Hội trưởng Nguyễn Văn Tố
Các nhân viên của EFEO năm1937. Hàng đầu bên trái là Louis Bezaceer, cụ Nguyễn Văn Tố ở hàng thứ hai, đứng giữa ông George Coedes và bà Madelene Colani
Bước đầu đến với phong trào
Từ xa, lời kêu gọi thiết tha của UNESCO về chiến dịch quốc tế trừ nạn mù chữ trên toàn thế giới trước năm 2000 đã vang động đến tận quê tôi, tới gian nhà bé nhỏ của tôi bên bờ "Ao cá Bác Hồ", đã khiến tôi chợt nhớ đến Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, đến khoảng tròn nửa thế kỷ từ khi Hội ra đời. Nửa thế kỷ của một dân tộc đau khổ mà anh hùng, phấn đấu không mệt mỏi giành quyền sống. Ôi, Hội thân yêu, Hội đã góp phần đáng kể vào nỗ lực vẻ vang ấy. Đọc cuốn sách của hai ông Vương Kiêm Toàn và Vũ Lân, xuất bản năm 1980, ghi lại khá đầy đủ cách làm và thành tích của Hội, tôi có cảm giác như đọc một bản văn bia dồi dào chi tiết. Nhưng bia nào tồn tại lâu dài bằng trí dân đời đời nhớ mãi, bằng miệng dân đời đời truyền tụng ? Để ca ngợi ngắn gọn thời đại chúng ta, phải chăng có thể nói "Diệt giặc ngoại xâm ta có chiến dịch Điện Biên Phủ, diệt giặc dốt ta có chiến dịch Truyền bá quốc ngữ ", mà không sợ ai bắt bẻ. Và không phải ngẫu nhiên mà bài dạy vỡ lòng đầu tiên của Hội đã đi vào ngôn ngữ dân gian. Tôi hình dung một lớp phổ thông trung học năm 5000, giờ giảng văn, học sinh hiểu thành ngữ "văn hoá i-tờ " nói trình độ học vấn thấp kém nhưng không rõ nguồn gốc thế nào. Thầy giáo hơi ngại trả lời vì sợ phải kể dài dòng, nhưng rồi cũng tươi cười giảng: "Ngày xưa, thời Pháp thuộc, dân ta 90 % thất học. Có một Hội gọi là... ".
Mùa hè năm 1938, vào cuối tháng 5, một hôm đọc báo hàng ngày ở một trạm Bưu điện, cách Hà Nội hơn trăm cây số, tôi thấy bài tường thuật buổi cổ động đồng thời cũng là lễ ra mắt của Hội Truyền bá quốc ngữ Bắc kỳ ở sân quần vợt Câu lạc bộ thể thao An-nam (CSA), mấy nghìn người tới dự, có mặt cả đại diện Thống sứ Bắc kỳ, tổng đốc Hà Đông, đốc lý Hà Nội, chủ tịch Chi nhánh Hội nhân quyền Pháp, bí thư Chi nhánh đảng Xã hội Pháp (SFIO), nhiều nhân sĩ Pháp, Nam nổi tiếng, tôi chăm chú đọc. Đọc đi rồi đọc lại, không phải để hiểu sâu, nhớ kỹ, mà là để thưởng thức, nghiền ngẫm. Tôi biết ngay đó là một bộ phận của phong trào cách mạng lúc ấy thể hiện rõ trên đất nước mình về mặt công khai bằng Mặt trận Dân chủ sôi nổi, mãnh liệt mà tôi đã tham gia một năm rồi. Niềm vui sướng rộn lên, chỉ trong mươi phút, tôi hạ quyết tâm hoạt động cho Hội. Tôi đang là một giáo viên trẻ mới ra trường, hăng hái xông vào cuộc sống xã hội và khao khát tìm một sự nghiệp. Thế mà công việc tẻ nhạt của một công chức ở nông thôn, trong khuôn khổ nhà trường thực dân, cứ ràng buộc tôi với những ngày chán ngán. Tôi cũng lại đang bước đầu tập nghề viết báo, thỉnh thoảng gọt giũa một bài phụ ngăn ngắn cho một tờ báo hằng tuần của Mặt trận, sự rèn luyện và cống hiến chẳng được bao nhiêu. Tôi nghĩ thầm: bây giờ nếu có thêm sự hoạt động cho công cuộc chống nạn thất học nữa thì mình phục vụ được đẫy sức, mình sẽ về ở hẳn Hà Nội, dù có gặp khó khăn về vật chất cũng chịu đựng, rồi khắc phục dần.
Trường học bắt đầu nghỉ hè. Tôi thu xếp gấp rút mọi việc trong trách nhiệm giáo viên rồi xách va-ly về thủ đô. Sinh kế là dạy kèm trẻ nhỏ cho mấy gia đình giàu có, đồng thời làm phóng viên nhặt tin vặt trong thành phố cho tờ báo Pháp hằng ngày "Tương lai Bắc kỳ" (L’avenir du Tonkin). Thế rồi một buổi chiều cuối thu, tôi gặp anh Đào Duy Kỳ trên đường phố Cổng Đục, tay cắp chiếc cặp tồi bằng bìa cứng rách sờn, đựng căng phồng giấy tờ, - anh là bí thư Đoàn Thanh niên dân chủ kiêm chủ nhiệm báo Thế giới rồi báo Bạn dân. Bắt tay tôi, chưa kịp buông anh đã hỏi :
– Cậu đã biết Hội TBQN ra đời chưa ?
– Có biết.
– Thế đã đến giúp việc chưa ?
– Chưa.
– Vô lý quá ! Cậu không làm việc ấy thì làm việc gì hơn ?
Anh hơi cáu, làm tôi bật cười. Tôi nói dằn từng tiếng: "Điều đó chưa chắc. Nhưng việc ấy thì nhất định sẽ làm. Chưa đến được vì còn lấn bấn về cái cần câu cơm. Mà đến đâu?"
Anh dịu giọng: "Đến hội quán Trí tri, phố hàng Quạt ấy. Tìm Quản Xuân Nam".
