NGƯT Nguyễn Hải Đạm:

BÀ NỘI

(1876-1949)

Bà Phạm Thị Luyến (1876-1949)

Trong hoài niệm về các gương mặt thân yêu đã khuất, nỗi nhớ bà nội bao giờ cũng đượm hương vị dịu ngọt, thiết tha, đầm ấm như hồi tưởng về những năm tháng của tuổi thơ – quãng đời thần tiên nhất trong cuộc sống của mỗi người.

Chỉ bằng vào những ký ức dựng lại chân dung bà nội như bức họa truyền thần là điều tôi không thể làm nổi. Ngót 40 năm cách biệt âm dương rồi. Trí nhớ cũng mòn dần cùng tuổi tác. Vả lại, bà nội cũng như trăm nghìn bà mẹ nông dân Việt Nam từng trải cuộc đời lam lũ, mang từ tấm bé truyền thống cần kiệm, kính chồng yêu con, quý người. Nét đặc sắc trong chân dung Người phải tìm trong kỷ niệm về quan hệ với mọi người của bà.

Cũng như mọi cụ bà Việt Nam vất vả, bà nội có vóc dáng nhỏ thấp, dáng đi hơi tất tưởi, rất kỵ ngồi bên án thư, rất kỵ ngơi tay. Một vành khăn vải nâu đã bợt quấn tròn trên đầu thòi ra đuôi tóc lưa thưa đốm bạc. Trên gương mặt đã nhăn nheo và hóp má do răng rụng nhiều, ấm áp một đôi mắt hiền hậu. Bà nội thường mặc áo vải thô, thứ vải dệt khung tay, đo theo chiều vuông, nhà nhuộm lấy bằng vỏ già dấn vài nước nâu – lưng áo bạc thếch màu thời gian và mồ hôi lao động đồng áng. Chiếc quần nái thâm kiểu chân quê cũng bợt màu, dây rút thường buộc lòng thòng mấy đồng Bảo Đại giành mua quà cho cháu. Cái yếm vải mộc che bộ ngực còm cõi, một chiếc “hầu bao” bằng sồi cũ kỹ trong giấu một túi vải nhỏ con vài hào quấn chặt như chiếc lõi chì. Tài sản riêng của bà chỉ có vậy, tôi biết rõ lám, vì tôi và chỉ có tôi là được thường xuyên lục lọi cái ruột tượng ấy.

Ôi ! Làm sao quên được cái cảm giác sung sướng được dựa vào lòng bà nội ? Bà ngồi tiếp khách ở mép phản, chân vắt chữ ngũ rung rung theo nhịp tay giã trầu.
— Bà đưa con giã cho !

Tôi đón lấy chiếc cối đồng nhỏ như quả trứng, cầm chiếc chìa ba răng cũng bằng đồng, thong thả nghiền cho tới khi màu xanh của lá trầu, màu trắng của miếng cau đã trở thành hỗn hợp nhuyễn một sắc thắm tình người mới đưa cho bà. Rồi tôi kéo chân bà, đứng lách vào, dụi đầu vào cằm bà, vòng ngược tay ôm lấy cổ bà, hít mùi trầu thơm thơm và nghe hai cụ chuyện trò.

Bà nội hiền từ sửa lại vạt áo cháu, cài lại chiếc cúc ít khi chịu trong khuyết, rồi xoa xoa cái đầu trọc tếu của tôi. Tôi níu tay bà xuống. Bàn tay nhỏ bé và cáu bẩn của tôi nắn nắn đốt tay xương xẩu của bà nội. Tôi úp bàn tay tôi vào bàn tay của bà xem to nhỏ thế nào. Tôi vuốt những nếp tĩnh mạch chằng chịt trên tay bà. Tôi còn dẫm bàn chân lấm láp của mình lên bàn chân nhăn nheo của bà cho tới khi bà bảo :
— Kìa, con làm lấm hết chân bà rồi !

Giọng bà nội dịu dàng, từ tốn, chứa chan tình cảm. Khó mà tin được rằng đó là giọng nói của một người đã can trường gánh trên đôi vai gầy guộc của mình một sự nghiệp không kém vẻ vang so với cụ ông và chắc chắn là gian lao nhiều lần hơn cụ ông : nuôi mẹ chồng, nuôi chồng tù đày quốc sự, gây dựng 8 con trai con gái nên người.

Bà nội tên là Phạm Thị Luyến, sinh ngày 21 tháng 11 năm Bính Tý (12/1876) tại làng Đông Phù, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay là xã Đông Mỹ, huyện Thường Tín. Họ Phạm vốn danh gia vọng tộc. Thân sinh bà là cụ Phạm Vĩ, tú tài cựu học. Thân mẫu vốn con gái họ Cung, một vọng tộc có tiếng vùng Kim Lũ (Lủ). Bà nội là út. Gia pháp họ Phạm rất nghiêm, mới lên 9, bà đã thạo gia chánh.

