Trung Quốc: Bộ trưởng ngoài đảng

Trung Hoa

Từ một thày thuốc chân đất tự học thành tài rồi trở thành chuyên gia huyết dịch bệnh nổi tiếng thế giới, viện sĩ của nhiều nước và bây giờ là bộ trưởng chịu trách nhiệm về sức khỏe của 1,3 tỷ người Trung Quốc, nhà khoa học không đảng phái Trần Trúc được mọi người kỳ vọng rất nhiều. Một loạt các đề án cải cách y tế lâu nay được dư luận quan tâm nhưng cứ “treo” mãi chưa giải quyết, nay lại được người ta nhắc tới.

Ngày 29/6/2007, Quốc Hội Trung Quốc (TQ) chính thức bổ nhiệm ông Trần Trúc (Chen Zhu) 54 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch Viện Khoa học TQ làm Bộ trưởng Bộ Y tế nước CHND Trung Hoa. Đây là lần đầu tiên trong hơn 20 năm cải cách mở cửa, một nhân sĩ không đảng phái được cử vào chính phủ trung ương TQ.

Trần Trúc cũng là nhân sĩ thứ hai không phải là đảng viên đảng Cộng sản TQ được cử vào chức vụ bộ trưởng sau khi ông Vạn Cương (Wan Gang) phó chủ tịch đảng Chí Công (Public Interest Party) TQ được cử làm bộ trưởng Bộ Khoa học kỹ thuật; do đó giới báo chí gọi ông là “Vạn Cương thứ hai”. Việc Trần Trúc nhận chức vụ mới được dư luận coi là một quyết định quan trọng và tín hiệu đáng chú ý trong công cuộc cải cách chính trị và nhân sự của TQ. Đây cũng là sự phục hồi lệ cũ bộ trưởng Y tế phải chọn trong số cán bộ ngành y.

Vị tân bộ trưởng này một lý lịch đáng vì nể: Viện sĩ Viện Khoa học của 3 nước TQ, Mỹ và Pháp, viện sĩ Viện Khoa học thế giới thứ ba, chủ tịch Tổ chức hợp tác các Viện Khoa học quốc tế, nhà khoa học chủ trì Quy hoạch phát triển nghiên cứu cơ sở trọng điểm nhà nước (973), giáo sư đặc thỉnh tốp đầu tiên của “Học giả Trường Giang”, người nước ngoài đầu tiên nhận giải thưởng “Prix de l’Oise” của Pháp về thành tích nghiên cứu bệnh ung thư, giải Katherine của Mỹ, cùng nhiều danh hiệu vẻ vang cấp thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu bệnh ung thư.

Có lẽ vì thế mà ông Kim An Bình chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính đảng của trường ĐH Bắc Kinh nhận xét: “Với một bản lý lịch chuyên môn có hơn 10 danh hiệu hàng đầu thế giới, ông Trần Trúc dĩ nhiên là sự lựa chọn thích hợp cho chức vụ lãnh đạo một bộ có tính chất kỹ thuật như Bộ Y tế.”

Trần Trúc xuất thân gia đình làm nghề y. Thân phụ Trần Gia Luân là chuyên gia đầu ngành nội tiết, mẫu thân Hứa Mạn Âm cũng là giáo sư y khoa. Sinh ra trong một gia đình như vậy, dĩ nhiên cuộc đời Trần Trúc đã có một định hướng rõ ràng ngay từ khi còn trẻ.

27 năm trước, như hàng chục triệu thanh thiếu niên hồi ấy, cậu học sinh cấp II Trần Trúc 16 tuổi bị đưa xuống một làng thuộc huyện Tín Phong tỉnh Giang Tây lao động (TQ gọi là “cắm chốt”). Cuộc đời đi học bị dở dang, nhiều thanh thiếu niên chỉ còn biết ngày làm việc, tối ngủ vùi, vì vùng này chưa có điện. Nhưng Trần Trúc thì khác, tối nào anh cũng chong ngọn đèn dầu, say mê tự học chương trình toán lý trung học và đọc tạp chí y học tiếng Anh. Nhờ công phu trau dồi các kiến thức y học, dần dà anh đủ trình độ khám chữa bệnh cho dân chúng trong xóm và được bà con nông dân thân mật gọi là “thày thuốc chân đất”. Cũng vì có tài chữa bệnh mà sau đấy Trần Trúc được chính quyền địa phương giới thiệu đi học trường Y tế khu Thượng Nhiễu. Đúng là cơ hội bao giờ cũng đến với những người có ý chí !