Thấy anh có vẻ vội vàng, tôi không muốn làm mất thì giờ của anh, chủ động chia tay, chẳng cần biết Quản Xuân Nam là người như thế nào, giữ trách nhiệm gì trong Hội. Anh Kỳ đi ngược mươi bước, quay đầu lại dặn với: "Đến ngay và nhận việc ngay đấy nhé". Tôi quay đầu lại gật lia lịa hai ba cái.
Tôi đã đến. Đang thong thả đi lại ngoài hành lang để quan sát mấy lớp học, tôi bỗng phải để ý một người vẻ mặt tươi hớn hở, ôm khệ nệ một bó vở viết đồ sộ, khó nhọc đi về phía tôi. Tưởng tôi là giáo viên ông ta hất hàm thân mật bảo tôi cùng đi chia vở cho các lớp. Chia xong, tôi hỏi: "Ông là Trưởng ban dạy học à?". Ông ta vui vẻ đáp: "Không. Tôi là Quản Xuân Nam, phó thư ký của Hội. Ông muốn gặp Trưởng ban dạy học thì lại chỗ kia". Theo tay anh chỉ, tôi đến một cửa lớp học. Trông thấy giáo viên, tôi nhận ra ngay là Vũ Hy Trác, người bạn học cùng trường, trên tôi hai lớp và tôi giơ tay vời gọi anh ra. Anh nhoẻn miệng cười, vừa bắt tay vừa nói thong thả: "May quá ! Anh đến giúp chúng tôi một tay đúng lúc". Rồi nghĩ lại chín chắn hơn, anh vội nói chữa: "Xin lỗi! Tôi nóng vội, quên chưa hỏi anh đến với ý định gì, đến xem cho biết hay là nhận việc? Nếu nhận việc thì tôi nhấn mạnh là việc nặng đang chờ anh đấy. Đang cần ít ra cũng một người như anh". Anh động viên khéo. Tôi hơi ngượng, thấy mình được đề cao, tìm câu khiêm tốn trả lời:
– Tôi đến nhận việc. Mới chỉ có lòng sốt sắng, chưa biết có làm nên trò trống gì hay sẽ lại chỉ làm vướng chân các anh.
Qua những câu trao đổi với anh Trác, tôi nắm được tình hình Ban dạy học và các lớp. Khai giảng đã hơn một tháng mà ở cả hai khu trường Trí tri và Thăng long, học viên chưa ổn định. Trà trộn vào những học viên thật lòng, có những phần tử tuy cũng là dân nghèo, là người lao động song tư cách kém, đến giả vờ làm học viên để phá quấy hay lợi dụng. Học viên chân chính đi học thất thường hoặc nửa chừng bỏ dở. Về học cụ mới chỉ có sách cho giáo viên dùng, học viên học hoàn toàn ở lớp, đọc trên bảng lớn, tập viết trên bảng con, cứ thế mà nhập tâm bài học hằng ngày chứ không có sách để ôn lại ở nhà. Lại còn một bế tắc nữa là tập viết trên giấy. Cho học viên dùng cả cuốn vở thì dễ hỏng, dễ mất, cho học viên dùng từng tờ lẻ thì bảo đảm hơn nhưng vẫn còn thiếu phần chữ mẫu in mờ để họ tô đặm. Giáo viên thiếu và phần lớn chưa quen lên lớp. Đa số là đoàn viên Thanh niên dân chủ, nhiệt tình nhiều, năng lực chuyên môn ít. Vấn đề đào tạo (huấn luyện sư phạm) đặt ra nóng bỏng.
Tình hình khởi đầu hoạt động của lớp học xoá mù chữ quả thật rất nhiều khó khăn. Không hiểu tại sao điều đó chẳng làm tôi mảy may lo ngại. Thì ra tâm trạng hồ hởi, lạc quan đã biến con đường gồ ghề thành con đường bằng phẳng trước mắt tôi.
Tôi toan tạm biệt anh Trác thì anh Nam đến. Sau câu giới thiệu ân cần của anh Trác như đã dọn đường cho lòng tin cậy, anh Nam niềm nở tiếp nhận "lính mới", vồn vã tới mức hứa sẽ đề nghị cụ Tố và ông Phan Thanh cử tôi làm Phó trưởng ban dạy học. Tôi gạt đi, nói chưa cần đặt tôi vào chức vụ vội hãy cứ biết tôi giúp việc anh Trác, rồi ra sẽ hay. Để thực tế công việc chứng minh tôi có đủ năng lực không đã.
Nhanh nhảu đoảng, tôi gợi ý hai anh: "Ta cùng nghiên cứu xem có nên tiến hành ngay ba việc nhằm củng cố lớp học:
1 - Điều tra tận nơi ở về hoàn cảnh và tính nết từng học viên để biết rõ thái độ và khả năng học tập của họ. Đồng thời họp toàn thể học viên mỗi lớp để kiểm điểm tình hình lớp, yêu cầu học viên nhận xét lẫn nhau, phát hiện kẻ xấu.
2 - Thực hiện chế độ mỗi lớp có một giáo viên chính, phụ trách lớp hẳn hoi. Giáo viên này mỗi tuần dạy ít nhất bốn buổi. Có thế mới đi sâu, đi sát nắm vững tình hình học viên. Việc huấn luyện tu nghiệp sư phạm, đỡ ôm đồm, bề bộn vì có trọng tâm, huấn luyện giáo viên chính trước.
3 - Chưa tổ chức được việc tập trung huấn luyện thì anh Trác và tôi sẽ đi dạy mẫu ở mỗi lớp một hay hai buổi để các giáo viên theo".
Anh Nam tán thành ngay, còn anh Trác thì dè dặt, đắn đo. Anh nói: "Việc thứ ba dễ vì do chúng ta quyết định và làm lấy được, cứ lần lượt cho đến hết vòng. Việc thứ nhất phải được ông Phan Thanh, Tổng thư ký kiêm Trưởng ban cổ động đồng ý vì phải có sự hỗ trợ của Ban cổ động mới làm nổi, một mình Ban dạy học không đủ sức. Việc thứ hai phải được sự đồng ý của ông Đào Duy Kỳ vì các giáo viên là đoàn viên Thanh niên, nhận phần việc nào là do sự bố trí, sắp xếp của bí thư Đoàn".
