Trang nhà > Văn chương > Cổ điển > Sấm Trạng Trình và giai thoại
Sấm Trạng Trình và giai thoại
Thứ Tư 30, Tháng Bảy 2008, bởi
ĐT — Cho đến nay người ta vẫn đồn rằng ở bài thơ nôm sau đây mỗi câu sấm được coi là một lời tiên tri để lại của Trạng Trình, mặc dù chúng có vẻ khác xa văn phong trong Bạch Vân thi tập của cụ.
Sấm Trạng Trình
Trạng Trình tức Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, một hiền giả đời nhà Mạc (thế kỷ XVI). Viện nghiên cứu Hán - Nôm còn lưu trữ bốn bản "sấm ký" chép tay không ai biết tác giả nhưng hầu hết các giai thoại về Nguyễn Bỉnh Khiêm đều liên quan đến. Phần Sấm chữ quốc ngữ trong nhiều bản in thường viết theo thể lục bát hoặc song thất lục bát, cũng có khi xen thể ngũ ngôn, lục ngôn, thất ngôn. Phần này có thể được phiên ra từ ba bản nôm của Trường Viễn Đông Bác Cổ: Trình Tiên Sinh Quốc Ngữ, Trình Trạng Nguyên Sấm Ký Diễn Ca, Trình Quốc Công Sấm.
Bài sấm sau đây không ghi niên hiệu, bao gồm 2 chương với gần 500 câu thơ lẫn lộn thể loại và các từ Hán Việt, đọc thấy vừa kỳ lạ vừa rất khó hiểu [1]:
Chương Nhất
1 - Vận lành mừng gặp tiết lành
2 - Thấy trong quốc ngữ lập thành nên câu
3 - Một câu là một nhiệm màu
4 - Anh hùng gẫm được mới hầu giá cao
5 - Trải vì sao mây che Thái ất
6 - Thủa cung tay xe nhật phù lên
7 - Việt Nam khởi tổ xây nên
8 - Lạc Long ra trị đương quyền một phương
9 - Thịnh suy bỉ thới lẽ thường
10 - Một thời lại một nhiễu nhương nên lề
11 - Đến Đinh Hoàng nối ngôi cửu ngũ
12 - Mở bản đồ rũ áo chấp tay
13 - Nhự đao phút chốc đổi thay
14 - Tập bát tử rày quyền đã nổi lên
15 - Đông a âm vị nhi thuyền
16 - Nam phương kỳ mộc bổng liền lại sinh
17 - Chấn cung hiện nhật quang minh
18 - Sóng lay khôn chống trường thành bền cho
19 - Đoài cung vẽ rạng trăng thu
20 - Ra tay mở lấy đế đô vạn toàn
21 - Sáng cửu thiên ám vầng hồng nhật
22 - Dưới lẫn trên năng vẫn uống quen
23 - Sửa sang muôn việc cầm quyền
24 - Ngồi không ai dễ khắng nhìn giúp cho
25 - Kìa liệt vương khí hư đồ ủng
26 - Mặc cường hầu ong ỏng tranh khôn
27 - Trời sinh ra những kẻ gian
28 - Mặt khôn đổi phép, mặc ngoan tham tài
29 - Áo vàng ấm áp đà hay
30 - Khi sui đắp núi khi say xây thành
31 - Lấy đạc điền làm công thiên hạ
32 - Được mấy năm đất lở giếng mòn
33 - Con yết ạch ạch tranh khôn
34 - Vô già mợ hội mộng tôn làm chùa
35 - Cơ trời xem đã mê đồ
36 - Đã đô lại muốn mở đô cho người
37 - Ấy lòng trời xuôi lòng bất nhẫn
38 - Suốt vạn dân cưu giận nhân than
39 - Dưới trên dốc chí lo toan
40 - Những đua bán nước bán quan làm giàu
41 - Thống rủ nhau làm mồi phú quí
42 - Mấy trung thần có chí an dân
43 - Đua nhau làm sự bất nhân
44 - Đả tuần bốn bể lại tuần đầu non
45 - Dư đồ chia xẻ càn khôn
46 - Mối giềng man mác khiếp mòn lòng nhau
47 - Vội sang giàu giết người lấy của
48 - Sự có chăng mặc nọ ai đôi
