AI BẢO HỌC SINH MỸ KHÔNG BỊ “QUÁ TẢI”

Lớp điểm
Khi năm học mới bắt đầu, nữ sinh lớp 6 Wendy 11 tuổi tràn đầy quyết tâm, hớn hở háo hức bước vào cổng trường trung học Peterson – vì đây là nhà trường nổi tiếng của thành phố, vả lại Wendy thi vào lớp điểm của khối 6.
Thế nhưng học chưa được bao lâu, Wendy đã cảm thấy mình rơi vào tình trạng khó xử, không còn phấn khởi như ban đầu nữa. Cô bé bắt đầu oán trách một số quy định của nhà trường: học sinh (HS) nào đến học muộn giờ hoặc chưa làm xong bài làm ở nhà thì sẽ nhận được một giấy cảnh cáo; sau 3 lần cảnh cáo thì sẽ bị phạt với hình thức tan học phải ở lại trường nghe khiển trách. Wendy nói; “Kiểu phạt như vậy em chỉ thấy ở trong phim ảnh mà thôi, em cứ tưởng chỉ HS nào ăn mặc quái gở hoặc hút thuốc lá thì mới bị phạt như thế.”
Sau khi vào học lớp điểm, Wendy hầu như chẳng còn thời gian riêng của mình nữa. Tối nào em cũng phải làm bài tập ở nhà mất 3 giờ đồng hồ. Tuy thế, thành tích học các môn lại tụt từ A xuống B-. Nhà trường yêu cầu em kiểm điểm xem tại sao học kém đi như vậy. Wendy cảm thấy tự ái. Khi lên lớp, em hay đổ mồ hôi trộm, tinh thần thường căng thẳng, hơn nữa bụng lại đau âm ỷ. Trong tấm ảnh chụp chung cả lớp, trông Wendy chẳng có gì phấn khởi, mắt đờ đẫn không nhìn thẳng. Đầu năm thứ hai, cha mẹ đưa Wendy đi khám bệnh, bác sĩ nói em bị bệnh lo lắng.
Tiếp thu lời khuyên của bác sĩ, cha mẹ em thu xếp lại việc học tập của Wendy: nghỉ học ở nhà một thời gian nhưng vẫn giữ chỗ ở lớp. “Phải cứu con bé ra khỏi cái nồi cao áp ấy.” mẹ Wendy bảo. Trong thời gian nghỉ học, cha mẹ em điều chỉnh lại việc học tập, giải trí của con, khuyến khích Wendy tham gia lớp học đàn piano em vốn thích, chơi bóng rổ, nghe nhạc v.v…
Sau kỳ nghỉ hè, Wendy đã phục hồi sức khoẻ trở lại trường Peterson, lên học lớp 7, nhưng bây giờ em không vào học lớp điểm nữa. Wendy tươi tỉnh xúc động nói: “Lớp 6 là giai đoạn học nặng nhất, em cũng muốn học cho thật giỏi, kết quả là quá căng thẳng. Bây giờ tâm trạng em thoải mái hơn nhiều và cũng hiểu được cách đối phó với sức ép trong học tập.” Trong cặp Wendy luôn có một bức tranh em vẽ cảnh hồ nước, chim bay cá lượn; bên dưới bức tranh có lời các bạn đề tặng, khuyến khích Wendy vượt khó khăn. Wendy cười, giải thích đây là bức vẽ khi em tham gia hoạt động của đội xì cút (scout), mỗi khi cảm thấy căng thẳng trong học tập, em lại lấy tranh ra xem là thấy tinh thần thoải mái, hết cảm giác căng thẳng.
Những bậc phụ huynh muốn “cá chép hoá rồng”
Các chuyên gia giáo dục Mỹ cho biết, trường hợp như Wendy không phải là cá biệt, khá nhiều HS phải chịu sức ép học tập căng, như giờ học quá nhiều, HS lớp 3 tiểu học phải đeo ba lô sách vở nặng tới 10 kg đến trường. Bóng đá vốn là môn thể thao ngoài giờ ưa thích của các em HS 12 tuổi, nhưng nhiều trường muốn đội bóng mình có thành tích, muốn các em trở thành ngôi sao bóng đá nên bắt các em tập luyện quá nặng. Đáng chú ý là phong trào học kinh doanh thương mại ở các trường cấp ba: người ta mời chuyên gia công ty tư vấn đến giảng dạy về kỹ sảo quản lý của giám đốc công ty, mỗi giờ giảng trả 200 USD.