Thế là món quà tiếp xúc của tôi bị ế. Tôi cụt hứng, gượng lấy cớ chỉ mới đề nghị nghiên cứu để xin hoãn. Vui vẻ cả.
Chúng tôi thoả thuận với nhau là ba ngày nữa tôi sẽ chính thức nhận sự phân công cụ thể.
Tôi ra về, lòng phơi phới như ngày nào thi đỗ. Dù mâm cơm đậy lồng bàn đang nóng lòng đợi tôi ở nhà trọ, tôi cũng ghé vào một hàng phở, tự khao mình một bát tái sách là thứ phở ngon nhất, đặc sản của Hà Nội bấy giờ, để đánh dấu buổi đầu đến với phong trào. Trên đường về, hai tay đút túi quần chân cố ý nện thật mạnh gót giầy cộp cộp lên vỉa hè, tôi muốn huýt sáo mà không quen phong cách quá ngang tàng, đành im lặng. Nhưng sao lòng cứ xôn xao... Hôm nay nhớ lại, tôi muốn ngâm khẽ, chỉ đủ cho tai mình nghe, hai câu thơ của Thế Lữ:
Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm chưa dễ đã ai quên !
Đúng ba hôm sau tôi đến nhận nhiệm vụ huấn luyện viên, nhiệm vụ mà tôi sẽ làm mãi suốt cả thời gian hoạt động của Hội, nhiều khi song song với một vài nhiệm vụ khác, tình cờ gặp cụ Tố đến thăm khu trường Trí tri. Cụ đi rón rén để giảng viên và học viên trong lớp không để ý đến sự có mặt của cụ, tiếng động bước đi sẽ lẹt sẹt như tiếng lá khô bị gió đẩy lăn trên mặt đất. Tôi giữ im lặng, hơi nghiêng mình chào cụ, chẳng ngờ cụ rạp đầu đáp lễ một cách kính trọng quá đáng làm tôi sửng sốt, ngượng ngùng. Rồi khi nói chuyện cụ lại dùng tiếng ngài để gọi tôi, tôi càng lúng túng.
Người thuyền trưởng
Còn là học sinh tỉnh nhỏ, tôi đã nghe đồn ông Nguyễn Văn Tố là người thông minh khác thường và học thức uyên bác, sống trong sạch, giản dị như bậc cao hiền chứ không chạy theo danh lợi.
Năm 1932, lên Hà Nội học, mỗi lần ra bờ hồ Hoàn kiếm, nếu đi theo bờ phía Hàng trống, Hàng khay, tôi thường gặp một người trạc tuổi năm mươi, khoẻ mạnh, trắng trẻo, thâm thấp, mặt vuông, mắt sáng, y phục dân tộc, quần vải trắng, áo dài trắng (có khi áo dài the thâm), đầu để búi tóc, đội khăn lượt, chân đi lẹp kẹp đôi giầy hài Gia Định, tay cầm chiếc nón chóp dứa hay chiếc ô... Người ta bảo tôi đó là ông Nguyễn Văn Tố, một nhà nho giao thời chuyển sang tây học, trợ lí khoa học Viện Bác cổ Viễn đông. Ngày bốn lần ông đi từ nhà ở phố Hàng bát sứ đến nơi làm việc hay từ đó trở về nhà. ông đi rảo bước đều đều, lặng lẽ, lúc nào cũng như đang suy nghĩ, không để ý đến sự tấp nập, ồn ào xung quanh. Tôi cảm thấy ông khắc khổ, nghiêm nghị.
Sáu năm sau, với sự thành lập Hội TBQN, tôi đã có cái may mắn được gần ông, mỗi hiểu biết thêm lại thêm lòng quý mến. Từ con người ông toả ra đức độ cần, kiệm, liêm, chính, thương yêu đồng bào, trung thực, thận trọng, khiêm tốn và hoà nhã, giản dị và xuề xoà. Nhưng trong giải quyết công việc, ông không hề xuề xoà, mà cứng rắn, giữ vững nguyên tắc, yêu cầu chất lượng cao.
Mọi người yêu quý ông là một nhân sĩ tiến bộ tiêu biểu, nêu cao lòng tự trọng. Nghiên cứu sử học ở Viện Bác cổ Viễn đông, Hội trưởng Hội Trí tri, đặc biệt trong cương vị Hội trưởng Hội TBQN, ông thuộc lớp trí thức yêu nước, lấy con đường hoạt động văn hoá, nâng cao dân trí làm sự nghiệp bình sinh của mình.
Ông đã nhiệt thành hưởng ứng Cách mạng Tháng tám, tham gia chính phủ lâm thời mở rộng, đứng bên Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài tuyên bố độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945, rồi đi kháng chiến, ở cương vị Bộ trưởng Bộ cứu tế xã hội cho đến lúc hi sinh.
Ngay khi Hội TBQN sắp ra đời, toàn thể những người sáng lập Hội (trong đó có những người không đứng tên xin phép như các ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Huy Liệu) đều nhất trí quyết định cử ông đứng đầu Ban trị sự lâm thời. Quả là "chọn mặt gửi vàng" đúng chỗ. Để đảm đương nhiệm vụ khó khăn, nặng nề ấy, ông là người xứng đáng. Có sáu điều làm cơ sở cho việc lựa chọn:
– Một là ông có uy tín đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là các giới trí thức, thanh niên. Ở các tỉnh nhỏ người ta cũng hâm mộ tiếng ông. Trong bước đầu, Hội chưa có thành tích, chưa gây được ảnh hưởng thì uy tín cá nhân của ông – do học vấn, đạo đức, phong cách – có một tầm quan trọng đặc biệt.
– Hai là ông chưa từng bị nhà cầm quyền nghi ngờ vê chính trị. Các quan chức cao cấp của chính quyền thực dân chẳng những yên tâm về thái độ không chống đối của ông, mà còn kiêng nể cái uy tín của ông trong quần chúng.
– Ba là ông có bản lĩnh khảng khái, trung thành, giữ vững lập trường chính nghĩa, không sợ đế quốc đe doạ, không chịu để chúng lợi dụng.