49 - Việc làm thất chính tơi bời
50 - Minh ra bổng lại thất thôi bấy giờ
51 - Xem tượng trời đả gia ra trước
52 - Còn hung hăng bạc ngược quá xưa
53 - Cuồng phong cả sớm liền trưa
54 - Đả đờn cửu khúc còn thơ thi đề
55 - Ấy Tần Vương ngu mê chẳng biết
56 - Để vạn dân dê lại giết dê
57 - Luôn năm chật vật đi về
58 - Âm binh ở giữa nào hề biết đâu
59 - Thấy nội thành tiếng kêu ong ỏng
60 - Cũng một lòng trời chống khác nào
61 - Xem người dường vững chiêm bao
62 - Nào đâu còn muốn ước ao thái bình
63 - Một góc thành làm tâm chứng quỷ
64 - Đua một lòng ích kỷ hại nhân
65 - Bốn phương rời rỡ hồng trần
66 - Làng khua mỏ cá lãng phân điếm tuần
67 - Tiếc là những xuất dân làm bạo
68 - Khua dục loài thỏ cáo tranh nhau
69 - Nhân danh trọn hết đâu đâu
70 - Bấy giờ thiên hạ âu sầu càng ghê
71 - Hùm già lạc dấu khôn về
72 - Mèo non chi chí tìm về cố hương
73 - Chân dê móng khởi tiêu tường
74 - Nghi nhau ai dễ sửa sang một mình
75 - Nội thành ong ỏng hư kinh
76 - Đầu khỉ tin sứ chèo thành lại sang
77 - Bở mồ hôi Bắc giang tái mã
78 - Giữa hai xuân bỗng phá tổ long
79 - Quốc trung kinh dụng cáo không
80 - Giữa năm giả lại kiểm hung mùa màng
81 - Gà đâu sớm gáy bên tường
82 - Chẳng yêu thì cũng bất tường chẳng không
83 - Thủy binh cờ phất vầng hồng
84 - Bộ binh tấp nập như ong kéo hàng
85 - Đứng hiên ngang đố ai biết trước
86 - ấy Bắc binh sang việc gì chăng ?
87 - Ai còn khoe trí khoe năng
88 - Cấm kia bắt nọ tưng bừng đôi nơi
89 - Chưa từng thấy đời nào sự lạ
90 - Bổng khiến người giá họa cho dân
91 - Muốn bình sao chẳng lấy nhân
92 - Muốn yên sao chẳng dục dân ruộng cày
93 - Đả nên si Hoàn Linh đời Hán
94 - Đúc tiền ra bán tước cho dân
95 - Xun xoe những rắp cậy quân
96 - Chẳng ngờ thiên đạo xây dần đã công
97 - Máy hóa công nắm tay dễ ngõ
98 - Lòng báo thù ai dễ đã nguôi
99 - Thung thăng tưởng thấy đạo trời
100 - Phù Lê diệt Mạc nghỉ dời quân ra
101 - Cát lầm bốn bể can qua
102 - Nguyễn thì chẳng được sẽ ra lại về
103 - Quân hùng binh nhuệ đầy khe
104 - Kẻ xưng cứu nước kẻ khoe trị đời
105 - Bấy giờ càng khốn than ôi
106 - Quỉ ma chật vật biết trời là đâu ?
107 - Thương những kẻ ăn rau ăn giới
108 - Gặp nước bung con cái ẩn đâu
109 - Báo thù ấy chẳng sai đâu
110 - Tìm non có rẩy chừng sau mới toàn
111 - Xin những kẻ hai lòng sự chúa
112 - Thấy đâu hơn thì phụ thửa ân
113 - Cho nên phải báo trầm luân
114 - Ai khôn mới được bảo thân đời này
115 - Nói cho hay khảm cung rồng dấy
116 - Chí anh hùng xem lấy mới ngoan
117 - Chữ rằng lục thất nguyệt gian
118 - Ai mà nghĩ được mới gan anh tài
119 - Hễ nhân kiến đã dời đất cũ
120 - Thì phụ nguyên mới chỗ binh ra
121 - Bốn phương chẳng động can qua
122 - Quần hùng các xứ điều hòa làm tôi
123 - Bấy giờ mở rộng qui khôi
124 - Thần châu thu cả mọi nơi vạn toàn