Về làm dâu họ Nguyễn Đông Tác năm 19 tuổi, bà nội vào cuộc thử thách khó khăn hơn : mẹ chồng tham việc, các con trai đều chân học trò, chỉ lo việc lều chõng. Lệ ở Đông Tác là ăn cơm từ tinh mơ để kịp ra đồng. Khoảng một giờ chiều ăn cơm trưa. Chiều lại đi làm; tối nhịn, quét tước, xay giã xong thì đi ngủ sớm để đỡ tốn dầu đèn. Công việc quanh năm suốt tháng. Có mang lần đầu, bà nội “nghén ngủ”, trưa nào cũng lén mẹ lên gác chuồng trâu ngủ lấy mươi phút. Đến khi có chú Hai Kha, bà xin ăn riêng. Mẹ chồng chia cho 6 sào ruộng. bà nội quật tất cả lên làm vườn, rồi lĩnh canh làm ruộng ở làng Vọng (Phương Liệt) cấy.

Năm 1906, cụ Cầu đậu cử nhân. Cái danh “Bà Cử” không đủ bù nỗi vất vả mới : hết lo khao vọng xong lại lo chồng trảy Kinh thi Hội, rồi nuôi chồng làm quốc sự. Bà nội giàu đức hy sinh, lẳng lặng gánh vác tất cả. Bà thường kể : đi cấy đồng xa rã cả người, trưa chạy về cho con bú rồi lại tất tả ra đồng. Sẩm tối về đã thấy chồng đang ngồi nhà với bạn. Thế là phải gác mọi chuyện, lo làm mâm rượu đãi khách. Nhà thì quá nghèo, mái tranh vách đất, bát đàn, mâm nan, sân đất, niêu đất.

Những năm ông nội bị đi đày Côn Đảo, đê Liên Mạc vỡ to, anh trên em dưới chẳng nhờ ai được gì, bà và các con gái lớn cắn răng chịu đựng, kiên quyết nuôi các con trai đi học. Ông nội muốn con trai lớn theo tân học. Cha tôi 15 tuổi mới vào tiểu học với đôi chân trần. Không đành tâm, bà nội chắt bóp rồi cũng sắm đủ áo the khăn lượt, cả giày và ô nữa. Cha tôi thương mẹ, đến tiền giấy bút cũng dám xin, sách học thiếu thốn, may được mấy thày quý nết chăm học, tư cấp chút đỉnh.

Năm 1920, ông nội ra tù, về mở hiệu thuốc Bắc. Cha tôi toan xin ra dạy tiểu học để đỡ gánh nặng gia đình. Bà không cho, bắt phải học lên cao đẳng. Học bổng trường Cao đẳng Sư phạm mỗi tháng 25 đồng cũng là món tiền to. Năm 1924, cha tôi ra trường, được bổ đi dạy trung học ở Nam Định rồi Hải Phòng. Ít lâu sau cha tôi gửi về 1000 đồng giúp ông nội làm nhà. Ông nội chỉ dùng hết 700 đồng xây một nhà gạch to làm nơi thờ và xây một tường hoa đắp nổi câu thơ :
Yêu hoa phải mượn tường che gió
Thích nước nên xây bể trước nhà.

Gia cảnh từ bấy giờ mới đỡ gieo neo. Tuy vậy bà nội vẫn chưa được thư nhàn, vì con dâu thứ hai đần; bà phải quán xuyến việc nhà cho tới lúc qua đời.

Tôi được biết bà nội khi bà đã ngoài 50 tuổi. Kỷ niệm xưa nhất còn nhớ là cảnh bà gào thét thương con trai út (tức chú Bổng) qua đời đột ngột. Chú đang đùa với tôi ở nhà trên thì bỗng bảo tôi : Hai chú cháu chạy thi xuống nhà ngang xem ai tới trước thì được ăn cháo nào ! Chú bỏ guốc chạy. Lúc tôi chạy đến nơi thì đã thấy chú nằm vật ra giường, thổ huyết ồng ộc. Cha tôi lay gọi : Bổng ơi, Bổng ơi ! Tỉnh lại đi em ! Nhưng chú đã không bao giờ còn trở dậy nữa. Bà nội vật vã đập đầu vào tường gào khóc. Anh Hoa, người lực điền giúp việc dang tay ngăn lại : Cụ ơi, cụ ơi ! Cụ tĩnh trí lại đi ! Năm đó tôi mới lên 4 nhưng vẫn còn nhớ hình ảnh ấy lâu lắm. Sau này làm cha, tôi mới có dịp thấm thía nỗi đau của người mất con. Chú Bổng là con trai út, học giỏi, rất hiếu thuận, vừa thi đậu tú tài toàn phần. Chú bị lây bệnh phổi của chị cả (bác Ba Bồ) trong quá trình săn sóc chị. Cái chết của con gái lớn và con trai út vì bệnh lao là đòn chấn thương vô cùng lớn đối với bà nội. Chính bà đã chăm sóc cả hai người.

