Chuyện về những nước liêm khiết nhất thế giới

Trong bảng xếp hạng về chỉ số liêm khiết toàn thế giới năm 2007 do Tổ chức Quốc tế Minh bạch công bố, ba nước Phần Lan, Đan Mạch và New Zealand cùng đứng đầu bảng; trong đó Phần Lan 4 năm liền được xếp ở vị trí này.

Phần Lan

Phần Lan không chỉ nổi tiếng toàn câu về điện thoại di động nhãn hiệu Nokia mà còn có cơ chế chống tham nhũng hiệu quả nhất thế giới. Cơ chế này gồm có các cấp giám sát của chính phủ, các cơ quan truyền thông và công chúng. Bất cứ ai bắt đầu vào làm công chức đều được học tập hiểu rõ ranh giới của tham nhũng, tức giới hạn trên của quà biếu hoặc mời ăn uống. Luật quy định không được nhận quà có giá trị cao hơn 20 euro (400.000VNĐ; tiêu chuẩn này có thay đổi theo thời gian). Nói cụ thể hơn, chỉ được nhận quà tương đương một chai bia và một bánh hambuger, nhưng nếu uống một chai vang Pháp thì đã là “có vấn đề”.

Quy định về sử dụng xe công rất chặt chẽ. Chỉ có 5 chức danh: Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng các bộ Ngoại giao, Nội vụ và Quốc phòng được cấp xe phục vụ cá nhân chức danh này khi làm việc công, nhưng tuyệt đối không được dùng vào việc tư. Viên chức nào cần xe đi công tác thì có thể đăng ký xin xe công. Để giám sát việc sử dụng xe đúng mục đích, trên mỗi xe công đều lắp hai máy phát, một máy có chữ “Việc công”, một máy có chữ “Việc riêng”. Khi dùng xe công vào việc riêng thì phải ấn nút “Việc riêng”, máy sẽ tính tiền để người đi xe phải trả theo quy định. Ai làm sai sẽ bị phạt rất nặng.

Bất cứ ai mắc tội tham nhũng đều bị trừng phạt nghiêm, thông thường là cách chức, buộc thôi việc; ai đã dính tham nhũng rồi thì các công ty tư nhân cũng không dám thuê; ngoài ra, áp lực tâm lý rất nặng, không còn mặt mũi nào gặp lại bạn bè. Vì vậy các viên chức nhà nước đều rất thận trọng. Nhận tiền, đồ trang sức, đồ dùng gia đình, hoặc khoản vay lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, đi nghỉ hoặc du lịch không trả tiền, thậm chí miễn phí nhận danh hiệu nào đó cũng bị coi là nhận hối lộ.

Ngay từ thế kỷ XX, Luật Hình sự của Phần Lan đã có quy định rõ: khi đã xác định phạm tội danh nhận hối lộ thì đều đưa ra xử ở tòa án; không những bị thôi việc mà còn tùy theo tình tiết nặng nhẹ, có thể bị phạt tiền cho tới phạt 4 năm tù giam.

Do cơ chế giám sát chặt chẽ và quy định xử phạt nghiêm nên ở Phần Lan rất ít xảy ra tham nhũng. Nhìn chung cả nước hàng năm chưa có đến 10 vụ, và hầu như không có vụ nào lớn. Dư luận giám sát các quan chức rất chặt chẽ, ai có bê bối gì thì sẽ mất sạch uy tín, thậm chí bị khởi tố. Năm 2002, báo chí tố cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa duyệt cấp sai quy định 170 nghìn euro tài trợ nhà nước cho một công ty sân Golf; chỉ sau một tuần ông này phải từ chức. Bất kỳ người dân nào cũng có quyền tố cáo viên chức chính phủ vi phạm luật với cơ quan công an, thậm chí tòa án.

Thụy Điển

Thụy Điển ít xảy ra tham nhũng; đây là một truyền thống lịch sử - truyền thống tôn trọng nguyên tắc bình đẳng; vì thế hành vi lợi dụng chức vụ để kiếm lời bị xã hội coi là vô cùng xấu xa, không thể nào chấp nhận được. Tất cả mọi người đều sống hết sức bình đẳng, Thủ tướng và các bộ trưởng đi ra phố mua hàng, xem phim … như mọi thường dân. Hầu hết quan chức chính phủ sống trong các chung cư bình thường, không có người phục vụ ăn lương nhà nước, đi lại ngoài giờ làm việc đều chỉ dùng xe tư. Một kiểm sát viên nói 32 năm làm việc chưa phải xử một vụ án tham nhũng nào. Rất ít người nghĩ tới việc làm giàu bằng nhận hối lộ, vả lại có muốn cũng chẳng làm được, vì sẽ phải trả giá rất nặng.

Tháng 10 năm 1995, báo Expressen tiết lộ việc phó Thủ tướng Mona Sahlin dùng thẻ tín dụng công (work charge card) để mua quần áo với giá trị 2000 kronor (24 USD). Vì thế mà một tháng sau, bà này tuyên bố từ chức phó Thủ tướng và thôi ứng cử vào ban lãnh đạo đảng Xã hội dân chủ Thụy Điển. Các viên chức được cấp thẻ tín dụng công để chi tiêu lặt vặt khi làm công việc nhà nước; Sahlin chỉ mới dùng nhầm thẻ (hình thức giống như thẻ tín dụng tư, private charge card) và sau đó đã hoàn lại tiền ngay; chưa phải là tham nhũng. Sau vụ này, nhà nước quy định viên chức cần chi tiêu việc công đều tự ứng tiền túi lấy biên lai rồi thanh toán sau, mọi biên lai mua hàng đều phải kiểm tra.