125 - Lại nói sứ Hoàng Giang sinh thánh
126 - Hoàng phúc xưa đã định tây phong
127 - Làu làu thế giới sáng trông
128 - Lồ lộ mặt rồng đầu có chữ vương
129 - Rõ sinh tài lạ khác thường
130 - Thuấn Nghiêu là chí Cao Quang là tài
131 - Xem ý trời có lòng đãi thánh
132 - Dốc sinh hiền điều đỉnh nội mai
133 - Chọn đầu thai những vì sao cả
134 - Dùng ở tay phụ tá vương gia
135 - Bắc phương chính khí sinh ra
136 - Có ông Bạch sĩ điều hòa hôm mai
137 - Song thiên nhật rạng sáng soi
138 - Thánh nhân chẳng biết thì coi cho tường
139 - Đời này thánh kế vị vương
140 - Đủ no đạo đức văn chương trong mình
141 - Uy nghi trạng mạo khác hình
142 - Thác cư một gốc kim tinh phương đoài
143 - Cùng nhau khuya sớm dưỡng nuôi
144 - Chờ cơ sẽ mới ra tài cứu dân
145 - Binh thơ mấy quyển kinh luân
146 - Thiên văn địa lý nhân luân càng mầu
147 - Ở đâu đó anh hùng hẳn biết
148 - Xem sắc mây đã biết thành long
149 - Thánh nhân cư có thụy cung
150 - Quân thần đã định gìn lòng chớ tham
151 - Lại dặn đấng tú nam chí cả
152 - Chớ vội vàng tất tả chạy rong
153 - Học cho biết lý kiết hung
154 - Biết phương hướng bội chớ dùng làm chi
155 - Hễ trời sinh xuống phải thì
156 - Bất kỳ chi ngộ màng gì tưởng trông
157 - Kìa những kẻ vội lòng phú quí
158 - Xem trong mình một thí đều không
159 - Ví dù có gặp ngư ông
160 - Lưới chài đâu sẵn nên công mà hòng
161 - Xin khuyên đấng thời trung quân tử
162 - Lòng trung nghi ai nhớ cho tinh
163 - Âm dương cơ ngẫu ngô sinh
164 - Thái nhâm thái ất trong mình cho hay
165 - Văn thì luyện nguyên bài quyết thắng
166 - Khen Tử Phòng cũng đấng Khổng Minh
167 - Võ thông yên thủy thần kinh
168 - Được vào trận chiến mới càng biến cơ
169 - Chớ vật vờ quen loài ong kiến
170 - Biết ray tay miệng biếng nói không
171 - Ngỏ hay gặp hội mây rồng
172 - Công danh choi chói chép trong vân đài
173 - Bấy giờ phỉ sức chí trai
174 - Lọ là cho phải ngược xuôi nhọc mình
175 - Nặng lòng thật có vĩ kinh
176 - Cao tay mới gẫm biết tình năm nao
177 - Trên trời có mấy vì sao
178 - Đủ no biền tướng anh hào đôi nơi
179 - Nước Nam thường có thánh tài
180 - Ai khôn xem lấy hôm mai mới tường
181 - So mấy lời để tàng kim quỉ
182 - Chờ hậu mai có chí sẽ cho
183 - Trước là biết nẻo tôn phò
184 - Sau là cao chí biết lo mặc lòng
185 - Xem đoài cung đến thời bất tạo
186 - Thấy vĩ tinh liệu rạo cho mau
187 - Nguôi lòng tham tước tham giàu
188 - Tìm nơi tam hiểm mới hầu bảo thân
189 - Trẻ con mang mệnh tướng quân
190 - Ngỡ oai đã dấy ngỡ nhân đã nhường
191 - Ai lấy gương vua U thủa trước
192 - Loạn ru vì tham ngược bất nhân
193 - Đoài phương ong khởi lần lần
194 - Muôn sinh ba cốc cầm binh dấy loàn
195 - Man mác một đỉnh Hoành Sơn
196 - Thừa cơ liền mới nổi cơn phục thù
197 - Ấy là những binh thù Thái Thái
198 - Lòng trời xui ai nấy biết ru ?