Năm 1978, TQ phục hồi chế độ thi nghiên cứu sinh (NCS). Biết tin ấy Trần Trúc rất phấn khởi, anh dốc hết sức ngày đêm tự học chương trình đại học. Cuối cùng, tuy chỉ có bằng tốt nghiệp trung học y tế, anh lại đỗ cao thứ hai về tổng số điểm thi và thứ nhất về chuyên ngành y trong số 600 thí sinh, trở thành nghiên cứu sinh của giáo sư Vương Chấn Nghĩa, một chuyên gia huyết học nổi tiếng.

Năm ấy, giáo sư Vương chỉ nhận hướng dẫn hai học trò, một người nữa là chị Trần Trại Quyên. Chị cũng chăm học chăm làm như Trần Trúc. Sau mấy năm cùng học cùng làm trong phòng thí nghiệm, hai người dần dần gắn bó với nhau và cuối cùng họ trở thành vợ chồng sau khi nhận học vị thạc sĩ. Do có thành tích nghiên cứu xuất sắc về bệnh máu trắng, bà Quyên vợ ông từng được UNESCO tặng “Giải thưởng thành tựu nhà khoa học nữ kiệt xuất thế giới”.

Năm 1984, Trần Trúc ghi tên dự kỳ thi tiếng Pháp chuyên ngành không Pháp ngữ toàn quốc. Nhờ chăm chỉ và thông minh, anh lại đỗ đầu và được nhận học bổng đi thực tập ở bệnh viện Saint-Louis thuộc trường ĐH Paris VII nước Pháp. Sau hai năm làm việc xuất sắc, anh được giữ lại làm nghiên cứu sinh. Thật may là chị Quyên cũng được sang đây học tập. Tháng 7/1989, hai vợ chồng Trần Trúc bảo vệ luận án tiến sĩ tại trường ĐH Paris VII. Sau mấy tháng ở lại đây làm việc, hai người quyết định về nước, mặc dù nhà trường rất muốn giữ lại.

Trần Trúc được phân công về Viện Nghiên cứu huyết học thuộc bệnh viện Thụy Kim, thành phố Thượng Hải. Ngày ấy TQ còn nghèo, cơ quan thiếu người, thiếu thiết bị và phòng làm việc, nhưng Trần Trúc vẫn kiên trì phấn đấu miệt mài nghiên cứu và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Dần dần, anh được cử phụ trách đứng đầu một loạt đề tài nghiên cứu trọng điểm cấp Nhà nước, như đề tài trọng điểm của Quỹ KH tự nhiên quốc gia, Kế hoạch 863 và đề tài của Liên minh châu Âu EU, tổng cộng hơn 20 đề tài với kinh phí trên 10 triệu Yuan. Các kết quả nghiên cứu của Trần Trúc đều đạt được trình độ tiên tiến của thế giới hoặc dẫn đầu thế giới. Viện Nghiên cứu huyết học do Trần Trúc phụ trách dần dần trở thành một đội ngũ khoa học được giới y học quốc tế coi trọng. Các đồng nghiệp nước ngoài gọi họ là “Nhóm Trần Trúc TQ”.

Năm 1997, Trần Trúc được Trung tâm nghiên cứu ung thư Pháp tặng giải thưởng “Prix de l’Oise”. Cùng năm ấy, Bộ Giáo dục Italia tặng ông bằng Tiến sĩ danh dự. Năm 2000, Trần Trúc được cử làm phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học TQ. Năm 2002, ông được chính phủ Pháp tặng danh hiệu “Hiệp sĩ”. Trường ĐH Hong Kong cũng tặng ông bằng Tiến sĩ danh dự… Nhiều vinh dự liên tiếp đến với con người chỉ biết miệt mài nghiên cứu, không màng gì đến việc khác, kể cả việc vào Đảng.

