Khẩu súng làm thay đổi thế giới

Nga

Chẳng người lính nào không biết AK-47, tên một loại vũ khí xếp đầu bảng trong lịch sử súng ống thế giới. Kỹ sư làm ra nó là Mikhail Kalashnikov (ảnh bên, chụp năm 1997).

Số liệu về một số súng thuộc họ AK

  • AK-47: Loại đạn: 7,62mm × 39mm; dài 870mm; súng nặng (kèm hộp đạn) 4,3kg; tốc độ bắn tự động 600 phát/phút.
  • AKM: Dài 898mm; nặng (kèm hộp đạn) 3,98kg; các chỉ tiêu còn lại giống như AK-47.
  • AK-74: Loại đạn: 5,45mm × 39mm; súng dài 940mm; nặng (kèm hộp đạn) 3,42kg; tốc độ bắn tự động 650 phát/phút.
  • Phần Lan chế tạo, kiểu M76T : Loại đạn: 7,62mm × 39mm; súng dài 950mm; nặng (kèm hộp đạn) 3,7kg; tốc độ bắn tự động 600-700 phát/phút.
  • Trung Quốc chế tạo, kiểu 56-1: Loại đạn: 7,62mm, đạn phổ thông; súng dài 874mm; nặng (kèm hộp đạn) 3,7kg; tốc độ bắn tự động 90-100 phát/phút.

Ngày 6-7-2007, nước Nga long trọng kỷ niệm 60 năm ngày ra đời khẩu súng AK-47 đầu tiên. Viện Bảo tàng Quân đội Nga hôm ấy chật kín người đến dự. Thiếu tướng, tiến sĩ Kalashnikov 88 tuổi cũng có mặt. Nhân dịp này, Tổng thống Putin đã ra sắc lệnh khen thưởng ông.

Năm nay tuy đã 88 tuổi, nhưng Kalashnikov vẫn làm cố vấn cho Công ty Xuất khẩu sản phẩm quốc phòng Nga Rosoboronexport, một công ty nhà nước chuyên xuất khẩu vũ khí, trong đó có các kiểu súng mang tên Kalashnikov, đem lại nhiều lợi nhuận cho nước Nga, một cường quốc về xuất khẩu vũ khí. Trong dịp đến thăm Nga năm 2006, Tổng thống Venezuela Chavez có đặt mua 100 nghìn khẩu AK-47 để trang bị cho dân quân bảo vệ tổ quốc mình.

AK-47 có ưu điểm đơn giản, bền chắc, tin cậy, hữu hiệu và rẻ tiền. Nó là loại súng lý tưởng dùng cho các vùng sa mạc và đầm lầy, vì nó dễ tháo lắp và có thể bắn trong điều kiện cát bụi và ẩm ướt mà không bị kẹt như súng M16 của Mỹ. Thập niên 50-70, Liên Xô đã giúp 18 nước chế tạo AK-47. Ít nhất quân đội của 47 quốc gia sử dụng loại súng này, trong đó có quân đội các nước Khối Vac-sa-va trước đây và các nước XHCN châu Á. Hiện nay hầu như nước nào cũng có thể tự chế tạo AK-47. Sáu thập niên qua đã có chừng 100 triệu khẩu súng thuộc họ AK được sản xuất hợp pháp hoặc bất hợp pháp tại nhiều nước, chiếm 80% tổng số súng trường tự động trên toàn thế giới. Nó được bán với giá 15 USD cho các cuộc xung đột ở châu Phi và Mỹ la-tinh. Trong khi đó kiểu súng trường tự động nổi tiếng nhất của Mỹ là M16 tới nay chỉ mới sản xuất 12 triệu khẩu, bán với giá 23 USD. Con số khổng lồ 100 triệu khẩu súng có thể gieo rắc sự chết chóc ấy nói lên vai trò to lớn của các khẩu súng họ AK đối với tình hình chính trị-quân sự của cả thế giới.

