Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Con người > Sinh thái > Tham nhũng nối giáo cho mafia

Rác trong tay ai (2):

Tham nhũng nối giáo cho mafia

Chủ Nhật 1, Tháng Sáu 2008

Rác độc hại đổ trong vùng Campania Rác độc hại đổ trong vùng Campania
Đầu năm 2006, cảnh sát Naples bốc gỡ một đường dây chôn giấu bùn độc hại. Một phần bùn này đã được bán lại cho nông dân dưới dạng “phân bón”. Nhiều luật sư, chính khách, cảnh sát đã xộ khám trong vụ này.
Xem kỳ trước: Vàng của mafia, tai họa của nhân dân
Nói chung, có đến 42% ủy viên hội đồng đô thành bị vô hiệu hóa hoặc bị ở tù vì liên quan đến Camorra.
Jean-Francois Gayraud là chuyên gia cao cấp ở Học viện Quốc gia Cao học về an ninh (INHES) của Pháp. Ông có những công trình nghiên cứu rất sâu về rác và chất thải các loại ở Ý.
Theo ông, có đến 4 tổ chức mafia Ý đầu tư làm ăn trong lĩnh vực này. Đó là Cosa Nostra ở đảo Sicilia, Sacra Corona Unita ở vùng Puglia, Ndrangheta ở vùng Calabria và Camorra ở vùng Campania. Trong số này, Camorra được giới giang hồ xếp vào hạng “anh cả”.
Massimo Scalia, chủ nhiệm Ủy ban Quốc hội Ý, cho biết 4 tổ chức xã hội đen nói trên kiểm soát không dưới 30% các nhà máy xử lý rác sinh hoạt và chất thải công nghiệp độc hại. Đặc biệt, bọn Camorra ăn nên làm ra từ năm 1980. Lúc đó, sau trận động đất kinh hoàng ngày 23-11-1980, thành phố Naples bắt đầu được tái thiết. Camorra không chỉ thầu xây dựng những công trình lớn – thông qua những quan chức tham nhũng trong hội đồng đô thành – mà còn bao thầu cả việc xử lý rác sinh hoạt và chất thải độc hại (công nghiệp, y tế v.v...).
Từ hội kín đến tổ chức tội phạm
Camorra vốn là một hội kín dưới chế độ quân chủ lập hiến Bourbon thành lập năm 1820 ở Napoli. Các thành viên của hội bao gồm cảnh sát, quân đội và quan chức. Camorra khét tiếng về bạo lực và tống tiền. Nó được chế độ Bourbon sử dụng để đàn áp phe chống đối. Khi Napoli thống nhất với nước Ý vào năm 1861, tổ chức này bị giải tán. Nhiều thành viên chạy sang Mỹ gia nhập mafia Mỹ gốc Ý.
So sánh với các tổ chức mafia khác như Sacra Corona Unita ở vùng Puglia hay Ndrangheta ở vùng Calabria, Camorra nổi trội về thủ đoạn cướp bóc. So sánh với Cosa Nostra, tổ chức mafia ở đảo Sicilia, Camorra không có được sự thống nhất dưới trướng một gia đình. Camorra có nhiều gia đình cạnh tranh dữ dội với nhau mà đỉnh cao là vụ tàn sát năm 1911 dẫn đến việc nhiều thủ lĩnh Camorra lãnh án tù. Năm 1922, nhà độc tài phát xít Benito Mussolini lên cầm quyền, Camorra hết thời.
Raffaele Cutolo, một thủ lĩnh Camorra, sau đó tìm cách tập hợp các gia đình Camorra lại trong một tổ chức có tên là Tổ chức Camorra mới theo mô hình Cosa Nostra ở Sicilia. Tuy nhiên, ý tưởng này của Cutolo đã phá sản sau đó vì không được các gia đình khác chấp nhận, thậm chí còn chống đối quyết liệt.
