Trang nhà > Con người > Hồi tưởng > Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các chiến sĩ dân chủ trong quân đội Lê dương (...)
Cuộc tiếp xúc đầu tiên với các chiến sĩ dân chủ trong quân đội Lê dương Pháp
Chủ Nhật 27, Tháng Bảy 2008
Từ trái sang phải: Dương Bạch Mai, Ernst Frey / Nguyễn Dân, Trường Chinh, Lê Văn Lương, Georges Wächter / Hồ Chí Thọ, Rudy Schröder / Lê Đức Nhân
(Bộ ảnh sưu tầm của H. Schütte)
Tôi sinh ra và lớn lên ở Phủ Lý trong một gia đình khá giả. Khi còn học ở trường tiểu học, cha tôi đã thuê gia sư để kèm cặp anh em chúng tôi học tiếng Pháp. Đó là thầy Đào Linh Luống, mà sau này tôi mới biết lúc đó ông đã là Bí thư Ban Cán sự Đảng (ngang với Bí thư Tỉnh ủy). Chính thầy đã dìu dắt tôi hoạt động trong phong trào thanh niên dân chủ ở Phủ Lý (về sau ông lấy tên là Nguyễn Đức Quỳ).
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thi hành chính sách khủng bố, nhiều cơ sở Đảng bị tan vỡ, trong nhóm chúng tôi ở Phủ Lý, có người phải đăng lính để tránh sự bắt bớ của mật thám. Có người bảo tôi nên chuyển lên Hà Nội để dễ hoạt động, nhưng thầy Luống bảo: “Gia đình nó khá, thế nào cũng được cho lên Hà Nội học, cứ để nó đi một cách tự nhiên, sau này dễ hoạt động”. Quả nhiên, lên đến cấp trung học, tôi được gia đình cho lên Hà Nội.
Lên Hà Nội tôi sống trong popote (một kiểu nhà trọ tự lập, những người thuê nhà tự tổ chức việc ăn uống, chỉ phải trả tiền nhà) trên gác nhà số 6bis, phố Công sứ Miribel (nay là phố Trần Nhân Tông). Trong popote có khoảng 10 người. Tôi ghi tên vào học Trường Puginier (nằm trên đường Quang Trung ngày nay), một trường do các tu sĩ Công giáo tổ chức, dành cho các con nhà khá giả. Mấy năm ở trường, tôi tham gia đoàn Hướng đạo và hoạt động trong Hội Truyền bá quốc ngữ.
Tại đây, tôi đã gặp và kết bạn với anh Nguyễn Văn Giới (tức Thôi Hữu) và Phạm Triều. Cả hai anh đều tham gia phong trào Thanh niên Dân chủ và bãi khóa ở Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, cho nên bị đuổi học, phải ra Hà Nội làm ăn để liên lạc với cách mạng. Popote này trở thành một cơ sở liên lạc của các chiến sĩ cộng sản, nhưng do một tên phản bội khai báo nên bị mật thám Pháp để ý, theo dõi.
Cuối năm 1942, chúng tôi tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Hồng quân Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 25 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Tôi tham gia nhóm treo cờ búa liềm. Một người trong nhóm rải truyền đơn bị địch bắt. Do bị đánh đập dã man không chịu được, người này đã khai mật thám bắt tôi ở nhà trọ cùng một số người khác.
Theo giấy khai sinh thì lúc đó tôi chưa đến tuổi thành niên, thế nhưng tôi vẫn bị đưa ra xử tại tòa án binh Hà Nội. Nhờ anh tôi là một nhà thầu khoán quen biết rộng, bỏ tiền ra lo lót khắp nơi, cho nên tôi chỉ bị giam có hơn một năm.
Sau khi ra tù, tôi có ý tìm anh Thôi Hữu ngay nhưng chưa gặp, vì từ cuối năm 1941, anh đã lên làm thợ điện ở Sơn Tây, nơi có căn cứ quân sự của Pháp ở Tông. Tại đây, anh đã lân la làm quen một số lính Lê dương. Sau một thời gian điều tra, anh biết trong số lính Tây này có một số người Đức, Áo và Tây Ban Nha là những người chống phát xít, vì sợ bị trả thù mà phải xung vào đội quân này.
