Trang nhà > Cuộc sống > Hài hước > Nghiên cứu về cười
A Study on Laughing
Nghiên cứu về cười
Thứ Năm 26, Tháng Sáu 2008
Người đầu tiên nghiên cứu về cười là hai triết gia Hy Lạp Plato và Aristotle. Trong sách “Cười và mối quan hệ giữa cười với vô thức” của Freud cũng có phân tích vấn đề này; nhưng đó là cuốn sách bị chê nhiều nhất của Freud, vì ông lấy tiền đề nghiên cứu là quan điểm: cười phụ thuộc vào cảm giác hài hước.
Giáo sư Robert Ploven, nhà tâm lý học và sinh vật học thần kinh trường đại học Maryland (Mỹ) phát hiện không phải như vậy. Ông bỏ ra 10 năm nghiên cứu về cười và công bố kết quả nghiên cứu trong sách “Khoa học về sự cười”.
Đầu tiên Ploven quan sát những chuyện ngẫu nhiên, đồng thời đếm số lần cười khi người ta nói chuyện. Kết quả quan sát khiến ông phát hiện một vấn đề mới. “Tôi ghi chép tất cả những câu chuyện ấy và tôi thật sự không tin vào những gì mình nghe được: người nói chuyện thì cười nhiều hơn người nghe” – ông nói.
Quả vậy, khả năng cười của người nói thì nhiều hơn 46% so với người nghe. Không những thế, trong số các câu gây cười chỉ có 15% câu có ý nghĩa hài hước truyền thống. Ngoài ra cười không có quan hệ gì với hài hước cả. Cười là một loại công cụ phụ trợ nhấn mạnh mối quan hệ xã hội.
Ploven còn phát hiện phụ nữ cười nhiều hơn nam giới, dù là khi họ nói hoặc nghe cũng vậy. Một số bà bất mãn với kết quả nghiên cứu ấy, cho rằng dường như nó bào chữa cho những người “đàn bà đần độn” suốt ngày chỉ cười. Một số bà khác thì cười bảo kết quả nghiên cứu ấy che đậy một sự thật là đàn ông hay cười hơn đàn bà.
- Nụ cười duyên
Phụ nữ bao giờ cũng cười nhiều hơn nam giới, dù khi chỉ có phụ nữ với nhau hoặc khi có cả nam giới. Ngược lại, đàn ông cười một cách có lựa chọn, thông thường họ muốn để cho người cùng giới cười.
Lũ trẻ con cũng có hành vi như vậy. Khi có mặt bạn trai, các em gái càng hay cười nhiều hơn. Khi một em trai chuyện trò với các em gái, câu chuỵện của em trai đó bao giờ cũng gây cười hơn chuyện giữa các em gái với nhau. Ploven cho rằng “đặc trưng giới tính” ấy của cười có thể giải thích tại sao phần lớn các nhà soạn hài kịch đều là nam giới. Nữ giới khó làm người khác cười, còn nam giới thì từ bé đã bắt đầu trau dồi cảm giác hài cho mình.
Bạn hãy xem trong lớp mình, ai là người được ưa thích nhất ? Rất có thể đó là một bạn trai. Cho dù bạn là nữ đi nữa, bạn cũng nhận xét như thế. Có lẽ chính vì thế mà cười trở thành một trong các thứ vũ khí hấp dẫn có hiệu quả nhất – thử hỏi có phụ nữ nào không thích người đàn ông biết cách làm cho phụ nữ cười ?
Sau khi phát hiện chuyện hài không phải là nguyên nhân duy nhất làm cho người ta cười, Ploven quyết định nghiên cứu về cười. Ông chọn một khu vực ở cảng Baltimore, dùng camera ghi hình ảnh quan sát được. Ông yêu cầu những người gặp ông đều phải cười. Nói chung họ đều đáp lại bằng câu nói đại loại như: “Tôi không thể cười theo yêu cầu của ông đâu!”
Để tránh mất thì giờ vì bị Ploven yêu cầu kỳ quặc như thế, những người bị ông gặp và yêu cầu cười đều nhanh chóng kể lại chuyện đó cho người đi cùng họ biết, thế là cả bọn họ cười váng lên. Ai cũng đều thế, dù đối tượng phỏng vấn là một nhóm học sinh, một đôi vợ chồng hoặc vài đồng nghiệp cùng công ty.
Có một hiện tượng nữa rất phổ biến: một người lạ lần đầu tiên gặp và chuyện trò với ta, hầu như bao giờ người đó cũng chấm dứt cuộc gặp ấy bằng tiếng cười; và khi trò chuyện, người ấy đều nói những chuyện vu vơ chẳng có gì hệ trọng cả. Đây là cách làm quen đơn giản nhất đàn ông thường sử dụng khi lần đầu gặp người lạ.
