Đông Tác

Nguyễn Chí Công

Trang nhà > Xã hội > Pháp luật > VÀI MẨU CHUYỆN VỀ CẢNH SÁT ANH QUỐC

VÀI MẨU CHUYỆN VỀ CẢNH SÁT ANH QUỐC

Thứ Sáu 18, Tháng Bảy 2008

Cảnh sát Anh Quốc có truyền thống lâu đời về bảo vệ luật pháp. Dưới đây là vài chuyện nhỏ nhưng gây ấn tượng lớn cho một vị khách thường dân Trung Quốc.

ĐƯỢC CẢNH SÁT HỘ TỐNG

Đoàn chúng tôi đáp máy bay từ Thuỵ Điển đến Anh Quốc. Tại sân bay Luân Đôn, Giám đốc Công ty bảo tôi đến quầy đổi tiền đổi 20 nghìn đô la Mỹ lấy đồng bảng Anh. Sau vài phút, tôi đã đổi được hơn chục nghìn đồng bảng Anh. Trong khi đang nhét tiền vào cặp, tôi bỗng thấy một viên cảnh sát đeo súng tiểu liên bước lại hỏi : “Ông là người Trung Quốc phải không ạ ?”. Tôi đáp : “Vâng.” Viên cảnh sát lại hỏi : “Ông mang nhiều tiền mặt đi đâu thế ạ ?” Tôi trả lời : “Đi nhiều nơi. Đoàn chúng tôi đông người nên cần dùng nhiều tiền.” Viên cảnh sát bảo : “Thế thì tôi phải bảo vệ ông lên xe.” Lúc ấy tôi có chút chột dạ. Vì đã xem lắm phim hình sự của phương Tây, nên tôi nghi hắn ta là cảnh sát giả, nếu vậy thì làm sao đây ? Hắn lại mang súng nữa ! Tôi bèn đáp : “Không cần đâu.” Thế là anh ta đưa tôi xem Giấy Chứng minh Cảnh sát Anh Quốc rồi nói : “Tôi là cảnh sát ở đây, có trách nhiệm đảm bảo an ninh nơi này. Ông mang nhiều tiền mặt như thế, nếu xảy ra chuyện gì thì tức là tôi có lỗi. Tôi phải bảo vệ an toàn cho ông, sau khi ông lên xe ra khỏi sân bay thì tôi mới hết bổn phận.” Tôi đành để anh ta đi theo mình. Nhác trông thấy viên cảnh sát đeo súng đi kèm tôi, sếp của tôi thất sắc cuống lên, cứ tưởng có chuyện gì rắc rối. Sau khi tôi trình bày đầu đuôi câu chuyện, sếp mới thở phào nhẹ nhõm, bắt tay cảm ơn anh ta. Viên cảnh sát hộ tống chúng tôi ra xe tắc-xi, sau khi ghi lại biển số xe rồi mới vẫy tay “Bai, bai” chúng tôi.

Xe cảnh sát tiết kiệm

BỊ PHẠT TIỀN

Hôm ấy, tôi có việc đi Cô-vơn-try gặp công ty M. Trước đây, tôi đã đến đó 2 lần. Khi tới nơi, tôi đỗ xe tại một chỗ cách công ty kia không xa và nhét 1 đồng bảng vào máy thu phí đỗ xe, như vậy có thể đỗ tại đây 1 giờ đồng hồ. Ai ngờ công việc không thuận lợi lắm nên ra về quá giờ chừng mươi phút. Ra đến xe đã thấy trên cái gạt nước có kẹp một mẩu giấy. Lấy xuống xem, thì ra là Giấy phạt. Mặt chính tờ giấy có ghi thời điểm bị phạt và lý do phạt là đỗ xe quá giờ, bên dưới còn ghi rõ họ tên viên cảnh sát viết Giấy phạt và tên của đồn cảnh sát. Mặt sau in sẵn mấy dòng: nếu nộp phạt ngay trong nửa giờ sau khi viết Giấy này thì tiền phạt là 1 bảng; nộp phạt trong vòng 3 ngày thì là 5 bảng; trong 10 ngày là 10 bảng; quá 10 ngày thì Toà án sẽ gửi trát đến gọi ra hầu toà, số tiền phạt do Toà quyết định. Trên tờ Giấy phạt còn in sẵn một bản đồ nhỏ tý chỉ rõ địa điểm nộp phạt và tên cơ quan thu tiền phạt.

