Trang nhà > Văn chương > Nghiên cứu > Diễn từ tưởng niệm Dostoievski (2)
V. Soloviev
Diễn từ tưởng niệm Dostoievski (2)
Thứ Sáu 20, Tháng Sáu 2008
Trong Diễn từ I, triết gia 29 tuổi Soloviev cắt nghĩa một cách hân hoan về sự xuất hiện của tiểu thuyết gia thiên tài Dostoievski trên văn đàn hiện thực không mấy sáng sủa của nước Nga thời đó. Bằng trái tim mẫn cảm và trí tuệ hiền minh, Soloviev đã chỉ ra điểm khác biệt cơ bản đồng thời là bước tiến lớn ở Dostoievski: "...Vấn đề xã hội đã được ông lập tức đặt lên trên cơ sở đạo đức và thực tiễn. Nhìn thấy và lên án những gì diễn ra trên thế gian, ông tự hỏi: thế thì phải làm gì?"
Diễn từ II
(Thuyết trình ngày 01 tháng Hai năm 1882)
Tôi sẽ chỉ nói về cái chủ yếu nhất và quan trọng nhất trong sự nghiệp của Dostoievski. Với thiên bẩm phong phú và phức tạp như ở Dostoievski, với tính mẫn cảm và năng lực phi thường vọng đáp mọi hiện tượng cuộc sống mà ta thấy ở ông, thế giới tinh thần của ông là một khối tình cảm, tư tưởng và chí hướng quá to lớn và đa dạng để có thể tái tạo lại nó trong một bài nói ngắn. Nhưng vọng đáp tất cả với một nhiệt tâm như thế, Dostoievski luôn luôn coi chỉ một điều là chính yếu và tất yếu tuyệt đối, mà tất cả những cái khác phải ăn khớp với nó.
Tư tưởng trung tâm ấy, mà Dostoievski phụng sự bằng toàn bộ hoạt động của mình, là tư tưởng của đạo Kitô về sự thống nhất tự do của toàn thể nhân loại, về tình bác ái toàn thế giới trong Kitô. Dostoievski đã cổ xúy cho tư tưởng ấy khi ông nói về Giáo hội chân chính, về Chính giáo toàn thế giới, cũng ở tư tưởng ấy ông nhìn thấy bản chất tinh thần còn chưa phát lộ của dân tộc Nga, nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới của nước Nga, cái Lời mới mà nước Nga phải nói với thế giới. Mặc dù đã 18 thế kỷ trôi qua từ khi Lời ấy lần đầu tiên được Kitô tuyên cáo, nhưng ngày nay nó lại là một lời hoàn toàn mới, và một người cổ xuý cho tư tưởng Kitô giáo như Dostoievski xứng đáng được gọi là "nhà dự cảm thấu thị" của đạo Kitô chân chính.
Đối với ông Kitô không chỉ là một thực tại của quá khứ, không phải là một hiện tượng huyền diệu xa xôi và không thể hiểu được. Nếu nhìn nhận Kitô như thế, thì dễ có thể biến Người thành một hình tượng chết cứng mà người ta thờ phụng trong các thánh đường vào những ngày lễ, nhưng không có chỗ cho Người trong cuộc sống. Khi ấy thì đạo Kitô sẽ tự khép kín bên trong những bức tường của thánh đường và toàn bộ biến thành nghi lễ và sự cầu khấn, còn cuộc sống hành động thì toàn bộ vẫn mang tính phi Kitô giáo. Một Giáo hội ngoại tại như thế vẫn mang trong mình một tín ngưỡng chân chính, nhưng tín ngưỡng ấy ở đây yếu ớt đến nỗi chỉ đủ cho những giây phút lễ hội. Đó là đạo Kitô tại thánh đường. Nó phải tồn tại trước mọi thứ, bởi vì trên thế gian cái bên ngoài có trước cái bên trong, nhưng một mình nó không đủ. Có một dạng thức hay đẳng cấp khác của đạo Kitô, ở đây tôn giáo ấy đã không thỏa mãn với việc làm lễ ở nhà thờ mà muốn chỉ đạo cuộc sống hành động của con người, cho nên nó bước ra khỏi thánh đường và nhập cư vào các cư xá của loài người. Phận sự của nó là đời sống nội tâm cá nhân.