AK là tên viết tắt của từ tiếng Nga Avtomat Kalashnikoka, tức súng tự động Kalashnikov; 47 là năm ra đời kiểu súng này. AK chỉ là mẫu súng tự động đầu tiên do Kalashnikov thiết kế. Về sau ông còn thiết kế các loại súng AKM, súng máy RPK, PK, PKT v.v…, tất cả đều thuộc loại vũ khí tốt hàng đầu, và đều gọi là súng Kalashnikov. Từ cuối thập niên 50, loại AKM được trang bị cho quân đội Liên Xô, thay thế AK-47.

Nhà thiết kế vũ khí thiên tài

Mikhail Timofeevich Kalashnikov sinh năm 1919 trong một gia đình nông dân ở miền Altai, Tây Siberia nước Nga. Học xong lớp 9, ông học việc thợ cơ khí, năm 19 tuổi đi bộ đội, đầu tiên vào học trường cơ khí xe tăng. Chiến tranh Vệ quốc bùng nổ, Kalashnikov ra mặt trận. Trong một trận đấu xe tăng với phát xít Đức ở Bryansk năm 1941, không may ông bị thương, phải nằm bệnh viện. “Trong những ngày nằm bệnh viện, tôi nghe thấy các thương binh bên cạnh than phiền là súng của bọn Đức tốt hơn của ta. Thế là tôi hạ quyết tâm phải sáng chế được một loại súng đơn giản, tin cậy và tốt nhất thế giới.” – Kalashnikov kể lại. Sẵn có đầu óc của một thợ máy, ông tranh thủ những ngày dưỡng thương phác thảo bản vẽ mẫu khẩu súng đã nung nấu từ lâu trong đầu mình.

Sau khi xuất viện, Kalashnikov được tuyển vào học tại Học viện Hàng không Moskva hồi ấy đang sơ tán ở Alma-Ata, nước cộng hòa XHCN Kazakhstan. Năm 1942 Kalashnikov thiết kế xong mẫu khẩu súng thứ hai và gửi bản vẽ cho thiếu tướng A. A. Blagonravov đọc; ông này từng được tặng giải thưởng Nhà nước về thiết kế vũ khí. Blagonravov rất quan tâm và hướng dẫn khuyến khích Kalashnikov đi sâu vào công tác thiết kế súng. Nhờ thế, năm 1946, Kalashnikov thiết kế được một mẫu súng máy mới; mẫu này đoạt giải nhất trong một cuộc thi thiết kế vũ khí.

Thành công nổi bật của Kalashnikov là năm 1947 hoàn tất bản vẽ cuối cùng của mẫu súng trường tự động AK-47, khẩu súng sau này trở thành huyền thoại và làm cho tên tuổi Kalashnikov trở nên bất hủ. Kết quả thử súng thành công ngoài sức tưởng tượng. Năm 1949, AK-47 được quân đội Liên Xô duyệt chọn làm vũ khí tiêu chuẩn của bộ binh. Tác giả của nó được tặng giải thưởng Nhà nước (1949) và được cử làm Tổng công trình sư vũ khí nhẹ của quân đội Xô viết.

Trên cương vị mới và có sự cộng tác của các nhà thiết kế vũ khí khác, Kalashnikov đã cho ra đời một loạt mẫu súng trường tự động và súng máy, đều có chất lượng hàng đầu thế giới. Các thành tựu này mang lại cho Kalashnikov nhiều vinh dự: đại biểu Xô viết Tối cao Liên Xô (1950-1954), đảng viên đảng Cộng sản Liên Xô từ 1953, hai lần danh hiệu Anh hùng lao động XHCN (1958, 1976), quân hàm thiếu tướng (1969), học vị tiến sĩ KHKT (1971), giải thưởng Lê nin (1964).

