Nguyễn Hòa:

Mười thế kỷ văn học qua 24 chuyên luận chuyên sâu

(Đọc Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX những vấn đề lý luận và lịch sử, do PGS TS Trần Ngọc Vương chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội 2007)

Mấy năm gần đây, việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các vấn đề lịch sử văn học dân tộc như không còn là nhu cầu nghiên cứu của một số tác giả, mà đã trở thành yêu cầu bức thiết của ngành nghiên cứu văn học khi hướng sự quan tâm tới tiến trình văn học quá khứ. Dù có thể còn một số hạn chế, thậm chí là hạn chế cốt tử, thì với sự ra đời các công trình Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa (PGS TS Trần Nho Thìn), Văn học trung đại Việt Nam - quan niệm con người và tiến trình phát triển (PGS TS Nguyễn Hữu Sơn), Văn học Việt Nam thế kỷ XX (GS Phan Cự Đệ - chủ biên)… đã cho thấy phần nào tính quan thiết của vấn đề. Trong bối cảnh ấy, tôi đã đọc công trình Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử - (910 trang, khổ 16x24) gồm 24 chuyên luận của nhiều tác giả nổi tiếng và một số tác giả trẻ, do PGS TS Trần Ngọc Vương chủ biên, với sự trân trọng và muốn giới thiệu cùng bạn đọc. Tuy nhiên do khuôn khổ bài viết, nên ở đây tôi chỉ giới thiệu (trong tâm thế phản biện) một số vấn đề theo tôi là cơ bản và phải lướt qua một số vấn đề khác, cho dù chúng cũng không kém phần quan trọng.

1. Nghiên cứu lịch sử văn học dọc theo tiến trình lịch sử trong tương quan với bối cảnh xã hội, xưa nay vốn là con đường ít nhiều dễ đi, phần nào đáp ứng được yêu cầu xã hội - văn học của sự nghiên cứu. Nhưng đây cũng là con đường luôn tiềm ẩn khả năng đẩy tới các khảo chứng xã hội học máy móc, khuôn sáo (nhiều khi là thô thiển), và trên một phương diện nào đó còn làm ảnh hưởng tới việc khám phá đặc trưng của văn học nói chung, đặc trưng của văn học trong từng thời kỳ lịch sử nói riêng. Không đi theo con đường ấy, Văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX, những vấn đề lý luận và lịch sử đã chọn hướng đi được giới thuyết trong Phần mở đầu do PGS TS Trần Ngọc Vương thực hiện có nhan đề Tiến tới xác lập hệ quy chiếu mới cho việc nhận thức lại văn chương truyền thống. Trong chuyên luận này, dựa trên các tiêu chí hệ hình, Trần Ngọc Vương đề xuất “chia toàn bộ lịch sử văn học viết Việt Nam ra làm hai thời đại văn học lớn, lấy mốc phân giới là những năm bản lề của hai thế kỷ XIX - XX” (tr.6). Thiết nghĩ đây là ý tưởng sát hợp với sự vận động của văn học viết ở Việt Nam từ thế kỷ X đến nay, vì nếu lấy cột mốc từ những năm bản lề nói trên chúng ta sẽ thấy, dù có chuyển dịch hay biến động thì văn học viết ở Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước vẫn là một hệ hình có nhiều khác biệt so với văn học viết ở Việt Nam trong thế kỷ XX. Chứng minh cho đề xuất, PGS TS Trần Ngọc Vương dành nhiều trang sách khảo sát, phân tích, đánh giá các xu hướng nghiên cứu lịch sử văn học trong thế kỷ XX trên cả hai miền Nam - Bắc. Sự phân tích, đánh giá được tiến hành trên diện rộng, từ công trình nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam do một số học giả người Pháp “thời thực dân” tiến hành, do các nhà nghiên cứu “Tây học” thuộc thế hệ làm khoa học văn học đầu tiên ở Việt Nam thực hiện, đến các thế hệ kế tiếp về sau. Ông kết luận: “Một công trình văn học sử thực thụ phải hoặc trình bày chính diện một lý luận về lịch sử văn học và triển khai vận dụng nó nhất quán và toàn diện trong công trình cụ thể đó, hoặc qua cách tái hiện lịch sử văn học phải làm toát lên những tư tưởng cơ bản của lý thuyết mà tác giả chia sẻ, vận dụng” (tr.9) và “Một công trình nghiên cứu văn học sử phải hình dung cho được lịch sử sự vận động của đối tượng là văn học, vừa thông qua việc trình bày diện mạo tổng thể của từng thời đại, thời kỳ, giai đoạn, thời đoạn văn học, vừa giới thiệu và đặt định vị trí của tác giả, tác phẩm tiêu biểu trong tiến trình văn học của thời đoạn, giai đoạn, thời ký, thậm chí tác động của các tác giả ấy, tác phẩm ấy đến cả thời đại văn học” (tr.9).