Kitô xuất hiện ở đây như một lý tưởng đạo đức tối cao, tôn giáo tập trung vào đạo đức của con người và công việc của nó được quan niệm là sự cứu rỗi từng linh hồn con người riêng lẻ. ở một đạo Kitô như thế cũng có tín ngưỡng chân chính, nhưng cả ở đây nó vẫn còn yếu ớt: nó chỉ đủ cho đời tư và những công việc riêng của con người. Đó là đạo Kitô tại gia. Nó cũng phải tồn tại, nhưng cả với nó cũng vẫn còn chưa đủ. Bởi vì nó để lại ở bên ngoài mình toàn bộ thế giới nhân loại, tất cả các công việc xã hội, dân quốc và quốc tế - tất cả cái đó nó để lại và uỷ thác cho quyền lực của các thế lực độc ác, phản Kitô giáo. Nhưng nếu đạo Kitô là chân lý tối cao, tuyệt đối thì tình hình không thể như thế được. Đạo Kitô chân chính không thể chỉ là đạo tại gia cũng như không thể chỉ là đạo tại thánh đường - nó phải là đạo hoàn vũ, nó phải lan tỏa khắp nơi, bao quát toàn nhân loại và tất cả mọi công việc của con người.
Và nếu Kitô quả là hiện thân của chân lý thì Người không thể chỉ là hình tượng nơi thánh đường hoặc lý tưởng của những cá nhân: chúng ta phải thừa nhận Người như là một khởi nguyên có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, như là căn cứ sống động và hòn đá tảng của toà nhà Giáo hội toàn nhân loại. Tất cả mọi công việc và quan hệ trong nhân loại phải được điều khiển ở cấp cuối cùng bởi chính cái nguyên tắc đạo đức mà chúng ta tôn thờ trong các thánh đường và thừa nhận trong cuộc sống gia đình của mình, tức là nguyên tắc tình yêu, hòa hợp tự do và thống nhất huynh đệ.
Dostoievski tuyên xưng và tuyên cáo một đạo Kitô hoàn vũ như thế.
Đạo Kitô tại thánh đường và tại gia tồn tại trong thực tế - đó là thực tại. Đạo Kitô hoàn vũ còn chưa có trong thực tế, nó mới chỉ là nhiệm vụ, mà nhiệm vụ to lớn làm sao, xem ra vượt quá sức con người. Trong thực tại mọi công việc trong nhân loại - chính trị, khoa học, nghệ thuật, kinh tế xã hội, còn nằm ở ngoài nguyên lý Kitô giáo; chúng không kết đoàn lại với nhau những con người, mà phân chia và chia rẽ họ, bởi lẽ tất cả những công việc ấy bị chi phối bởi chủ nghĩa ích kỷ và lợi ích riêng tư, bởi sự ganh đua và đấu tranh và đẻ ra áp bức và bạo lực.
Hiện thực là thế, thực tại là thế. Nhưng công trạng, nhưng toàn bộ ý nghĩa của những con người như Dostoievski chính là ở chỗ họ không quy phục trước sức mạnh của thực tại và không phụng sự nó. Đối đầu với sức mạnh thô bạo ấy của cái hiện tồn, ở trong họ có sức mạnh tinh thần của niềm tin vào chân lý và cái thiện - niềm tin vào cái phải có. Không bị cám dỗ bởi sự thống ngự thấy được của cái ác và không vì nó mà chối từ cái thiện không thấy được đã là kỳ công của đức tin. Toàn bộ sức mạnh của con người là ở đây. Ai không có khả năng làm nên kỳ công ấy, người ấy không làm nên được gì hết và không nói được gì cho nhân loại. Những con người của thực tại sống bằng cuộc sống của những người khác, tự họ không sáng tạo nên cuộc sống. Sáng tạo nên cuộc sống là những con người của đức tin. Đó là những người thường bị gọi là những kẻ mộng mơ, những kẻ không tưởng, những gã khờ - chính họ là những nhà tiên tri, là những phần tử ưu tú thực sự, những lãnh tụ của nhân loại. Hôm nay chúng ta tưởng niệm một con người như thế.