199 - Phá điền đầu khỉ cuối thu
200 - Tái binh mới động thập thò liền sang
201 - Lọ chẳng thường trong năm khôn xiết
202 - Vẽ lại thêm hung kiệt mất mùa
203 - Lưu tinh hiện trước đôi thu
204 - Bấy giờ thiên hạ mây mù đủ năm
205 - Xem thấy những sương săm tuyết lạnh
206 - Loài bất bình tranh mạnh hung hăng
207 - Thành câu cá, lửa tưng bừng
208 - Kẻ ngàn đông Hải người rừng Bắc Lâm
209 - Chiến trường chốn chốn cát lầm
210 - Kẻ nằm đầy đất kẻ trầm đầy sông
211 - Sang thu chín huyết hồng tứ giả
212 - Noi đàng dê tranh phá đôi nơi
213 - Đua nhau đồ thán quần lê
214 - Bấy giờ thiên hạ không bề tựa nương
215 - Kẻ thì phải thủa hung hoang
216 - Kẻ thì binh hỏa chiến trường chết oan
217 - Kẻ thì mắc thủa hung tàn
218 - Kẻ thì bận của bổng toan khốn mình
219 - Muông vương dựng ổ cắn tranh
220 - Điều thì làm chước xuất binh thủ thành
221 - Bời bời đua mạnh tranh giành
222 - Ra đâu đánh đấy đem binh sớm ngày
223 - Bể thanh cá phải ẩn cây
224 - Đất bằng nổi sấm cát bay mịt mù
225 - Nào ai đã dễ nhìn U
226 - Thủy chiến bộ chiến mặc dù đòi cơn
227 - Cây bay lá lửa đôi ngàn
228 - Một làng còn mấy chim đàn bay ra
229 - Bốn phương cùng có can qua
230 - Làm sao cho biết nơi nào bảo thân
231 - Đoài phương thức có chân nhân
232 - Quần tiên khởi nghĩa chẳng phân hại người
233 - Tìm cho được chốn được nơi
234 - Thái nguyên một giãi lần chơi trú đình
235 - Bốn bề núi đá riễu quanh
236 - Một đường tiểu mạch nương mình dấy an
237 - Hễ đông nam nhiều phen tàn tạc
238 - Tránh cho xa kẻo mắc đao binh
239 - Bắc kinh mới thật đế kinh
240 - Dấu thân chưa dễ dấu danh được nào
241 - Chim hồng vỗ cánh bay cao
242 - Tìm cho được chốn mới vào thần kinh
243 - Ai dễ cứu con thơ sa giếng
244 - Đưa một lòng tranh tiếng dục nhau
245 - Vạn dân chịu thủa u sầu
246 - Kể dư đôi ngủ mới hầu khoan cho
247 - Cấy cày thu đãi thời mùa
248 - Bấy giờ phá ruộng lọ chờ mượn ai
249 - Nhân ra cận duyệt viễn lai
250 - Chẳng phiền binh nhọc chẳng nài lương thêm
251 - Xem tượng trời biết đường đời trị
252 - Gẫm về sau họ Lý xưa nên
253 - Dòng nhà để lấy dấu truyền
254 - Gẫm xem bốn báu còn in đời đời
255 - Thần qui cơ nổ ở trời
256 - Để làm thần khí thủa nơi trị trường
257 - Lại nói sự Hoàng Giang sinh thánh
258 - Sông Bảo Giang thiên định ai hay
259 - Lục thất cho biết ngày dài
260 - Phụ nguyên ấy thực ở đầy tào khê
261 - Có thầy nhân thập đi về
262 - Tả phụ hữu trì cây cỏ làm binh
263 - Dốc hết sức sửa sang vương nghiệp
264 - Giúp vạn dân cho đẹp lòng trời
265 - Ra tay điều chỉnh hộ may
266 - Bấy giờ mới biết rằng tài yên dân
267 - Lọ là phải nhọc kéo quân
268 - Thấy nhân ai chẳng mến nhân tìm về
269 - Năm giáp tý vẽ khuê đã rạng
270 - Lộ ngũ tinh trinh tượng thái hanh
271 - Ân trên vũ khí vân hành
272 - Kẻ thơ ký túy kẻ canh xuân đài
273 - Bản đồ chảng sót cho ai
274 - Nghìn năm lại lấy hội nơi vẹn toàn
275 - Vững nền vương cha truyền con nối
276 - Dõi muôn đời một mối xa thư
277 - Bể kình tâm lặng bằng tờ
278 - Trăng thanh ai chẳng ơn nhờ gió xuân
279 - Âu vàng khỏe đặt vững chân
280 - Càng bền thế nước vạn xuân lâu dài.