Lê dương là một đội quân gồm những người lính đánh thuê cho quân đội Pháp thuộc nhiều quốc tịch. Nguyên tắc của tổ chức này là bất cứ người nào, nếu tự nguyện gia nhập thì sẽ được đảm bảo không bị tố giác về những hành vi sai trái mà họ đã phạm phải trước khi vào lính. Một trong những điều cấm kị đối với lính Lê dương là không ai được hỏi về quá khứ của nhau, vi phạm điều này có thể dẫn đến án mạng.
Vì vậy, đội quân Lê dương gồm nhiều thành phần xã hội khác nhau, có những người vì lý do chính trị thì cũng có không ít những tên tội phạm hình sự bị truy nã mà phải lánh vào đây. Chỉ huy các đơn vị Lê dương là những sĩ quan Pháp có nhiều kinh nghiệm cầm quân nên đã biến những người ô hợp này thành một đội quân thiện chiến, có kỷ luật chiến đấu cao.
Một số người lính mà Thôi Hữu tiếp xúc nguyên là những người chống phát xít đã chạy khỏi Đức và Áo để sang Pháp từ đầu năm 1934, sau khi Hitler lên cầm quyền. Họ là những người có học, có người là sinh viên, phần lớn đều có tư tưởng mác xít. Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, từ tháng 9/1939, những người Đức trong số đó bị nhà cầm quyền Pháp đưa vào trại tập trung. Để thoát khỏi cảnh bị giam giữ, họ đã tình nguyện gia nhập đội quân Lê dương.
Đến tháng 6/1940, Pháp thất trận, Bộ chỉ huy quân chiếm đóng Đức yêu cầu phía Pháp phải trao trả tất cả những người Đức (kể cả người Áo vì Áo đã bị sáp nhập vào lãnh thổ Đức) trong đội Lê dương, lúc này đã được điều sang đóng ở Bắc Phi. Tuy nhiên, viên tướng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Phi là Maxime Weygand lại muốn cứu những người Đức, Áo trong đội quân Lê dương, vì biết rằng nếu đưa họ về nước thì sẽ bị trừng trị.
Năm 1941, có khoảng 100 lính Lê dương được điều sang thuộc địa Đông Dương, trong đó có cả số người Đức và Áo.
Anh Thôi Hữu báo cáo tình hình lính Lê dương với các anh Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và được giao tiếp tục điều tra thêm, tìm mọi cách để tiếp xúc với họ. Vấn đề binh vận lúc này rất được quan tâm, các nghị quyết của Đảng luôn luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công việc này... Đầu năm 1942, anh Thôi Hữu bị bắt nên không còn ai liên hệ với nhóm lính Lê dương ở Tông.
Bên phía Việt Trì còn có một nhóm Lê dương khác mà anh Trường Chinh phái anh Công đến tiếp xúc, về sau giao cho tôi vì tôi cũng biết đôi chút tiếng Pháp. Anh Công là một thanh niên học sinh Hà Nội, đã có bằng tú tài bản xứ, mới được tổ chức vào Việt Minh, chưa phải đảng viên.
Người đầu tiên anh Công tiếp xúc là Erwin Borchers. Anh sinh năm 1906, đi dạy học và hoạt động trong một câu lạc bộ xã hội chủ nghĩa. Khi Hitler lên cầm quyền, anh tham gia một nhóm bí mật chống phát xít, bị mật vụ bắt thẩm vấn, phải trốn sang Pháp, tiếp tục học đại học và tốt nghiệp văn học Đức năm 1936.
Là người Đức nên anh không được dạy học ở Pháp, rồi đến năm 1939, cũng bị đưa vào trại tập trung như những người Đức khác. Borchers đến Sài Gòn ngày 3/9/1941.
Qua anh Công, anh Trường Chinh biết được rằng, trong Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Bộ binh Lê dương số 5 (5eREI) đã hình thành một nhóm chiến sĩ chống phát xít mà nòng cốt gồm có Erwin Borchers, Ernst Frey và một người Tiệp là Gotwald.
Tháng 9/1943, tôi được phái đi gặp nhóm Lê dương chống phát xít. Người đầu tiên tôi tiếp xúc là Ernst Frey. Anh sinh năm 1915 trong một gia đình trí thức người Do Thái ở Áo. Năm 1934, gia nhập Liên đoàn Thanh niên cộng sản, đã bị bắt và cấm không được theo học các trường đại học ở Áo. Ngày 15/3/1938, quân Đức tiến vào Áo, Frey phải trốn sang Pháp, sau đó đăng lính Lê dương, được đưa đến Sài Gòn ngày 1/7/1941.