Bà nội trút hết tình thương cho các cháu nội ngoại. Trại Cau từng là thế giới của lũ chúng tôi thủa ấy, nhiều khi có đủ mặt các con bác Ba Bồ, cô Tư Hàm, cô Cả Trực với lũ cháu nội ngoại chúng tôi. Thôi thì tha hồ lội ao bì bõm, chán lại đi đúc dế, bắt cồ cộ, câu cá, trèo nhãn, khế. Tối tối, chúng tôi hò hét ầm ỹ chơi thả đỉa ba ba, chơi xỉa cá mè đè cá chép. Bà nội ngồi trên tam cấp nhà trên vừa nhai trầu vừa âu yếm nhìn các cháu đùa nghịch. Bà chăm chúng tôi hơn cả mẹ : bữa ăn, bà trông cho đứa nào cũng ăn no. Chiều đến, bà trông cho chúng tôi tắm rửa. Bà vá quần áo cho các cháu. Cháu nào cũng tranh ngủ với bà.

Các cô các chú tôi rất mực kính trọng bà nội, một điều “Thưa Đẻ” hai điều “Thưa Đẻ” … Cha tôi mỗi lần về thăm nhà đều không quên ghé chợ Khâm Thiên mua chục bìa đậu phụ nướng, bọc trong khăn tay về biếu mẹ. Bà nội ưa những món giản dị như rau, đậu, canh cua đồng nấu khoai sọ và rau đay, rau muống nấu canh tương điểm tý gừng. Bà thường ăn sau, ngồi đầu nồi, chọn ăn miếng vừng, miếng cháy, xới cho cháu bao giờ cũng xới vơi cho cơm tơi ra. Mọi việc thổi nấu bà làm hết. Tới bây giờ tôi còn ưa hương vị các món ăn bà nấu, đặc biệt món canh cua rau rút xen khoai sọ và rau muống luộc đánh giấm bằng lá chua me, chấm tương. Bà làm tương rất giỏi, thứ tương đậu để nguyên cả hạt, nếp cái ngả hoa cau, đựng trong mấy chiếc chum to để góc sân, càng để lâu càng ngọt càng sánh.

Bà nội biết tính các con. Cơm cho cha tôi bao giờ cũng có món rau lang luộc chấm mắm ngon vắt chanh. Bà đặc biệt quý chú Hai Kha [tức Thiều Chửu Nguyễn Hứu Kha], con người đạo đức vẹn toàn, tình cảm sâu, ý chí lớn. Chú theo Phật giáo Đại thừa, không xuất gia, ngày ăn một bữa, tối ngủ không màn, lấy hiệu là “Lạc Khổ”, nghĩa là tìm niềm vui trong cái khổ của sự cứu nhân độ thế.

Chú Kha ăn mặc cực kỳ giản dị : áo vải đen, quần nâu, chân đi guốc mộc, cưỡi cái xe đạp tồng tộc. Quá giờ ngọ thì chú không ăn nữa. Chú bảo : chính ngọ là giờ tội nhân dưới địa ngục được ăn, người tu hành tránh ăn vào lúc khác, sợ tiếng bát đũa làm họ nhớ bữa. Bà nội dành riêng một niêu đất để nấu cơm chú. Ngoài rau, bao giờ bà cũng thêm đĩa lạc rang. Chú ăn kham khổ lắm, người gày xác, nhưng chăm tập võ nên không mấy khi đau yếu. Chú làm việc ở chùa Quán Sứ, tuần nào cũng về thăm cha mẹ. Bà nội ngồi trông cho con trai ăn từ lúc đọc kinh ngọ phạn. Bao giờ bà cũng gọi chú là “anh Hai”, giọng nói âu yếm xen nể trọng.
*
* *
Chịu ảnh hưởng của chú Hai Kha, tối tối bà nội đều cầu kinh. Chẳng rõ bà đọc kinh gì, nhưng chắc chắn bà niệm “A di đà Phật” hàng trăm lượt. Cái tràng hạt của bà đã tính sắn mấy chục viên huyền, cứ đến viên mã não to là hết một lượt. Bà niệm Phật không cần bàn thờ. Phật tại tâm “Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”. Tinh lý Phật giáo là lòng từ bi hỉ xả với mọi chúng sinh. Bà theo Phật hay Phật trùng bản tính bà ? Có nhẽ điều sau đúng hơn.

