Hợp tác quốc tế trong phòng chống động đất ở Tứ Xuyên
Trung HoaMột giờ sau khi xảy ra trận động đất ở Vấn Xuyên tỉnh Tứ Xuyên, Cơ quan Hàng không vũ trụ Trung Quốc CNSA (China National Space Administration) đã khởi động Cơ chế Hợp tác giảm thiên tai quốc tế, gửi điện tới các quốc gia thành viên liên quan trong “Hiến chương Quốc tế về vũ trụ và thiên tai lớn” đề nghị họ cung cấp số liệu vệ tinh cho TQ.
- Một bức ảnh vùng động đất Vấn Xuyên do JAXA cung cấp
14 giờ (giờ Bắc Kinh) ngày 13-5, Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản JAXA (Japan Aerospace Exploration Agency) đã cung cấp cho TQ các tấm ảnh vùng có động đất do vệ tinh ALOS của họ chụp được, các ảnh này có độ phân giải là 100 mét. Đây là những ảnh vệ tinh đầu tiên có kích thước lớn mà TQ nhận được qua con đường hợp tác quốc tế sau khi xảy ra động đất ở Vấn Xuyên.
Các quốc gia thành viên khác của Cơ chế nói trên cũng đã gửi cho TQ những bức ảnh vệ tinh do họ chụp. Hiện nay TQ đang xử lý các tư liệu nhận được.
“Hiến chương Quốc tế về vũ trụ và thiên tai lớn” là cơ chế hợp tác giảm thiên tai do Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA (European Space Operations Center) và Cơ quan vũ trụ Canada đề xuất xây dựng. Ngày 24-5-2005 TQ chính thức tham gia tổ chức này.
Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều rất quan tâm đến trận động đất Vấn Xuyên. Ít giờ sau khi xảy ra động đất này, website www.usgs.gov của Cơ quan Điều tra Địa chấn Mỹ (USGS) đã đăng tải cuộc phỏng vấn ngắn trên điện thoại với ông Harley Benz, nhà khoa học đảm trách (Scientist-in-Charge) của Trung tâm Thông tin Địa chấn Quốc gia thuộc USGS. Benz đã phân tích chi tiết về trận động đất này và đưa ra dự kiến: do cường độ mạnh nên trận động đất Vấn Xuyên sẽ có rất nhiều dư chấn. Sau cuộc phỏng vấn đó, USGS đã sửa đổi lại báo cáo ban đầu, nâng cấp cường độ trận động đất Vấn Xuyên từ 7,8 lên thành 7,9 độ Richter. Mấy ngày sau, Cục Điều tra Địa chấn TQ cũng nâng cấp cường độ trận động đất này từ 7,8 lên 8 độ Richter. Trên website của USGS có đăng tải nhiều ảnh vệ tinh Mỹ chụp vùng có động đất.
Nguyên Hải tổng hợp
Nguồn: www.cnsa.gov.cn; www.usgs.gov