Frey cao to, để râu quai nón, nước da đỏ au. Hồi đó, nhiều người kể cả mật thám và tay sai Pháp, khi gặp lính Lê dương ngoài đường đều phải kiềng mặt, ngay cả bọn Nhật cũng ít để ý tới. Vì vậy, việc tiếp xúc của tôi có phần dễ dàng, lúc thì gặp nhau trên cánh đồng vắng ở ngoại thành, khi thì ngồi uống bia với nhau trong một khách sạn gần ga Hàng Cỏ. Nhưng do Frey là viên đội (sergent) có thể bị để ý nên anh ta giới thiệu Borchers để liên lạc với tôi.
Borchers là người hiền lành, có dáng một nông dân. Anh giả bị bệnh đường ruột để điều trị dài hạn tại nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện De Lanessan) là bệnh viện của quân đội Pháp (nay là Viện Quân y 108), do đó có điều kiện gặp chúng tôi luôn. Anh cho tôi biết là nhóm của anh đang tìm cách liên lạc với những người Pháp thuộc phái De Gaulle chủ trương chống Nhật và tiếp xúc với Đảng Cộng sản Đông Dương để có hành động chung.
Một hôm Borchers vui vẻ cho tôi biết là nhóm của anh đã kết nạp thêm một thanh niên trí thức Đức là Schroder. Anh sinh năm 1911, học đại học chuyên ngành xã hội học và văn học Đức, từng tham gia tổ chức cộng sản của sinh viên. Anh phải lánh sang Paris tiếp tục học đại học, sau đó cũng bị đưa vào trại tập trung.
Schroder đến Sài Gòn ngày 3/9/1941. Là những chiến sĩ dân chủ nên cả ba người này bất mãn với chính sách đàn áp thuộc địa của Pháp ở Đông Dương, nhất là thái độ đầu hàng trước quân phiệt Nhật.
Borchers cũng đã làm quen được với một vài gia đình trí thức Pháp ở Hà Nội, đồng thời liên hệ được với một kỹ sư người Áo làm việc trong phòng thí nghiệm của Sở Mỏ Pháp (nay là trụ sở Tổng cục Địa chất ở đường Phạm Ngũ Lão). Anh kỹ sư này vốn là đảng viên đảng Xã hội - Dân chủ Áo, do đó mà có quan hệ với Louis Caput, Bí thư Đảng bộ đảng Xã hội Pháp ở Đông Dương (SFIO).
Louis Caput đã từng làm thanh tra học chính và là người có nhiều liên hệ với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Khi Nhật vào Đông Dương, ông bị chính quyền Decoux bắt giam ở Đà Lạt vì cho là thuộc phái De Gaulle.
Khi thế lực của De Gaulle lên mạnh, Decoux trả lại tự do cho Louis Caput. Ông ta xin nghỉ việc, nhưng vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với tướng Mordant, vốn là Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, đã được De Gaulle cử làm đại diện chính phủ lâm thời nước Pháp tự do (nhưng đến cuối tháng 10/1944, Toàn quyền Decoux phát hiện Mordant là thủ lĩnh phe De Gaulle nên đã giáng ông xuống làm Tổng thanh tra quân đội Pháp ở Đông Dương).
Nhà riêng của Louis Caput ở số 35 đại lộ Jauraguibarry (nay là phố Quang Trung) là nơi lui tới của những người Pháp phe De Gaulle như Thiếu tá quân y Seyberlich, Thiếu tá Auriol, sĩ quan hậu cần gần gũi với tướng Mordant.
Borchers thường hỏi tôi về đường lối và chính sách của Việt Minh mà anh biết là có quan hệ với Đảng Cộng sản. Nhưng do trình độ tiếng Pháp của tôi có hạn nên việc giải thích của tôi không được bao nhiêu. Vì vậy anh ngỏ ý muốn gặp đại diện cấp cao của Việt Minh để tìm hiểu cho rõ hơn.