– Bốn là ông vốn có nhiệt tình đối với công cuộc giáo dục nâng cao dân trí đã thể hiện một phần trong việc xây dựng và duy trì Hội Trí tri từ nhiều năm.
– Năm là ông thường tỏ ra tin cách mạng tuy nhân sinh quan của ông là ôn hoà, tiệm tiến, ít ra ông cũng tin ở thiện chí và cách làm hợp tình, hợp lí của Mặt trận dân chủ Đông dương trong vấn đề chống nạn thất học. Ông sẵn sàng cộng tác với những người theo cách mạng, không lo mâu thuẫn, không sợ liên quan.
– Sáu là chẳng những ông giữ được bản thân liêm khiết, mà còn cương quyết bảo vệ liêm khiết trong mọi việc công ích mà ông tham gia. Với sự quản lí tài chính của ông, không thể xảy ra tham ô, lợi dụng như thường thấy ở hội nọ, hội kia.
Ban Trị sự lâm thời biết rõ uy tín, học vấn, đạo đức, tác phong của ông. Duy có một điều Ban không ngờ tới: ông là người khôn khéo trong sự đối phó với những tình huống khó xử. Sau này, qua thực tế thử thách, người ta mới thấy tất cả cái lịch duyệt, chín chắn, cái linh lợi tế nhị của một trí tuệ thật sự thông minh cả trong công việc chứ không chỉ trong học tập, nghiên cứu mà thôi.
Hội TBQN là một con thuyền đi trên dòng sông lớn, trong hành trình không phải lên thác xuống gềnh, cũng không gặp những cơn bão táp. Nhưng nói là luôn luôn thuận buồm xuôi gió thì xa sự thật. Đảng cộng sản Đông dương đã đóng con thuyền, đã chỉ rõ đường đi, đã vạch ra phương hướng, đã đem đến những thuỷ thủ chủ chốt để giúp thuyền trưởng trang bị và điều hành nó. Còn việc cầm trịch hằng ngày, Đảng đặt vào tay thuyền trưởng: lựa chiều luồng nước, tránh vực xoáy, đá ngầm, bẻ lái, giương buồm, chèo chống, đoàn kết và động viên thuỷ thủ... Bấy nhiêu công việc cần đến một tinh thần trách nhiệm cao, một năng lực quán xuyến.
Bảy năm liền, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tố, về căn bản, đã làm tròn nhiệm vụ. Làm tròn được là nhờ có các ban chuyên môn đắc lực. Đi sâu vào guồng máy và sự phân công thực tế trong Hội, người ta thấy việc đặt những kế hoạch cụ thể và tìm ra những biện pháp thực hiện, Hội trưởng không trực tiếp nghiên cứu và chủ động đề ra mà chỉ tiếp nhận và thông qua; năm đầu có xem xét, góp ý kiến, đề nghị sửa đổi rồi mới duyệt; những năm sau, gần như vì tin cậy, nên cho được toàn quyền. Vai trò của ông chủ yếu ở mặt duy trì, bảo vệ. Không duy trì, bảo vệ được tổ chức Hội, lòng tin đối với Hội, và đội ngũ chủ lực của Hội, thì lấy gì để phát triển phong trào? Trước hết, tác dụng bảo vệ của ông thể hiện ra trong việc hạn chế, uốn nắn kịp thời những hành vi sai trái, tuy nhỏ nhưng không thể bỏ qua, của những anh em trẻ tuổi quá hăng thành ra quá tả, thiếu kinh nghiệm đối nhân xử thế nên dễ làm mất lòng, hỏng việc. Buổi đầu, những dấu hiệu lệch lạc, vụng về trong các ban chuyên môn không ít, và nếu không có cái đối trọng Nguyễn Văn Tố giữ thăng bằng, thì những chuyện đáng tiếc đã có thể xảy ra. Nhưng quan trọng hơn vẫn là vai trò đối ngoại của ông nhằm giành thuận lợi, đẩy lùi các cuộc tấn công, vô hiệu hoá âm mưu lợi dụng.
Chúng ta biết bọn thực dân vừa bạo tàn, vừa xảo quyệt. Đối với dân tộc ta, chúng không làm một việc gì do lòng tốt. Những việc có vẻ tốt của chúng đều là giả dối, hoặc bất đắc dĩ phải nhượng bộ. Hội TBQN ra đời chẳng hạn, là do lình hình chính trị bấy giờ ở bên Pháp và ở Việt Nam buộc chúng phải chấp nhận. Nhưng chấp nhận rồi, chúng vẫn chờ cơ hội lấy cớ xoá bỏ. Chưa xoá bỏ được chúng tìm cách kìm hãm hoặc lợi dụng.
Đòn tấn công đầu tiên của chúng nổ ra cuối năm 1938 vào dịp anh Kim (sau này là thượng tướng Lê Quang Hoà) bị bắt – anh là một chiến sĩ cách mạng bí mật, công khai anh là thư kí phụ trách phòng thường trực của Hội. Chánh Mật thám Bắc kì liền mời ông Hội trưởng ra Sở liêm phóng chất vấn: "Hội hứa với quan Thống sứ là giữ đúng tôn chỉ mà lại để cho nhân viên của mình làm cộng sản, hoạt động chính trị chống Nhà nước bảo hộ thì ông nghĩ sao?".
Ông bình tĩnh trả lời :
– Nếu người ta hoạt động chính trị, không kể là chính trị màu sắc nào, bằng nội dung bài dạy hoặc nói tuyên truyền, rải truyền đơn, dán biểu ngữ, treo cờ, v.v... ngay trong lớp, trong trường, trong nơi hội họp, nghĩa là trong vòng kiểm soát của chúng tôi thì Hội chúng tôi xin chịu trách nhiệm. Còn không thì đặt vấn đề liên quan với Hội chúng tôi là vô lí.
– Đúng là họ phạm pháp ở ngoài Hội nhưng giá như Hội dùng người mà có điều tra, theo dõi thì cũng biết để không nhận hoặc loại bỏ chứ?