Từ giới thuyết, PGS TS Trần Ngọc Vương xác định mục tiêu, chủ điểm nghiên cứu của công trình là: “không hướng tới mục tiêu biên soạn lại một bộ lịch sử văn học hay một bộ giáo trình văn học sử… Trọng tâm của công trình là những bài viết mang tính chuyên khảo, chuyên luận có dung lượng vừa và nhỏ… làm sáng tỏ hơn một số những vấn đề có tầm quan trọng hàng đầu trong việc nhìn ra một hệ quy chiếu mới đối với lịch sử văn học viết, cả từ góc độ lý luận lẫn từ góc độ lịch sử, một cố gắng của một tập thể khoa học nhằm tạo ra những bình diện và phương hướng tiếp cận mới, hy vọng nhờ thế mà tính quy luật của đối tượng nghiên cứu trở nên sáng tỏ những đặc điểm, đặc trưng của nền văn học dân tộc đươc tô đậm thêm” (tr.34 - 35). Thiết nghĩ đó là điều khả thể và hữu dụng song trên thực tế, dù đã xác lập được một phương pháp nghiên cứu phù hợp với đối tượng và một mục đích nghiên cứu cụ thể, các tác giả vẫn khó có thể triển khai một cách nhất quán; bởi dù sao đây cũng là nghiên cứu của một tập thể tác giả có trình độ nghiên cứu khác nhau, nhất là khi trong công trình lại có mặt một số chuyên luận mà dường như chỉ là “mông má” các sản phẩm từng được công bố từ trước, thì “cái mới” sẽ là một thách thức không dễ vượt qua.

2. Phần một của công trình có nhan đề Một số vấn đề chung và phương pháp nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam gồm bốn chuyên luận, bởi đây là giới thuyết về phương pháp nghiên cứu nên tôi tập trung khảo sát kỹ hơn:

- Về chuyên luận Khả năng phát triển tri thức lý luận từ thực tế nghiên cứu văn học sử của PGS TS Trần Ngọc Vương. Qua trình bày và phân tích, tác giả cho rằng, bộ môn lý luận văn học ở Việt Nam “vốn được du nhập vào đời sống văn chương qua ngả đường đại học, khi công việc nghiên cứu, phê bình văn học đã đi được một thôi đường khá dài” (tr.39), song do tính chất “được du nhập”, do “những xác tín lý luận cụ thể” mà càng về sau, sự chậm trễ trong việc đáp ứng yêu cầu đổi mới về lý luận ngày càng bộc lộ, đẩy tới tình trạng dường như “nhất thành bất biến” của lý luận văn học, và nó nhanh chóng phải đối mặt đồng thời khó có thể thích ứng với những vấn đề mới nảy sinh từ sự vận động của thực tiễn văn học, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng tới việc trang bị công cụ lý thuyết cho (của) người nghiên cứu. Từ thực tế đó, tác giả đề xuất: “Do tính khả biến cao độ, thậm chí là tính vô định của phương thức tồn tại của ngôn ngữ, văn học thường xuyên được nghiên cứu trong mối quan hệ với các sáng tạo bằng ngôn ngữ khác, chẳng hạn như triết học, sử học… rộng hơn; nhưng ngày nay lại có xu hướng phục hồi cung cách ấy đó là hướng nghiên cứu liên ngành văn học - văn hóa” (tr.46), và có thể nói, liên ngành văn học - văn hóa là hướng đi mà người chủ biên công trình lựa chọn.