Huyền thoại AK

AK-47 và các kiểu súng Kalashnikov không chỉ là tên vũ khí mà còn là tên một huyền thoại. Thời báo New York (Mỹ) viết: súng Kalashnikov và AK-47 từ lâu đã trở thành anh hùng của giai cấp vô sản. Báo Giải phóng (Pháp) viết: AK “là một trong những phát minh vĩ đại nhất của thế kỷ XX”. Có thể nói AK là biểu tượng sức mạnh bộ binh của Liên Xô trước khi nước này tan rã vào thập kỷ 90.

Uy lực vô song của AK-47 được chứng tỏ ở chỗ khắp thế giới, nhất là các nước XHCN và thế giới thứ ba, đều thích sử dụng nó làm vũ khí bộ binh. Nó đặc biệt phát huy tác dụng trên chiến trường Việt Nam chống Mỹ thập niên 60-70. AK-47 trong tay các chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trở thành nỗi kinh hoàng của lính Mỹ, và tỏ ra hơn hẳn M-16, là mẫu súng bộ binh chuẩn trang bị cho lính Mỹ. Không ít lính Mỹ quẳng M-16 để liều chết cướp lấy AK-47 từ tay các chiến sĩ Việt Nam tử trận. Tiếng nổ đanh ròn của AK-47 đã trở nên vô cùng quen thuộc thân thương với bộ đội ta. Có thể nói AK-47 đã đóng góp lớn vào chiến thắng giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Trong phim Mỹ Mối quan hệ nguy hiểm, ngôi sao điện ảnh da màu Samuel Jackson có nói một câu đài từ “Nếu anh muốn giết từng người trong một căn phòng thì AK-47 là sự lựa chọn tốt nhất.” Hiện nay trên thị trường có bán áo T-shirt in hình súng AK-47; có người chế tạo đàn ghi-ta từ khẩu AK-47 – qua đây có thể thấy loại súng này có vị trí như thế nào trong văn hóa đại chúng.

Có AK-47, chiến tranh trở nên ác liệt hơn. Các chiến sĩ giải phóng dân tộc ở Trung Đông, Nam Mỹ đều trang bị AK-47. Nhiều chiến sĩ ngã xuống khi tay đang cầm một khẩu AK-47. Có thể nói, AK-47 là một biểu tượng của cách mạng.

Do có uy lực lớn và giá thành chế tạo rẻ nên AK-47 được khắp nơi ưa chuộng, kể cả bọn khủng bố, các phần tử vũ trang nổi dậy; vì thế hình ảnh AK-47 bị xấu đi, nhất là thời gian gần đây. Vì lợi nhuận, bọn trùm lái súng đua nhau buôn AK-47 bán cho các nhóm khủng bố và nổi dậy trên toàn cầu. Trong thời gian Liên Xô đóng quân ở Afghanistan, Mỹ đã cung cấp 400 nghìn khẩu AK-47 cho quân nổi dậy (trong đó có Bin La-đen) để chống lại Liên Xô; bây giờ số vũ khí ấy đang chống lại quân Mỹ và NATO đóng tại Afghanistan. Trong cuộc chiến ở Chesnya, hai bên đều sử dụng súng Kalashnikov.

Sau khi Liên Xô tan rã, kho vũ khí của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Vac-sa-va “vỡ tổ” tuồn ra ngoài, tràn ngập thị trường vũ khí khắp thế giới, chủ yếu bán sang châu Phi, nơi chưa bao giờ ngớt tiếng súng đánh lẫn nhau giữa các quốc gia và giữa các phe phái trong cùng một nước. Nhiều tay súng ở châu Phi đặt tên cho con trai họ là “Kalash”. Trên lá quốc kỳ Mozambique (châu Phi) có vẽ hình một cuốn sách, một chiếc lưỡi cày và một khẩu AK-47. Có người nói AK-47 là “Thẻ tín dụng của châu Phi”. Quốc huy của 6 quốc gia có vẽ đồ án súng AK-47.