Không hoang mang bởi tính phản Kitô giáo của toàn bộ cuộc sống và hoạt động của chúng ta, không hoang mang bởi sự mất sức sống và bất hành động của tôn giáo của chúng ta, Dostoievski tin tưởng và truyền giảng một đạo Kitô sống động và năng động, một Giáo hội hoàn vũ, một cơ đồ Chính giáo toàn thế giới. Ông không nói về cái hiện có, ông nói về cái phải có. Ông nói về Giáo hội chính thống toàn thế giới không chỉ như một định chế thần thánh trường tồn bất biến, mà còn như một nhiệm vụ đoàn kết toàn nhân loại và toàn thế giới trong Kitô và theo tinh thần Kitô - theo tinh thần tình yêu và lòng nhân từ, kỳ công và tự hy sinh. Giáo hội chân chính mà Dostoievski truyền giảng là Giáo hội toàn nhân loại trước hết theo nghĩa là trong nó phải biến mất hoàn toàn sự phân chia nhân loại thành những bộ tộc và dân tộc kình địch và thù địch lẫn nhau.
Tất cả chúng, không đánh mất bản tính mà chỉ tự giải phóng khỏi chủ nghĩa vị kỷ dân tộc của mình, có thể và phải liên kết với nhau trong một sự nghiệp chung - phục sinh toàn thế giới. Vì vậy mà khi nói về nước Nga, Dostoievski không thể ngụ ý một sự phân lập dân tộc. Ngược lại, toàn bộ ý nghĩa của nước Nga được ông nhìn thấy ở sự phục vụ cho đạo Kitô chân chính, mà ở đấy không phân biệt người Hy Lạp hay người Do Thái. Có điều ông xem nước Nga là một dân tộc được Chúa Trời tuyển chọn, nhưng được tuyển chọn không phải để kình địch với các dân tộc khác và không phải để thống trị và cầm đầu họ, mà để tự do phụng sự tất cả các dân tộc và để thực hiện, trong liên minh anh em với họ, một nhân loại toàn vẹn chân chính, hay là Giáo hội hoàn vũ.
Dostoievski không bao giờ lý tưởng hóa dân tộc mình và không sùng bái nó như một thần tượng. Ông tin vào nước Nga và tiên đoán cho nó một tương lai vĩ đại, nhưng cái tư chất hứa hẹn tương lai ấy trong mắt ông chính lại là sự yếu ớt của chủ nghĩa vị kỷ và của tư tưởng ngoại biệt dân tộc trong dân Nga. Trong nhân dân Nga có hai nét đặc biệt quý giá đối với Dostoievski. Thứ nhất, đó là năng lực phi thường hấp thụ tinh thần và tư tưởng của các dân tộc khác - đặc tính này được thể hiện rõ nét nhất trong thơ Pushkin. Đặc điểm thứ hai còn quan trọng hơn mà Dostoievski đã chỉ ra trong dân Nga - đó là ý thức về sự tội lỗi của mình, về sự không thể biến cái bất hoàn hảo của mình thành luật và quyền, rồi yên lòng vì đã làm được điều đó; từ đấy mà có sự đòi hỏi một cuộc sống tốt hơn, nỗi khao khát sự thanh tẩy và kỳ công.
Không có cái đó thì không thể có hoạt động chân chính cho con người riêng lẻ cũng như cho toàn thể dân tộc. Dù sự sa ngã của cá nhân con người hay dân tộc có trầm trọng đến đâu đi nữa, dù cuộc sống của nó có tồi tệ đến đâu đi nữa, nó có thể thoát khỏi cuộc sống ấy và cất mình lên cao, nếu nó muốn, tức là nếu nó thừa nhận thực tại xấu xa của mình chỉ là cái xấu xa, chỉ là thực tại lẽ ra không được có và không biến thực tại xấu xa ấy thành quy luật và nguyên tắc bất di bất dịch, không biến tội lỗi của mình thành lẽ phải. Nhưng nếu cá nhân con người hoặc dân tộc không dàn hòa với thực tại tồi tệ của mình và lên án nó như là một tội lỗi thì cái đó đã có nghĩa là ở nó có một quan niệm, hay một ý tưởng, hay dù chỉ một dự cảm về cuộc sống khác tốt đẹp hơn, về cái phải có. Chính vì thế mà Dostoievski khẳng định rằng nhân dân Nga, bất chấp hình ảnh dã thú thấy được ở nó, mang trong tâm khảm một hình ảnh khác - hình ảnh Kitô - và khi thời cơ đến sẽ cho tất cả các dân tộc thấy rõ hình ảnh ấy, sẽ thu hút họ hướng tới nó và sẽ cùng với họ làm tròn nhiệm vụ của toàn nhân loại.