Lúc ấy, vì vội về cho kịp một việc gấp nên tôi không thể đi nộp phạt ngay. Chiều hôm sau, tôi dựa theo bản đồ trên Giấy phạt, dễ dàng tìm thấy chỗ nộp tiền. Đến nơi mới biết là cơ quan thu tiền phạt đặt ngay trong Phòng Lớn của Toà Thị chính thành phố, nghĩa là tiền phạt sẽ được nộp vào công quỹ. Tôi giao tờ Giấy phạt và nộp 5 bảng, nhận lại một Giấy Biên nhận có đóng dấu Toà Thị chính thành phố. Mọi việc tất cả chỉ mất có hai phút là xong. Lúc về công ty, tôi tỏ ý khen ngợi cách tổ chức nộp phạt rất hợp lý, thì mấy người Anh cùng cơ quan đều ngạc nhiên nói việc ấy làm như thế là đúng thôi, có gì lạ đâu. Cơ quan có quyền phạt chỉ được viết Giấy phạt chứ không có quyền nhận tiền phạt. Không một cơ quan nhà nước hoặc nhân viên hành pháp nào được phép thu tiền phạt; nếu họ nhận tiền của người bị phạt thì anh có quyền báo cảnh sát, và cơ quan hoặc người nhận tiền sẽ lập tức bị kỷ luật ngay.

GẶP KẺ CÔN ĐỒ GIỮA ĐƯỜNG

Hôm đi Bơc-minh-ham gặp công ty N, tôi đi nhờ xe người quen. Xong công việc thì trời đã tối, đành phải đi tắc-xi về. Lúc ấy đường vắng xe, chờ mãi mới chặn được một chiếc tắc-xi. Tay lái xe chừng 30 tuổi, râu ria xồm xoàm trông dữ tướng lắm. Tôi nói địa điểm mình cần đến. Chắc vì thấy tôi là người châu Á, hắn ta xẵng giọng : “Không tính tiền theo đồng hồ đâu, dứt khoát là 25 bảng.” Giá như vậy đắt hơn gấp đôi giá ban ngày. Tôi kỳ kèo : “Ông có thể bớt chút ít được không ?” Hắn ta sốt ruột đáp : “Một xu cũng không bớt. Không đi thì xéo cho khuất mắt !” Vì trời đã tối, tôi đành lên xe. Trong ví tôi chỉ còn một tờ 50 bảng; khi đến nhà, tôi đưa tiền thì tay lái xe bảo : “Không có tiền lẻ trả lại đâu, Thôi, cứ để tôi cầm cả đi. Tìm đâu ra tiền lẻ bây giờ !” Tôi đành ghi lại số Giấy phép lái xe của hắn và đưa hắn địa chỉ của mình, bảo hắn hôm sau đem trả tôi 25 bảng. Cầm tiền xong hắn vù đi ngay. Hôm sau, không thấy hắn đến. Sáng ngày thứ 3, tôi tra danh bạ điện thoại, gọi đến đồn cảnh sát báo cho họ biết việc đó và tỏ ý mong muốn họ giúp lấy lại số tiền tay lái xe chưa trả tôi. Ngay chiều hôm ấy, một viên cảnh sát cao to đến công ty chúng tôi, đưa cho tôi 35 bảng và nói tay lái xe ấy như vậy là phạm tội lừa gạt, tôi có thể kiện hắn ra toà, và hỏi tôi có cần kiện hay không. Tôi nghĩ, số tiền không lớn và mình cũng đã được trả lại tiền rồi; và thế là, theo thói quen của người Trung Quốc, tôi trả lời : “Thôi ạ, thôi ạ !”

Nguyên Hải, theo Hải ngoại Văn trích (Trung Quốc)