Tôi ra ATK (an toàn khu) báo cáo sự việc với anh Trường Chinh. Anh bảo tôi bố trí cho anh gặp Borchers. Lúc đầu, tôi định tổ chức gặp ở cánh đồng Thủ Lệ, nhưng sau lại rời đến khu lăng mộ họ Phạm ở cánh đồng làng Vẽ thuộc ATK ngoại thành Hà Nội (trong họ Phạm có một số người là cơ sở của Việt Minh). Đó là vào giữa năm 1943.
Borchers mượn được một bộ quần áo kaki, trông như một anh cai lục lộ, cùng tôi đạp xe ra ngoại thành, theo đường đồng đến phía sau làng Vẽ. Anh Trường Chinh mặc bộ đồ xanh như một công nhân, đi bộ từ trong làng ra. Hai người gặp nhau giữa cánh đồng, chủ khách ngồi ngay trên gò cạnh ngôi mộ mới xây. Cuộc gặp diễn ra suốt từ 9 đến 11 giờ, lúc đó Borchers vẫn chưa biết người gặp mình là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Anh Trường Chinh lắng nghe Borchers trình bày về hoạt động của nhóm chiến sĩ chống phát xít. Anh động viên Borchers và các bạn hãy tranh thủ thời gian củng cố và phát triển tổ chức, đẩy mạnh tuyên truyền trong hàng ngũ sĩ quan và binh lính Lê dương, mở rộng ra cả những người Pháp yêu nước. Anh còn tranh luận với Borchers về các vấn đề nóng hổi của thời sự quốc tế, phân tích tình hình chính trị, xã hội ở Đông Dương, cho thấy thắng lợi tất yếu của Cách mạng Việt Nam và sự thất bại không thể tránh khỏi của bọn quân phiệt Nhật và thực dân Pháp.
Một tuần sau cuộc gặp đó, Borchers nói lại với tôi: “Cuộc trò chuyện với đại diện cấp cao của Việt Minh thật tuyệt vời, để lại cho tôi một ấn tượng hết sức sâu sắc và hết sức thuyết phục. Tôi đã được nói chuyện cởi mở với một người cộng sản Việt Nam đích thực (un vrai communiste), thông minh, có uy tín và cừ khôi nhất”.
Buổi gặp đã có tác động đến nhóm Lê dương của Borchers và các bạn bè Pháp của họ. Borchers có ý muốn tổ chức một nhóm Xã hội – Cộng sản (Social - Communiste). Anh Trường Chinh tán thành việc tổ chức đó và muốn thông qua họ để có hành động chung. Anh Trường Chinh đã thông qua Borchers để gửi “thông điệp miệng” tới những người Pháp phe De Gaulle rằng Việt Minh sẵn sàng gặp họ càng sớm càng tốt để bàn việc liên minh chống phát xít Nhật.
Tổng bộ Việt Minh đã quyết định tổ chức cuộc gặp giữa đại diện của mình với đại biểu một số người xã hội mácxít trong đội quân Lê dương Pháp, đại biểu phái tả xã hội Pháp và một đại biểu thuộc phe De Gaulle ở Đông Dương. Anh Trường Chinh cũng quyết định sẽ đích thân vào Hà Nội tham dự cuộc gặp và giao cho tôi phối hợp với Borchers chuẩn bị việc này.
Lúc đó, địch vừa xử bắn anh Hoàng Văn Thụ, còn anh Trường Chinh cũng bị địch kết án tử hình vắng mặt nên tôi rất lo. Đây là một cuộc họp với Tây ngay trong lòng Hà Nội. Không thể họp ở một nhà cơ sở cách mạng, ngay giữa phố phường tấp nập người qua lại. Bốn năm người Tây cùng bốn năm người ta cùng vào một nơi thì không thể kín đáo được.
Tôi đã nghĩ đến khả năng thuê thuyền đi trên sông Hồng, nhưng có trở ngại là ta chưa nắm được hương lý các làng dọc sông, nhỡ chúng quá hăng hái khám xét thì sao? Tôi đành nhờ Borchers tìm giúp địa điểm.
Borchers cho tôi biết Seyberlich là một trí thức thành thật, có thể tin được. Theo ý của Seyberlich thì ở nhà thương Đồn Thủy ông ta có một phòng khám X-quang ở trên gác, không ai vào được. Tôi đến xem thì thấy có điều bất tiện, vì phải đi qua nhiều phòng làm việc, ở sâu trong bệnh viện, xung quanh toàn Tây là Tây, nếu có gì bất trắc thì khó đảm bảo an toàn.