- Về chuyên luận Phương pháp tiếp cận văn hóa học trong nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam của PGS TS Trần Nho Thìn. Trong chuyên luận, tác giả tập trung phân tích, khẳng định các ưu thế của phương pháp tiếp cận văn học từ văn hóa học, để đề xuất hướng nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam từ góc độ văn hóa học. Ông cho rằng: “Phương pháp này tuy có tính cách tổng hợp, trung gian giữa các phương pháp đọc văn bản khác nhau nhưng vẫn có đặc trưng riêng biệt. Nó thiên về nhiệm vụ giải mã các hình tượng nghệ thuật, tìm ra nét thời đại của tác phẩm” (tr.47). Thiết nghĩ, phương pháp nghiên cứu liên ngành văn hóa học - văn học là khả thi, có thể giúp đưa tới phát hiện mới. Song với việc cho rằng: “Phương pháp văn hóa học cũng không xa lạ với các phương pháp hình thức như chú giải học, lý thuyết liên văn bản hay chủ nghĩa cấu trúc” (tr.54) và “Tiếp cận văn hóa học cũng có điểm gặp gỡ với thi pháp học” (tr.57) thì xem ra phương pháp này đã phải “phân thân” để thực hành quá nhiều góc độ tiếp cận, liệu một tiếp cận đa diện như thế có thể đạt tới kết quả sâu sắc, triệt để khi nghiên cứu hay không? Mặt khác xét đến cùng, mỗi phương pháp nghiên cứu văn học đều “giải mã” tác phẩm trên một phương diện nào đó, như vậy có nên coi giải mã là đặc trưng riêng biệt của phương pháp văn hóa học? Rồi nữa, định nghĩa văn hóa: “là các giá trị hình thành trong các mối quan hệ ứng xử căn bản: ứng xử xã hội, ứng xử thiên nhiên và ứng xử với bản thân” (tr.58) dường như là sự lắp ghép quan niệm về văn hóa của giá trị học và xã hội học văn hóa. Điều đó không sai nhưng khó có thể tiếp cận đa diện và phổ quát về tác giả, tác phẩm, khó làm nổi bật vấn đề mỗi tác phẩm văn học trước hết là một “tác phẩm văn hóa”. Vả lại, định nghĩa trên mới chỉ ra được một chiều của quan hệ giữa giá trị và ứng xử, ấy là khi các ứng xử sơ khai trong quan hệ với xã hội, thiên nhiên, con người đã được rút đúc trở thành các giá trị. Nhưng theo chiều ngược lại (chiều này biểu thị cho năng lực và phẩm chất văn hóa, cho năng lực tự ý thức của con người), khi các giá trị đã hình thành, chúng lại đóng vai trò chi phối trực tiếp đối với các ứng xử của con người. Vậy có thể coi định nghĩa về văn hóa trên đây còn phiến diện?

- Vê chuyên luận Căn rễ văn hóa của nền văn học thời Lý - Trần của PGS TS Nguyễn Hữu Sơn. Tác giả khảo sát trên một bình diện rộng, không chỉ văn chương mà còn có các loại hình nghệ thuật khác cùng thời kỳ để làm nổi bật quan hệ giữa căn rễ văn hóa truyền thống bản địa với các ảnh hưởng văn hóa từ nước ngoài mà nổi bật là văn hóa Phật giáo. Tác giả cho rằng: “Một mặt, căn rễ văn hóa vốn có nguồn gốc sâu xa, tạo lập nên truyền thống và thường có tính bền vững, nhiều khi tác động của các biến cố, sự kiện chỉ lay chuyển lâm thời trên bề mặt đời sống xã hội mà không làm thay đổi được căn bản các hằng số giá trị tinh thần và các quan niệm nhân sinh, quan niệm thẩm mỹ về văn học nghệ thuật” (tr.96). Góc nhìn này là thỏa đáng về lý luận và thực tiễn văn hóa, vì dù có biến thiên đến thế nào thì tác phẩm văn học vẫn không thể thoát lý ra khỏi “căn tính văn hóa” của cộng đồng đã khai sinh ra nó. Ở thời Lý - Trần cũng vậy, quá trình tiếp biến văn hóa và vai trò của Phật giáo dù to lớn đến đâu vẫn phải có một “độ khúc xạ” nhất định (để làm nên một “Phật giáo Việt Nam”?). Từ các phân tích cụ thể, PGS TS Nguyễn Hữu Sơn kết luận: “căn rễ văn hóa thời đại đã chi phối sâu sắc tất cả những phương diện nội dung và nghệ thuật thơ văn Lý - Trần” (tr.98).