– Đối với một hội mở rộng cho hàng triệu người tham gia, việc đó rất khó mà lại không cần thiết. Tốt hay xấu, họ đều phải phục tùng điều lệ, nội quy, kỉ luật của Hội. Thế là đủ. Vả lại nếu Hội điều tra theo dõi về chính trị cả ở ngoài xã hội thì Hội tự biến mình thành một Sở liêm phóng thứ hai và sẽ cạnh tranh với các ông.
Câu nói sau cùng của ông làm nổi bật một tình thế ngộ nghĩnh, kì quặc khiến cả chánh mật thám và ông đều bật cười. Nó cười để xí xoá sự thất bại. Ông cười để mỉa mai sự ngu dốt và thô bạo của nó.
Sau vụ anh Kim, không may còn xảy ra ba vụ bắt ba anh nữa, nghe đâu có chân trong các ban chuyên môn, đều hoạt động cách mạng bí mật. Chánh mật thám Bắc kì lại mời ông đến, báo tin vắn tắt vài câu rồi nói hơi xẵng: "Hôm nay ông không cần nhắc lại những lí do miễn trách nhiệm chính trị cho Hội về hành động tội lỗi ở ngoài Hội của mấy tên phá rối trị an có chân trong Hội. Nhưng với tất cả lương tâm nhà nghề của tôi, với tất cả ý thức về chức vụ của tôi và với sự nhân nhượng tối đa đối với Hội, tôi buộc lòng phải tuyên bố: nhất định Hội phải chịu trách nhiệm tinh thần về tình trạng quá đáng này". Ông chậm rãi trả lời: "Thưa ông Giám đốc, đặt vấn đề trách nhiệm tinh thần với một tổ chức, cơ quan hay đoàn thể có nhân viên phạm pháp ngoài xã hội tức là có ý chê trách, thậm chí khiển trách họ đã không biết đào tạo giáo dục nhân viên của mình để đến nỗi làm hại xã hội. Tôi không tranh luận có nên làm như thế hay không. Tôi chỉ biết các ông đã bắt và đưa ra toà án truy tố bao nhiêu là công chức về tội phạm pháp thật sự và rõ ràng, cả về hình sự lẫn chính trị. Thế mà chưa thấy lần nào các ông khiển trách hay chê trách Phủ toàn quyền hay Phủ thống sứ. Nay các ông lại muốn khiển trách hay chê trách Hội chúng tôi về mấy người mới chỉ bị nghi là phạm pháp ở ngoài xã hội. Như thế sao gọi là công bằng được?"
Tên chánh mật thám ngượng ngùng đến đỏ mặt, đành chịu thua chuyến nữa, nhưng cũng cố vớt vát sĩ diện bằng cách giả nhân, giả nghĩa. Nó làm bộ thân mật, vỗ vai ông, nói dã nhạt:
– Bố già ơi, bố già khỏi phải tị nạnh. Chúng tôi không có ác ý làm phiền gì Hội, dù chỉ là chê trách. Chúng tôi chỉ muốn Hội chú ý, tránh được càng hay. Có thế thôi, bố già cứ yên tâm.
Có lần, chính quyền thực dân, với âm mưu lôi kéo Hội về phía mình, ngỏ ý muốn trợ cấp cho Hội. Ông khước từ khéo: "Từ trước tới nay, chúng tôi vẫn nói với đồng bào chúng tôi là vì Nhà nước bảo hộ đã phải gánh chịu nặng về giáo dục mà không xuể, dân cần góp của, góp công vào Hội để Hội mở thêm lớp dạy những người mù chữ. Nếu bây giờ chúng tôi nhận trợ cấp thì đồng bào chúng tôi không giúp đỡ nữa, ỷ lại, cho rằng đã có Nhà nước. Đồng thời những người giúp việc Hội, trước hết là các giáo viên, sẽ nghĩ rằng Hội đã được công quỹ bảo đảm chi tiêu thì phải trả lương cho họ. Chừng ấy trợ cấp bao nhiêu cũng không đủ. Hai điều đó sẽ làm cho Hội tê liệt".
Phức tạp và khó xử hơn nữa là việc Hội được mời dự lễ khánh thành tượng đài A-léc-xăng đờ Rô-đơ (Alexandre de Rhodes).
Trước Cách mạng tháng Tám, ở sau đền Bà Triệu, xế cửa đền Ngọc Sơn, vẫn có một khoảng đất rộng độ ba trăm mét vuông, đứng giữa là tượng đài A-léc-xăng đờ Rô-đơ, một giáo sĩ Pháp sang truyền đạo ở nước ta vào những năm 1624-1645, được một dư luận mơ hồ coi là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Dư luận ấy càng hay được nhắc lại trong giáo hội và giáo dân như một niềm tự hào song song với niềm tự hào Giáo hoàng Grê-goa-rơ đã đặt ra dương lịch. Lợi dụng cái nhầm lẫn của những người không hiểu biết về một sự kiện lịch sử, thực dân Pháp dựng đài kỷ niệm ông ta với dụng ý gây uy tín cho chủ nghĩa đế quốc Pháp, chứng minh cụ thể "công ơn nước Đại Pháp" đã "khai hoá dân tộc Việt Nam lạc hậu". Dĩ nhiên, trong lễ khánh thành tượng đài phải có kẻ tung, người hứng. Kẻ tung có nhiệt tình đã được chọn là giám mục địa phận Hà Nội. Kẻ hứng có thẩm quyền nhất phải là ông Nguyễn Văn Tố, nhà cổ học nổi tiếng, Hội trưởng Hội TBQN đang được cả nước hoan nghênh. Bởi vậy, ban tổ chức mời Hội dự lễ khánh thành với yêu cầu nội dung gồm hai tiết mục:
1. Ông Nguyễn Văn Tố đọc một bài phát biểu chứng nhận giá trị khoa học và ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp A-léc-xăng đờ Rô-đơ, cả hai mặt đều đã được thổi phồng trong bài diễn văn đọc trước.