Seyberlich còn đưa ra một nơi khác là phòng thí nghiệm trong Trường đại học Y Dược, nơi mà ông ta hay lui tới. Tại đây, tôi cũng có quen một anh làm préparateur cho Khoa dược, giữ chìa khóa phòng thí nghiệm. Nhưng địa điểm này cũng bất tiện vì họp ban đêm bật đèn dễ bị lộ, chỉ có thể họp trong giờ làm việc mà thôi. Cả Borchers lẫn Seyberlich và tôi đều băn khoăn, chưa tìm ra được giải pháp thích hợp.
Cuối cùng, Seyberlich đưa ra một đề nghị khá bất ngờ. Nguyên có một ngôi nhà ở số 16, phố Delorme (nay là Trần Bình Trọng), vốn là một hộp đêm của các sĩ quan Pháp, có ít người biết. Nếu bao cả tối theo đúng “lịch” đã xếp cho Seyberlich thì coi như an toàn, có thể họp ngay tại đấy.
Tôi và Borchers đến nơi quan sát. Ngoài tầng trệt, các phòng ở hai lầu trên đều không thấy bày biện đồ đạc gì, ngoài mấy tấm đệm trải trên sàn. Gần đấy là các biệt thự sang trọng của các sĩ quan cao cấp Nhật ở phố Hailais (nay là Nguyễn Du), cách Sở Liêm phóng Đông Dương (nay là Bộ Công an) không xa.
Một vài ngôi nhà kế cận là của các giáo sư Trường Albert Sarraut. Đây là nơi ở của Tây và Nhật nên cảnh binh không bén mảng đến, ít người để ý. Tôi thấy địa điểm như vậy là được. Sau khi báo cáo lại, được anh Trường Chinh đồng ý, chúng tôi bắt tay chuẩn bị cho chuyến đột nhập thành phố của anh.
Chuyến đi của anh Trường Chinh phải được chuẩn bị hết sức chu đáo, không thể để xảy ra bất cứ một sơ suất nhỏ nào. Cuối tháng 12/1944, trời rét đậm. Tôi kiểm tra kỹ chiếc xe đạp thật tốt, đạp lên Nhật Tân, đón anh Trường Chinh từ ATK về. Anh cải trang làm một lái buôn bè gỗ, ngồi sau xe tôi, đi về thẳng nhà cô em gái tôi ở Bến Nứa (nơi đây chưa có tổ chức Việt Minh), nói là bạn của tôi.
Sau đó, tôi đến nhà anh Phan Hiền, ở 54 Hàng Ngang. Anh Phan Hiền là sinh viên năm thứ ba Trường Luật, đã được anh Trường Chinh chọn cùng đi gặp những người Pháp. Trước đó một tuần, anh Trường Chinh đã bảo tôi đến gặp anh Phan Hiền.
Anh căn dặn tôi và anh Phan Hiền hãy đọc kỹ mấy bài báo của anh viết về chính sách của Đảng ta đối với những người Pháp thuộc phe De Gaulle ở Đông Dương, đăng trên báo Cờ Giải phóng. Đó là những quan điểm cơ bản mà anh Trường Chinh sẽ nêu trong cuộc họp.
Tôi còn đến nhà Louis Caput. Gặp anh Đào Văn Mỹ là người do ta bố trí làm bồi cho Caput từ trước để nắm thêm thông tin (anh Mỹ về sau phụ trách công tác chính trị Trường đại học Sư phạm Vinh). Khi trở lại nhà cô em gái, tôi báo cáo lại những việc đã làm, anh Trường Chinh đánh giá là tốt.
Khi Hà Nội mới lên đèn, tôi và anh Phan Hiền cùng đi với anh Trường Chinh đến nhà số 16, phố Delorme. Đúng hẹn, Ernst Frey và Erwin Borchers đã có mặt ở đó để đón. Thiếu tá quân y Seyberlich ra tận cửa đón chúng tôi. Ngồi trên lầu hai được một lúc thì Louis Caput và Thiếu tá hậu cần Auriol cùng tới. Còn có một sĩ quan nữa đại diện cho Mordant.
