GS Phạm Vĩnh Cư:

Ký Ức Về Một Người Thầy Nhân Bản Nga

Nga

"Thi pháp tiểu thuyết" của Mikhail Bakhtin (1895-1975) được coi như một cuốn "Kinh thánh của các nhà tiểu thuyết", đã được GS Phạm Vĩnh Cư dịch sang tiếng Việt. Sau đây là những ký ức của GS về Người thầy Nhân bản Nga lớn nhất thế kỷ XX.

Moskva, đầu những năm 1960. Tôi theo học hồi đó tại khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Lomonosov, một trường đại học lớn nhất của Liên Xô và cổ nhất của nước Nga. Thời ấy, các khoa nhân văn-xã hội của trường còn ở cơ sở cũ, được xây dựng từ một hai thế kỷ trước, gần điện Kremli và Quảng trường Đỏ.

Ứng với ngôi trường cổ kính với những đường nét gợi nhớ kiến trúc cổ Hy Lạp là những thầy giáo già, có người rất già, còn giảng dạy ở trường cùng với các thầy cô trung niên và trẻ tuổi. Tôi nhớ, trong lễ khai giảng khóa, người thay mặt nhà trường nói lời chào mừng các sinh viên mới trúng tuyển là giáo sư Sergei Ivanovich Radtsig, một vị trưởng lão đã 83 tuổi, tóc râu trắng như tuyết, nhưng mặt còn hồng hào và giọng còn sang sảng.

Giáo sư Radtsig dạy Văn học Hy Lạp. Những buổi giảng của thầy ở giảng đường lớn tập hợp sinh viên không chỉ của khoa Ngữ văn còn cả các khoa khác, thậm chí cả các trường khác đến nghe chật ních giảng đường. Thầy Radtsig giải thích tận tường cho chúng tôi về thần thoại Hy Lạp, tín ngưỡng, triết học, văn hóa Hy Lạp, so sánh nó với văn hóa các dân tộc khác ở vùng Ðịa Trung Hải. Những lúc cao hứng, thầy đọc thuộc lòng (nói đúng hơn là ngâm hát từng đoạn dài) trong lliat và Ôđixê bằng tiếng Hy Lạp cổ.

Tôi mê những bài giảng của thầy, và qua chúng, mê văn học Hy La đến nỗi, sau mấy lần nói chuyện với thầy trong giờ giải lao, tôi xin thầy nhận tôi làm học trò, cho tôi chuyển từ bộ môn Văn học Nga sang bộ môn Văn học cổ, bởi vì, tôi nói với thầy, nước Việt Nam cũng sẽ cần có những chuyên gia về văn học Hy Lạp. Thầy Radtsig vui vẻ trả lời: “Ðược thôi, nếu anh muốn”, rồi suy nghĩ một lát, thầy nói tiếp: “Thế nhưng, mặc dù tôi còn biết quá ít về đất nước anh, tôi vẫn có cảm tưởng rằng văn học Nga gần gũi và cần thiết cho các bạn hơn. Văn học Nga to lớn và nhân bản vô song. Hãy trung thành với văn học Nga, hỡi người thanh niên!”.

Lời khuyên của thầy đã quyết định sự lựa chọn nghề nghiệp của tôi.

Một danh nhân nổi tiếng còn hơn thầy Radtsig hồi đó ở khoa Ngữ văn là giáo sư Sergei Mikhailovich Bondi - chuyên gia hàng đầu về Pushkin, người biên khảo các bộ Toàn tập Pushkin do Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô xuất bản. Thầy Bondi hồi ấy cũng đã ngoài 70 tuổi, nhưng tác phong thì nhanh nhẹn, hoạt bát như thanh niên. Thầy dạy hai chuyên đề: Những hình thức và thể loại thơ ca Nga và Sáng tác của Pushkin. Tôi theo cả hai chuyên đề, ngày càng bị sự chinh phục bởi học vấn uyên bác, trí thông tuệ kết hợp với óc hóm hỉnh rất có duyên ở thầy.