Chương Nhì
281 - Vừa năm nhâm tý xuân đầu
282 - Thanh nhàn ngồi tựa hương câu nghĩ đời
283 - Quyển vàng mở thấy sấm trời
284 - Từ Đinh đổi đời chí lục thất gian
285 - Một thời có một tôi ngoan
286 - Giúp trong việc nước gặp an thái bình
287 - Luận chung một tập kim thời
288 - Tướng quyền tử sĩ nam nhi học đòi
289 - Trượng phu có chí thời coi
290 - Những câu nhiệm nhặt đáng đôi nhành vàng
291 - Tài này nên đấng vẻ vang
292 - Biết chừng đời trị biết đường đời suy
293 - Kể từ nhân đoản mà đi
294 - Số chưa gặp thì biết hòa chép ra
295 - Tiếc thay hiền sĩ bao già
296 - Ước bằng Bành Tổ ắt là Thái Công
297 - Thử cho tay giúp ra dùng
298 - Tài này so cùng tài trước xem sao
299 - Trên trời kể chín tầng cao
300 - Tay nghe bằng một ti hào biết hay
301 - Hiềm vì sinh phải thời này
302 - Rấp thù mở nước tiếc thay chưng đời
303 - Hợp đà thay thánh nghìn tài
304 - Giáng sinh rủi kiếp quỉ ma nhà trời
305 - Nói ra thì lậu sự đời
306 - Trái tai phải lụy tài trai khôn luần
307 - Nói ra ám chúa bội quân
308 - Đương thời đời trị xoay vần được đâu
309 - Chờ cho nhân đoản hết sau
310 - Đến chừng đời ấy thấy âu nhiễu nàn
311 - Trời xui những kẻ ắt gian
312 - Kiếp độc đạo thiết làm loàn có hay
313 - Vua nào tôi ấy đã bày
314 - Trên đầu bất chính dưới nay dấy loàn
315 - Đua nhau bội bạn nghịch vi
316 - Ích gia phi kỷ dân thì khốn thay
317 - Tiếc tài gẫm được thời hay
318 - Đã sao như vậy ra tay sẽ dùng
319 - Tài trai có chí anh hùng
320 - Muốn làm tướng súy lập công xưng đời
321 - Khá xem nhiệm nhặt tội trời
322 - Cơ mưu nhiệm nhặt mấy trai anh hùng
323 - Đi tìm cho đến đế cung
324 - Rấp phù xuất lực đế cung được toàn
325 - Bảo nhau cương kỷ cho tường
326 - Bốn phương cũng được cho yên trong ngoài
327 - Chờ cho động đất chuyển trời
328 - Bấy giờ thánh sẽ nên tay anh hùng
329 - Còn bên thì náu chưa xong
330 - Nhân lực cướp lấy thiên công những là
331 - Đời ấy những quỉ cùng ma
332 - Chẳng còn ở thật người ta đâu là
333 - Trời cao đất rộng bao xa
334 - Làm sao cho biết cửa nhà đế vương
335 - Dù trai ai chửa biết tường
336 - Nhất thổ thời sĩ Khảm Phương thuở này
337 - Ý ra lục thất gian nay
338 - Thời vận đã định thời này hưng vương
339 - Trí xem nhiệm nhặt cho tường
340 - Bảo Giang thánh xuất trung ương thuở nầy
341 - Vua ngự thạch bàn xa thay
342 - Đại ngàn vắng vẻ những cây cùng rừng
343 - Gà kêu vượn hót vang lừng
344 - Đường đi thỏ thẻ dặm chưn khôn dò
345 - Nhân dân vắng mạt bằng tờ
346 - Sơn lâm vào ở đổ nhờ khôn thay
347 - Vua còn cuốc nguyệt cày mây
348 - Phong điều vũ thuận thú rày an dân
349 - Phong đăng hòa cốc chứa chan
350 - Vua ở trên ngàn có ngũ sắc mây
351 - Chính cung phương khảm vầng mây
352 - Thức thay thiên tử là nay trị đời
353 - Anh hùng trí lượng thời coi
354 - Công danh chẳng ngại tìm đòi ra đi
355 - Tìm lên đến thạch bàn khê
356 - Có đất sinh thánh bên kia cuối làng
357 - Nhìn đi nhìn lại cho tường
358 - Chửa có sinh vương đâu là
359 - Chẳng tìm thì đến bình gia
360 - Thánh chưa sinh thánh báo ca địa bình
361 - Nhìn xem phong cảnh cũng xinh
362 - Tả long triều lại có thành đợt vây
363 - Hữu hổ quấn khúc giang này
364 - Minh đường thất diệu trước bày mặt tai
365 - Ở xa thấy một con voi
366 - Cúi đầu quen bụi trông vời hồ sâu
367 - Ấy điềm thiên tử về chầu
368 - Tượng trưng đế thánh tô lâu trị đời
369 - Song thiên nhật nguyệt sáng soi
370 - Sinh đặng chúa ấy là ngôi chẳng cầu
371 - Đến đời thịnh vượng còn lâu
372 - Đành đến tam hợp chia nhau sẽ làm
373 - Khuyên cho đông bắc tây nam
374 - Muốn làm tướng súy thì xem trông này
375 - Thiên sinh thiên tử ư hỏa thôn
376 - Một nhà họ Nguyễn phúc sinh tôn
377 - Tiền sinh cha mẹ đà cách trở
378 - Hậu sinh thiên tử Bảo Giang môn
379 - Kìa cơn gió thổi lá rung cây