Bà nội là lòng từ thiện hóa hình. Bà giàu vô biên tình thương : thương chồng con họ hàng, thương láng giềng làng xóm, thương đến cả mọi người. Thương một cách chân thành. Tôi đặc biệt quý và tự nguyện suốt đời học bà nội điểm này. Khó lắm ! Nhiều người từ thiện vì tính toán, bố thí kẻ nghèo nhưng cay nghiệt với người ăn kẻ ở, với cả chính bản thân mình. Họ xem của bố thí là cách đổi mua một chỗ ở trên thiên đường sau này, biến bàn thờ Phật thành một thứ sạp “Tình thương”, có đặc điểm đến đứa trẻ cũng có thể cảm nhận được bằng trực giác. Điều đó cắt nghĩa có những người cố làm điều thiện mà vẫn ít được người ưa. Họ sống cô đơn ngay giữa những người thân. Bà nội không làm việc phát chẩn, tô tượng, đúc chuông. Bà không ồn ào làm việc nghĩa, nhưng mà sao ai cũng thích gần gũi bà.

Trại Cau chẳng mấy khi vắng khách. Các cháu gọi bà bằng cô, dì ở đây hàng năm. Các cháu nội ngoại thì cứ sau mỗi dịp giồ tết thường ở lại chơi cả tuần cả tháng. Bà xem người giúp việc chẳng khác gì người nhà; cùng ăn, cùng ngủ một giường, kiểu giường ghép hai tấm phản chạy suốt gian nhà, mắc cái màn cũng chạy suốt gian, hàng bảy tám người nằm vẫn rộng. Cùng trong xóm cả, nhưng nhà cụ Tú Hai cổng đóng im ỉm suốt ngày, đến con chó cũng lây tính của chủ, dữ lạ lùng. Mỗi khi có việc đến nhà cụ, chúng tôi phải trèo lên góc ruối đã rồi mới dám gọi cửa. Hai mẹ con cụ Tú sống phong lưu nhưng âm thầm cách biệt. Ngược lại, cổng nhà cụ Cử mở toang suốt ngày.

Bà nội quan tâm đến cả xóm, nhất là những gia đình nghèo như nhà Ba Bùng, bà Hai Tại, ông Bô Bình, anh Tới … Sau giậu cúc tần, lụp xụp mấy túp tranh cột tre khẳng khiu. Bà Ba Bùng đẻ dày, thường ngồi mớm cơm cho con trên bậc cửa, những đứa trẻ nhỉnh hơn thì ở truồng, mũi thòng lòng xuống cái bụng ỏng những con giun sán. Ông Bô Bình tai điếc đặc, chiếc quần vá chằng vá đụp, tối tối vẫn lấy cái nong rách làm cửa. Họ thường vay gạo cụ Cử. Bà nội nào có dư dật gì cho cam, nhưng cũng chưa từ chối, cũng chưa bao giờ đòi nợ.

Việc bà quan tâm đến mọi người cũng tự nhiên như hít thở khí trời vậy, hồn hậu, giản dị. Tôi thường cùng bà tiếp hành khất đến nhà. Không hối hả ném cho đồng xu để người ta rút nhanh, bao giờ bà cũng lân la hỏi nguồn cơn, chốc chốc lại chép miệng : “Rõ khổ ! Khốn nạn”. Rồi bà bảo tôi : Con đong biếu bác bơ gạo ! Tôi phóng lên buồng, vọc tay xuống vại gạo. Bà nội trân trọng trút gạo vào bị người ăn xin, trân trọng đáp lại lời cảm ơn của họ.

Hàng tháng thường có hai ni cô đến quyên giáo. Hai cô trạc hai mươi tuổi, nâu sồng từ quần áo đến khăn đội đầu. Đứng dựa vào bức tường gần gốc lựu, tay khẽ hươ gậy ngăn chó, họ đồng thanh đọc bài giảng kinh khá dài. Hai bà cháu ngồi kính cẩn lắng nghe giọng thanh thanh như hát. Dứt lời hai cô đưa tay nải ra : Kính xin gia chủ lòng thành bố thí ít nhiều ! Họ nhận gạo xong, đôi bên nghiêng mình chào “A di đà Phật !”

Nhớ lại năm đói 1945 khủng khiếp. Chúng tôi đã có lúc nuốt không trôi thìa cám quấy muối vừa nồng vừa đắng bà nội nấu thử thay bữa khoai lang. Xóm Trại hẻo lánh xa mọi đường cái, chỉ những người quen mới tới. Như chị Vĩnh. Đó là một người khó biết tam tuần hay tứ tuần, gương mặt lúc nào cũng u uất, đen xạm, xấu xí, tùm hụp trong chiếc khăn vuông. Chiếc váy vá chằng vá đụp. Chị đôi khi lên Trại Cau xin việc. Năm ấy đói quá, chị Vĩnh ngày ngày đi mót khoai, hái rau dại. Trong chiếc ống bơ chị lúi húi đun nấu, tôi thấy cả sâu khoai và lá bạc thau lẫn vài rễ khoai. Chị sợ chú Ba Nghiêm, chỉ loanh quanh ngoài bờ rào. Nếu không có chú Ba Nghiêm, bà đã đón chị vào trong nhà. Năm ấy rét ghê rét gớm. Chú Nghiêm thường rầy bà : Đẻ buồn cười thật, của đâu mà bạ ai cũng cho ?