Mà nhiệm vụ ấy, tức là đạo Kitô chân chính, là nhiệm vụ của toàn nhân loại không chỉ theo nghĩa là nó phải thống hợp tất cả các dân tộc trong một tín ngưỡng, mà cái chính là nó phải hòa giải và thống hợp tất cả các công việc của loài người vào trong một công việc chung của toàn thế giới, không có công việc chung ấy thì tín ngưỡng chung của toàn thế giới sẽ chỉ là một công thức trừu tượng và một giáo lý chết cứng. Mà sự thống hợp tất cả các công việc của nhân loại ấy, chí ít cũng những công việc cấp cao nhất, vào trong một tư tưởng Kitô giáo Dostoievski đã không chỉ truyền giảng, mà đến mức độ nhất định còn cho thấy trong hoạt động của chính mình.
Là một người mộ đạo, ông đồng thời là một nhà tư tưởng hoàn toàn tự do và một nghệ sĩ đầy sức mạnh. Ba mặt ấy, ba công việc cấp cao ấy nơi ông không phân giới và không bài trừ nhau, mà không chia cắt cấu thành toàn bộ hoạt động của ông. Trong những xác tín của mình ông không bao giờ tách biệt cái thiện với cái chân và cái đẹp, trong sáng tác nghệ thuật của mình ông không bao giờ đặt cái đẹp cách ly cái thiện và cái chân. Và ông đúng, bởi vì bộ ba ấy chỉ sống bằng liên minh nội tại. Cái thiện tách rời cái chân và cái đẹp chỉ là một cảm giác mơ hồ, một hứng khởi bất lực, chân lý trừu tượng là một từ ngữ rỗng tuyếch, còn cái đẹp không có bên mình cái thiện và cái chân chỉ là thần tượng vô hồn.
Đối với Dostoievski đó là ba dạng thức không thể cách ly của một ý tưởng tuyệt đối. Bản tính vô tận của tâm hồn con người có khả năng thu nạp vào trong mình toàn bộ tính vô tận của Thánh Thần - ý tưởng ấy, đã trở thành hiện thực trong Kitô, cùng một lúc vừa là cái thiện lớn nhất, vừa là chân lý cao nhất, vừa là cái đẹp hoàn hảo nhất. Chân lý là cái thiện được lĩnh hội bởi trí tuệ con người; cái đẹp cũng vẫn là cái thiện và cái chân ấy đã nhập thể thành hình thức sống động cụ thể. Và sự nhập thể đầy đủ của chúng vào tất cả sẽ là kết cục, là đích, là thể hoàn hảo, vì thế mà Dostoievski nói rằng cái đẹp sẽ cứu độ thế giới(16).
Thế giới không thể được cứu độ một cách cưỡng bức. Nhiệm vụ không phải là liên kết đơn thuần tất cả các bộ phận và các công việc của loài người vào một sự nghiệp chung. Có thể hình dung loài người đang thực hiện một nhiệm vụ vĩ đại nào đó và quy tụ về nó, đặt dưới sự chỉ huy của nó tất cả những công việc cục bộ, nhưng nếu nhiệm vụ ấy được áp đặt cho nó, nếu đối với nó nhiệm vụ ấy là một cái gì đó mang tính định mệnh không buông tha, nếu loài người được liên kết bằng bản năng mù quáng hay bằng sự cưỡng chế từ bên ngoài, thì cho dù thể thống nhất như thế đã bao trùm toàn thể loài người, đó sẽ không phải là toàn thể nhân loại chân chính mà chỉ là một "tổ kiến" khổng lồ.
Mẫu mực của những tổ kiến như thế, chúng ta biết, đã tồn tại ở các nền chuyên chế phương Đông - ở Trung Quốc, ở Ai Cập; với những kích thước không lớn trong thời mới chúng được những người cộng sản thực hiện ở Bắc Mỹ. Dostoievski với tất cả sức mạnh đã chống lại cái tổ kiến ấy, ông nhìn thấy ở nó một đối cực trực tiếp với lý tưởng xã hội của mình. Lý tưởng của ông đòi hỏi không chỉ sự thống nhất tất cả mọi người và mọi công việc con người mà cái chính là sự thống nhất mang tính người. Vấn đề không phải ở sự thống nhất, mà ở sự đồng tình tự do thực hiện thống nhất. Vấn đề không phải ở sự vĩ đại và quan trọng của nhiệm vụ chung, mà ở sự tự nguyện thừa nhận nó.