2. Học viên của Hội ở thủ đô, tiêu biểu cho phong trào truyền bá chữ quốc ngữ, sẽ đến đông đủ, hoan hô và diễu hành.
Hội không có lý do gì chính đáng để từ chối. Ban trị sự và anh, chị, em trong các ban chuyên môn đều lo ngại Hội sẽ bị lợi dụng trắng trợn. Riêng ông Hội trưởng cứ ung dung đề nghị nhận lời sau khi đã trấn an mọi người bằng một câu nói vui: "Các ngài cứ yên tâm, Hội trưởng ra ngoài không đến nỗi kém cỏi, khờ dại lắm, sẽ biết múa võ không hở sườn. Xin hứa giữ toàn vẹn cả danh dự Hội lẫn danh dự cá nhân".
Giữ ra sao? ông dặn Ban dạy học chỉ dẫn đến độ năm, sáu chục học viên nhỏ tuổi, đứng im lặng, hễ ông đọc xong bài phát biểu là tự động giải tán ra về. Một giáo viên sẽ đến phân trần với ban tổ chức là học viên người lớn của Hội ban ngày bận đi làm, chỉ có một số ít học viên nhỏ này rỗi phần nào là đi dự được. Họ đứng lâu sốt ruột lại thiếu ý thức trật tự, khuôn phép nên tự động bỏ về, chúng tôi bực mình nhưng cũng đỡ lo vì nếu họ diễu hành, đi gần tượng đài và các quan khách mà có cử chỉ, ngôn ngữ thiếu lễ độ, tôn kính thì tai hại.
Còn bài phát biểu của ông, bằng dẫn chứng cụ thể và biện luận chặt chẽ, chính các giáo sĩ Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha không để lại lên tuổi, đến xứ này trước A-léc-xăng đờ Rô-đơ, mới là những người đầu tiên dùng chữ cái la-tinh phiên âm tiếng Việt, sáng tạo hệ thống gần hoàn chỉnh chữ quốc ngữ hiện ta đang dùng. Sau đó, A-léc-xăng đờ Rô-đơ mới góp phần mình bằng những cố gắng qui tắc hoá và đem phổ biến hạn chế trong việc dịch kinh bổn và biên soạn tài liệu cho giáo hội. Ông ta đáng khen ở chỗ thừa kế các bậc tiền bối mà có bổ sung trong chi tiết. Những người nghe ông nói hoặc đọc bài phát biểu đăng trên một tờ báo Pháp ra ngày hôm sau đều thấy rõ ông đã vạch trần âm mưu xuyên tạc lịch sử để tuyên truyền lừa bịp của bọn thực dân.
Chưa bao giờ ông tỏ bày quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng sản, các đảng cộng sản. Điều chắc chắn là ông kính trọng phong trào cách mạng Việt Nam. Và đối với Liên Xô, trong cuộc chiến tranh Xô-Đức, lạ thay, mặc dầu đại đoàn quân thứ sáu của Phôn Pao-lút đã tiến sát Xta-lin-grat, ông vẫn cứ kiên trì tin là cuối cùng Liên Xô sẽ thắng. Nhớ sử hơn ai hết, ông đoán trước số phận của Hít-le: Nó không tránh được thất bại của Sác-lơ XII (vua Thuỵ Điển) và Na-pô-lê-ông (hoàng đế Pháp), cả hai đều đã hùng hổ tiến sâu vào đất Nga như vũ bão mà rồi cũng phải tháo chạy cùng với đội quân bách chiến bách thắng lần đầu bị đánh tan. Kết hợp với kinh nghiệm lịch sử, ông chứng minh thêm bằng lý luận đơn giản: "Họ đất rộng người đông, đoàn kết và nhất trí, chiến đấu anh dũng và bền bỉ, chịu đựng hy sinh, gian khổ như thế thì thua sao được?".
Sự tỉnh táo, chín chắn của ông trước thời cuộc rối ren còn tỏ ra năm 1945, mấy tháng sau đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3, khi nội các Trần Trọng Kim thành lập. Trong một buổi họp của Ban trị sự, có ngươi đề nghị Hội gửi điện ủng hộ chính phủ này. Ông yêu cầu mọi người thảo luận kỹ trong khi ông luôn mỉm cười tỏ ý hoài nghi. Cuối cùng tuyệt đại đa số tán thành quyết định do ông đưa ra sau khi giải thích: "Trong hoàn cảnh bình thường, Hội không làm chính trị. Song nếu Hội có tinh thần yêu nước thì ở giờ phút nghiêm trọng của Tổ quốc như có nguy cơ bị xâm lược hoặc có thời cơ tự giải phóng, Hội không thể thờ ơ. Có điều ủng hộ một chính phủ mới thành lập là việc hệ trọng và phức tạp, có thể có những uẩn khúc, những yếu tố tác động ngầm mà ta không hiểu tốt xấu thế nào. Theo tôi biết, phần lớn các ông trong chính phủ này, trước đây đều tốt chắc bây giờ cũng còn tốt. Nhưng về chính trị, để định đoạt vận mệnh cả một dân tộc, tốt chưa đủ, mà còn phải đúng và giỏi. Các ông ấy đúng và giỏi tới mức nào, còn chờ việc làm thực tế trả lời. Vậy ta hãy tạm hoãn tỏ thái độ".
Là người cầm trịch tự tín và mềm dẻo, vững vàng mà khiêm tốn, ông biết phục thiện khi sai lầm. Cũng sau đảo chính Nhật, hai viên lãnh sự trong toà đại sứ Nhật (trên thực tế đã trở thành Phủ toàn quyền) đến gặp ông, vừa là xã giao, vừa để thăm dò dư luận giới trí thức Việt Nam, khoe khoang mục đích "tốt đẹp" của chủ nghĩa Đại Đông Á. Ông "thú thật" không am hiểu chính trị, chỉ mong sao quân đội Nhật và hiến binh Nhật không cản trở sự hoạt động bình thường của Hội TBQN. Lập tức, ngày hôm sau, sứ quán Nhật đưa đến cho Hội một giấy chứng nhận – bảo đảm có hiệu lực nhất. Ông mừng rỡ, nhờ người sao in thành nhiều bản và trao cho các ban chuyên môn để làm "bùa hộ mệnh". Lúc ấy, tôi có chân trong Hội văn hoá cứu quốc và là Trưởng ban dạy học trung ương bị Nhật truy lùng, đã rút vào bí mật, bèn viết cho ông một bức thư đại ý nói tình hình đất nước và cái thế của Hội không còn như hồi Toàn quyền Đờ-cu chỉ thị cho cấp dưới để Hội được hoạt động dễ dàng nữa, mà đã bước vào giai đoạn Việt Minh lãnh đạo toàn dân vùng lên đánh Pháp đuổi Nhật, giành độc lập, thì bất cứ thái độ nào, hành động nào thân thiện với Nhật, dựa vào Nhật đều là sai trái, tội lỗi. Hội dùng giấy chứng nhận - bảo đảm kia sẽ bị quần chúng nghi ngờ, khinh ghét, hại nhiều hơn lợi. Ông đã tiếp thu phê bình và huỷ bỏ ngay giấy chứng nhận - bảo đảm của bọn phát-xít.
