NÊN TÔN TRỌNG THÔNG TIN CÁ NHÂN KHI CÔNG BỐ KẾT QUẢ THI

Culture

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008 vừa kết thúc, kỳ thi tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2008 đang tới gần. Tôi xin nêu một vài kiến nghị với Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng và truyền thông, cũng như mong được biết các ý kiến của độc giả gần xa.

Khi công bố kết quả thi, nên chăng chỉ công bố số báo danh (SBD) và điểm thi?

Lâu nay chúng ta công bố điểm thi đại học (và các cuộc thi tuyển khác) với nhiều thông tin cá nhân (họ tên, quê quán, ngày tháng năm sinh, ...). Làm như thế liệu có tốt cho số đông, khi mà 10 người xem điểm thì đến 9 người xấu hổ vì bị trượt (vì chỉ 10-15% đỗ vào đại học)? Những năm trước đây có những thí sinh khi xem điểm với thông tin cá nhân chi tiết đã xấu hổ đến mức có những hành động tiêu cực (có thể tự tử, thành trầm cảm, ...). Một người vui, chín người buồn (và xấu hổ vì dữ liệu về cá nhân chi tiết quá, nhưng họ đâu có lỗi gì mà lại bị xâm phạm như thế?). Chưa kể dữ liệu được "phơi" hết lên mạng và báo chí, tin nhắn điện thoại: cần xem ai thi được bao nhiêu điểm là biết ngay (để khen một người và "chê cười" chín người). Ngoài ra xem ai sinh ngày nào (với mục đích nào đó rất cá nhân) cũng biết luôn. Như thế thì còn gì là tôn trọng tính riêng tư và thông tin cá nhân? Tính nhân văn được thể hiện thế nào ở đây? Phải chăng chúng ta nghĩ "Ta có dữ liệu, công bố cái gì là quyền của ta, cho ai dữ liệu là quyền của ta"?

Các bạn người Nhật Bản thường hỏi tôi: “Sao các ông lại công bố thông tin cá nhân như thế? Ở Nhật Bản chúng tôi chỉ công bố những SBD nào đỗ, không bao giờ công bố điểm ra ngoài, chỉ gửi báo điểm cho cá nhân”. Khi trao đổi với các nhà giáo, các nhà khoa học và quản lý Việt Nam từng học tập và công tác ở nước ngoài thì mới thấy: có lẽ chỉ Việt Nam mình mới công bố “vô tư” những thông tin cá nhân khi thông báo kết quả thi và học tập của học sinh, sinh viên, học viên,...

Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: “Ở Mỹ, thông tin cá nhân cực kỳ quan trọng. Ngay cả cha mẹ cũng chỉ có quyền biết điểm của con nếu như được phép, hoặc thỏa thuận trước khi trả tiền học cho con. Điểm số thường là nhà trường gửi thẳng cho những nơi mà sinh viên yêu cầu với điều kiện không tiết lộ. Mỗi lòng tự ái của con người đều phải được trân trọng. Những người thi trượt, nếu không bị mất niềm tin vẫn có thể trở nên những nhân tài trong tương lai. (Thực tế có nhiều danh nhân thi trượt và có những người đỗ đạt không để lại gì cho hậu thế). Như vậy bên cạnh tính nhân đạo còn cả những tính toán tài bồi không để phí nhân tài”.

Giáo sư Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản) cho biết thêm: ”Tôi cũng cho là cần tôn trọng thông tin cá nhân, và không công bố các thông tin này như ta đang làm. Ở Nhật thì đúng vậy rồi. Từ bé đến lớn kết quả của ai chỉ người đó biết. Ở chỗ tôi, chỉ công bố danh sách người thi đỗ qua SBD, điểm thì ai muốn biết sẽ có máy để tự in. Ở Mỹ và Canada những trường tôi đến cũng thấy họ chỉ công bố kết quả với SBD. Ở Pháp khi tôi còn là sinh viên, có danh sách điểm kèm theo tên từng người, thậm chí còn do thư ký viết tay”.

Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc (Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT) cũng khẳng định thêm: “Hồi tôi ở Pháp, hỏi điểm cho anh bạn mà bộ phận giáo vụ họ không cho. Của ai biết người nấy, miễn bàn. Còn ở ta thì ... Ngay các trường phổ thông và đại học: các thầy cô công bố điểm cả lớp, dán cả lên tường như là dán bích báo ấy... Văn hóa ta nó vậy!”

Nhiều nhà khoa học và quản lý khác đều rất đồng tình với việc nên tôn trọng thông tin cá nhân thí sinh khi công bố kết quả thi, chưa có ai nêu ý kiến phản đối hay phân vân nào. Có thể lâu nay chúng ta chưa để ý, nhưng rất mong từ nay chúng ta cùng nâng cao sự tôn trọng của nhà trường, xã hội và gia đình với mỗi cá nhân vừa bước vào tuổi công dân, và với bất kể ai dự kỳ thi gì chăng nữa ở Việt Nam mình. Có điều bản thân mỗi thí sinh và gia đình cũng cần có thói quen chỉ sử dụng SBD để tra cứu (vì vậy phải ghi/nhớ chính xác số báo danh), không nên cứ đòi hỏi những thông tin của SBD là gì để ... cho chắc!

Sử dụng và “kinh doanh” thông tin cá nhân?

Một vấn đề tiếp theo như “hệ quả” của vấn đề trên: sau kỳ thi tuyển sinh đại học, mỗi thí sinh có điểm trượt nguyện vọng 1 thường nhận được khá nhiều thư mời gọi nhập học của các trường dân lập hoặc của hệ 2 (không chính quy) của các trường nhà nước. Thư mời, giấy báo được gửi đến tận nhà, nhắn tin cho thí sinh, v.v. Như vậy có thể hồ sơ tuyển sinh của đa số các thí sinh đã bị lộ ra ngoài? Ai đã để lộ hồ sơ nhạy cảm này? Có trường còn biết gửi giấy báo chào gọi những thí sinh thi đạt từ (ví dụ) 12 điểm trở lên của tất cả các trường khác. Việc công bố kết quả thi là do Hội đồng tuyển sinh thuộc đơn vị tuyển sinh thực hiện. Phải chăng các cơ quan khác được “khai thác” thông tin này, để rồi các thí sinh lại phải nhắn tin để “mua” chính thông tin của mình từ người khác không có chức năng gì liên quan đến tuyển sinh? Việc “kinh doanh” công khai thông tin về kết quả tuyển sinh như thế có hợp lệ không? Hay là ... “văn hóa ta nó vậy”, khó thay đổi lắm? TS. Quách Tuấn Ngọc nêu: “thay đổi văn hoá không chỉ từ báo chí, truyền thông, mà còn xem xét tận gốc từ từng thầy cô, từng lớp, từng trường ...”. Làm đúng sẽ thể hiện sự tôn trọng hàng triệu người để có những giá trị và lợi ích lớn hơn từ nay về sau...

Tôi kính mong được Bộ GD-ĐT, các cơ quan báo chí, truyền thông xem xét, lưu ý và điều chỉnh kịp thời. Như lâu nay, vô hình trung chúng ta đã làm “tăng nhiệt” sau mỗi kỳ thi. Cũng xin được biết các ý kiến của độc giả về những vấn đề trên. Xin trân trọng cảm ơn.

Nguyễn Ngọc Bình