380 - Rung bắc sang nam đông tới tây
381 - Tan tác kiến kiều an đất nước
382 - Xác xơ cổ thụ sạch am mây
383 - Sơn lâm nổi sóng mù thao cát
384 - Hưng địa tràng giang hóa nước đầy
385 - Một gió một yên ai sùng bái
386 - Cha con người Vĩnh Bảo cho hay
387 - Con mùng búng tít con quay
388 - Vù vù chong chóng gió bay trên đài
389 - Nhà cha cửa đóng then cài
390 - Mầm sấm động hỏi người đông lân
391 - Tiếc tám lạng thương nửa cân
392 - Biết rằng ai có du phần như ai
393 - Bắt tay nằm nghĩ dông dài
394 - Thương người có một lo hai phận mình
395 - Canh niên tân phá
396 - Tuất hợi phục sinh
397 - Nhị ngũ dư bình
398 - Long hổ xà đầu khởi chiến tranh
399 - Can qua tứ xứ loạn đao binh
400 - Mã đề dương cước anh hùng tận
401 - Thân dậu niên lai kiến thái bình
402 - Non đoài vắng vẻ bấy nhiêu lâu
403 - Có một đàn xà đánh lộn nhau
404 - Vượn nọ leo cành cho sỉ bóng
405 - Lợn kia làm quái phải sai đầu
406 - Chuột nọ lăm le mong cản tổ
407 - Ngựa kia đủng đỉnh bước về tàu
408 - Hùm ở trên rừng gầm mới dậy
409 - Tìm về quê cũ bắt ngựa tàu
410 - Cửu cửu kiền khôn dĩ định
411 - Thanh minh thời tiết hoa tàn
412 - Trực đáo dương đầu mã vĩ
413 - Hồ binh bát vạn nhập trường an
414 - Bảo Giang thiên tủ xuất
415 - Bất chiến tự nhiên thành
416 - Lê dân bảo bảo noãn
417 - Tứ hải lạc âu ca
418 - Dục đức thánh nhân hương
419 - Quá kiều cư bắc phương
420 - Danh vi Nguyễn gia tử
421 - Kim tịch sinh ngưu lang
422 - Thượng đại nhân bất nhân
423 - Thánh ất dĩ vong ân
424 - Bạch hổ kim đái ấn
425 - Thất thập cổ lai xuân
426 - Bắc hữu kim thành tráng
427 - Nam tạc ngọc bích thành
428 - Hỏa thôn đa khuyển phệ
429 - Mục giả dục nhân canh
430 - Phú quí hồng trần mộng
431 - Bần cùng bạch phát sinh
432 - Anh hùng vương kiếm kích
433 - Manh cổ đổ thái bình
434 - Nam Việt hữu Ngưu tinh
435 - Quá thất thân thủy sinh
436 - Địa giới sĩ vị bạch
437 - Thủy trầm nhi bắc kinh
438 - Kỷ mã xu dương tẩu
439 - Phù kê thăng đại minh
440 - Trư thử giai phong khởi
441 - Thìn mão xuất thái bình
442 - Phân phân tùng Bắc khởi
443 - Nhiễu nhiễu xuất đông chinh
444 - Bảo sơn thiên tử xuất
445 - Bất chiến tự nhiên thành
446 - Thủy chung tàng bảo cái
447 - Hứa cập thánh nhân hương
448 - Mộc hạ châm châm khẩu
449 - Danh thế xuất nan lương
450 - Danh vi Nguyễn gia tử
451 - Tinh bản tại ngưu lang
452 - Mại dử lê viện dưỡng
453 - Khởi nguyệt bộ đại giang
454 - Hoặc kiều tam lộng ngạn
455 - Hoặc ngụ kim lăng cương
456 - Thiên dử thần thức thụy
457 - Thụy trình ngũ sắc quang
458 - Kim kê khai lựu điệp
459 - Hoàng cái xuất quí phương
460 - Nhân nghĩa thùy vi địch
461 - Đạo đức thực dữ đương
462 - Tộ truyền nhị thập ngũ
463 - Vận khải ngũ viên trường
464 - Vận đáo dương hầu ách
465 - Chấn đoài cương bất trường
466 - Quần gian đạo đanh tự
467 - Bách tính khổ tai ương
468 - Can qua tranh đấu khởi
469 - Phạm địch tánh hung hoang
470 - Ma vương sát đại quỉ
471 - Hoàng thiên tru ma vương
472 - Kiền khôn phú tải vô lương
473 - Đào viên đỉnh phát quần dương tranh hùng
474 - Cơ nhị ngũ thư hùng vị quyết
475 - Đảo Hoàn Sơn tam liệt ngũ phân
476 - Ta hồ vô phụ vô quân
477 - Đào viên tán lạc ngô dân thủ thành
478 - Đoài phương phước địa giáng linh
479 - Cửu trùng thụy ứng long thành ngũ vân
480 - Phá điền thiên tử giáng trần
481 - Dũng sĩ nhược hải mưu thần như lâm
482 - Trần công nải thị phúc tâm
483 - Giang hồ tử sĩ đào tiềm xuất du
484 - Tướng thần hệ xuất y chu
485 - Thứ ky phục kiến Đường ngu thi hành
486 - Hiệu xưng thiên hạ thái bình
487 - Đông tây vô sự nam thành quốc gia
Giai thoại
Trạng Trình có 3 người vợ và 12 người con (7 trai 5 gái) các con trai đều có chức tước sau nầy. Ông mất ngày 28 tháng 11 năm đinh dậu, niên hiệu Diên Thành thứ 8 nhà Mạc (1585), hưởng thọ 94 tuổi, để lại nhiều chuyện đồn đại.