- Về chuyên luận Văn chương khoa cử - sản phẩm đặc trưng của giáo dục Nho học Việt Nam của PGS TS Nguyễn Văn Thịnh. Nhìn vào bố cục, dễ hình dung đây là bộ phận “lạc lõng” so với chủ đề toàn phần, nhưng xét kỹ, đây lại là quan niệm đúng mà một số công trình nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam chưa đề cập hoặc mới chỉ lướt qua. Dẫu thế nào thì văn chương khoa cử vẫn là một bộ phận của văn học. Với tất cả sự nghiêm cách của nó, có thể coi văn chương khoa cử như là cái gạch nối giữa các tiêu chí chính trị - đạo đức của xã hội với văn chương Việt Nam ở các thời kỳ trước thế kỷ XX. PGS TS Nguyễn Văn Thịnh viết: “Các nhà nghiên cứu cho “văn dĩ tải đạo” là quan niệm phổ quát của nhà nho đối với văn chương nói chung, điều đó hoàn toàn là đúng; nhưng theo chúng tôi, nó đúng trước nhất ở văn chương khoa cử. Và cũng chính từ quan niệm này, văn chương khoa cử đã được sùng kính, tôn trọng và được coi là chính thống, “chính đạo” là quan thiết đến “đạo trị”, đến “thế đạo nhân tâm”…” (tr.102). Chuyên luận của PGS TS Nguyễn Văn Thịnh thật sự là một tài liệu nghiên cứu cần thiết giúp tham khảo, bổ sung hiểu biết đối với dòng văn chương vốn được coi là hàn lâm, mực thước ở Việt Nam trước đây. Chuyên luận đưa tới cái nhìn mới qua một phác dựng chi tiết về văn chương khoa cử, từ nội dung đến thủ pháp nghệ thuật, nổi lên là thể loại “văn sách đình đối” được nghiên cứu rất công phu, vì đây là thể loại “biểu hiện về kinh học và đạo học ở trình độ cao” (tr.111), mang “tinh thần khẳng định Nho giáo” (tr.113).

3. Phần hai có nhan đề Mối quan hệ và sự giao lưu giữa văn học viết Việt Nam thời trung đại với các nền văn học khu vực và với folklore. Như vậy, phần này đề cập tới hai quan hệ: giữa văn học viết Việt Nam thời trung đại với “các nền văn học khu vực” - tức là quan hệ bên ngoài, và giữa văn học viết Việt Nam thời trung đại “với folklore” - tức là quan hệ bên trong. Điều này làm tôi muốn đặt câu hỏi: có nên tổ chức hai quan hệ khác biệt này vào cùng một kết cấu? Tuy nhiên, gạt câu hỏi sang một bên, điều muốn nhấn mạnh là chuyên luận Văn học Đàng Trong của Cao Tự Thanh. Văn học Đàng Trong là nghiên cứu rất đáng trân trọng, tác giả có nhiều công sức sưu tầm tài liệu, tiếp cận đối tượng như một hệ thống văn hóa - văn học, phân tích, lý giải một cách chuyên nghiệp về bộ phận văn học mà chúng ta không thể không đồng ý với ông rằng: “Cho đến nay, văn học Việt Nam trước thế kỷ XX vẫn còn ba bộ phận quan trọng là văn học Đàng Trong thế kỷ XVII - XVIII, văn học thời nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh (1778 - 1802) và văn học thời Nguyễn (từ 1802 trở đi) chưa được tìm hiểu đầy đủ và kết luận thỏa đáng, trong đó văn học Đàng Trong là bộ phận khó tìm hiểu nhất. Bởi vì tuy có thời gian dài nhất (1600 - 1777), đây là bộ phận mà tư liệu còn lại ít nhất, nhưng lại là bộ phận mang nhiều biệt sắc nhất trong văn học viết dân tộc thời phong kiến từ hoàn cảnh phát sinh tới quá trình phát triển, từ nội dung tư tưởng tới hình thức nghệ thuật. từ cơ cấu lực lượng sáng tác tới phương thức hoạt động văn chương…” (tr.270). Hơn nữa, phải nhất trí với ông là: “Việc mau chóng lấp kín khoảng trống đáng tiếc này trong văn học sử Việt Nam vì vậy là một nhiệm vụ không cần bàn cãi nhiều hơn…” (tr.270). Từ quan niệm biện chứng về lịch sử, Cao Tự Thanh xác lập góc nhìn về văn học Đàng Trong: “trước tiên phải đặt nó trở vào bối cảnh văn hóa ở đó nó phát sinh và phát triển. Bởi vì khác với nhiều bộ phận văn học địa phương khác, văn học Đàng Trong đã xuất hiện đúng vào một giai đoạn mà cũng là thời kỳ mới của tiến trình văn hóa Đại Việt và là một bộ phận địa phương đặc biệt tiêu biểu cho một giai đoạn văn học đặc biệt, văn học Đàng Trong cũng mang các đặc điểm và giá trị của nó những động thái văn hóa đặc thù” (tr.270), đây là một quan niệm đúng và chính xác. Đặt văn học Đàng Trong trong tiến trình văn hóa Việt Nam ở Đàng Trong (một khái niệm địa - chính trị), Cao Tự Thanh nghiên cúu những biến thiên phức tạp không chỉ về chính trị - kinh tế mà còn là tình thế chuyển dịch văn hóa, tiếp biến văn hóa để đi tới một định tính rằng, Đàng Trong là “một địa bàn liên tục tiếp nhận các nhóm cư dân có nguồn gốc khác nhau và do đó cũng có hoạt động giao tiếp xã hội lồng trong quá trình song ngữ và song văn hóa” (tr.277). Tất cả đã làm nên cơ sở để tác giả nghiên cứu, đánh giá tác phẩm của nhóm Chiêu Anh Các, của Đào Duy Từ, Nguyễn Phước Nguyên, Nguyễn Hữu Dật, Mạc Thiên Tích, Nguyễn Cư Trinh… So sánh, đối chiếu với sáng tác văn chương cùng thời ở Đàng Ngoài, Cao Tự Thanh làm nổi bật được đặc điểm chung - riêng của văn học Đàng Trong so với văn học Đàng Ngoài, vừa về căn bản văn hóa, vừa về sự kết hợp nhiều động thái tư tưởng, xã hội và nghệ thuật của một bộ phận trí thức dân tộc trên vùng đất mới… Với 77 trang, chuyên luận Văn học Đàng Trong của NNC Cao Tự Thanh là một nghiên cứu chuyên sâu, nhiều phát hiện mới, là kết quả làm việc đáng để những ai quan tâm tới văn học Đàng Trong nên tìm đọc.

