Trang nhà > Gia đình > Sức khỏe > Phòng tránh đột quỵ
Phòng tránh đột quỵ
Thứ Hai 28, Tháng Bảy 2008
Đột quỵ hoặc đột tử có nguyên nhân chủ yếu là bệnh tim mạch, trong đó bệnh mạch vành chiếm tới 80%.
Hai cấp đề phòng
Phần lớn các trường hợp đột quỵ không có triệu chứng báo trước; thông thường người ta đột quỵ trong khi đang hoạt động bình thường, hoặc trong khi đang ngủ yên lành. Một số người có tiền sử đau thắt ngực trước khi đột quỵ bệnh nhân có thấy hiện tượng đau thắt ngực nặng lên, mặt trắng bệch, huyết áp tụt xuống, ngoại tâm thu (tim đập lạc vị, loạn nhịp; ectopic beat) – đó là các triệu chứng đột quỵ. Có người không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng lại thấy mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở. Tiếp đó tim đột nhiên ngừng đập, ngất đi, người tím tái, co giật, đồng tử giãn ra, hoặc xuất hiện hiện tượng thở gấp rồi chuyển sang chết lâm sàng. Nếu không phát hiện ngay và cấp cứu thì bệnh nhân nhanh chóng (trong khoảng 4 6 phút) chuyển sang chết sinh vật không thể cứu được.
Ngoài bệnh mạch vành ra, còn có các nguyên nhân gây đột quỵ như huyết áp cao, viêm cơ tim, tràn máu não, viêm chủ động mạch … Theo điều tra, nguyên nhân làm tăng khả năng dẫn đến đột quỵ thường là ăn uống quá no, tinh thần tình cảm có biến động dữ dội, ngộ độc thuốc hoặc dị ứng thuốc, sức ép công việc quá lớn.
Các trường hợp đột quỵ thường làm cho mọi người kinh hoàng và khó tin. Xét về bên ngoài, đột quỵ xảy ra đột ngột, nhưng trên thực tế tất cả những trường hợp đó không phải là không có tín hiệu báo trước. Thật ra đột quỵ chỉ là hậu quả; trước đó tình hình sức khỏe từ lâu đã có vấn đề nhưng không được người bệnh chú ý coi trọng, mà chỉ do một nguyên nhân nào đó làm cho các vấn đề tích lũy đã lâu trong cơ thể lúc ấy mới bùng phát.
Hệ thống mạch máu của con người từ 20 tuổi trở đi đã bắt đầu thoái hóa, chức năng suy yếu dần. Cho nên ngay từ hồi trẻ đã nên bắt đầu đề phòng. Cần định kỳ khám sức khỏe, sớm phát hiện các vấn đề về tim và sớm can thiệp. Đó là đề phòng cấp một. Khi đã có bệnh mạch vành thì phải đề phòng cấp hai, tức là nghiêm chỉnh tuân theo lời thầy thuốc, dùng thuốc định kỳ, hợp lý. Kinh nghiệm lâm sàng cho thấy nếu làm được như thế thì có thể hạn chế được 70% trường hợp bệnh mạch vành.
Nóng bức mùa hè cũng là nguyên nhân gây đột quỵ
Không ít bệnh nhân tim mạch thường hiểu nhầm rằng mùa hè ấm áp, huyết áp thường thấp nhất cho nên bệnh sẽ ổn định hơn. Thực ra không phải thế. Chính mùa hè nóng bức mới là thời kỳ dễ phát các bệnh tim mạch. Có tài liệu cho thấy ở thời tiết nóng trên 35 độ C tỷ suất chết vì bệnh tim mạch tăng lên rõ rệt, nhiều người già mắc bệnh này thường bị chết trong mùa nóng. Ở người cao tuổi, trung khu thần kinh điều tiết nhiệt độ không còn nhạy bén như trước, dễ mất cân bằng, mất chức năng điều khiển các bộ phận cơ thể. Nếu trời nóng mà trong phòng không thông thoáng, mồ hôi tiết ra không được bù nước, chất điện phân nước trong cơ thể người già bị rối loạn, do đó bị cảm nắng.
Rất nhiều người không biết rằng một số thuốc hàng ngày thường dùng cũng có thể là thủ phạm chính gây ra đột quỵ. Thí dụ thuốc dùng trong điều trị bệnh loạn nhịp tim như digoxin, thuốc lợi tiểu, … nếu dùng không đúng sẽ gây ra loạn nhịp tim, suy tim … Những năm gần đây số trường hợp đột quỵ do yếu tố thuốc gây ra ngày một tăng lên, mọi người nên tăng cường cảnh giác.
Chớ tập luyện khi người mệt
Năm 2004, Tổng Giám đốc Công ty Ericsson Trung Quốc Dương Mại 54 tuổi đột quỵ khi đang tập trên máy chạy bộ. Nói chung, tập thể thao thể dục là một trong các biện pháp tốt nhất để hạ huyết áp, nhưng khi người mệt quá thì chỉ nên tập nhẹ thôi, nhằm tránh phản tác dụng, chẳng khỏe ra mà còn hại sức khỏe, thậm chí gây hậu quả không thể cứu vãn.
Các chuyên gia tim mạch cho rằng ở người mệt mỏi quá độ, sức chịu đựng của quả tim yếu hơn người bình thường, thế nhưng trước khi phát bệnh tim mạch lại rất hiếm trường hợp xuất hiện phản ứng không bình thường. Cho nên trước khi tập luyện nên xem xét tổng hợp tình hình sức khỏe của mình, luôn luôn sẵn sàng thay đổi kế hoạch tập luyện, nhằm tránh để sự vận động quá sức đem lại gánh nặng cho quả tim, thậm chí làm nó bị tổn thương. Ngoài ra, xét về góc độ tâm lý, sức ép tinh thần quá lớn cũng gây ra ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Khi tập thể dục nếu thấy người hơi nóng lên, có chút mồ hôi, tập xong thấy người khoan khoái thì như thế mới là có hiệu quả tốt. Ngược lại, nếu quá mệt mỏi, sau khi nghỉ ngơi vẫn thấy người khó chịu, đau đầu, chóng mặt, tức ngực, tim đập nhanh, ăn không ngon – như vậy là lượng tập luyện quá lớn, cần giảm xuống.
Người già cần chú ý tránh đột quỵ trong mùa nóng
Trước hết phải đề phòng cảm nắng, muốn vậy cần đặc biệt chú ý tĩnh tâm dưỡng sinh. Thứ hai, cần sinh hoạt có điều độ, ngủ, dậy có giờ giấc, không nên vận động mạnh. Thứ ba, phải chú ý ăn uống thanh đạm, uống đủ nước. Thứ tư, phải điều chỉnh lượng thuốc dùng hàng ngày để bảo đảm huyết áp giữ ở mức bình thường. Thứ năm, phải nâng cao ý thức phòng bệnh, tuyệt đối chớ coi thường các triệu chứng bệnh tật.
Vì phần lớn trường hợp đột quỵ xảy ra khi đang ở nhà hoặc đang làm việc bình thường, hoặc khi đang ngủ; do đó khi xảy ra đột quỵ phải tranh thủ từng giây từng phút kịp thời cấp cứu tại chỗ là điều vô cùng quan trọng. Khi thấy có triệu chứng trước đột quỵ, phải lập tức nằm trên giường hoặc trên đất, tiến hành cấp cứu tại chỗ, tuyệt đối tranh di chuyển bệnh nhân mà gọi ngay cấp cứu.
Nguyên Hải (theo báo mạng TQ)