Đã đến lúc chẳng những giấy chứng nhận - bảo đảm của toà đại sứ Nhật vô giá trị mà súng, gươm của quân đội Nhật cũng vô giá trị. Giữa thủ đô sôi sục của những ngày sắp tổng khởi nghĩa, người thuyền trưởng chăm chú xem xét tình hình... Mặt trận Việt Minh đang lôi cuốn hàng triệu người vào cuộc đấu tranh một mất một còn. Bản chỉ thị in ty-pô của Ban dạy học trung ương do tôi viết, gửi anh, chị, em giáo viên bốn miền trong địa bàn Hà Nội (nội, ngoại thành và một số làng lân cận thuộc tỉnh Hà Đông), công khai hô hào khẩn trương chuẩn bị hưởng ứng cướp chính quyền, bắt đầu bằng xung phong nhận hai việc cứu tế, bảo an của phố, của làng, theo lệnh các tổ chức Mặt trận và tận dụng tín nhiệm đã giành được lòng nhân dân mà hành động hết sức mình; lấn át, uy hiếp những phần tử ngang trái: cứ duy trì lớp học làm nơi tập hợp, tuyên truyền...
Một tên cơ hội đã đem một tờ chỉ thị kia đến mách ông Hội trưởng, nói đây là hành động trái điều lệ Hội, bọn Nhật mà biết thì Hội sẽ bị khủng bố. Ông đọc đi đọc lại tờ chỉ thị táo bạo, bất ngờ, trầm ngâm một lúc cho sự xúc động lắng xuống, rồi nói nhẹ nhàng:
"Quả thật tôi không biết việc này. Nhưng tôi không lấy nê mình là Hội trưởng để bắt bẻ anh em về sự không hỏi ý kiến mình. Thú thật với ngài là nếu tôi, tôi sẽ vô cùng lúng túng, chẳng biết giải quyết thế nào. Anh em tự động làm cũng là may cho tôi. Bây giờ việc đã rồi, không thể thay đổi, mà có lẽ cũng không nên thay đổi. Hội TBQN là con đẻ của phong trào cách mạng và là con nuôi của đồng bào cả nước. Tôi chỉ là người được uỷ nhiệm chăm nom. Đứa trẻ ấy đã trưởng thành, nó đi vào con đường nào là tuỳ nó và hai bà mẹ. Còn tôi, dù nó chọn con đường nào tôi vẫn tiếp tục thương yêu giúp đỡ nó như trước."
Lời tuyên bố dứt khoát cũng là lời tâm sự chân thành, chí tình, chung thuỷ.
Viết đến đây, tự nhiên tôi nhớ đến câu nói cuối cùng của ông về Hội, ngay trong buổi họp của Chính phủ lâm thời quyết định thành lập Nha Bình Dân Học Vụ để xoá nạn mù chữ, để diệt giặc dốt như Chủ tịch Hồ Chi Minh đề ra. ông ghé sát tai tôi, đưa tay che miệng, nói nhỏ, trên nét mặt thoáng hiện vẻ buồn khó tả, niềm ân hận hay thiết tha kìm giữ lại làm nhíu đôi mày :
– Giá cứ để Hội TBQN đảm nhận với sự bảo trợ đầy đủ của Chính phủ thì có lẽ hơn.
Thông cảm sự nhớ tiếc, lưu luyến của ông, tôi an ủi :
– Hội TBQN là tiền thân của BDHV cũng được.
Rồi để khẳng định Hội sẽ cứ tồn tại vĩnh viễn trong lịch sử tôi vui nhộn đọc nhại định luật La-voa-di-ê (Lavoisier): "Không có cái gì mất đi, không có cái gì mới tạo". Ông khẽ lắc đầu không tán thưởng.
Thì ra người thuyền trưởng hôm qua dù nay ở địa vị cao trong chính quyền cách mạng cũng không muốn rời bỏ con thuyền không muốn nó nhường chỗ cho một bộ máy khác lớn hơn hàng ngàn lần, không muốn nó được đưa vào viện bảo tàng quá sớm. Rõ ràng đối với ông, cái hình ảnh viễn tưởng con thuyền cũ lớn vụt lên như Thánh Gióng vươn mình, cùng ông chở ánh sáng học thức sơ đẳng đi khắp nẻo đường đất nước, đến tận những nơi tối tăm nhất, có sức lôi cuốn như một tín ngưỡng, như một tiếng gọi thiêng liêng. Không phải trong ý thức gắn bó của ông với con thuyền có cái hẹp hòi, cục bộ – mà chính là có cái nhận thức sâu sắc về vai trò của một đoàn thể tư nhân (nay gọi là tổ chức phi chính phủ) làm nòng cốt cho một phong trào quần chúng rộng lớn.
