Blog Đông Tác

Nguyễn Chí Công, CFLS

Trang nhà > Lịch sử > Cổ đại > Việt Nam có văn minh và văn tự cổ hay không ?

Việt Nam có văn minh và văn tự cổ hay không ?

Thứ Hai 23, Tháng Sáu 2008, bởi Kim Thanh

A - VĂN MINH CỔ

Trước kia, dựa vào sách sử của Trung quốc, các sử gia đều chép rằng thời "tiền đô hộ", nước ta ở trong tình trạng bán khai. Hậu Hán Thư viết :"Dân Giao-chỉ không biết đạo cha con (cha con cùng tắm một sông), không biết đạo vợ chồng (trai gái tự do kết hôn), không biết lễ giáo (của Trung quốc)". Hán Vũ Ðế thấy thế mới sai các quan Thái thú sang cai trị phải dậy cho dân ta biết lễ nghĩa, nước ta bắt đầu có văn minh từ đấy [1].. Ngô Thì Sĩ cũng viết rằng Tích Quang dậy ta lễ nghĩa, Nhâm Diên dậy luân lý, làm cho nước ta thành một nước văn hiến [2].

Mặt khác, Việt Sử Lược chép về nước Văn-lang thời Hùng Vương có "phong tục thuần lương, chính sự dùng lối thắt gút" [3]. Trong Hậu Hán Thư, "Mã Viện truyện", thì Mã Viện đã tâu với vua nhà Hán rằng "Luật nước An-Nam khác luật Trung quốc hơn mười điều", có thể có nghĩa là khác rất nhiều, không nhất thiết chỉ khác "hơn mười điều" [4]. Như vậy là nước ta trước kia đã có phong tục, luật pháp riêng biệt, tuy có thể là luật chưa ghi chép thành văn.

Ngày nay, bằng vào những hiện vật được khai quật như trống đồng, lưỡi cầy, đồ nữ trang v.v. thì rõ ràng ở địa bàn nước Văn-lang xưa đã có một nền văn minh không chịu ảnh hưởng của Trung quốc, gọi là Văn minh sông Hồng, chia làm 4 giai đoạn bắt đầu từ thời đồ đá (văn minh Phùng-nguyên) đến thời đồng thau (văn minh Ðông-sơn), rực rỡ nhất vào cuối thời các vua Hùng (thế kỷ thứ IX tr. TL) với cao điểm là mỹ thuật trống đồng, nhiều và đẹp nhất ở trung tâm vùng sông Hồng. Tuy Trung quốc (Vân-nam, Quảng-tây) cũng tìm thấy loại trống Ðông-sơn nhưng căn cứ vào mật độ tập trung thì ở Bắc Việt có nhiều hơn. Kỹ thuật phát xuất sớm nhất từ Thanh-hóa, sau mới lan ra các nước chung quanh như Trung quốc, Lào, Căm-bốt, Thái-lan, Mã-lai v.v. [5].

B - VĂN TỰ CỔ

Kỹ thuật luyện kim và những hình khắc trên trống đồng minh chứng một trình độ văn minh khá tiến bộ nhưng vấn đề chữ Việt cổ có hay không thì vẫn còn trong vòng phỏng đoán.

Chữ Việt cổ ?

Theo Việt Sử Lược thì thời xưa ông cha ta ghi nhớ bằng lối văn tự thắt gút, tức là chưa có văn tự. Nhưng theo một số "chứng tích" khác thì có thể ta đã có chữ viết, dẫu chỉ là thời kỳ mới tìm cách ghi âm. Tiền Hán Thư chép :"Ðời Ðào Ðường có họ Việt Thường ở phương Nam cử sứ bộ đến triều kiến thiên tử Trung quốc, biếu con rùa có lẽ sống tới nghìn năm, trên lưng có khắc chữ như con nòng nọc, ghi việc Trời Ðất mở mang, vua Nghiêu sai chép gọi là Quy Dịch ".

Tạp chí Khảo Cổ Học năm 1974 cũng viết :"Trên trống đồng Lũng-củ (Ðồng-văn, Hà-Tuyên) có một số hoa văn có thể là dấu tích của chữ viết" [6].

Năm 1903, Vương Duy Trinh, tổng đốc Thanh-hóa, ghi chép những bài ca dao ở Thanh-hóa trong Thanh-Hóa Quan Phong, đã tìm ra một hệ thống chữ cái và một bài ca viết bằng thứ chữ ấy ở huyện Quan-phong, thuộc Thanh-hóa, nơi nhiều người Mường, người Thái cư ngụ. Có lẽ đây là dấu tích chữ Việt cổ, thông dụng thời Hai Bà Trưng rồi bị chính sách đồng hóa của Trung quốc hủy diệt ? Tuy nhiên, thứ chữ ấy vẫn tồn tại ở vùng cao nguyên vì khi Hai Bà bị thua quân Hán, một số người Việt có tinh thần bất khuất chính sách thống trị của nhà Hán đã ẩn lánh ở miền thượng du, nay là nơi cư ngụ của người Mường, người Thái. Những người này có thể là hậu duệ của tổ tiên ta, đặc biệt là người Mường có một số phong tục giống người Việt cổ : giã gạo như đâm xuống, giống hình khắc trên trống đồng ; chuyện "Chim Ây cái Ứa" [7] của họ tựa như sự tích bà Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng, nở ra một trăm người con của ta ; họ lại có một số từ ngữ giống những từ ngữ cổ của ta như "blời" (trời), "Bua" (vua) vv. cho nên chữ viết của họ rất có thể là chữ Việt cổ.

Trích Khoa Cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh


Xem online : Người Việt cổ viết chữ gì?


[1Trần Quốc Vượng, Lịch Sử Việt-Nam, I, tr. 388. Trích Hậu Hán Thư.

[2Ngô Thì sĩ, Việt Sử Tiêu Án, tr. 38.

[3"Việt sử lược" được tác giả khuyết danh viết vào khoảng thế kỷ 14, hiện là bộ sách sử xưa nhất do người Việt Nam viết còn được lưu lại.

[4Phạm văn Sơn, Lịch Sử Toàn Thư, tr. 145 - Biên Niên, tr. 24.

[5Phạm Minh Huyền v.v., Trống Ðông-Sơn, tr. 35-8.

[6Thái Kim Ðỉnh, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ, tr. 13-4.

[7Trương Sỹ Hùng, Sử thi thần thoại Mường, tr. 159-60.