+ Đổi hướng mộ
Trước khi chết, Trạng có ghi vào gia phả và dặn con cháu rằng:
Bình sinh ta có tấm bia đá sẵn và đã sơn kia. Khi ta mất rồi,, hễ hạ quan tài xuống phải để tấm bia đá ấy lên nắp rồi lấp đất. Chờ khi nào có khách tới viếng mộ và nói rằng: "Thánh nhân mắt mù" thì phải lập tức mời người ấy vào nhà, yêu cầu họ đổi hướng lại ngôi mộ cho ta. Nếu trái lời ta, dòng dõi về sau sẽ suy đồi lụn bại đấy.
Con cháu nghe lời, làm y như đã dặn. Nhưng chờ mãi đến năm mươi năm sau, mới có người khách đến nhìn mộ cụ một lúc rồi nói: Cái huyệt ở đằng chân sờ sờ thế kia mà không biết, lại tự đem để mả thế này. Vậy mà thánh nhân gì chớ, hoạ chăng là thánh nhân mắt mù.
Người trong họ nghe được, chạy về báo với trưởng tộc. Ông này vội vàng ra đón người khách Tầu kia về nhà, xin để xoay ngôi mộ kia lại. Ra đó là một nhà phong thuỷ trứ danh ở phương Bắc. Ông ta sang là để đi tìm xem di tích của Trạng, bấy lâu ông ta đã nghe tiếng đồn.
Khi nghe vị trưởng tộc nói, ông ta sẵn lòng làm ngay, và tự đắc cho rằng mình giỏi hơn Trạng Trình. Ông ta bảo: Không cần phải đem đi đâu xa cả, chỉ đào lên rồi xoay lại, nhích đi một chút là được. Ông trưởng tộc bèn tụ họp con cháu lại, đưa thầy địa lý Tầu ra đổi lại ngôi mộ. Lúc đào đến tấm bia đá, ông ta làm lạ bảo đem rửa sạch xem những gì trên đó. Khi tấm bia được rửa sạch mới thấy mấy câu thơ hiện ra, tạm dịch nghĩa như sau:
Ngày nay mạch lộn xuống chân
Năm mươi năm trước mạch dâng đằng đầu
Biết gì những kẻ sinh sau
Thánh nhân mắt có mù đâu bao giờ
Đọc tới đâu vị khách Tầu đổ mồ hôi hột đến đó, ra Trạng Trình mà ông ta nghe đồn là giỏi thật. So với Trạng, có lẽ ông còn thua xa.
+ Vượt Đèo Ngang
Sinh thời, Nguyễn Hoàng hỏi Trạng, được phán "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân". Nguyễn Hoàng xin vào trấn thủ Thuận Hóa phía nam dãy Hoành Sơn, mở ra nhà Nguyễn truyền nối lâu dài...
+ Nước non Cao Bằng
Họ Mạc khi thất thế được Trạng nói "Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế" (Đất Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng dung thân được vài đời). Quả nhiên, con cháu nhà Mạc chạy lên đó làm vua được gần 70 năm mới bị đánh bại.
+ Vua Lê chúa Trịnh
Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất, không có con nối dõi. Thái sư Trịnh Kiểm muốn tự lập làm vua, nhưng còn ngại, bèn hỏi ý Trạng Trình. Đang bàn với người nhà về việc ruộng nương, ông nói bóng gió: "Năm nay mất mùa, giống lúa không được tốt, lấy lại giống cũ mà trồng’’. Rồi ông dẫn đi thăm chùa, gặp chú tiểu đang quét chùa, ông khen: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn xôi ăn oản". Trịnh Kiểm hiểu ý, bỏ ý định soán ngôi, tìm cháu 5 đời của Lê Trừ (là anh ruột của vua Lê Lợi), lập lên làm vua, tức vua Lê Anh Tông.
+ Giúp đỡ con cháu
Trước khi mất, Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một phong thư, đặt trong một ống quyển gắn kín, dặn con cháu sau này nếu làm ăn sa sút, mang thư ấy đến gặp quan sở tại sẽ được cứu giúp.