Louis Caput đã biết anh Trường Chinh khi anh còn làm báo thời Mặt trận Dân chủ. Vì vậy vừa gặp, ông ta đã thốt lên ngạc nhiên: “Đại diện Tổng bộ Việt Minh lại chính là Cộng sản à?”.
Anh Trường Chinh tươi cười đáp: “Vào giờ phút này, Mặt trận Việt Minh đã lớn mạnh rồi, tập hợp trong hàng ngũ mình tất cả những người Việt Nam yêu nước, trong đó có cả Cộng sản. Và Việt Minh đang đứng cùng trận tuyến với các nước Đồng minh chiến đấu chống phát xít Nhật để giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc mình".
Tất cả ngồi xuống sàn nhà. Mọi người nhất trí, thời gian họp không nên kéo dài, chỉ trong vài giờ thôi. Và khi bắt đầu họp thì “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Mọi người đều tán thành. Anh Trường Chinh được mời phát biểu trước.
Với một giọng điềm đạm mà sôi nổi, anh Trường Chinh chào mừng những người Pháp phe De Gaulle, các chiến binh Lê dương chống phát xít, trong giờ phút nghiêm trọng này đã ý thức được sự cần thiết phải gặp đại diện Việt Minh để trao đổi nhận định về tình hình Đông Dương hiện nay, tiến tới tạo được một sự liên minh để cùng nhau phối hợp chống phát xít Nhật.
Sau khi phân tích tình hình quan hệ giữa Pháp và Nhật, anh Trường Chinh vạch rõ sự hợp tác đó không thể kéo dài mãi, một khi quân Đồng minh thắng lớn. Đã từ lâu, Mặt trận Việt Minh chủ trương “bắt tay có điều kiện” với những người Pháp thuộc phái De Gaulle để cùng nhau lập một mặt trận dân chủ chống phát xít Nhật. Các chiến sĩ Việt Minh đã kiên quyết đứng về phía các nước Đồng minh, chiến đấu chống lại quân đội phát xít Nhật đang đàn áp và chiếm đóng đất nước Việt Nam.
Thiếu tá Auriol đặt câu hỏi: “Nếu bắt tay liên minh với những người Pháp phe De Gaulle, các ông đặt ra những điều kiện gì?”.
Anh Trường Chinh trả lời: “Những người Pháp phe De Gaulle cần lợi dụng địa vị của mình trong bộ máy cai trị Đông Dương, thực hiện mấy việc sau đây:
Một là, vận động đình chỉ hoặc giảm bớt việc thu “thóc tạ”.
Hai là, vận động thả tù chính trị ở Đông Dương.
Ba là, tìm cách giao một số vũ khí cho Việt Minh để đánh Nhật”.
Đến lượt Caput phát biểu. Ông hoan nghênh Việt Minh đã có thái độ thân thiện và muốn hợp tác với những người Pháp phe De Gaulle đứng về phía Đồng minh chống phát xít. Tiếp đó, ông ca ngợi tướng De Gaulle, nhắc đến bản tuyên ngôn Brazzaville, hứa hẹn Pháp sẽ có nhiều cải cách, dành nhiều quyền lợi cho các nước thuộc địa cũ.
Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi. Anh Trường Chinh khẳng định: Việt Minh có thiện chí, và các anh cũng muốn góp phần giải phóng Đông Dương khỏi sự chiếm đóng của Nhật. Khẩu hiệu độc lập đối với nhân dân Việt Nam thì không thể bỏ, vì nếu hạ thấp thì nhân dân sẽ không tin. Nhưng trước mắt cần trao đổi là có hay không một sự “bắt tay” giữa những người Pháp phe De Gaulle với Việt Minh.
Tôi quan sát thấy hai người lính Lê dương gật gù vẻ tán đồng. Thấy vấn đề hơi căng thẳng, hai bên đồng ý nghỉ một lát. Lúc đó vào khoảng 9 giờ tối. Chợt Caput nói với tôi rằng có việc muốn ra ngoài khoảng 15 phút. Tôi bảo nên hỏi thẳng anh Trường Chinh.
