Xác ướp của một nữ quý tộc thời Tự Đức

Tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM, xác ướp này đã được trưng bày trong lồng kính suốt 10 năm qua (Đôi hài bên chân xác ướp - Ảnh: G.H).

Tiến sĩ Bá Trung Phụ, Trưởng phòng trưng bày và tuyên truyền của bảo tàng, đã cho PV Giao Hưởng biết thêm nhiều chi tiết thú vị.

* Ông có thể cho biết xác ướp trên đã được phát hiện ở đâu và trong trường hợp nào?

Xác ướp này được tìm thấy dưới một ngôi mộ cổ ở xóm Cải (P.8, Q.5, TP.HCM) trong đợt khai quật liên tiếp 16 ngôi mộ cổ quanh vùng để giải tỏa dành đất xây các công trình mới, cách đây 14 năm. Ngôi mộ được xây rất vững chắc bằng một số vật liệu như vôi sống giã nhỏ từ san hô, cát, mật đường mía, than hoạt tính và có thể thêm một số chất khác chưa biết. Tất cả trộn lại thành một hợp chất giúp ngôi mộ "cứng hơn cả bê tông". Vì thế phải vất vả và làm việc cật lực mới đập vỡ được nấm mộ để lộ phần quan quách ra. Trước khi bắt tay vào việc, người ta cũng phải dỡ bỏ những kết cấu được dựng lên quanh nấm mộ với diện tích cả trăm mét vuông, gồm chiếc cổng cao đến 2,4m và dày hơn nửa mét. Cửa ra vào của mộ cũng cao hơn một mét, bên trong có xây nhà mồ, có sân bia, với hai mộ song táng nằm bên nhau, một trong hai mộ này có xác ướp bên dưới.

Để bảo vệ xác ướp, người xưa đã dùng hợp chất trên đổ thành một khối thống nhất và hết sức rắn chắc bọc từ nấm mộ xuống tới đáy huyệt sâu đến 7 mét. Đó là một khối "thép" đúc lại có khả năng ôm giữ bền chặt xác ướp để bảo đảm tồn tại vượt thời gian, bất chấp mưa nắng trở trời. Khi khai quật mộ, các nhà khảo cổ phải nhờ đến 15 công nhân đục từng mảnh, từng miếng ròng rã suốt 41 ngày mới chạm đến lớp cát dày độ 40 cm phủ lên trên quan quách.

* Các nhà khảo cổ học có mặt khi đó tại huyệt mộ đã nói gì về mộ địa và xác ướp này?

Phải kể đến ý kiến của vị chủ trì cuộc khai quật là nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật. Ông có mặt từ đầu đến cuối và là người viết bản báo cáo mô tả đầu tiên về các chi tiết của ngôi mộ và lai lịch xác ướp. Theo đó, bọc ngoài quan tài là chiếc quách bằng gỗ dài 2,2m và cao nửa thước. Toàn bộ quách và quan tài được phủ một lớp sơn ta cổ, rất tốt và rất kín trông giống như một lớp hắc ín. Nhờ lớp sơn ta ấy nên nước bên ngoài không thể ngấm vào được áo quan và ngược lại nước bên trong cũng không ra ngoài được, giữ cho người nằm bên trong ổn định với những dược liệu giữ xác. Ông Truật kể lại, khi vừa mở nắp áo quan thấy có hai chiếc chiếu cói đắp lên trên. Bên dưới là lớp giấy bản dày độ 0,10m đều thấm dung dịch thuốc. Tiếp đó là một tấm lá triệu bằng lụa, còn nguyên, nhưng khá bở, có một dòng chữ ghi tóm tắt về tên họ và sự nghiệp chủ nhân. Tiếc rằng chữ viết trên đó quá phai mờ, không còn đọc rõ được, song còn mấy chữ: "Hoàng gia...". Nhờ đó, các nhà nghiên cứu biết được chủ nhân xác ướp là bà Nguyễn Thị Hiệu, mất vào khoảng 60 tuổi, là một nữ quý tộc dưới thời Tự Đức.