Trong 10 ngày cuối tháng 10/2006, hai bộ trưởng phải từ chức sau khi báo chí phanh phui sai sót của họ trong quá khứ. Bộ trưởng Văn hóa Cecilia Stego Chilo, từ chức chỉ một tuần sau khi báo đưa tin bà không trả phí xem truyền hình suốt 16 năm và trốn thuế bằng cách bí mật trả lương cho người giúp việc. Bộ trưởng Thương mại Maria Borelius từ chức chỉ vì đã thuê một người trông trẻ hồi những năm 1990 mà không báo cáo cơ quan thuế và không trả phí thuê nhân viên; thậm chí còn nói không đủ tiền thuê người giúp việc hợp pháp, trong khi số liệu của cơ quan thuế cho thấy vợ chồng bà có tổng thu nhập gấp mấy lần một gia đình trung lưu.

Mọi chi tiêu của chính phủ rất minh bạch, cho nên quan chức rất khó tham nhũng. Ngay từ năm 1766, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua nguyên tắc “chính quyền công khai”. Bất cứ người dân nào cũng có quyền yêu cầu chính quyền các cấp cho họ xem hồ sơ công việc của cấp đó, kể cả hồ sơ tài chính. Nếu có nghi ngờ, họ có quyền tố cáo với chính quyền hoặc báo chí; sau đó phải tiến hành điều tra, trả lời.

Từ xa xưa, Thụy Điển đã có chế độ giám sát chính quyền, và luôn hoàn thiện. Công chức và nhân viên xí nghiệp, công ty nhận quà biếu giá trị cao là phạm tội nhận hối lộ; họ chỉ được nhận quà nhỏ như một bó hoa, một thỏi kẹo xô-cô-la, hoặc một chai rượu. Công chức hoặc nhân viên xí nghiệp, công ty nước ngoài có hành vi hối lộ hoặc nhận hối lộ tại Thụy Điển thì cũng bị xử theo luật nước này.

Đan Mạch

Chính phủ Đan Mạch có quy định: mọi dự toán chi tiêu của các cơ quan bộ và ngang bộ đều phải được bộ Tài chính chấp nhận, sau đó còn phải được Tiểu ban Tài chính của Quốc hội duyệt. Chi tiêu xong phải báo cáo bộ Tài chính kiểm tra chi tiết. Biên chế nhân sự của cơ quan nhà nước cũng do bộ Tài chính quản lý. Muốn tăng biên chế phải báo cáo bộ này, viết rõ lý do. Bộ Tài chính cũng chịu sự giám sát của Quốc hội và báo chí; xảy ra sai sót gì thì bộ trưởng Tài chính mất chức ngay. Đan Mạch có quy định rõ về chi phí đi lại của công chức. Để tránh nhập nhèm công tư, Quốc hội, các bộ, quân đội đều có người chuyên trách liên hệ với công ty du lịch để đặt mua vé tàu xe và đặt phòng khách sạn cho cán bộ đi công tác.

Trường hợp vì ra nước ngoài không đặt mua được vé và chỗ trọ qua công ty du lịch ở Đan Mạch, thì cán bộ có thể tự giải quyết. Nếu đi công tác trong vòng 1 ngày thì được hưởng phụ cấp tính theo giờ. Cán bộ chỉ được đi xe bus; nếu không có xe bus thì mới được đi ta-xi. Các phái đoàn đi công tác nước nào thì chỉ được trọ ở nước đó, không được trọ ở nước không có công việc; trừ khi không có phương tiện trở về Đan Mạch cùng ngày.

Trừ Thủ tướng, phó Thủ tướng, bộ trưởng và chủ tịch Quốc hội ra, mọi quan chức khác đều hưởng tiêu chuẩn như nhau về nhà trọ, đi tàu xe; khi đi máy bay thì chỉ được mua vé loại phổ thông (economy class).

Quốc hội Đan Mạch có Phòng Kiểm toán phụ trách thẩm tra chi tiêu của các Bộ và cơ quan ngang bộ. Quốc hội còn có Kiểm sát viên trưởng, thay mặt Quốc hội theo dõi cơ quan hoặc quan chức dân sự và quân sự, nhằm phòng tránh tham nhũng. Chức danh này chỉ có tại các nước Bắc Âu. Để ngăn ngừa cảnh sát lạm dụng chức vụ, năm 1995 Đan Mạch lập Ủy ban tố tụng cảnh sát, thành phần gồm đại biểu Quốc hội, đại biểu dân và luật sư; phụ trách việc xử lý các vụ kiện cảnh sát, có quyền điều tra các vụ cảnh sát lơ là nhiệm vụ hoặc phạm pháp.
Mấy năm nay, cả Đan Mạch chỉ xảy ra 21 vụ án tham nhũng, chủ yếu là đưa và nhận hối lộ với số tiền tương đối nhỏ; một số vụ nếu ở nước khác có thể không ra tòa. Thí dụ vụ hối lộ 500 krone (khoảng 1,2 triệu VNĐ) để sớm được cấp giấy phép lái xe. Tuy không có Luật riêng chống tham nhũng, nhưng trong bộ Luật Hình sự có điều khoản quy định tiêu chuẩn xử phạt tội tham nhũng. Tội đưa hối lộ bị phạt tiền cho tới không quá 3 năm tù giam. Tội nhận hối lộ bị phạt tù giam không quá 6 năm; trường hợp nhẹ thì phạt tiền.

Nguyễn Hải Hoành