Sau khi trao đổi với Seyberlich và Borchers, anh Trường Chinh đồng ý để cho Caput và Thiếu tá Auriol đi ra ngoài. Chúng tôi đoán là họ đi xin chỉ thị của cấp trên. Đúng là những giây phút căng thẳng. Tôi đứng trên ban công theo dõi, không thấy có ai đón ở ngoài, thấy họ đi về phía hồ chứ không phải đi về phía Ty Liêm phóng. Đúng hẹn, hai người quay trở lại.
Cuộc họp tiếp tục. Caput thay mặt những người Pháp De Gaulle nói rằng vấn đề đưa ra quá lớn, họ chưa thể quyết định được, cần phải hỏi lại cấp trên, chủ yếu là tướng Mordant, người đứng đầu phe Pháp De Gaulle, đại diện Chính phủ lâm thời nước Pháp tự do ở Đông Dương.
Anh Trường Chinh nhắc lại ba đề nghị, cố gắng làm được đến đâu hay đến đó. Đó là sự thể hiện hành động chung.
Caput có hỏi anh Trường Chinh: Tù chính trị là những ai? Anh Trường Chinh bảo: Ví như đồng chí Bùi Lâm. Vì Bùi Lâm công khai là đảng viên đảng Xã hội, nên anh dùng chữ “đồng chí” (camarade) với Caput cũng là đảng viên Xã hội. Caput nói cuộc họp nên dừng lại ở đây, họ sẽ xem xét các yêu cầu của Việt Minh sau. Lúc đó là 11 giờ đêm.
Frey và Borchers tỏ ra xúc động trước khi chia tay. Chắc chắn cuộc họp đã gây ấn tượng mạnh đối với hai chiến sĩ thanh niên chống phát xít mang quốc tịch Áo và Đức ấy.
Tôi đưa anh Trường Chinh đi về phía hồ Halais [1], đến trước nhà Vi Văn Định thì gọi xe kéo cho anh về. Anh dặn tôi tiếp tục giữ mối quan hệ với những người lính Lê dương, chiều mai sẽ gặp lại nhau lại ở ATK.
Một tháng sau cuộc họp, với bút danh CGP, anh Trường Chinh đã viết bài “Phải coi chừng cái bả Đờ Gôn” đăng trên báo Cờ Giải phóng số ra ngày 28/1/1945, nội dung có đoạn:
“Vì quyền lợi đế quốc, bọn Pháp Đờ Gôn không thừa nhận quyền dân tộc độc lập của ta. Vì sợ tù tội, những phần tử Pháp Đờ Gôn ở Đông Dương không dám công nhiên chống Nhật và bọn Pháp gian phản quốc. Trái lại, chúng lẩn lút trong bộ máy thống trị của bọn Đờcu đặng áp bức bóc lột dân ta và cam chịu làm tay sai cho phát xít Nhật, Pháp. Gần đây chúng thúc đẩy bọn Đờcu thi hành một vài phương pháp cải cách vụn vặt hòng mua chuộc lòng dân và tưởng rằng như thế chúng có thể thoát khỏi hai gọng kìm: một bên là nhân dân cách mạng Đông Dương, một bên là phát xít quân phiệt Nhật".
Những dự đoán của Trung ương Đảng đã tỏ ra chính xác. Ngày 9/3/1945, Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Quân Pháp trên toàn cõi Đông Dương đầu hàng không điều kiện. Binh lính Pháp ở miền Bắc tìm mọi cách chạy trốn sang Trung Quốc hòng duy trì lực lượng. Nhưng đại bộ phận đã bị quân Nhật cầm tù và tập trung về một số nơi, cùng với các quan chức và thường dân Pháp.
Đơn vị Lê dương ở Việt Trì cũng chung một số phận, bị giữ tại một nhà giam gần Hòa Bình. Chúng tôi đã mất liên lạc với những người bạn Đức và Áo có tư tưởng xã hội dân chủ.
Nhưng các chiến sĩ dân chủ trong đội Lê dương vẫn trung thành với lý tưởng của mình. Sau khi Nhật đầu hàng và Cách mạng Tháng Tám thành công, binh lính Pháp được ra khỏi các trại giam của Nhật. Những người bạn Đức và Áo lại tìm cách liên lạc với Việt Minh.