Giải thích cho chúng tôi những cơ sở âm luật, vận luật, tiết điệu thơ Nga, thầy bộc lộ những hiểu biết sâu sắc đáng ngạc nhiên về toán học, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc và đặc biệt là âm nhạc (sau này chúng tôi mới biết thời trẻ thầy đã học ở nhạc viện và bây giờ vẫn chơi vĩ cầm ở nhà, mà đệm piano cho thầy chính là vợ thầy, ngày xưa cũng là sinh viên Nhạc viện Tchaikovsky). Còn về Pushkin chúng tôi có cảm tưởng rằng thầy thuộc lòng toàn bộ thơ văn Pushkin, và nhớ từng ngày từng giờ trong tiểu sử của ông. Nhưng ở thầy Bondi, cũng như ở thầy Radtsig, sự uyên thâm thông tuệ gắn liền rất tự nhiên với đức khiêm tốn. Trong một lần trả bài tại nhà riêng, nghe chúng tôi bày tỏ sự thán phục đối với một bài viết của thầy về bi kịch Mozart và Salieri của Pushkin, thầy Bondi trầm ngâm một lúc, rồi nói: “Dẫu sao, tôi vẫn chủ yếu là nhà văn bản học, tôi khảo cứu văn bản, còn giải thích văn bản thì tôi thua xa... thí dụ Bakhtin – Bakhtin là người kiến giải văn bản thiên tài”.

Một bia tưởng niệm M.Bakhtin

Bakhtin? Người ấy là ai, mà thầy Bondi lại đề cao đến thế? Hỏi ra mới biết rằng Bakhtin là nhà nghiên cứu văn học cùng thế hệ với thầy Bondi và hiện đương sống ở... Saransk. Saransk so với Moskva thì không khác gì Pleiku hoặc Lai Châu so với Hà Nội, một thị xã hẻo lánh, thủ phủ một vùng dân tộc ít người. “Ông ấy có một cuốn sách về Dostoievski, in năm 1929, thư viện khoa học trường ta có, các em nên tìm đọc" - thầy Bondi nói tiếp - "còn mấy công trình nữa cơ, người ta bảo cũng của Bakhtin, nhưng lại mang tên người khác, tuy nhiên điều này không chính xác. Nhưng cuốn Những vấn đề của sáng tác Dostoievski thì các em nên tìm đọc cho bằng được. Tôi hy vọng đến ngày một công trình xuất sắc khác của ông ta về Rabelais cũng sẽ được công bố, đây là luận án tiến sĩ của ông ấy, hiện được lưu trữ ở IMLI (Viện Nghiên cứu Văn học thế giới)”.

Tôi chưa tìm đọc được cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski - các chị thủ thư nói rằng ở thư viện trường chỉ có một bản phải ưu tiên dành cho các thầy và nghiên cứu sinh mượn đọc - thì cuối năm 1963, sau một bức thư ngỏ thống thiết của một nhóm nhà khoa học có tên tuổi, trong đó có thầy Bondi, đăng trên Báo Văn học, cuốn sách, lần này mang tên Những vấn đề thi pháp Doxtoievski được tái bản, tên tuổi M. Bakhtin được giải phóng khỏi sự quên lãng. Chúng tôi, lũ sinh viên khoa Ngữ văn, chuyền tay nhau đọc một cuốn sách được in lại sau 34 năm và ngỡ ngàng thấy, về mọi phương diện, nó không giống một tí nào những công trình nghiên cứu văn học mà chúng tôi bấy lâu nay được hoặc phải đọc theo chương trình đào tạo. Nó không giống những công trình phê phán kịch liệt thế giới quan phản động, phi nhân đạo của Dostoievski vẫn còn rất phổ biến ở Liên Xô thời đó đã đành, nhưng nó cũng rất khác những chuyên khảo của các nhà nghiên cứu phân tích, tán dương “tài nghệ” của các đại văn hào (Pushkin, Tolstoi, Gogol, Chekhov v.v...).

Bản thân phương pháp luận của cuốn sách, cách tiếp cận và hệ quan điểm của tác giả đối với chúng tôi còn là quá mới lạ, riêng tôi, có nhiều chương đoạn hồi đó tôi không hiểu, có một số nhận định của Bakhtin tôi không đồng tình. Nhưng ấn tượng chung về cuốn sách thì thật giống như thầy Bondi nói: ấn tượng về sự gặp gỡ một trí tuệ rất lớn đi trước thời đại mình, một trí tuệ đã tìm thấy trong sáng tác của Dostoievski một mô hình tư duy nghệ thuật mới, mà mô hình ấy lại tiên đoán, dự báo cái cấu trúc quan hệ tinh thần trong thế giới con người phải được kiến tạo mai sau... Và tôi cũng cảm nhận ngay rằng Bakhtin cũng như Dostoievski là những tác giả, mà ta phải trở lại với họ nhiều lần trong cuộc đời của mình, và mỗi lần sẽ tìm ra trong trước tác của họ những khía cạnh chân lý trước kia mình chưa nhìn thấy.