Qua nghiên cứu kỹ các ghi chép của camera, Ploven phát hiện: trong một môi trường xã hội, hầu như không thể nào yêu cầu người ta cười hoặc không cười. Nếu quan sát một người có dị tật trên mặt, ta sẽ phát hiện sự khác biệt rất rõ giữa trường hợp khi người đó cười một cách không tự giác với trường hợp khi người đó chủ động cười. Thí dụ người bị liệt cơ mặt thì không thể tùy ý chuyển động phần giữa mặt sang trái hoặc phải. Khi bị yêu cầu phải cười thì người đó sẽ cười nhạt một cách kỳ lạ: một góc miệng nhếch lên phía trên, phần còn lại không động đậy. Song nếu bạn kể một câu chuyện hài cho họ nghe, hoặc cù nách họ thì trên mặt họ sẽ xuất hiện một nụ cười đẹp hoặc tiếng cười lớn.
Quá trình tác dụng tâm lý của cười phát sinh trong trung khu diên tủy của não, đây là vùng nguyên sơ nhất trong hệ thần kinh trung ương của con người. Cấu tạo của diên tủy (medulla oblongata, phần não nối với tủy sống – chú thích của người dịch) rất đơn giản, nó còn được gọi là “Vùng não của động vật bò sát” do loài người kế thừa từ tổ tiên xa xôi chung là động vật bò sát. Diên tủy điều khiển các bản năng nguyên sơ nhất của chúng ta, như thở hít, tim đập và tiêu hóa.
Nhưng tại sao chúng ta lại có cái thị hiếu vô ý thức như cười vậy ? Tại sao nó lại tồn tại ở vùng nguyên sơ nhất trong não người ? và nó mang lại lợi ích nào cho sự tiến hóa ? Trong thực tế, chúng ta đều chỉ cười khi có người khác bên cạnh, cho nên có thể suy ra cười là bản năng giúp con người hòa vào xã hội. Câu tục ngữ: “Khi ông chủ cười thì mọi người đều cười” nói rõ tốt nhất điều đó.
Trên trái đất này, cười không phải là đặc quyền của loài người, không chỉ người mới thích cười. Hắc tinh tinh cũng rất “thích” cười, nhưng tiếng cười của chúng nghe như tiếng thở sâu nặng nề, vì cơ quan phát âm của chúng khác với loài người.
Một nhà khoa học Mỹ chuyên nghiên cứu hắc tinh tinh là ông Rogue Fourth giải thích: “Trên thực tế, hắc tinh tinh khi thở hít đều cười. Đây là điểm khác nho nhỏ với người, ngoài ra, cái cười của chúng rất gần cái cười của người.”
Hắc tinh tinh còn có một thị hiếu khác liên quan tới cười: chúng thích cù nhau. Lũ hắc tinh tinh trẻ thường hay cù nhau loạn xị ngậu và phát ra những tiếng thở (cười) nghe rất có vẻ cuồng loạn (hysteria).
Cù cũng là một trò đùa loài người rất thích, thường là cha mẹ cù con nhỏ cho con cười, đây cũng là cách hữu hiệu nhất để gây ra tiếng cười sằng sặc.
Rogue từng huấn luyện ngôn ngữ bằng tay cho con hắc tinh tinh nổi tiếng nhất thế giới là con Washoe. Ông nói: “Loài động vật này coi cù là việc rất quan trọng, thậm chí suốt đời chúng cù nhau. Washoe đã 37 tuổi thế mà nó vẫn cù các con hắc tinh tinh khác và nó cũng bị các con hơn tuổi trong gia tộc nó cù.”
Cù cũng như cười đều xây dựng trên một cơ sở “sợ hãi’ đặc biệt, cho nên cảm giác khi bị người khác cù mình và khi mình cù người khác là hoàn toàn khác nhau; đó là do nó bị hệ thống thần kinh vận động và hệ thống thần kinh cảm giác cùng điều khiển.
Nếu hệ thống đó ra lệnh cho tay (trái hoặc phải) của mình sờ vào bụng mình, thì khi đầu cuối của dây thần kinh phần bụng cảm nhận được sự sờ mó ấy, nó sẽ không thể ghi nhận bất cứ nỗi sợ nào; nghĩa là không thể tự cù mình cười được. Tiếng cười sinh ra do bị cù thể hiện phản ứng của não khi bị người khác sờ mó.
Giáo sư Rogue nói: “Cù hoặc cười đều có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì mối liên hệ tình cảm trong một gia đình hoặc xã hội. Điểm này hắc tinh tinh cũng giống như con người.”
Cù nhau đã phát huy tác dụng quan trọng trong di truyền và tiến hóa của loài người. Cảm giác khi cười giống như ôn lại niềm vui sướng của thủa thơ ấu. Rogue nói: “Khi có nhiều người tụ họp, người ta càng dễ cười; mỗi người trong chúng ta đều như trở lại thời trẻ thơ của mình.” ■
Nguyên Hải