Trên một bình diện khác, Văn học cổ điển Việt Nam trong bối cảnh văn học Đông Á của PGS TS Đoàn Lê Giang lại có dáng dấp một bài giảng (giáo trình?) hơn là một chuyên luận khoa học, ít nhất cũng ở chỗ: khó có thể nhận ra đâu là ý tưởng chủ đạo, xuyên suốt của chuyên luận. Với một trình bày thiếu mạch lạc và bằng các so sánh đồng đại, tác giả không làm nổi bật được vấn đề văn học cổ điển Việt Nam có diện mạo ra sao trong bối cảnh văn học Đông Á. Và tôi muốn hỏi: Liệu bối cảnh văn học có đồng nghĩa với tiến trình văn học để có thể tác giả khảo sát theo chiều đồng đại? Đó là chưa nói, trong toàn bộ công trình, nếu các tác giả khác sử dụng khái niệm “văn học trung đại Việt Nam” hoặc gần như thế, thì tác giả này lại sử dụng khái niệm “văn học cổ điển Việt Nam” mà không giới thuyết tại sao. Phải chăng theo Đoàn Lê Giang, khái niệm văn học trung đại Việt Nam và khái niệm văn học cổ điển Việt Nam là đồng nhất về nội hàm? Chuyên luận của Đoàn Lê Giang làm tôi nhớ tới tham luận Thời trung đại trong văn học các nước khu vực văn hóa Hán mà ông trình bày tại hội thảo Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế do Viện Văn học và Harvard - Yenching Institute (Hoa Kỳ) tổ chức tại Hà Nội tháng 11.2006, vẫn phong cách nghiên cứu như thế, tác giả không làm nổi bật được ý tưởng thực sự của tham luận, chủ tọa nhắc đến ba lần mà ông loay hoay không biết tóm tắt ra sao. Và có điều gì đó khôi hài khi thấy PGS TS Đoàn Lê Giang dẫn lại một suy biện chủ quan của ông Lê Mạnh Thát rằng “Phật giáo truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương (khoảng thế kỷ III - II tr.CN) thông qua con đường Chiêm Thành” (tr.210). Và, như phỏng theo phong cách của Lê Mạnh Thát, ông Đoàn Lê Giang đưa ra phát hiện: “Theo nguyên tắc ô trống có thể suy đoán rằng: trước thế kỷ X chắc đã có thơ tiếng Việt. Nếu vậy thì thể thơ ấy là gì, như thế nào? Chúng tôi cho rằng: cần phải coi thơ tối cổ của người Việt là loại thơ hai tiếng, tiếc rằng vì nhiều lý do chúng đã không được sưu tập, giữ gìn, đến nay chỉ còn tàn tích của nó qua đồng dao và một số bài coi là ca dao. Từ thơ hai tiếng thơ Việt phát triển lên thành bốn tiếng, rồi từ đó mới thành sáu tiếng và tám tiếng, tức thể thơ lục bát sau này. Đây là thơ hai tiếng: Nu na - Nu nống - Cái bống - Nằm trong - Con ong - Nằm ngoài - Củ khoai - Chấm mật. Đây là thơ hai tiếng phát triển thành bốn tiếng: Tay cầm con dao - Làm sao cho chắc - Để mà dễ cắt - Để mà dễ chặt - Chặt lấy củi cành... Thơ bốn tiếng phát triển dần lên thành sáu tiếng và tám tiếng: Rồng rắn lên mây - Có cây lúc lắc - Có nhà hiển vinh - Thầy thuốc có nhà hay không?” (tr.333 - 334). Theo trình bày trên để xem xét thì đúng là ông Phó Giáo sư Tiến sĩ nghiên cứu theo lối “gọt chân cho vừa giày”. Ông ghép hai câu cuối của một bài đồng dao vốn rất phổ biến (không tính tới các dị bản) là Hỏi thăm thầy thuốc - Có nhà hay không? thành một câu, rồi cắt bỏ hai chữ Hỏi thăm để có được một câu gồm sáu chữ: Thầy thuốc có nhà hay không? và thế là ông đã truy lùng được “thủy tổ” của thơ lục bát! Nghiên cứu đến thế này thì chỉ còn biết botay.com. Mong sao ngày nào đó, ông Đoàn Lê Giang sẽ phân tích, chứng minh giúp một người đọc không có chức danh, học vị như tôi được tỏ tường đâu là “tính thơ” trong ví dụ về “thơ hai tiếng”, “thơ bốn tiếng” mà ông đã đưa ra?