Ngày 16/9/1945, ba anh Borchers, Schroder và Frey tìm đến trụ sở phát hành tạm thời của báo Cờ Giải phóng gần hồ Hoàn Kiếm, vốn là Văn phòng kiến trúc sư Võ Đức Diên. Tôi đã đón tiếp ba chiến sĩ quốc tế chống phát xít, đưa các anh về cơ sở của Việt Minh ở kho Nhà Đoan, số 8, phố Balny (nay là Trần Nguyên Hãn).
Borchers nói với tôi: “Những người Cộng sản Việt Nam thật sáng suốt, thấy trước được diễn biến của thời cuộc. Bây giờ lại nắm được chính quyền. Thật kỳ diệu!”. Ba anh ngỏ ý muốn tiếp tục cộng tác, phục vụ công cuộc giành độc lập của Việt Nam. Tôi báo cáo với anh Trường Chinh.
Anh Trường Chinh đã đến kho Nhà Đoan tiếp ba anh, hoan nghênh tinh thần dứt khoát đi với Cách mạng Việt Nam của họ, rồi phân công họ chủ yếu là làm công việc tuyên truyền, địch vận. Anh Trường Chinh chỉ đạo đưa ba người về báo La République với anh Lưu Văn Lợi, đồng thời chỉ thị cho anh Lợi phải thu xếp chu đáo chỗ ăn ở cho bạn.
Sau đó, mỗi người được phân công tùy theo khả năng, hoàn cảnh của mình. Borchers lấy tên là Chiến Sĩ, được điều về làm ở ban địch vận, đến năm 1951, phụ trách giáo dục tù binh Đức. Schroder lấy tên là Lê Đức Nhân về làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, trở thành bình luận viên quốc tế. Còn Frey trở thành Nguyễn Dân được giao việc huấn luyện quân sự, trở thành người cộng sự gần gũi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho đến năm 1950.
Sau ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, theo sự chỉ đạo của anh Trường Chinh, ta tổ chức một cuộc gặp mặt các văn nghệ sĩ, trí thức có danh tiếng ở nhà Khai trí Tiến Đức cạnh hồ Hoàn Kiếm. Buổi đó ta có mời cả Louis Caput. Ông ta đến chào anh Trường Chinh và tỏ ý rằng ông ta đã thành thật trong buổi gặp ở nhà số 16 phố Delorme.
Theo chỉ thị của anh Trường Chinh, tôi tham gia cùng nhóm các anh Bùi Lâm, Phan Tử Nghĩa, Lưu Văn Lợi và vài người nữa, làm công tác vận động Pháp kiều. Sau đó Louis Caput vào Sài Gòn, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với ông ta và cả ông Lemerre làm việc trong bưu điện của Pháp ở phía Nam.
Qua đường dây bưu điện này, chúng tôi chuyển báo La République, tài liệu và cả tiền Đông Dương, vàng cho Ủy ban kháng chiến Nam Bộ. Chúng tôi biết Louis Caput có gửi nhiều thư về cho Chính phủ Pháp, trong đó có một thư ông đề nghị Chính phủ Pháp làm việc trực tiếp với Chính phủ Hồ Chí Minh để giải quyết vấn đề Việt Nam, không nên dùng Bảo Đại.
Do có công lao trong những năm tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp, các chiến sĩ dân chủ nói trên đã được Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân chương cao quý. Cuộc tiếp xúc của tôi với các chiến sĩ dân chủ trong đội quân Lê dương Pháp chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, và không phải liên tục.
Tuy nhiên, các lần tiếp xúc đó đã để lại trong lòng tôi những ấn tượng khó quên. Nó thể hiện tinh thần quốc tế cao cả mà Đảng ta luôn luôn nêu cao.
Cũng qua các cuộc tiếp xúc đó mà tôi có dịp gần gũi, học tập cách làm việc của anh Trường Chinh, được anh kèm cặp và rèn luyện để trưởng thành trong công tác sau này.
(Có tham khảo các hồi ký trong sách “Trường Chinh, một nhân cách lớn”, Nxb CTQG, 2002 và các bài viết trên Tạp chí Xưa & Nay số 207, tháng 3/2004, viết về “Những người Đức tham gia kháng chiến bảo vệ nền độc lập của Việt Nam”)
Trần Quốc Hương (nguyên Bí thư TƯ Đảng, nguyên Trưởng ban Nội chính TƯ)
Source: CAND, Đào Hùng (thực hiện)
Xem online : Cùng chủ đề
[1] hồ Thiền Quang