Thái độ đối với cuốn sách của Bakhtin mau chóng bổ làm đôi dư luận trong giới học thuật: một số học giả có tên tuổi và chức quyền đả kích gay gắt nó (đến giờ tôi vẫn còn nhớ một bài bình phẩm khá trịch thượng của giáo sư Pospelov, chủ nhiệm tổ bộ môn Lý luận văn học của trường Lomonosov, dưới tiêu đề Cường điệu do say sưa). Nhưng, cũng tức thì, một loạt nhà khoa học trẻ và có tài suy tôn Bakhtin làm thầy và tự xem mình là những môn đệ của ông. Ở khoa Văn trường chúng tôi có một giảng viên trẻ hâm mộ cuồng nhiệt Bakhtin là Vladimir Nicolaievich Turbin. Thầy Turbin nhận hướng dẫn tôi viết luận văn tốt nghiệp (thầy Bondi do quá bận không hướng dẫn luận văn của sinh viên). Chúng tôi được biết thầy Turbin và một số thầy ở các trường và viện nghiên cứu khác thường kỳ “hành hương” về Saransk để hội kiến với Bakhtin và... tiếp phẩm cho ông, bởi vì ở vùng ấy thực phẩm tốt rất khan hiếm, mà thầy Bakhtin thì già yếu, tàn tật, gia đình neo đơn.

Rồi mùa hè 1964 đến, không ngờ là mùa hè cuối cùng của chúng tôi, những sinh viên Việt Nam học các ngành khoa học xã hội, ở Liên Xô. Một tháng trước khi chúng tôi về nước, thầy Turbin đột ngột hỏi tôi: “Em có muốn gặp Bakhtin không?”. Tất nhiên là tôi rất muốn. “Thế thì thế này: ở Penza, quê hương Lermontov, sắp có một hội nghị khoa học liên trường, em cùng mấy em nữa trong tổ xêmina sẽ đi với tôi, em sẽ đọc bài niên luận của em về Lermontov tại hội nghị ấy, sau rồi trên đường về chúng ta sẽ rẽ vào Saransk, thăm Mikhail Mikhailovich”.

Ðúng ngày giờ đã định trước, với công lệnh và tiền công tác phí được nhà trường cấp, chúng tôi ngồi vào xe riêng của thầy Rurbin và đi Penza. Chúng tôi dự hội nghị, thăm điền trang Tarkhanovo, nơi Lermontov sinh ra và sống những năm tuổi thơ, viếng mộ nhà thơ (nói đúng hơn, đây là một nhà thờ cổ, ở dưới tầng hầm có đặt chiếc quan tài bằng chì được hàn kín mà trong đó thi hài Lermontov yên nghỉ ngàn năm), rồi sau đó đi Saransk. Ðến Saransk thì trời đã tối mịt, chúng tôi tìm nhà trọ ngủ qua đêm. Sáng hôm sau, thầy Turbin bảo: “Các em chờ, tôi đến trước, xem tình hình thế nào, thầy Bakhtin có tiếp được chúng ta không”. Một lát sau, thầy trở về tươi cười: “Mikhail Mikhailovich rất vui sẽ được gặp chúng ta, nhưng cô Elena Aleksandrovna (vợ thầy) nói riêng với tôi rằng mấy hôm nay thầy mệt vì làm việc nhiều, chuẩn bị bản thảo công trình về Rabelais để đưa in, cho nên chúng ta không nên ngồi lâu, một tiếng, tiếng rưỡi là cùng”.

Xe chúng tôi đi quanh co trong thị xã không có nét nào là ngoạn mục rồi dừng lại ở một khu chung cư với những nhà hộp màu nâu sẫm, giống hệt nhau. Chui vào một gầm cầu thang khá tối tăm, leo lên gác ba, thầy Turbin bấm chuông điện. Cánh cửa mở ra ngay, chúng tôi nhìn thấy một phụ nữ già, lưng đã hơi gù, người nhỏ xíu, khô quắt như rất nhiều bà già Nga, nhưng mặt thì sáng tươi bởi nụ cười và ánh mắt. “Xin mời vào, Mikhail Mikhailovich đương chờ các bạn”- Elena Aleksandrovna nói.