Từ vài năm nay, khẩu hiệu "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được đề cao, phổ cập, cái mong muốn duy trì Hội TBQN trong lòng xã hội Việt Nam độc lập, dân chủ của ông lại gợi người ta suy nghĩ về một giải pháp kết hợp công (Bộ Giáo dục) với tư (hội học) tương tự mối quan hệ giữa Hội chữ thập. Trong những lời thăm hỏi ân cần anh, chị, em trong các ban chuyên môn cũ của Hội, tôi cảm thấy ông đặt hy vọng vào một ê-kíp thuỷ thủ mà ông tin cậy hết lòng nhưng họ đã lao hết vào những hoạt động mới. Ông không thể nào quên bảy năm ròng kề vai sát cánh cùng họ, như người anh cả dìu dắt các em trong một đại gia đình, thân thiết đến mức tiếng xưng hô ngài ông quen dùng tưởng như khách sáo, cách biệt, mà vẫn giữ được vẻ chan hoà, gần gũi! Trong bầu không khí bình đẳng và tự giác, giữa ông Hội trưởng và các uỷ viên Ban trị sự, giữa Ban trị sự và các Ban chuyên môn, giữa các Trưởng ban chuyên môn và anh, chị em, đã dần dần hình thành một lề lối làm việc tập thể, dân chủ từ cơ chế đến tác phong. Ai không tự giác sẽ mất quyền bình đẳng và bị cấp trên trong tổ chức chấn chỉnh chăng? "Không. Đối với họ – ông khuyên dặn chúng tôi – ta vẫn cứ bình đẳng mà thuyết phục. Ở đây tuyệt nhiên không có danh lợi gì ràng buộc. Đặt ra quyền hành chẳng qua là để gây ý thức làm việc có trật tự, để giúp người có trách nhiệm chỉ huy được "danh chính ngôn thuận", để người cấp dưới chú ý mà tự giác phục tùng. Quyền hành có trên nguyên tắc, được công nhận đấy nhưng không nên dùng trong thực tế. Các ngài thử nghĩ xem, nếu cấp trên có quyền ép buộc, khiển trách mà cấp dưới lại có quyền tự do bỏ đi không trở lại, thì dùng quyền hành có tác dụng gì?". Nhận xét về châm ngôn HY SINH - KIÊN QUYẾT - KỶ LUẬT - THÂN ÁI của Ban dạy học, châm ngôn cô đúc tất cả cái gọi là tinh thần TBQN, ông khen anh, chị em biết gắn liền kỷ luật với thân ái. Ông phân tích: "Kỷ luật là lý, thân ái là tình. Cả lý và tình kết hợp lại mới tác động mạnh và sâu vào lòng người".
Bốn tiếng "truyền bá quốc ngữ" gắn liền với lên tuổi hai người: Phan Thanh và Nguyễn Văn Tố. Ông Phan Thanh, Tổng thư ký của Hội, mất ngày 1 tháng 5 năm 1939, ngày lễ Quốc tế lao động. Nếu đám tang ông là đám tang lớn nhất ở Đông Dương trước Cách mạng tháng Tám, có trên hai vạn người đi đưa, nỗi tiếc thương, niềm kính phục như tràn ngập đoàn người kéo dài ba cây số, thì cái chết của ông Nguyễn Văn Tố, đồng bào ta ít người biết đến.
Giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn tháng mười năm 1947, trong số cán bộ cao cấp của ta (uỷ viên trung ương Đảng, bộ trưởng), chỉ có một mình ông bị bắt. Theo lời một số đồng bào có mặt bên cạnh ông kể lại, chúng bắt được ông mà không biết là Nguyễn Văn Tố. Chúng giữ ông lẫn với đồng bào, trong một khu đất rộng, rào tạm bợ, có lính gác. Ông biết nếu chúng phát hiện ra ông, chúng sẽ tìm cách lợi dụng, dù ông không chịu đầu hàng. Chúng sẽ phao tin ông qui thuận. Chúng sẽ bịa ra những lời tuyên bố xằng bậy, nào chống cộng sản, nào chán kháng chiến... gọi là của ông mà không để cho ông có thể cải chính cách nào. Đến đêm, ông đã bất chấp nguy hiểm, bỏ trốn. Một tên lính hô: "Đứng lại!" Ông chạy nhanh. Một tràng tiểu liên nổ theo bóng ông. Ông ngã gục...
Ngày nay chúng ta tưởng nhớ ông, muốn tìm đến nơi ông an nghỉ ngàn thu để đặt một bó hoa, thắp mấy nén hương mà chẳng biết tìm đâu. Thật là đau xót!
Niềm đau xót càng da diết khi chúng ta nghĩ rằng đáng lẽ trong buổi họp kỷ niệm năm mươi năm thành lập Hội TBQN sắp tới phải có ông đứng trước tượng Bác Hồ, đọc một bài diễn văn... Cũng vẫn thân hình thâm thấp, cũng vẫn y phục dân tộc xuềnh xoàng, cũng vẫn tiếng nói oang oang, dõng dạc, cũng vẫn tấm lòng ưu ái sắt son. Ông đã trăm lần xuất hiện như thế trên diễn đàn, để lại trong trí nhớ chúng ta hình ảnh đẹp chưa chút phai mờ một chiến sĩ già năng nổ, hiên ngang, nhất là trong buổi lễ ra mắt của Hội, ngày 25 tháng 5 năm 1938 tại sân quần vợt Câu lạc bộ An-nam (CSA). Tối hôm ấy, dưới ánh đèn điện sáng trưng, ông đã cùng ông Phan Thanh phát động phong trào chống nạn thất học trước những con mắt trìu mến của mấy ngàn người.
Nguyễn Văn Tố đã đi vào lịch sử, với sự nghiệp khoa học và với sự nghiệp chống nạn thất học, nâng cao dân trí. Nói đến Nguyễn Văn Tố là nói đến công cuộc của Hội TBQN. Ông xứng đáng là người tiếp tục Nguyễn Thượng Hiền, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền...
Dân Hà Nội và khách du lịch, có lần đến thăm khu di tích Văn miếu, đứng trước hàng bia cổ kính, chợt nhớ một ông già, dưới bút danh Ứng Hoè, đã viết để lại tập sử liệu Những ông nghè triều Lê. Và họ bâng khuâng giây lát, mường tượng nghe trong hơi gió thoảng văng vẳng hai tiếng i tờ.
Nguyễn Hữu Đang [1]
[1] Bài này nguyên có hai phần, đã được đăng trong tập kỷ yếu do nhà xuất bản Giáo dục ấn hành vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội truyền bá quốc ngữ (1938-1988), dưới hai bút danh Phạm Đình Thái (phần 1) và Dương Quang Hiệt (phần 2). Nay được chính tác giả dưới tên thật là Nguyễn Hữu Đang gộp lại làm một.