Ở Phần hai, với chuyên luận của PGS Trần Nghĩa, tuy chưa có nhiều phát hiện mới, chưa vượt qua một số nghiên cứu trước đó, song phải thừa nhận rằng PGS Trần Nghĩa đã rất công phu phục dựng một toàn cảnh theo cả hai chiều lịch đại và đồng đại, đặng giúp vào sự tiếp nhận, hình dung về quan hệ giữa văn học Việt Nam với văn học Trung Quốc trong nhiều thế kỷ. Riêng chuyên luận của GS TS Kiều Thu Hoạch, cần ghi nhận ông đã có một số phát hiện, như về tính độc đáo của hai thể loại truyện lịch sử và truyện thơ Nôm trong quan hệ với văn học dân gian.

4. Phần ba có nhan đề Các quá trình vận động của loại hình tác giả, chủ đề, đề tài và hình tượng nhân vật trung tâm trong văn học trung đại Việt Nam. Ở phần này, các tác giả tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề thuộc về nội dung nghệ thuật của văn học trung đại, như chuyên luận Mấy phương diện thẩm mỹ của thơ Nho gia và thiền gia (qua khảo sát một số trường hợp thơ viết về thiên nhiên) chẳng hạn. Đây là một phân tích cho thấy mối giao cảm tinh thần giữa nhiều thi nhân lớn thời trung đại với thiên nhiên luôn là gắn kết thẩm mỹ tinh tế, vừa là cảm xúc vừa là ý chí, là khí phách của mỗi người. Từ quan hệ khó có thể rạch ròi giữa Nho giáo và Phật giáo trong thực tế tinh thần “viên dung tam giáo” của thời đại, các tác giả chuyên luận phát hiện được một điều thú vị là đã có một “sự bổ sung và giao thoa của hai loại quan niệm thẩm mỹ” (tr.375) để tạo nên “nét đặc sắc” trong tác phẩm của Vạn Hạnh, Tuệ Trung, Nguyễn Trãi…