Và chúng tôi nhìn thấy ngay Bakhtin. Ông ngồi bên bàn làm việc, ở góc buồng, mặt quay về phía chúng tôi, cười niềm nở. Thoạt đầu, tôi hơi ngạc nhiên, sao ông không đứng dậy bắt tay mời chúng tôi ngồi, nhưng nhìn thấy đôi nạng chống ở góc buồng, sau bàn làm việc, tôi đã hiểu tất cả. (Trên đường trở về Moskva, thầy Turbin mới cho chúng tôi biết rằng sau khi cuốn sách về Dostoievski được in, Bakhtin phải rời khỏi Leningrad, nơi ông đương sáng tác và giảng dạy, về sống ở vùng bắc Kazakhstan, nơi ấy do khí hậu khắc nghiệt quá và cuộc sống gian khổ quá, bệnh bại liệt mà ông đã sơ nhiễm từ thời còn nhỏ tái phát, và ông đã phải tháo khớp toàn bộ chân phải).

Căn buồng nhỏ, nơi Bakhtin tiếp chúng tôi, như tôi nhớ, không có cửa sổ, cho nên giữa ban ngày vẫn le lói một bóng đèn điện treo lủng lẳng. Nhưng chúng tôi không thấy thiếu ánh sáng bởi vì mọi cặp mắt đều hướng về Bakhtin. Vầng trán mênh mông của ông cùng với cặp mắt to như toả ra xung quanh một ánh sáng trong trẻo, yên tĩnh không dễ gì khuấy động. Thầy Turbin, như một người đã thân quen, giới thiệu từng người chúng tôi với Mikhail Mikhailovich. Khi được biết tôi là sinh viên Việt Nam, Bakhtin cười đặc biệt hồn hậu:
- Ðáng tiếc và cũng thật đáng xấu hổ cho tôi là tôi còn biết quá ít về nước em. Về Trung Quốc, về Nhật Bản tôi còn hiểu biết ít chút, chứ còn về Việt Nam tôi hầu như chưa biết gì, tất nhiên ngoài những tin tức trên báo chí hàng ngày... Em hãy kể một chút về mình.

Tôi ấp úng nói dăm ba câu, chủ yếu bày tỏ niềm vui sướng và vinh hạnh được gặp Mikhail Mikhailovich.

Và câu chuyện trở về với cuộc tranh luận đang diễn ra xung quanh cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski. Một người trong nhóm chúng tôi hỏi thầy đã đọc bài của ông này ông kia đả kích công trình của thầy chưa. Bakhtin gật đầu: “Ðọc rồi”.
- Thầy sẽ trả lời họ chứ?
- Tôi còn suy nghĩ, chưa chắc đã cần.
- Nhưng phê phán thầy mà lại chẳng hiểu thầy tí gì cả!
- Nếu họ đọc cả cuốn sách mà không hiểu thì làm sao có thể làm cho họ hiểu bằng một bài báo? - giọng nói của Bakhtin vẫn điềm tĩnh, nét mặt bình thản.
- Cuốn sách của thầy về Rabelais sắp ra mắt công chúng sẽ là sự trả lời tốt nhất - thầy Turbin đỡ lời. Bakhtin lặng lẽ gật đầu.
- Mikhail Mikhailovich, - thầy Turbin nói tiếp, xoay câu chuyện sang hướng khác - bây giờ chúng ta cứ say đắm với những giá trị mà chúng ta cho là vĩnh hằng, nhưng có thể giả định là đến một ngày nào đó những Turgenev, Tolstoi, Dostoievski sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa, và con người lại chỉ còn ưa chuộng những thứ như tiểu thuyết trinh thám chẳng hạn?
- Tiểu thuyết trinh thám hay thì rất cũng đáng được yêu chuộng chứ - Bakhtin chậm rãi trả lời. - Và có thể là người ta sẽ không còn nhớ tới Turgenev nữa, nhưng tôi tin rằng Tolstoi và Dostoievski sẽ sống mãi mãi.
- Cuốn sách của thầy về Dostoievski cũng sẽ sống mãi mãi! - một nữ sinh viên trong nhóm chúng tôi, vốn sôi nổi, thốt lên.
- Tất cả chúng ta đều bất tử - Bakhtin nói rất khẽ, không nhìn chúng tôi, nét mặt trở nên trang nghiêm.