Chú Hai Kha tìm hết cách cứu tế. Chú lượm được chừng hai chục trẻ em lưu lạc , tổ chức thành đoàn trẻ tế sinh, nuôi dạy vừa học vừa làm. Bà nội gỡ hai chiếc chăn Nam Định để may áo rét cho chúng. Thay vì chăn đắp, bà trải ổ rơm cho chúng tôi ngủ. Nằm ổ rơm khoái cực ! Cứ tha hồ nhún nhảy cho đến khi chúi vào chiếu ngủ khì.

Bà nội ít đi chơi. Thương chú Ba Nghiêm nhiều con, vợ đần, bà quán xuyến việc nhà cho tới lúc rời xóm Trại. Dăm bảy tháng một lần, bà lên phố thăm cụ Tú Ba, tiện thể ghé thăm con trai thứ hai (chú Hai Kha) làm ở chùa Quán Sứ. Bà mặc áo dài the, hai vạt trước thắt bỏ múi. Một sợi xà tích lủng lẳng bên sườn đeo một ống vôi. Chiếc cối trầu cuộn trong túi vải giắt hầu bao. Với chiếc dép quai trâu có một quai xâu ngón trỏ, một quai quàng cổ chân và chiếc nón tu-lờ, nom bà như bà lão từ cổ tích Tấm Cám bước ra. Tôi khóc lóc đòi theo, bà bảo cháu không lội qua “Rộc” được. Bà đi tắt cánh đồng lên Ô Cầu Dền, qua một đầm nước lớn. Đêm ngủ vắng bà, chiếc phản gỗ dâu chông chênh như trong sa mạc. Chiều hôm sau bà về. Bà gọi các cháu lên chia quà : một phẩm oản, vài quả chuối tiêu. Mỗi đứa được một rẻo oản và một khúc chuối. Chúng tôi khoái lắm, mút nhấm hàng giờ thưởng thức “quà của bà” !

Rất ít khi bà về quê họ Phạm; con gái xưa, lấy chồng coi như từ giã hẳn quê cha ! Bà cũng không bao giờ đi chơi nhà thông gia. Vườn trại mệnh mông cuốn bà vào cơ man nào công việc không tên : rau cỏ, sân sướng, lợn gà, ngả tương, bổ cau, bện chổi, trông nom các cháu, săn sóc ông nội … Cái linh hồn ấy của Trại Cau không thể vắng lấy vài ngày ! Chúng tôi cũng không thể quan niệm cuộc sống thiếu bà hàng ngày. Nhớ một lần cha tôi bắt xuống Hải Phòng học, ở với mẹ chưa được một hôm, tôi đã nằng nặc đòi trả về Hà Nội vì nhớ bà da diết.

Mùa thu năm Ất Dậu, cơn lốc cách mạng không chỉ giật tung xích xiềng giam trói cả dân tộc mà còn mở toang mọi cổng ngõ cuộc sống người Việt bấy lâu quanh quẩn trong phạm vi gia đình. lần đầu tiên thế giới tuổi thơ của tôi vượt ra khỏi quỹ đạo xóm Trại. Tổng khởi nghĩa ! Cướp chính quyền ! Cái xóm chừng vài ba chục hộ bỗng bừng bừng náo nức. Một buổi sáng, tất cả rầm rộ kéo lên làng, kiêu hãnh với ngọn cờ đỏ phấp phới dẫn đầu. Tới đê Kim Liên (La Thành), chúng tôi trố mắt trước cảnh tượng từng toán thanh niên xếp hàng ba chạy rầm rập, miệng hô : 1, 1, 1-2-1, 1-2, 1-2 … giáo mác đòn càn tua tủa. Rồi các bà các chị cũng hàng ngũ, thậm chí cả trẻ con nữa. Nghễu nghện một cái biển cói quét chữ trắng: “Đòi cơm áo !” Chú Ba Nghiêm bảo : Câu ấy hay đấy !

Người người dồn cả về bãi rộng trước chùa Kim Liên. Tôi lách cái đầu trọc vào đám đông như một kẻ đi xem hội, bất chấp tiếng sụyt của những người có đội ngũ. Tôi thấy một thanh niên âu phục chỉnh tề, mũ ca lô màu cỏ úa, nói gì khá dài, rồi anh bỗng thét lớn :

— Lý Trước ! Đưa triện đây !