Là sản phẩm nghiên cứu của một trong số ít chuyên gia văn học trung đại Việt Nam, chuyên luận của PGS Bùi Duy Tân đã thể hiện một tác phong làm việc nghiêm túc, cẩn trọng khi bàn tới “thơ vịnh sử”. Theo ông, dù là thể tài ngoại nhập, và được nghiên cứu khá muộn, thơ vịnh sử vẫn là bộ phận hợp thành của thơ ca trung đại, đó là “loại thơ sử luận đồng thời cũng là loại thơ nhân cách luận” (tr.507-508) với đặc trưng thi pháp là “ngôn chí tải đạo, thể hiện chức năng giáo hối… bình luận, đánh giá, suy tư mang phong cách chính luận… Thống nhất giữa chân thực lịch sử với hiện thực cuộc sống”. Từ việc khảo sát thơ vịnh sử theo quan niệm của người Trung Hoa tới sự có mặt của các tác phẩm thuộc thể loại này ở Việt Nam, PGS Bùi Duy Tân cho rằng: “Thơ vịnh sử, hằng số giá trị của nó chính là tâm thức suy tôn danh nhân lịch sử văn hóa đất nước. Hãy làm cho thơ vịnh sử, trước hết là những bài thơ hay đến với đại chúng như những bài ca yêu nước và tự hào dân tộc” (tr.522).

Đọc trong liên hệ, tôi thấy có sự “quá gần gũi” giữa chuyên luận Các loại hình tác giả trong văn học thời Lý - Trần với chuyên luận Sự chuyển biến của loại hình tác giả và những động thái đặc thù của một quá trình văn học sử (khảo sát giai đoạn từ thời Vãn Trần đến Lê sơ) bởi dấu ấn của GS Trần Đình Hượu và PGS TS Trần Ngọc Vương để lại hơi đậm nét. Thậm chí, ThS Đỗ Thu Hiền không thoát khỏi ảnh hưởng của GS Trần Đình Hượu, ở một vài đánh giá quan trọng, tác giả này đều phải viện tới ý kiến của Giáo sư. Phân tích về sự thăng trầm của giới trí thức trong sự lên ngôi rồi thất thế của Phật giáo, sau đó là sự lên ngôi của Nho giáo, có thể khác nhau về thời gian lịch sử, về độ ngắn - dài, về tư liệu sử dụng,… nhưng kết luận cuối cùng hai chuyên luận trên đây rút ra về loại hình tác giả văn học trung đại Việt Nam đều là: Thiền sư, quý tộc và Nho sĩ - quả là một sự trùng lặp đáng quan tâm!

Với Loại hình các nhân vật trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ X - XIX của PGS TS Đỗ Lai Thúy, phần lớn nội dung của chuyên luận đã được phổ biến trước khi có mặt trong công trình này. Như quan niệm về nhân vật mang tính vô ngã, nhân vật quân tử, nhân vật tài tử chí ít Đỗ Lai Thúy cũng đã trình bày trong cuốn Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa xuất bản năm 2005. Đỗ Lai Thúy copy gần như toàn bộ các nội dung có liên quan từ cuốn sách Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa vào chuyên luận. Tôi nói hầu như vì Đỗ Lai Thúy cũng sáng tạo đôi chút, tỷ như ông đã tân trang khái niệm “mẫu người văn hóa” thành khái niệm “loại hình các nhân vật trong lịch sử văn học” và chính điều này lại làm xuất hiện vấn đề mẫu người văn hóa có nội hàm tương đương với loại hình các nhân vật văn học hay sao? Và do sự coppy này, chuyên luận còn chứa đựng một việc oái oăm nữa, na ná như “treo đầu dê…”, là ngoài cái nhan đề liên quan đến “các nhân vật”, còn trong toàn bài thì “các nhân vật” mất hút, chỉ còn lại toàn là “con người”. Mặt khác, nếu tiến hành đối sánh thì khái niệm “loại hình các nhân vật trong lịch sử văn học” Đỗ Lai Thúy sử dụng cũng chẳng mấy khác biệt so với khái niệm “loại hình tác giả” mà Đỗ Thu Hiền và Nguyễn Tuấn Anh sử dụng. Kể cũng vui, cứ như là… hai trong một! Đó là chưa nói Đỗ Lai Thúy không giới thuyết tại sao ông lại xem Tuệ Trung Thượng sĩ, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du… là “nhân vật” văn học chứ không phải là “tác giả” văn học, vậy theo ông thì nên hiểu như thế nào đây?

N.H. (báo Văn nghệ, số 24, ngày 14-6-2008)