Sau một vài câu hỏi và câu trả lời khác về văn học Xôviết đương đại, về triển vọng nghiên cứu văn học ở Liên Xô, thầy Turbin nhìn đồng hồ đeo tay, cho chúng tôi biết là đã đến lúc ra về, để cho Mikhail Mikhailovich làm việc.
- Các bạn còn định đi đâu nữa không? - Bakhtin hỏi.
- Không, chúng em tới đây chỉ để gặp thầy - chúng tôi trả lời.
- Sao lại thế, - Bakhtin đáp lại, vẫn ôn tồn - ở đây có một viện bảo tàng địa phương học khá kỳ thú, đặc biệt ở đấy có bộ sưu tập tượng gỗ của Erzia, nếu có thì giờ các em nên đến xem.

Tất nhiên chúng tôi đã làm như thầy khuyên, và xem xong bảo tàng, chúng tôi bàng hoàng nhận ra rằng cái thị xã heo hút này, thủ phủ của người Mordva - một trong hàng trăm dân tộc ít người ở Liên Xô - không những đương làm nơi nương thân cho một bậc đại trí, đại hiền người Nga, mà còn bảo quản, gìn giữ hàng chục kiệt tác của một nghệ sĩ điêu khắc vĩ đại, người con của dân tộc ấy, mà thế giới chưa hề biết đến.

Một tuần sau chuyến đi không thể nào quên ấy, tôi trở về nước, nhận những nhiệm vụ không quan hệ gì với chuyên môn được đào tạo ở nước bạn trước đây. Những năm Mỹ ném bom miền Bắc, thỉnh thoảng tôi nhận được thư của thầy Turbin, thầy gửi cho tôi cuốn sách của Bakhtin về Rabelais và viết kèm theo rằng Mikhail Mikhailovich Bakhtin gửi lời hỏi thăm tôi. Nhưng rồi sau đó chúng tôi mất liên lạc.

Ðến đầu những năm 80, sau khi được trở về với công việc dạy văn học Nga-Xô viết, tôi đi công tác ngắn ngày ở Liên Xô, thầy Radtsig, thầy Bondi, thầy Bakhtin đã mất từ lâu. Tôi không liên hệ được với Turbin. May quá, qua nhà văn Marian Tkachev, tôi được làm quen với Iuri Phiodorovich Kariakin, một nhà nghiên cứu Dostoievski có tên tuổi và hoá ra cũng là một môn đệ của Bakhtin. Ông Kariakin đã kể cho tôi về những năm cuối đời của người thầy chung của biết bao nhà nghiên cứu văn học không chỉ riêng ở Liên Xô.

Năm 1970, Elena Aleksandrovna, người bạn đời trung thành tận tụy của Bakhtin, từ trần. Không còn ai hàng ngày chăm sóc ông nữa. Những học trò của ông, dựa vào quan hệ xã hội của mình, đã từng bước thu xếp cho ông cuối cùng được vào ở nhà sáng tác của hội nhà văn Liên Xô ở Peredelkino, tại đây ông đã qua đời năm 1975 và được an táng ở Nghĩa trang Ðức cũng ở ngoại ô Moskva. Ông Kariakin còn nhiệt tình đến nỗi đã đưa tôi đi viếng mộ Bakhtin bằng xe riêng của mình. Từ trung tâm thành phố đến chỗ ấy cũng không xa lắm, nhưng đường đi vòng vèo khó nhớ. Nhờ có người hướng đạo, tôi đã đến nơi khá nhanh. Một ngôi mộ nhỏ, giản dị, nhưng được be bờ bằng đá hoa cương, ở giữa là cỏ xanh. Ðầu mộ, một cây thánh giá cũng bằng đá, đế khắc dòng chữ: Mikhail Mikhailovich Bakhtin, không có ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất. Tôi bùi ngùi đặt bó hoa lên trên mộ, rồi một phút đứng lặng người cúi đầu bên cạnh Iuri Kariakin. Bỗng nhiên, bên tai tôi như văng vẳng tiếng nói khe khẽ chầm chậm của thầy năm nào: “Tất cả chúng ta đều bất tử”...

GS Phạm Vĩnh Cư (VNN)