Ông lý trưởng nhà ngay sau nhà tôi, áo the khăn xếp trịnh trọng, hai tay run run dâng nộp đồng triện, biểu tượng của chính quyền cũ. Anh cán bộ Việt Minh đề nghị ông Cẩm và chú Ba Nghiêm làm chủ tịch và phó chủ tịch chính quyền mới. Tất cả giơ tay tán thành. Rồi chào cờ, ai cũng nắm tay giơ ngang vai, hát Tiến Quân Ca. Mít tinh tan nhưng chẳng ai về. Trên làng đã cờ nào đội nấy, lại rầm rập tập các thao tác quân sự cơ bản. Đoàn xóm Trại tiu nghỉu trở về, vẫn ngọn cờ hồng dẫn đầu, nhưng sao tôi thấy nó chán thế : vừa nhỏ vừa không đúng quy cách, màu thì như màu hạt mùng tơi, sao thì rụt cổ, bé tí tẹo. Cũng chẳng trách được. Chẳng ai chỉ dẫn gì, tối qua chú Ba Nghiêm nghe nói cờ đỏ sao vàng thì vội cắt bức trướng bằng vóc đai hồng mừng ngày ông nội thi đỗ cử nhân, màu sắc đã không đỏ lại bị thời gian ngót nửa thế kỷ lấy đi quá nửa sắc thắm.

Xóm Trại quyết không chịu tiếng lạc hậu.

Từ buổi ấy cuộc sống trong xóm như chia làm hai nửa : ban ngày vẫn nhà nào lo việc nhà nấy, ban đêm sống cho đất nước. Cái nửa sau mới đày thú vị. Ai cũng mong chóng hết ngày, chưa nhọ mặt đã ùa ra xóm. Chẳng cần đóng cổng, chẳng cần coi nhà. Việt Nam độc lập rồi, ăn trộm là hèn, là nhục. Đám mấy sân gạch liền kề các nhà ông Hai Trước, bà Ba Bề, ông Năm Bớt bỗng tự nhiên thành quảng trường của xóm ! Trẻ con, người lớn, theo lứa tuổi và theo giới tìm đến nhau thành hàng đội tự phát. Các cụ, các mẹ có con mọn thì ngồi xem. Tiếng gậy giả súng khua lạch cạch. Tiếng hô 1-2, 1-2, 1-2-1, … náo động. Hăng nhất là cánh “Phụ nữ cứu quốc”, chân quấn xà cạp, đầu chít khăn chẽn, say sưa đồng ca : “Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong ! Nước nam đang chờ mong tay ngươi ! Hồn sông núi, khí thiêng ghi muôn đời …”

Ông nội nằm nhà một mình. Chân ông liệt đã lâu. Ông không ngủ. Ông cũng rạo rực lắng nghe âm thanh vận hội mới. 25 năm trước, ngày rời tù Côn Đảo, ông những tưởng “chuyện cứu nước đã lùi vào trong mộng” (thơ khai bút xuân 1921 của ông nội) nay bỗng thành thắng lợi kiến tại. Cuộc cách mạng này kỳ diệu thật, nó không do các thức giả tiến hành như thời ông làm. Nó là của toàn dân. Cụ Cử bà và lũ trẻ lau nhau cũng nô nức nắm tay ngang vai chào quốc kỳ, hát Tiến Quân Ca ! Toàn dân vi binh !

Ít lâu sau, xóm Trại lại nô nức kéo nhau đi dự “Ngày Độc lập”. Lần này nghe nói mãi tận phủ Toàn quyền, lũ nhóc chúng tôi không được đi. Chập tối bà nội về. Bà xuống nhà ngang kể chuyện cho ông nội nghe. Khổ thân ông, mấy tháng nay ông chỉ lết được từ giường ra tới hè. Bà say sưa kể, những là người đâu mà cơ man thế, cuồn cuộn chật đường, hễ ai say nắng lập tức có xe tay đưa đi cấp cứu ngay, những là cờ đỏ bạt ngàn, những là Cụ Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, đứng xa quá, chẳng nhìn rõ được mặt, chỉ thấy ăn vận giản dị lắm, giọng ông cụ chẳng có gì quan cách ..., đọc xong cụ còn hỏi : “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không ?” Câu chuyện xoay quanh lời đồn đại về “Cụ Hồ”, nhưng chẳng ai biết Cụ Hồ là ai, cái tên nghe lạ tai quá.

Mấy hôm sau, chú Ba Nghiêm đưa về hàng loạt tài liệu, đủ cả Tuyên ngôn Độc lập lẫn chân dung Cụ Hồ, tập bài hát cách mạng. Các cụ đến chơi bình luận văn Cụ Hồ không hay bằng văn Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, nhưng dễ hiểu. Tiếp đó chính phủ tổ chức “Tuần lễ vàng”. Nhà chỉ có bà và thím Ba có hoa tai. Thím Ba hiến đôi khuyên. Bà nội góp đôi hoa tai ngày cưới, cất hàng mấy chục năm nay. Ai cũng hỉ hả có phần hiến dâng Tổ quốc.