Điều kiện cuối cùng của thể thống nhất chân chính toàn nhân loại là tự do. Nhưng có gì bảo đảm rằng loài người sẽ tự do đi đến sự thống nhất, chứ không phân tán thành các phe phái thù địch và tiêu diệt lẫn nhau, như chúng ta đang thấy? Chỉ có một bảo đảm: bản tính vô tận của tâm hồn con người, nó không cho phép con người dừng lại mãi mãi ở một cái gì đó cục bộ, nhỏ nhặt và bất toàn mà bắt con người tìm kiếm và phấn đấu đạt tới một cuộc sống toàn nhân loại sung mãn, thực hiện một cơ đồ chung, toàn thế giới.
Đạo Kitô đã cho ta niềm tin vào bản tính vô tận ấy của tâm hồn con người. Trong tất cả các tôn giáo chỉ có đạo Kitô đặt bên cạnh một Thần linh hoàn hảo một con người hoàn hảo, mà trong thân thể con người ấy toàn bộ thần tính cư ngụ. Và nếu tính hữu thực đầy đủ của tâm hồn vô tận của con người đã được thực hiện trong Kitô, thì khả năng, tia lửa của tính vô tận và viên mãn ấy tồn tại trong mọi hồn người, cả ở những bậc thấp nhất của sự sa đọa của nó, và chính điều này Dostoievski đã cho thấy trong những nhân vật điển hình mà ông yêu thích. Đạo Kitô viên mãn là nhân loại vẹn toàn và cả cuộc đời Dostoievski là một cảm hứng nồng cháy về nhân loại vẹn toàn ấy.
Không muốn tin rằng cuộc đời ấy đã trôi qua một cách phí uổng. Muốn tin rằng xã hội chúng ta không phải nhẫu nhiên đã đồng tâm nhất trí đến thế thương tiếc sự ra đi của Dostoievski. Ông không để lại một lý thuyết nào, một hệ thống nào, một kế hoạch hay dự án nào. Nhưng nguyên lý và mục đích chỉ đường, nhiệm vụ và ý tưởng xã hội tối cao đã được ông đặt lên một tầm cao chưa từng thấy. Sẽ thật là xấu hổ cho xã hội Nga, nếu từ tầm cao ấy nó hạ thấp ý tưởng xã hội của mình và đánh trá sự nghiệp vĩ đại chung bằng những lợi ích nghề nghiệp và đẳng cấp nhỏ nhặt của mình dưới những chiêu bài hoa mỹ khác nhau.
Tất nhiên ai ai, kể cả những người thừa nhận sự nghiệp vĩ đại chung của toàn nhân loại, cũng đều có những công vụ và việc làm riêng của mình, có nghề nghiệp và chuyên môn riêng. Và tuyệt không cần từ bỏ chúng, nếu ở chúng không có cái gì trái ngược với luật đạo đức. Sự nghiệp toàn nhân loại sở dĩ là sự nghiệp toàn nhân loại, bởi vì nó có thể kết hợp tất cả mà không loại trừ một cái gì, ngoài cái độc ác và tội lỗi. Về phía chúng ta chỉ cần làm sao chúng ta không đặt cái phần nhỏ bé của mình vào vị trí của cái chỉnh thể vĩ đại, không biệt lập mình trong việc riêng của mình mà cố gắng gắn bó nó với sự nghiệp toàn nhân loại, không bao giờ sao lãng sự nghiệp vĩ đại ấy, đặt nó cao hơn và trước tất cả, còn tất cả những cái khác thì sẽ đến sau.
Không phải trong quyền hạn của chúng ta quyết định sự nghiệp vĩ đại thống nhất toàn nhân loại sẽ được thực hiện bao giờ và bằng cách nào. Nhưng xem nó là nhiệm vụ cao nhất của mình và phụng sự nó trong mọi việc làm của mình - cái đó ở trong quyền năng của chúng ta. ở trong quyền năng của chúng ta nói: chúng tôi muốn cái này, đây là đích tối cao của chúng tôi và ngọn cờ của chúng tôi - và chúng tôi không chấp nhận cái khác.
V. Soloviev
GS Phạm Vĩnh Cư dịch (VNN)
Xem online : Diễn từ tưởng niệm Dostoievski (1)