Vào thập niên 1980, Camorra sống lại mạnh mẽ ở Napoli và vùng Campania với các hoạt động phi pháp như bắt các nhà máy, xí nghiệp đóng “hụi chết” (thuế “pizzo”); buôn đồ lậu (thuốc lá, đồ trộm cắp...); làm hàng giả (nhất là hàng may mặc thời trang); buôn lậu ma túy; tổ chức cờ bạc; ăn cắp tiền viện trợ của châu Âu và kinh doanh rác.
Tại sao là rác?
Dân chúng thành phố Napoli không ngớt tố cáo chính quyền không quyết liệt chống Camorra, băng đảng mafia địa phương. Từ 25 năm nay, Camorra kiểm soát toàn bộ quá trình thu gom và xử lý rác ở Napoli và vùng Campania. Đây không phải là một hiện tượng đơn lẻ của Napoli hay của nước Ý. Các tổ chức tội phạm lớn trên thế giới đều làm như vậy, ở những mức độ khác nhau. Nhưng tại sao là rác mà không phải những thứ khác?
Lý do chủ yếu khiến các băng đảng mafia quan tâm đến rác và chất thải các loại từ rác công nghiệp đến rác y tế là ít ai chịu làm. Hơn nữa ngành kinh doanh này rất dễ thâm nhập và mua chuộc những người có thẩm quyền.
Camorra – cũng như các băng đảng mafia khác – cần một ngành kinh doanh hợp pháp để rửa tiền thu được từ các hoạt động phi pháp khác như buôn lậu ma túy, cờ bạc, gái điếm, làm hàng giả v.v... Kinh doanh rác hoàn toàn đáp ứng yêu cầu này.
Lý do cuối cùng và rất quan trọng: Đây là một ngành có lợi nhuận rất cao. Cao cỡ nào rất khó biết. Tổ chức bảo vệ môi trường Legambiente Campania nói 22 tỉ euro/năm. Nhưng nhà văn - nhà báo Roberto Saviano, tác giả cuốn tiểu thuyết điều tra xã hội Camorra – đã quay thành phim và tham dự liên hoan phim quốc tế Cannes, Pháp – đưa ra một con số ít hơn: khoảng 1 tỉ euro/năm.
Thầu rác sinh hoạt ở Napoli và các thành phố khác trong vùng Campania không có gì khó khăn đối với Camorra. Đó là lãnh địa của chúng. Camorra định giá, giờ và nơi gom rác. Cư dân các thành phố không thể có một lựa chọn nào khác vì không ai dám cạnh tranh với Camorra. Kể cả các ủy viên hội đồng thành phố cũng khó chống lại Camorra.
Nhưng rác công nghiệp mới là nguồn lợi lớn nhất của Camorra. Với thế lực và các thủ đoạn tinh vi, Camorra dễ dàng bắt các ông chủ bán rẻ rác và phế liệu cho các công ty nhà thầu bình phong của tổ chức Camorra. Đối với các bệnh viện, Camorra cũng giở thủ đoạn tương tự để gom rác y tế. Không chỉ mua rác trong nước Ý, Camorra còn nhập khẩu rác công nghiệp từ các nước khác. Tất cả được chở về Napoli và vùng Campania để xử lý, tái chế bất chấp những hậu quả mang tính thảm họa sinh thái.
Roberto Saviano mô tả: “Miền Nam nước Ý là ga cuối chứa các chất thải độc hại, cặn bã của sản xuất. Không một vùng đất nào của phương Tây lại chứa nhiều rác lậu như thế. Từ thập niên 1990, các băng nhóm của tổ chức Camorra đã bỏ túi 44 tỉ euro trong vòng 4 năm. Rác trở thành một thị trường có mức tăng trưởng 29,8%. Một tỉ lệ mà chỉ có thị trường buôn lậu cocaine có thể cạnh tranh ngang ngửa”. (Còn nữa)
Theo Văn Anh (NLĐ)