Đến đời thứ bảy, người cháu là Thời Đương nghèo khốn, nhớ lời truyền đem phong thư đến gặp quan sở tại. Quan đang nằm võng đọc sách, lật đật chạy ra đón thư. Vừa ra khỏi nhà, cái xà rơi xuống đúng chỗ võng. Mở thư ra xem:
Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách
Nhĩ cứu ngã thất thế chi tôn
(Ta cứu ngươi khỏi xà rơi
Ngươi nên cứu cháu bảy đời của ta)
Quan kinh ngạc, bèn giúp đỡ cháu bảy đời của Trạng tử tế.
+ Phá đền thì phải làm đền
Đời vua Minh Mệnh (1820-1840) trong dân gian lưu truyền câu sấm:
"Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi vương" (đời thứ hai Gia Long, người Vĩnh Lại làm vua). Vua căm giận sai Tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Công Trứ đến phá đền thờ Trạng Trình. Khi quân lính tháo cây thượng lương, một cái hộp nhỏ giấu sẵn trong cây gỗ rơi xuống. Trong cái hộp có mảnh giấy ghi câu thơ sau [2]:
Minh Mệnh thập tứ.
Thằng Trứ phá đền.
Phá đền thì lại làm đền.
Nào ai cướp nước tranh quyền gì ai.
Nguyễn Công Trứ vội ra lệnh dừng ngay việc phá đền, khẩn cấp tâu về triều đình, xin làm lại đền thờ Trạng Trình.
+ 1930, khởi nghĩa Yên Bái
Việt Nam Quốc Dân Ðảng với lãnh tụ Nguyễn Thái Học (1901-1930) đã khởi nghĩa ngày 10/2/1930 đánh Tây ở các tỉnh Yên Bái, Hưng Hoá, Lâm Thao, Hải Dương và Kiến An, nơi nghĩa quân giết tri phủ, đánh chiếm huyện lỵ. Robin, thống sứ Bắc Kỳ, đã cho máy bay ném đến 57 quả bom tàn phá làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An để trả thù. Cổ Am được coi là quê hương của trạng Trình, thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) thuộc huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Năm Minh Mạng thứ 19 (1838), mới thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Kiến An. Trạng Trình đã tiên đoán như sau:
Kìa kìa gió thổi lá rung cây
Rung Bắc rung Nam rung tới Tây
Tan tác kiến kiều an đất nước
Xác xơ cổ thụ sạch am cây
Lâm giang nổi gió mù thao cát
Hưng địa tràn dâng hóa nước đầy
Một ngựa một yên ai sùng bái
Nhắn tin nhà vĩnh bảo cho hay.
+ 1954, tiếp quản thủ đô
Cửu cửu càn khôn dĩ định.
Thanh minh thời tiết hoa tàn.
Trực đáo dương đầu mã vĩ.
Hồ binh bát vạn nhập Tràng An.
Càn khôn dĩ định - là số trời đã định, 9 lần 9 là 81 năm vào tiết thanh minh, đầu năm Dê (1955) cuối năm Ngựa (1954) tám vạn bộ đội Cụ Hồ vào Tràng An (Hà Nội) tiếp quản thủ đô, kết thúc nền đô hộ của Pháp kéo dài 81 năm. Đó là 10.10.1954.
+ Năm 1991, làng Yên Xá tách đôi. Lại có sự kiện khánh thành cây cầu lớn bắc qua sông Hàn, TT Phạm Văn Đồng cùng một số lãnh đạo về dự và đoàn có ghé thăm ngôi nhà xưa của Trạng Trình nhân 500 năm ngày sinh. Lúc đó người ta mới ngớ ra và nhớ lại câu đồng dao trước kia:
Khi nào Yên Xá bổ đôi
Sông Hàn nối lại thì tôi lại về
+ 1991, hưng thịnh?
Trạng Trình còn có một câu sấm rất đáng suy nghĩ:
Hồng Lam ngũ bách niên thiên hạ
Hưng tộ diêm trường ức vạn xuân.
Có nghĩa là: Đất Hồng Lam sau ta 500 năm sẽ là thời kỳ hưng khởi hàng vạn năm. Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, vậy 500 năm sau là 1991, liệu nước ta có bước vào một thời kỳ thịnh vượng lâu dài?
(ST)
Xem online : Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)
[1] Chẳng hạn ngay ở câu 7 đã viết "Việt Nam khởi tổ xây nên", trong khi đó theo chính sử thì mãi gần 300 năm sau vua Gia Long mới gọi tên nước ta là Việt Nam. (ĐT)
[2] Còn có phiên bản hơi khác:
Phá đền thì phải làm đền,
Nào ai đụng đến doanh điền nhà bay".
Ngoài ra, biết đâu chính cụ Trứ làm thơ để cứu đền?(ĐT)