Rồi quân Tàu tới, lê những bước chân phù trong bộ quân phục vàng úa nhưng lại hung hăng khua lựu đạn chày đe nẹt dân chúng. Lũ Tàu ô mua bán như cướp, trả bằng tiền Quốc tệ, chẳng ai biết đem tiêu ở đâu được.

Rồi quân Anh giúp Pháp gây hấn ở Sài Gòn. Rồi tướng Leclerc dẫn binh đoàn thiết giáp nhông nháo vào Hà Nội. Dồn dập mít tinh và biểu tình. Mọi người hồi hộp theo dõi thời sự cách mạng, lồng ngực căng phồng không khí chính trị, cả bà, nội, ông nội cũng như các cháu. Ai cũng mong có khách đến chơi để biết thêm tình hình đất nước.

Anh cán bộ Việt Minh cũng hay nghỉ lại nhà tôi. Bà chăm sóc “anh cán” như chăm sóc chúng tôi. Sáng hôm đầu tiên anh ngủ lại, bà tìm thấy trong chăn có rận. Bà chép miệng : Cán bộ Việt Minh khổ thế đấy ! Người nào cũng nghèo xác nghèo xơ. Anh cán ít nói, đi suốt ngày, khuya mới về. Việc nước dồn dập.

Hôm quân Pháp hành binh xuống Nam Định, ghé qua xóm Trại xin nước uống, cả đêm xóm Trại lo chúng tập kích Hà Nội. Chú Bá Nghiêm vốn khéo tay, hì hà hì hục xẻ gỗ làm súng kíp. Hôm thử súng, thỏi sắt chốt nòng văng đi, gây vết thương đầm đìa trên chán chú. Nhưng chẳng ai sợ. Hăng lắm !

Tháng 7 năm 1946, tôi tạm biệt xóm Trại và cũng là tạm biệt tuổi thơ, theo cha mẹ lên phố chuẩn bị vào trường trung học. Từ đứa trẻ học loanh quanh ở nhà chuyển sang học trường, lại được học năm đầu tiên của nền giáo dục mới, tôi thích lắm, nhưng cũng vất vả lắm ! Gần như quên hết cuộc sống gia đình, tôi chúi mũi vào các khoa học lạ tai : vật lý học, hóa học, vạn vật học, lại thêm Anh ngữ, Pháp ngữ.

Năm ấy Hà Nội vào đông sớm quá. Vừa chớm vài tuần hanh heo, đã nổi gió bấc ào ào quét đuổi lá bàng dọc phố. Ngày nào tôi cũng dậy từ tinh mơ cho kịp đến trường. Trong bộ short xoàng xĩnh và lạc điệu khi hàn thử biểu đã xuống dưới 15 độ, tôi đi bộ từ đường Lê Thánh Tông đến trường Chu Văn An, xuyên suốt 5 cây số phố phường Hà Nội, bụng không hạt cơm. Nhưng tôi chẳng bận lòng. Tôi còn miên man trước thế giới học thuật rộng mở và tiền đồ của Tổ quốc. Thủ đô cảm nhận rõ hơn đâu hết từng bước đi của lịch sử dân tộc.

Đặt chân được ở Hà Nội, Cao ủy D’Argenlieu hung hăng đảy tới cuộc xung đột Việt – Pháp. Sư đoàn cơ giới của tướng Morlière nhâng nháo, xông lên cả vỉa hè. Những xe thiết giáp như con bọ hung đâu cũng sục vào. Ở những điểm gác chung, anh Vệ Quốc nhỏ bé với cây súng trường cổ lỗ đứng nghiêm trang bên cạnh thằng lính Pháp cao lớn với khẩu Thompson chéo vai, nện giày đinh lấc láo nhòm khách đi đường. Giặc toan dùng sức mạnh vũ khí bóp chết nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trẻ tuổi.

Sang tháng 12, không khí Hà Nội như trong chiếc nồi áp suất cao. Số các vụ khiêu khích chiến tranh tăng lên vùn vụt. Hàng vạn dân tản cư. Trong nhà chỉ mỗi tôi và anh cả bám trụ lo học. Buổi tan học ngày 16 tháng 12 năm 1946, tôi không sao vào nhà được vì lính Pháp cố ý đậu xe tăng ngăn cổng và chĩa khẩu Canon Vingt lên gác hai nhà tôi. Đành tìm về Trại Cau ! Than ôi, chỉ có im lặng tuyệt đối ngự trị. Mọi người đã tản cư về Đông Phù cả rồi. Còn mỗi cô Tái giúp việc. Chú Ba Nghiêm bận việc trên làng suốt đêm ngày 17 và 18. Tôi vẫn kiên trì đi học, tuy lớp chỉ còn vài người. Sáng 19 tháng 12, cô Thừa bất chợt đến. Cô buồn thiu xoa đầu tôi dặn : Cô định về thăm bà, nào ngờ bà đi tản cư rồi. Cháu xuống Đông Phù sau nhé, thưa với bà rằng cô không kịp ghé chào bà. Cô phải vội quay về thu xếp, tình hình rục rịch đánh nhau to rồi.

