốn được yên thân. Tôi có lỗi với chính mình, tôi không thể tha thứ cho mình! Và như thế, tôi nhục nhã bắt đầu cuộc sống khổ sở nhẫn nhục chịu đựng trong mười năm đại họa. Rồi cuối cùng tôi cũng trở thành con Phốc thứ hai, mà không chết trên bàn mổ, là vận may cho tôi.
…
Nguồn : Trương Chính và Ông Văn Tùng,
NXB Văn hoá Thông tin, 1998