Dưới lá triệu là một lớp vải ta có thắt 9 nút, cuối cùng sau lớp vải ấy xuất lộ xác ướp nằm trong một bọc lớn bằng lụa và gấm. Hai chân bà nằm trong bọc còn nguyên vẹn, không rã nát, các ngón chân không long mất ngón, nghĩa là xác bà còn nguyên và được chuyển về nhà lạnh của trường Đại học Y dược TP.HCM nghiên cứu, sau đó đưa về Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.HCM trưng bày đến nay. Để giữ gìn xác ướp, bảo tàng chúng tôi có hợp đồng với cơ quan chuyên ngành y dược có biện pháp bảo quản theo phương pháp y học. Cứ định kỳ, lồng kính sẽ được mở ra và xác ướp sẽ được các chuyên gia tiến hành các biện pháp y học giữ cho lâu dài.

* Bên cạnh xác ướp, các đồ tùy táng được chôn theo ra sao?

Chôn theo nhiều thứ lắm, như vòng chuỗi, nhẫn đeo tay, lụa vải... Trong đó, có hai chiếc chiếu cói gấp lại còn nguyên và còn rất chắc, không bị mốc ẩm, có hàng trăm xấp giấy để chần đầu và chân tay, tất cả đều được bó tròn như những chiếc gối. Có một lớp vải sô và một lớp lụa gấm quấn quanh xác. Số áo và quần cũng chôn theo với số lượng mỗi thứ 9 cặp, may theo kiểu xưa, rộng và thụng với khuy gài bằng những hạt mã não và kim loại. Vải gấm toàn loại hàng cao cấp tuyệt đẹp là thứ hàng xưa của cung đình thường dùng.

Xác ướp đeo một chuỗi hạt bồ đề cho biết bà là một Phật tử. Hai tay đều đeo vòng kim loại quý. Chân mang một đôi hài dài hẹp khoảng 23 cm, rộng độ 12 cm. Đôi chân nhỏ nhắn cho biết chủ nhân xác ướp thuộc tầng lớp thượng lưu trong xã hội xưa. Một đôi hài khác có đế làm bằng loại da mịn, thân bằng một loại vải dày tốt giống như loại bố tơ tằm. Trên mỗi đôi hài trang trí hoa văn có hình bông cúc dây bằng vàng với những sợi chỉ vàng may bện thêm vào. Căn cứ vào cách chôn cất với một lăng mộ nguy nga và các đồ tùy táng nói trên, các nhà nghiên cứu cho đây là xác ướp của một nữ quý tộc dưới triều Nguyễn, mất vào khoảng năm 1868.

* Nhân trường hợp này, ông có thể cho biết thêm về công việc khai quật các mộ có xác ướp ở Việt Nam từ trước đến nay ?

Để trả lời câu hỏi này cần có tầm nhìn bao quát như nhà khảo cổ học Đỗ Văn Ninh chẳng hạn. Ông Ninh viết rằng: những cách thức nói trên đã giữ được những ngôi mộ nguyên vẹn cả quan tài và mọi vật chôn theo. Thậm chí cả miếng cau tươi, miếng trầu không, hộp thuốc lào, đều còn đầy đủ, màu sắc gần như khi mới bổ, mới têm. Quần áo, vải vóc, quạt giấy, tràng hạt, quyển kinh mọi thứ đều như không suy suyển. Những tư liệu chân thực của loại mộ này đã giúp rút ra được nhiều kết luận bổ ích về lịch sử. Riêng về xác người chết, mọi bộ phận nguyên vẹn song đều teo đét lại, vành tai còn như một mảnh giấy mỏng, môi co lại lộ rõ cả hai hàm răng, nội tạng co dúm hoặc lép lại thành màng mỏng. Những nhà y học đã nghiên cứu và kết luận rằng: những vi khuẩn yếm khí trong quan tài tuy còn có thể hoạt động, song chỉ một mức độ nhất định rồi bị diệt. Dầu thơm thẩm hút vào mọi bộ phận của cơ thể. Đến một thời gian sự tan rữa bị đình chỉ hoàn toàn, nhưng cũng phải có hàng trăm năm. Sau đó nếu có để xác ra ngoài không khí thì chỉ bị xám lại, khô đét đi chứ không thối rữa nữa. Thiết tưởng những ghi nhận này của ông Ninh đã giúp ích cho việc tìm hiểu thêm về trường hợp xác ướp của một nữ quý tộc thời Tự Đức được mai táng trên đất Sài Gòn xưa vậy.

Theo TNO