Việc buôn bán tràn lan quá nhiều súng AK-47 trở thành vấn nạn khiến Liên Hợp Quốc phải quan tâm và đưa ra thảo luận trong một hội nghị về vũ khí nhẹ họp tháng 6/2006. Hình ảnh các em nhỏ châu Phi tay cầm AK-47 bắn giết những người đồng bào của mình và những đoạn video quay cảnh trùm khủng bố Bin La-đen không lúc nào rời khẩu AK-47 thỉnh thoảng xuất hiện trên màn hình nhỏ, đã làm tác giả của nó đau đầu. Kalashnikov tỏ ý lấy làm tiếc vì thứ vũ khí mang tên ông lại bị bọn xấu sử dụng để chống nhân loại; ông than phiền quốc tế chưa thắt chặt việc quản lý vũ khí nhẹ, vì thế bọn xâm lược và khủng bố cũng như bọn tội phạm đã dùng chúng để gây ra đủ mọi tội ác, khiến cho có lúc người ta nghi ngờ AK-47 đồng nghĩa với bạo lực. Theo ước tính, hàng năm có chừng 250 nghìn người chết vì thứ vũ khí lợi hại này. Dĩ nhiên Kalashnikov không có lỗi gì hết trong việc sáng chế ra súng AK. Lỗi là ở kẻ sử dụng nó.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày AK-47 chào đời, Kalashnikov nói với báo giới: “Có người hỏi tôi đêm đêm ngủ có ngon giấc không, vì có quá nhiều người chết vì loại súng mang tên tôi. Tôi trả lời họ rằng tôi vẫn ngủ ngon, chẳng sao cả. Nếu ai có trách cứ gì thì xin hãy trách các nhà chính trị. Họ muốn dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề lẽ ra có thể giải quyết bằng thương thuyết. Tôi thiết kể khẩu súng này vào lúc Đại chiến II bùng nổ. Chúng tôi đã đánh bại kẻ thù hùng mạnh nhất là phát xít Đức. Tôi làm khẩu súng này là để bảo vệ Tổ quốc tôi.”

Tác giả AK-47 gặp tác giả M16

Eugene Stoner (1922-1997) là cha đẻ của mẫu súng tự động M16 cỡ đạn 5,56mm được trang bị cho lục quân Mỹ từ năm 1965; ông có vai trò tương đương như Kalashnikov trong việc chế tạo vũ khí nhẹ. Stoner là người đồng sáng lập và là chủ tịch tập đoàn nghiên cứu triển khai vũ khí Ares; sau đó ông bán hết cổ phần và chuyển sang chuyên thiết kế vũ khí nhẹ tại công ty Knight Manufacturing. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Stoner có dịp gặp Kalashnikov trong những lần họ tham dự các cuộc triển lãm hoặc hội thảo về vũ khí, như triển lãm Milipol Paris 2005. Stoner là tác giả của khoảng 100 sáng chế được cấp bằng. Tiền trả cho tác quyền các sáng chế đó đem lại cho ông hàng triệu đô-la; ông có chiếc máy bay riêng của mình và đi đâu xa ông tự lái lấy. Kalashnikov nói: “Stoner có máy bay riêng, còn tôi thì chẳng đủ tiền để mua vé máy bay mỗi khi cần đi xa.” Bao năm nay ông sống thanh đạm bằng đồng lương hưu trí ít ỏi. Kalashnikov cho biết ông chưa hề được trả một kô-pêch nào cho bản quyền phát minh sáng chế của mình, vì toàn bộ các sáng chế đó đều chưa bao giờ đăng ký. “Hồi đó ở Liên Xô không có vấn đề bản quyền sáng chế; mọi người làm việc vì chủ nghĩa xã hội, vì lợi ích của nhân dân; tôi chưa bao giờ hối tiếc vì chuyện này.” – Kalashnikov nói. Từ năm 2004, ông bắt đầu kinh doanh loại rượu Vodka có thương hiệu mang tên Kalashnikov.

Nguyễn Hải Hoành