Theo điều tra của Trung tâm khống chế bệnh tật Mỹ và Viện nghiên cứu sức ép tinh thần, một nửa số trẻ em được hỏi đều nói chúng có chịu sức ép tinh thần, thể hiện ở chỗ nhức đầu, tính tình cáu bẳn, có em 9 tuổi đã bắt đầu có chứng lo lắng. Thời gian 1980-1997, tỷ lệ tự tử của HS lứa tuổi 10-14 tăng 109%. Có một thời gian, để tăng tiến độ học tập, 40% số trường bỏ giờ nghỉ giữa hai tiết học. 21% trẻ em do thiếu sự trao đổi tâm tình với cha mẹ mà trở thành trẻ có vấn đề tâm lý. Phòng Chiêu sinh đại học Harvard ví cảnh giáo dục có tính cưỡng chế chẳng khác gì “trong trại huấn luyện tân binh, làm cho HS đầu óc rối bời, tiền đồ mờ mịt”.
Thực ra, căn nguyên của vấn đề trên là tại các vị phụ huynh. Trước tình hình cạnh tranh gay gắt trong thi đại học và khó khăn tìm việc làm, các bậc cha mẹ vô cùng quan tâm đến sự học tập của con em, họ luôn cảm thấy chúng có nguy cơ bị thi hỏng, thử việc hỏng, cho nên họ luôn muốn chúng học giỏi nhất. Ngay với HS học trường công, họ cũng bố trí thật nhiều bài làm ngoài giờ cho chúng. Nhiều người bắt con đi học trong các “lò luyện thi” hoặc sau giờ học còn phải đi học thêm âm nhạc, tập hát, v.v… Bà Margrit 45 tuổi kể về hai đứa con – con trai Makx 14 tuổi, con gái Betsy học lớp 6 như sau: “Tối nào cơm xong tôi cũng đưa Betsy đến nhà thờ học hợp xướng, về nhà đưa Makx đi học bóng chày. Việc đưa đón chúng làm tôi mệt bã người.” Sau một ngày làm việc ở công sở, tối về nhà lo cơm nước xong lại lo đánh xe đưa đón con đi học thêm như thế, một thời gian sau bà mắc chứng viêm phổi nhẹ. Nhà tâm thần học Mỹ Rosenfeld nói: “Các bậc cha mẹ Mỹ đóng vai trò chính trong trò chơi cạnh tranh giữa các con em của họ.”
Tuyên chiến với sức ép
Tình trạng HS học quá tải đã được xã hội và các đoàn thể ở Mỹ chú ý, họ góp nhiều ý kiến để “giảm tải” cho con em mình. Đoàn nữ xì cút Mỹ đề khẩu hiệu “Giảm bớt sức ép !” và làm các huy hiệu có dòng chữ đó phát cho 60 nghìn nữ HS 8-11 tuổi đeo trên ngực. Một thành phố bang New Jersy đề xướng toàn thể bà con hợp lý hoá kế hoạch sinh hoạt ngoại khoá cho các trẻ em, sao cho chúng có nhiều thời gian tự do hơn, họ phát đến từng nhà tờ rơi có in dòng chữ “Chuẩn bị, bắt đầu, thư giãn !” Thành phố Ostin tổ chức các lớp dạy vẽ, múa, biểu diễn cho các em 6-12 tuổi, nhưng điều kiện tham gia phải là các em ưa thích học môn đó; quá trình học tập hết sức thoải mái vui vẻ không có chút sức ép nào.
Các trường công cũng tham gia “giảm tải” cho HS. Ngay từ năm 1997, các thầy cô giáo ở San Phransisco đã phát hiện xu hướng quá tải trong học tập. Họ thử nghiệm dạy môn yoga trong một số trường, thấy hiệu quả rất tốt. Một em học tiểu học mỗi tuần học yoga 2 lần, mỗi lần 20 phút, nói: “Luyện yoga làm tâm tình em bình thản. Mỗi khi có chuyện không vui hoặc bị ai bắt nạt, em đều dùng yoga để giải thoát khỏi sự bực bội.” Tại Atlanta, một số trường đưa yoga thành môn học bắt buộc. Một thầy giáo nói: “95% thầy dạy yoga phản ánh môn này có lợi cho việc HS điều tiết tâm trạng các em.”
H.M. (Nguồn: Tạp chí “People”, Mỹ)