“Những nhân tài có năng khiếu vượt trội và cần mẫn như Trần Trúc chỉ cần có môi trường và điều kiện nhất định là tất nhiên sẽ đạt được thành tựu lớn” - Giáo sư Vương Chấn Nghĩa nhận xét như vậy về về môn sinh Trần Trúc của mình. Trong bản thuyết trình lý do đề nghị Ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm Trần Trúc làm bộ trưởng Bộ Y tế, Chính phủ TQ đánh giá Trần Trúc: “Rất có ý thức về sự nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao, có ý thức sáng tạo và năng lực tổ chức nhất định”, “Tác phong đúng đắn, biết lo toan việc lớn của cả nước”, “Giỏi hợp tác cộng sự”.

Hiện nay, mọi người đang chờ đợi Tân bộ trưởng sẽ có thái độ như thế nào đối với vấn đề cải cách y tế, một dự án lớn bị “treo” đã lâu chưa làm được gì. Đây sẽ là thử thách lớn đối với một người xuất thân nhà khoa học, lại ở ngoài đảng.

Trước đây đã có lần Trần Trúc phát biểu về vấn đề này. Cách đây vài năm, sau khi dịch SARS chấm dứt, ông đã nhận thức sâu sắc tình trạng cơ chế KHKT và cơ chế y tế của TQ còn lạc hậu. Ông mong muốn có thể xây dựng được một viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia như của Mỹ. Vì thế Trần Trúc đã cùng 21 viện sĩ liên danh viết một bản báo cáo gửi lên Chính phủ về vấn đề này. Đã nhiều lần ông nhấn mạnh: “Công tác nghiên cứu y học của TQ nên chú trọng dự phòng, chú ý cải thiện môi trường, như vậy đầu tư nhỏ mà hiệu quả rõ. Sức khỏe của 1,3 tỷ dân không thể đơn giản chỉ giải quyết bằng khám bệnh uống thuốc; tăng cường dự phòng và bảo vệ môi trường mới là căn bản. TQ cần tăng đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực y tế và sức khỏe, bớt làm các “công trình tạo hình ảnh”, “Chúng ta cần hiểu rõ: đầu tư vào sinh mạng con người và chất lượng cuộc sống là đầu tư chiến lược quan trọng.”

Về vấn đề cải cách thể chế y tế, Trần Trúc từng đề xuất cải cách 5 công trình hệ thống: hệ thống điều trị cá thể, hệ thống vệ sinh công cộng của quần thể, hệ thống gây quỹ vệ sinh, hệ thống giám sát các sản phẩm có liên quan tới sức khỏe và hệ thống nghiên cứu khoa học sinh mệnh tiến bộ kỹ thuật y học. Ông nói, 5 hệ thống này cần hỗ trợ nhau, không thể thiếu một; chức trách chủ yếu của chính phủ là quản lý tốt công tác vệ sinh, trực tiếp làm tốt việc giám sát chấp pháp vệ sinh công cộng, tham gia một phần vào công tác điều trị, gây vốn và hoạt động nghiên cứu khoa học. Ngoài ra ông còn kêu gọi không được coi nhẹ việc hỗ trợ ngành y học sinh vật dân tộc. Dĩ nhiên, việc cải cách thể chế y tế không chỉ phụ thuộc vào Bộ Y tế mà còn liên quan tới Bộ Tài chính, Bộ An sinh xã hội, Cục Giám sát dược phẩm… phải hợp tác từ trên xuống dưới thì mới phá được tảng bê tông cải cách y tế.

Cải cách y tế là vấn đề lợi ích thiết thân của 1,3 tỷ dân, luôn luôn là sợi thần kinh nhạy cảm nối với trái tim của hàng trăm triệu người. Dư luận đang mong đợi vị tân bộ trưởng này có thể tăng tốc cuộc cải cách y tế TQ, xoay chuyển tận gốc tình trạng dân chúng khám bệnh khó khăn, khám bệnh tốn tiền.

Nguyên Hải