Tôi suýt òa khóc chia tay người cô phúc hậu và có số phận hẩm hiu nhất nhà. Đã vào đông sâu lắm. Trời xám như chì. Rét ngăn ngắt. Từ Trại Cau nhìn lên thành phố, thông thống một không gian im vắng. Vẳng tiếng còi xe bí bo. Vẳng tiếng đoàn tàu vẫn bò trên đường sắt như con cuốn chiếu. Tôi ngẩn ngơ ra vào khu trại thiếu hơi người. Gian “buồng gạo”, còn gọi là “buồng bà”, cỗ hậu sự của bà nội nằm im lìm. Cái mắc áo cạnh cửa rỗng không. Mọi bận chơi ú tim, tôi thường hay đứng dưới nó, nấp sau chiếc áo the của bà nội. Mới đó mà đã 4 tháng. Tôi bỗng bùi ngùi tiếc những ngày chưa cắp sách đến trường, nhận ra ngay cả tuổi niên thiếu của mình vẫn thèm khát lắm bóng rợp của tình bà nội.

Tôi không được chứng kiến những năm cuối của bà nội. Tiếng súng xâm lược trở lại của bọn Pháp khốn kiếp đã đảo lộn toàn bộ cuộc sống bình thường của bao người. Một ngày mùa thu năm 1949, trong căn nhà tranh lụp xụp ở bản Nà Đồng gần phố Kéo Coong huyện Bình Gia tỉnh Lạng Sơn, mấy bố con tôi tổ chức truy điệu bà nội sau khi được thư của chú Hai Kha. Thư báo : Đẻ bị gãy chân trong lúc chạy giặc càn ở Phúc Yên. Chúng em hết sức chữa chạy, nhưng Đẻ không qua khỏi. Chúng em để Đẻ yên nghỉ trên quả đồi thoáng đãng thuộc Vĩnh Yên. Đẻ không trăng trối lại điều gì. Cũng như ông nôi, bà nội thế cũng là chết vì tay giặc Pháp. Căm thù lắm lắm. Cái chết của bà nội còn tội hơn : xa quê hương, chỉ có hai con trai ở bên. Cỗ hậu sự con trai lớn sắm cho mẹ bao năm cất giữ, giờ vào tay ai ? Trước bàn thờ có đĩa cơm nếp và nén hương; trong cảnh kháng chiến gian nan ở Việt Bắc nhiều khi nửa năm không biết tới hạt cơm, lòng thành với Mẹ chỉ đến thế là gắng nhất ! Gần đủ chị em chúng tôi nghiêng mình thành kính nghe cha tôi nói tóm tắt cuộc đời bà nội. Tôi không nén được thổn thức nhớ bà, thương bà, ân hận không được hầu bà những phút cuối cùng. Cha tôi nói rất lâu về các phẩm chất nhân hậu, cần kiệm của bà, có ý mong muốn chúng tôi noi theo. Những điều ấy đối với tôi đã là cảm nhận trực tiếp, cụ thể 8-9 năm tuổi thơ được sống với bà, làm sao tôi quên được !

Thiên hạ ưa viết về công danh sự nghiệp của người đã khuất. Bà nội chẳng danh nọ chức kia gì cả. Bà trọn đời là một phụ nữ, lao động chân tay, thương chồng, quý con, chiều cháu. Bà như mọi người đàn bà nông dân Việt Nam hồn hậu, giản dị. Nhưng đại dương nguy nga há quên mạch nước nguồn; đỉnh non chất ngất chẳng bắt đầu từ đất mẹ ? Huống chi dòng họ Nguyễn Đông Tác đã có đóng góp cho đất nước : từ cụ Hữu Cầu đến cụ Hữu Tảo, Hữu Kha rồi không ít hậu duệ đã xứng đáng được xã hội kính trọng. Chúng tôi bao giờ cũng nghĩ về bà nội với cảm tưởng biết ơn và tự hào được có trong mình dòng máu thanh khiết ấy.

Riêng với cuộc đời 50 năm trong sạch của mình, kỷ niệm về Trại Cau, về bà nội luôn luôn như một mảng sáng lấp lánh và ấm áp không bao giờ tắt trong tôi./.

Thái Bình, mùa hè năm Giáp Tý (1984), tháng 7.
Nguyễn Hải Đạm nghĩ sao viết nấy trên máy chữ.